Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
13/09/2020 23:09 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
[ToMo] 2 Bí Quyết Tiếp Thu Kiến Thức Trong Nháy Mắt Từ Albert Einstein Và Richard Feynman


Albert Einstein đã từng viết một bức thư gửi cậu con trai bé bỏng, 11 tuổi của mình (Hans Albert) – cậu nhóc lúc ấy vẫn đang tập tành học đàn Piano, rằng: 

“Cha rất vui khi thấy con tìm thấy được niềm vui của mình khi lướt tay trên từng phím đàn. Cha nghĩ, học đàn và tập khắc gỗ là những sở thích tuyệt vời nhất đối với lứa tuổi của con, còn tuyệt hơn cả việc cắp sách tới trường nữa. Bởi những sở thích ấy rất phù hợp với một cậu nhóc như con có phải không nào. Con à, hãy cứ thoải mái mặc cho đôi bàn tay thay con cất nên từng nhịp điệu theo ý muốn, kể cả khi giáo viên của con không yêu cầu con làm điều đó nhé. Đó chính là cách để học được nhiều nhất, khi con hoàn toàn đắm chìm vào một công việc với niềm vui thích của riêng mình….”

Cuộc đời quả thật là cả một hành trình dài vô tận, và chỉ đi đến hồi kết khi ta tiệm cận với giây phút cuối cùng của đời người. Ta không ngừng học hỏi và vận dụng những niềm tin mới, quy tắc mới, thói quen mới và những phương pháp mới – hoặc hữu ý, hoặc vô tình – để cải thiện cuộc sống.

Sự chủ động học tập và làm việc càng làm nâng cao quá trình học hỏi của ta. Khi ta chọn được cho mình một mục tiêu để cải thiện, thay vì phát triển đại một kỹ năng sống nào đấy để trưởng thành, ta đã có thể xúc tiến quá trình học tập của mình.

Ngoại trừ khả năng nâng đỡ ta bước từng bước vững chắc trên nấc thang của sự nghiệp, việc học hỏi những kỹ năng mới, thúc đẩy năng suất làm việc, vận dụng công nghệ vào thực tế cuộc sống, học một ngôn ngữ mới, hay học một kỹ năng tân tiến nào đấy đều có thể giúp ta cầm lái bánh xe của vận mệnh cũng như định hướng cho cho mình một chặng dừng chân cuối cùng trên đường đời. Ngày nay, cấp thiết hơn bao giờ hết, cài đặt tư duy của một người học suốt đời ắt sẽ giúp ta gặt hái được rất nhiều thành quả trong cuộc sống.

Năng lực học nhanh và học hiệu quả đều có thể giúp ta cải thiện tương lai của chính mình. Khả năng tiếp thu nhanh sẽ đem lại cho ta nhiều lợi thế cạnh tranh trong công việc. Nỗ lực và sự cống hiến của ta đối với con đường học hành ắt sẽ giúp ta khai mở trí tuệ.

Nếu bạn muốn chinh phục bất kỳ kỹ năng nào một cách nhanh chóng, bạn hoàn toàn có thể học tập Albert Einstein và Richard Feynman – hai trong số những nhà vật lý học tài ba có tầm ảnh hưởng nhất thế giới. Hai nhà bác học đại tài của chúng ta đã để lại cho hậu thế những lời khuyên vô cùng thực tế, giúp ta học tập thật hiệu quả.

Albert Einstein: Học cách tìm kiếm niềm vui trong Quá trình học tập

Những phát minh của Einstein đã góp phần “cách mạng hóa” hiểu biết của ta về vũ trụ. Ông đã từng nói rằng, trau dồi tri thức vốn dĩ nên là một công việc thú vị, đem lại cho ta nhiều niềm vui – những ai biết cách học với một tâm thế vui vẻ, sẽ là những người có khả năng tiếp thu kiến thức rất nhanh. 

Vào năm 1915, sau khi hoàn thiện một “tuyệt tác” dài 2 trang – nhân tố đã giúp ông được vinh danh trong trang sử thế giới – lý thuyết về tính tương đối, ông đã viết cho cậu con trai 11 tuổi của mình (Hans Albert) – cậu nhóc lúc ấy vẫn đang tập tành học đàn Piano, rằng: 

Cha rất vui khi thấy con tìm thấy được niềm vui của mình khi lướt tay trên từng phím đàn. Cha nghĩ, học đàn và tập khắc gỗ là những sở thích tuyệt vời nhất đối với lứa tuổi của con, còn tuyệt hơn cả việc cắp sách tới trường nữa. Bởi những sở thích ấy rất phù hợp với một cậu nhóc như con có phải không nào. Con cứ thoải mái gõ lên từng nhịp theo ý muốn, kể cả khi giáo viên của con không yêu cầu con làm điều đó nhé. Đó chính là cách để học được nhiều nhất, khi con hoàn toàn đắm chìm vào một công việc với niềm vui thích của mình, con sẽ chẳng màng tới từng phút giây đã trôi đi tự bao giờ. Cha thỉnh thoảng vùi đầu vào công việc lâu quá tới nỗi bỏ lỡ mất cả bữa ăn chiều….

Ý tưởng tận hưởng niềm vui trong công việc có thể khá khó để hiểu được…đặc biệt là khi ta đang cố gắng chinh phục một kỹ năng/một môn học nào đó cực khó. Nhưng, vừa học vừa chơi cùng một lúc, cũng không hẳn là một việc quá khó để thực hiện.

Để có thể học một cách nhanh hơn và hiệu quả hơn, hãy chọn học những chủ đề bạn cảm thấy hứng thú – nếu bạn làm chủ được việc học của mình. Hãy học với một mục tiêu cụ thể. Bằng mọi giá, bạn phải trả lời được câu hỏi “Tại sao tôi lại học thứ này cơ chứ?”

Nếu bạn buộc phải học một kỹ năng nào đó để thăng tiến trong công việc, hãy tận dụng bất kỳ chiến thuật nào giúp cho quá trình học tập của bạn trở nên thú vị. Ví dụ như, nếu bạn phải học lập trình ngôn ngữ máy tính – một việc chẳng vui vẻ tẹo nào, hãy tận dụng kỹ năng này để thiết lập nên một sản phẩm nào đó có ích cho bạn sau này.

Bạn cũng có thể kết nối những công việc mình làm với tiến độ của bản thân – theo dõi tiến độ và mường tượng xem bản thân đang đạt tới ngưỡng nào rồi. Bản thân của sự tiến bộ vốn đã là một phần thưởng. Bạn cũng có thể học cách tạo dựng nên một môi trường làm việc và học tập để tìm được một nguồn cảm hứng cho bản thân:

“Trạng thái tinh thần của con người - khi đang thực hiện một hành động nào đó, sẽ hoàn toàn hòa nhập vào một “cảnh giới” của sự tập trung tột độ, sự cống hiến toàn vẹn, và niềm say mê thực hiện hành động ấy.”

Xuyên suốt quãng thời gian đằm mình trong công việc, con người ta thường sẽ trải nghiệm được một niềm vui sâu sắc và một sự gắn kết vẹn toàn với cuộc sống. Ta càng biết cách tận hưởng từng phút giây học tập, ta càng chóng làm chủ được kỹ năng/môn học ấy.  

Einstein có lẽ đã làm thay đổi nhận thức của ta về vũ trụ rộng lớn, nhưng hãy nhớ lấy một điều rằng, ông làm được điều đó bằng cách tận hưởng công việc của mình, và tìm được một đà làm việc trong quá trình nghiên cứu ấy. Bởi vậy, lần tới, nếu bạn phải chọn học một kỹ năng/môn học nào đấy, hãy tự tìm cho mình một phương pháp học thật thú vị nhé.

Bí thuật của Richard Feynman: Dạy lại người khác

Được biết đến như một “Nhà diễn giải vĩ đại”, Richard Feynman được người đời tôn kính vì năng lực giải thích các chủ đề phức tạp mà sâu rộng như vật lý lượng tử - với hầu hết tất cả mọi người – bằng những cách đơn giản mà trực quan vô cùng. Ông đã đạt được giải Nobel nhờ công trình nghiên cứu của mình – về Cơ học lượng tử.

Richard Feynman luôn luôn mong muốn được trau dồi thêm nhiều tri thức, được học tập nhiều hơn nữa. Ông đã từng nói rằng: “Tôi được sinh ra với một bộ óc trống trơn, tôi chỉ có được một ít thời gian để thay đổi sự thật này thôi.”

Phương pháp “Học tập gia tốc” của ông (hay Kỹ thuật Feynman) – giải thích hoặc dạy lại những gì bạn đã được học cho những người khác có thể giúp bạn học tập tốt hơn và ghi nhớ được nhiều kiến thức hơn. Kỹ thuật Feynman đã được đề cập tới trong cuốn sách Genius: The Life and Science of Richard Feynman của James Gleick (một nhà viết tiểu sử). Trang blog Brain Pickings đã từng trích dẫn lại một đoạn trong cuốn sách của nhà viết tiểu sử này:

“Ông không đặc biệt ưa thích một kỹ năng nào cả, ông tự dạy cho mình cách đánh trống, cách massage, cách kể chuyện, và cách tán tỉnh chị em phụ nữ trong quán bar, và rồi cân nhắc tất cả những “chiến thuật” này để hình thành nên những quy tắc học tập người đời có thể vận dụng được….”

Theo như Feynman, dấu hiệu thực sự nhận biết một thiên tài đó chính là khả năng giải thích mọi chuyện một cách đơn giản – thật đơn giản, đến mức một đứa trẻ 8 tuổi cũng hiểu được.

Einstein cũng đồng ý với quan điểm này. Ông đã từng nói: “Nếu bạn không thể giải thích những gì mình học được một cách đơn giản, chứng tỏ rằng, bạn chưa thật sự hiểu những kiến thức ấy.”

Trong suốt hàng nghìn năm, con người ta vốn đã tỏ tường rằng, cách tốt nhất để hiểu một khái niệm đó chính là giải thích lại nó cho người khác nghe. “Khi chúng ta tham gia vào công cuộc giảng dạy, chúng ta cũng đang tự dạy cho chính mình.” – theo lời một triết gia vĩ đại của thành Roma huyền thoại – Seneca.

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người học có thể ghi nhớ được một lượng kiến thức lớn khi họ giải thích / dạy lại cho những người khác, hoặc có thể ngay lập tức, vận dụng được những gì mình đã học.

Tri thức của ta không bao giờ có thể so bì được với năng lực giúp cho những người khác hiểu được những kiến thức ta biết. Mỗi khi ta chia sẻ, ta sẽ ghi nhớ một cách tốt hơn. Điều này thách thức sự hiểu biết của mỗi người, buộc ta phải tư duy thấu đáo hơn.

Chính vì vậy, nếu không còn lăn tăn ở đâu nữa, hãy chia sẻ ngay những gì mình học được cho mọi người thôi, vì lợi ích của chính chúng ta. Bất kể bạn đã lựa chọn học thêm điều gì, bạn đều có chia sẻ lại hiểu biết của mình bằng cách thiết lập một trang blog, một bài podcast hay một kênh Youtube. Tiến độ học tập của bạn sẽ ngày một tăng tiến.

Shane Parish từng có câu: “Kỹ thuật Feynman không chỉ là một công thức học tập hữu hiệu, mà còn là một khung cửa dẫn dắt ta tiếp cận với một phương pháp tư duy mới – giúp ta bóc tách ý tưởng của mình thành nhiều mảnh ghép rời rạc, và thực hành ghép chúng lại với nhau từ con số 0.”

Bạn có thể không phải là một nhà khoa học, nhưng kỹ thuật học tập của Feynman cũng là một biện pháp vô cùng hữu dụng để bạn học được bất kỳ kỹ năng nào bạn muốn. Dạy lại cho người khác là một trong những cách nhanh nhất để trau dồi và ghi nhớ kiến thức mới. “Bài kiểm tra” tuyệt vời nhất đánh giá được mức độ hiểu biết của bạn chính là khả năng truyền đạt lại tri thức cho một ai đó khác.

Nếu bạn muốn làm chủ ngay cả những kỹ năng, kiến thức, và những chủ đề đơn giản nhất, hãy học cách tận hưởng quá trình học tập; đồng thời, dành thời gian để truyền đạt lại những gì mình học được cho mọi người nhé!

---------

Tác giả: Thomas Oppong

 

Link bài gốc: 2 Secrets to Learning Anything Faster: Lessons FromAlbert Einstein and Richard Feynman

 

 

Dịch giả: 

Trần Ngọc Phương Thư - ToMo Learn Something New

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024