Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
04/10/2012 07:10 # 1
anh2bmw
Cấp độ: 48 - Kỹ năng: 44

Kinh nghiệm: 255/480 (53%)
Kĩ năng: 408/440 (93%)
Ngày gia nhập: 27/11/2009
Bài gởi: 11535
Được cảm ơn: 9868
Mang yêu thương về với miền quê nghèo Đại Sơn


 

Mang yêu thương về với miền quê nghèo Đại Sơn

Sau gần 3 giờ lặn lội đường núi, đường sông, chiều ngày 29/9/2012, đoàn tình nguyện với chương trình mang tên “Niềm vui trở lại” đặt chân đến vùng quê khó khăn nhất của xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
Hơn 80 con người đang độ xuân trẻ từ khắp mọi miền đất nước vượt qua những khoảng cách xa lạ để cùng lên đường mang cái Tết trung thu về cho những trẻ em nghèo bên dòng sông Vu Gia. Mang trong mình bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, sinh viên Đại học Duy Tân - Đà Nẵng và thành viên Gia đình Tâm thiện Bụi đời Tp. Hồ Chí Minh đã đem lại một mùa trung thu ấm áp yêu thương cho thiếu nhi Đại Sơn. Trong số họ, có người đã quen thuộc với những hành trình thiện nguyện, cũng có kẻ mới lần đầu ngỡ ngàng nhìn xuống đồng loại mình. Vẫn chung nhau những cái nhìn thảng thốt, chung nhau những nỗi niềm thổn thức, chung nhau giọt nước mắt cố giấu vào trong…
Chuyến đò mang yêu thương về với Đại Sơn

Tập kết tại ủy ban xã với 1000 bánh trung thu, 1000 lồng đèn cùng 30 chiếc xe đạp, 50 phần quà và 12 triệu đồng hỗ trợ 3 em nhỏ và 1 người già là nạn nhân của những căn bệnh quái ác, đoàn thiện nguyện háo hức mỗi người một nhiệm vụ, nhóm vượt sông để phát quà trung thu cho trẻ em và bà con nghèo, nhóm ở lại chuẩn bị chương trình “Đêm trăng rằm cho em” vào buổi tối cùng ngày.

Theo chân những con người trẻ tuổi, trẻ lòng, chúng tôi vượt dòng Vu Gia đến với những thôn làng xa xôi bị cách ngăn bởi sông nước và núi đồi. Đơn độc một xóm nhỏ, xập xệ đôi mái nhà, nheo nhóc những thân phận, họ đang từng ngày lay lắt chống chọi với cái nghèo đói, bệnh tật và cả sự cô độc đến não nùng. Nơi đây không điện, không nước sạch, không sóng điện thoại. Nỗ lực của chính quyền địa phương chỉ có thể mang về ánh điện chạy bằng máy nổ từ 6h đến 8h30 tối cho những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu. Biểu hiện duy nhất của đời sống văn minh ở chốn này là trường học, và dường như chính cái chữ là nguồn vui, là quà tặng quý giá nhất mà những trẻ em nghèo có được. Chợt thấy thương cô giáo tiểu học còn quá son trẻ, bởi một khi đã gắn bó đời mình với tuổi thơ bất hạnh nơi đây, giấc mơ của cô đã không còn viễn cảnh về những đêm hội trăng rằm thỏa thích cùng bạn bè nơi phố thị. Giấc mơ giờ đây giản dị đến không ngờ, đó là nụ cười của những học trò yêu.  Trung thu năm nay, điều ấy đã trở thành hiện thực.
Vui chơi cùng thiếu nhi xóm nghèo
Đêm dần xuống. Cùng chuyến đò với đoàn, chúng tôi được gặp một cụ bà đã 80 tuổi vẫn hằng ngày vượt sông đến bán hàng tại thôn nghèo. Bà tâm sự: “Tui xin được cái vé của xã để khỏi tốn tiền đi đò, mỗi ngày đều đến đây bán hàng. Tui còn đứa cháu nội học đến lớp 10, có khổ mấy cũng phải thay ba má nó lo cho nó đi học. Cô chú nghĩ, xa xôi thế này, mỗi lần đi chợ đã mất 40 ngàn tiền đò, còn nhiều hơn tiền đi chợ, bà con có mấy đời qua sông đâu.” Nghe nghẹn lòng như vừa nuốt phải một miếng đắng. Tôi nhìn xuống dòng nước kia. Núi cao xanh. Nhưng núi không đủ nâng bước trẻ thơ ở chốn xa xôi ấy. Sông rộng dài. Nhưng dòng nước quanh năm đục ngầu không thể soi thấu những mảnh đời bất hạnh đau thương. Chỉ có tình người mới sưởi ấm được cái lạnh của những mất mát đói nghèo. Đường về trở nên trầm lặng khác thường. Dường như ai nấy đều đang mãi theo đuổi ý nghĩ của mình sau một chuyến đi dài.
Trở lại ủy ban xã với “Đêm trăng rằm cho em”, những thành viên trong đoàn còn nặng lòng ám ảnh bởi nụ cười hiếm hoi trên đôi môi khô gầy của trẻ nhỏ nơi xóm nghèo. Từng xông xáo trong suốt chương trình, đồng chí Phạm Đăng Quang - cựu bí thư Đoàn trường, Phó Trưởng phòng Công tác Học sinh Sinh viên Đại học Duy Tân chia sẻ: “Chuyến đi này xuất phát từ ý tưởng và sự thống nhất trên mạng xã hội khi chúng tôi cùng thấu hiểu và mong muốn chia sẻ khó khăn cho trẻ em nghèo nói riêng và những người dân Đại Sơn nói chung. Đây không phải là lần đầu tiên sinh viên Đại học Duy Tân tham gia các chương trình tình nguyện, các hoạt đông từ thiện, nhưng mỗi lần về với Đại Sơn đều đầy ắp cảm xúc. Mong rằng những người dân nơi đây sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm từ các tổ chức từ thiện, các nhà hảo tâm.” Đó cũng chính là ước vọng của những con người đang mải miết trên hành trình mang yêu thương về với những mảnh đời bất hạnh bên dòng sông Vu Gia. 

 

Thỏa - Trung tâm Truyền thông ĐH Duy Tân



Thông tin liên hệ anh2bmw khi có bất kỳ thắc mắc:
skype: trantien281
mail: 
anh2bmw@gmail.com


 

 
Các thành viên đã Thank anh2bmw vì Bài viết có ích:
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024