Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
12/02/2019 22:02 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
Động lực để tự học và cách tự học hiệu quả


Động lực để tự học và cách tự học

Học bao nhiêu thì đủ? Học hết cấp 3? Có bằng cử nhân? Có bằng tiến sĩ? Đối với những người thích tự học và đặt mục tiêu học cả đời thì những câu hỏi này có khả năng chẳng liên quan lắm. Bởi vì với họ, sự học chẳng bao giờ dừng. Giáo dục chính thống có thể giúp bạn có một nền tảng kiến thức ở mức độ nào đó trong những lĩnh vực nhất định. Khi kết hợp với việc tự học, bạn sẽ bắt kịp được những phát triển và đột phá mới lâu dài, kể cả khi bạn đã về già. Bạn có thể tự học qua sách v, báo chí, tham dự các hội nghị, câu chuyện, nghe sách nói, video, học hỏi từ bạn bè, đồng nghiệp…

Với bài viết này, mình sẽ chia sẻ với bạn:

1. Câu chuyện của tác giả Tobias van Schneider để tìm kiếm động lực tự học.

2. Một vài tip tự học của mình. Những gì mình rèn luyện được đến bây giờ phần lớn đều nhờ tự học. Mình là người rất thích tự học.

***

Tobias van Schneider – Trở thành Designer nhờ tự học

Nhiều người hỏi tôi “Anh tự học như thế nào vậy?”

Có lời khuyên nào không? Có cuốn sách nào để đọc không?

Tôi luôn tự mô tả bản thân mình như một Designer tự học bởi vì tôi cũng chẳng giỏi hơn mức này là mấy. Thực tế, tôi đã bỏ học cấp 3 lúc 15 tuổi và cũng chưa bao giờ học qua trường lớp nào về thiết kế.

Nhưng tôi tin bây giờ việc “tự học” hơi bị phóng đại một chút, phần lớn bởi vì nó tạo nên một câu chuyện đầy hấp dẫn. Tự học không phải là thứ trái ngược với việc đi học đại học. Thực sự, phần lớn chúng ta cũng đều tự học, kể cả có học theo cách “chính thống”.

Ý của tôi ở đây ám chỉ vào ý nghĩa của sự tự học. Bạn sẽ luôn cần học từ một người khác. Có thể là sách vở, người cố vấn hay Internet. Sự khác biệt duy nhất giữa việc tự học với việc đến lớp học đó là bạn học theo lộ trình của riêng bạn. Bạn lựa chọn “giáo viên” và đặt ra mục tiêu của riêng bạn.

Tự học hiếm khi là một quyết định chủ động. Bạn không bao giờ nói, “Okay, tôi sẽ tự học thay vì đến lớp”.

Mọi thứ thường bắt đầu với sự tò mò. Nếu bạn tò mò thứ gì đó và sẵn sàng tìm hiểu nó nhiều hơn thì những thứ khác sẽ tự nhiên đến.

Đây là một ví dụ:

Hồi nhỏ, tôi luôn thấy hứng thú với cách mà các thiết bị điện tử hoạt động: máy nghe nhạc WalkMan của tôi ngày xưa (thứ mà xuất hiện trước iPod), TV hay máy tính của tôi. Tôi thường chọn một trong số chúng rồi tháo từng bộ phận ra cho tới khi trên bàn của tôi ngổn ngang đinh vít, vi mạch và các mảnh ghép thiết bị.

Sau đó, tôi bắt đầu lắp ráp các bộ phận lại với nhau, cố xem thử liệu thiết bị có hoạt động trở lại như trước, nhưng đa phần là chúng không chạy.

Tôi lắp đi lắp lại rất nhiều lần cho tới khi chúng chạy bình thường. Qua quá trình ấy, tôi học được nhiều thứ hữu ích và hiểu rõ hơn về cơ chế hoạt động của các thiết bị.

Bây giờ, tôi đã hiểu được những nguyên lý cơ bản nên tôi vận dụng chúng để tạo ra một thứ khác mới mẻ hơn. Bước đầu tiên của tôi là sáng tạo và làm ra một thứ khác từ vạch xuất phát.

Có thể đây là một ví dụ mà bạn đã từng nghe. Đó là việc kết nối các dấu chấm lại. Nhưng để kết nối các dấu chấm, đầu tiên bạn phải thu thập chúng. Tôi đã thu thập được những dấu chấm của mình khi tháo dỡ từng thiết bị – sau đó, tôi lại kết nối chúng lần nữa.

Mọi thứ đều bắt đầu bằng sự tò mò và bước đầu tiên của bạn là giải phóng sự tò mò ấy. Hãy lắng nghe bản năng của bạn. Bản năng của tôi mách bảo tôi tháo gỡ các thiết bị, xem thử chúng hoạt động như thế nào và sau đó, lắp chúng lại – Chẳng ai bảo tôi làm những việc này. Chỉ là tôi tự làm thôi. Khi để chính mình tự làm điều gì đó một cách ngẫu nhiên, những thứ khác sẽ sớm xuất hiện.

Thực sự mà nói, tôi không đề xuất cuốn sách nào cho bạn cả, vì chẳng có cuốn nào kiểu “tôi muốn tự học” đâu. Khi bạn đã thực sự tự học rồi thì đấy có lẽ là điều cuối cùng bạn muốn nói với bạn.

Tự học không phải là một quyết định bạn cần đưa ra trước. Nó chỉ mô tả một quá trình bạn đã tham gia mà thôi. Giờ đây, tôi luôn áp dụng phương châm này vào tất cả những thứ mới mẻ mà tôi muốn học. Đấy có thể là nhiếp ảnh, host của một talkshow, xây dựng một sản phẩm hay đơn giản là tìm cách để sửa chữa và hiểu bản thân mình.

Elon Musk là một ví dụ hoàn hảo của việc tự học. Rõ ràng, anh ấy có bằng cử nhân vật lý, nhưng trước SpaceX hay Tesla, Elon chẳng có tí kinh nghiệm nào về kỹ sư cơ khí hay cơ học vũ trụ cả. Kinh nghiệm ở hai lĩnh vực này đều cần để xây dựng tên lửa, chứ chưa nói gì đến việc đưa tên lửa vào không gian.

Nhưng Elon Musk bắt đầu từ cái cơ bản. Anh đọc sách về những điều cơ bản, hỏi han những người khác và Google khi cần thiết. Anh thử tạo ra tên lửa, không thành công vài lần và đào sâu để tìm ra lý do thất bại. Sau đó, lại tiếp tục thử lần nữa. Ở tình huống này, tôi có thể tưởng tượng ra cảnh Elon Musk ngồi ở nhà trước máy tính, gõ lên Google “cách xây dựng tên lửa” và mày mò từng chút một.

Tất cả những điều tôi học, tôi đều học qua sách vở – Abraham Lincoln

Nếu Abraham Lincoln viết câu này vào năm 2020 thì khi đó có thể sẽ là “Tất cả những điều tôi học, tôi đều học từ Internet và sách vở”.

Quá trình tự học đã giúp tôi nhận ra vài thứ, và bất cứ khi nào muốn “dạy” bản thân mình điều gì đó hay muốn thử một lĩnh vực mới, tôi đều áp dụng những chiến thuật đơn giản này:

  • Tự học hoàn toàn là quá trình tự nhiên. Nó không phải là thứ mà bạn ép bản thân mình làm là được. Đơn giản là bắt đầu với thứ đầu tiên xuất hiện trong đầu bạn và rồi cứ thế tiếp tục. Đừng sợ phạm sai lầm vì có sai lầm thì bạn mới biết cách sửa chữa.
  • Đừng bị ám ảnh bởi lời khuyên của người khác rằng chỗ này đúng, chỗ kia sai.Nếu tôi tiếp thu những lời nói kiểu này thì chắc nhiều người đã bảo tôi đừng có phá hỏng chiếc TV vì sự ngu ngốc của tôi, để rồi lại dành hàng giờ lắp ráp lại nó. Vấn đề ở chỗ chính sự ngu ngốc đấy lại là thứ giúp ích cho tôi nhiều nhất.
  • Bao quanh bạn bởi những người luôn tạo động lực cho bạn và giúp bạn cảm thấy tốt đẹp, tin tưởng vào thứ bạn đang làm, bất kể kết quả có như thế nào đi chăng nữa. Những người như vậy cực kỳ hiếm nên hãy tìm họ và giữ chặt họ bên bạn.
  • Luôn giúp đỡ người khác. Kể cả khi bạn mới tự học, bạn vẫn luôn có thể truyền đạt lại cho những người học sau bạn những gì bạn đã học được. Bạn không cần phải là bậc thầy thì mới giúp đỡ được người khác.
  • Bao quanh bạn với những người “giỏi hơn” bạn. Đấy là điều mà Donny Osmond đã nói và tôi nghĩ đúng một phần. Nhưng tôi thích thay thế từ “giỏi hơn” bằng từ “điên rồ” hay“khác biệt”.
  • Phá luật (Break the rules) có lẽ là phần quan trọng nhất. Hãy là người nổi loạn, phá luật và không sợ bất cứ điều gì. Sẽ thế nào nếu bạn thất bại ư? Đứng dậy và thử lần nữa. Nếu bạn không thích nó ư? Thế thì đừng làm nó nữa và chuyển sang thứ khác thôi. Chỉ đơn giản vậy. Điều thú vị của việc tự học là bạn không biết cách làm nên bạn tự làm theo cách của bạn và thế là bạn làm được.

Động lực để tự học và cách tự học

Từ Form Your Soul:

Câu chuyện trên chắc hẳn đã mang đến cho bạn một vài cảm hứng để rèn luyện sự tự học. Thực tế, tự học không có nghĩa là bạn không cần người hướng dẫn. Nó chỉ đơn giản khác với giáo dục chính thống là bạn không đến trường, lớp hay trung tâm để học. Bạn tự học mọi lúc, mọi nơi thông qua bất cứ phương tiện nào có sẵn. Sách vở, video, audio, hội nghị, bạn bè, đồng nghiệp… đều là “thầy” của bạn.

Đa phần những gì mình rèn luyện được đến bây giờ, bao gồm cả viết lách, đọc dịch, nghe, nói tiếng Anh, Technical Writing hay các sở thích khác của mình như thiết kế ảnh, vẽ… đều là nhờ tự học. Mình luôn tâm niệm sẽ trở thành người học cả đời và mình rất thích được học hỏi. Thế nên, mình hướng tới sự tự học.

Dưới đây là vài kinh nghiệm tự học của mình. Bạn có thể tham khảo và thử áp dụng nếu thấy phù hợp nhé.

1. Luôn tư duy “không ngừng học”

Tự học sẽ dựa rất nhiều vào thái độ của bạn. Nếu có suy nghĩ “mấy tuổi rồi mà còn học” hay “học nhiều để làm gì” thì sẽ rất khó để biến tự học thành thói quen. Thế nên, mình xác định sẽ không ngừng học cho đến khi mình không học được nữa. Chính cách nghĩ như vậy giúp mình luôn tò mò và không ngần ngại dành thời gian để tìm hiểu.

Khi ý chí của bạn đã chán nản, mệt mỏi vì việc học thì rất khó để tự học, bởi vì luôn có một thứ gì đó khiến bạn nghi ngờ “học gì lắm thế”.

2. Không nghiêm trọng hóa chữ “học”

Mình thấy một số người khi nói đến học thường bị ám ảnh bởi việc đến trường, trung tâm rồi ghi chép, lắng nghe thầy cô giảng, làm bài tập. Tuy nhiên, học ở đây không phải và không chỉ giới hạn như vậy. Khi mình nói mình tự học hay mình không ngừng học là có nghĩa mình luôn muốn mở rộng kiến thức, trau dồi chuyên môn, phát triển tư duy và tìm tòi những điều mới mẻ.

Đừng quá nghiêm trọng hóa việc “học”. Học mọi lúc mọi nơi. Khi lắng nghe ai đó chia sẻ kinh nghiệm cũng đã là học rồi đấy.

3. Học những gì mình yêu thích

Để tự học thì trước hết, nên học những gì mình yêu thích và sát với công việc, mục tiêu hiện tại trước. Theo cách này, bạn sẽ có động lực để tiếp tục chinh phục sự tự học hơn, dù đôi khi vẫn cảm thấy chán nản. Nếu học thứ gì đó xa vời thì sớm thôi, bạn sẽ muốn dừng lại ngay đấy.

4. Thử và sai

Đừng sợ bạn sẽ tự học không thành công hay không thể duy trì được việc học mỗi ngày. Cứ lao vào thử. Thử cách này hết cách khác cho đến khi bạn tìm ra được một phương pháp phù hợp với mình. Tất nhiên, với mỗi cách, đừng chỉ một hai lần đã bỏ. Hãy kiên trì một chút cho đến khi nào bạn nhận ra đã đến lúc chuyển sang một phương pháp khác. Vậy “cho đến khi nào” là bao giờ? Mình tin nếu bạn yêu việc học, kiên định và quyết tâm rèn luyện, chắc chắn là bạn sẽ tự biết câu trả lời đấy.

5. Áp dụng nhiều phương tiện để học

Phương tiện ở đây ý mình là sách vở, video, audio, các ứng dụng điện thoại, học từ bạn bè, đồng nghiệp, gia đình… Đa dạng hình thức học sẽ giúp bạn đỡ nhàm chán, có hứng thú học hơn và cũng tăng hiệu quả học nữa.

6. Kỷ luật học

Kỷ luật là thứ mà nhiều người quan tâm nhất khi kể đến tự học. Bởi vì khi không có người giám sát, theo dõi dễ làm cho chúng ta “có cơ hội” lơ là, bỏ bê việc học. Tuy nhiên, nếu rèn luyện được kỷ luật thì việc tự học sẽ vô cùng hiệu quả.

Bạn có thể:

  • Đặt thời gian học mỗi ngày. Chẳng hạn, nếu mới bắt đầu tự học, bạn đặt ra mỗi ngày học 15, 30 phút, 1 tiếng…, tùy theo khả năng của bạn.
  • Lập sổ theo dõi việc học. Ngày nào hoàn thành sẽ đánh dấu hoặc sử dụng ký hiệu đặc biệt nào đấy để thể hiện nó. Hãy tưởng tượng đến cuối tuần, nhìn vào sổ thấy ngày nào cũng được đánh dấu, chắc chắn bạn sẽ vô cùng sung sướng và có động lực để duy trì học tập vào tuần sau hơn nhiều.
  • Tham gia nhóm tự học. Nhờ có Facebook nên việc tìm kiếm nhóm tự học không phải là khó. Bạn có thể tìm kiếm cho mình một nhóm phù hợp để kết nối bạn bè, chia sẻ kinh nghiệm tự học, trao đổi tài liệu, thảo luận, lấy động lực tự học và giúp nhau rèn luyện kỷ luật. Chẳng hạn như đến giờ học sẽ nhắn tin cho nhau hay sáng sẽ nháy máy nhau dậy sớm học.

7. Ghi chép những gì đã học được

Mình rất thích ghi chép. Ghi chép và lặp đi lặp lại thói quen này giúp mình rèn luyện nhiều thứ, không đơn thuần chỉ là ghi nhớ sâu điều đã học. Bạn có thể sắm những cuốn sổ và chiếc bút thật xinh, đặt ngay trên bàn học để mỗi khi học, nếu có điều gì đó thú vị, hữu ích thì ghi chép ngay vào sổ.

Tự học không đơn giản mà rèn luyện được, nhưng nếu đã chinh phục được thì nó sẽ khiến bạn càng ham học hơn. Nếu bạn có bí quyết tự học nào, hãy chia sẻ với mình nhé.

Chúc bạn cuối tuần thật vui vẻ, sảng khoái, hạnh phúc và tràn đầy năng lượng bên gia đình.

 

Form Your Soul with Love

www.formyoursoul.com

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024