Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
16/09/2020 23:09 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
[ToMo] 8 Mẹo Để Ghi Nhớ Trọn Vẹn Những Gì Đã Đọc


Mặc dù ngày nay các phương tiện thông tin điện tử đã rất phổ biến, phương pháp đọc truyền thống vẫn là một kĩ năng rất quan trọng. Từ SGK, tạp chí cho đến các tác phẩm văn học - vẫn đều được mọi người đọc hằng ngày, cho dù số lượng đã ít hơn so với ngày xưa. Một trong những nguyên nhân khiến người ta đọc ít đi lại chính là do kĩ năng đọc chưa tốt. Với nhiều người, đọc là công việc gì đó rất chậm chạp, nặng nhọc và làm xong thì không nhớ gì nhiều. 

Sau đây là một số mẹo tôi tổng hợp, mong có thể giúp người đọc tăng tốc và hiểu rõ những gì mình đọc hơn.

 

1. Đọc Có Mục Đích

Tất cả chúng ta đều nên có một mục đích rõ ràng khi đọc sách, để khi gấp trang cuối lại ta có thể biết mục đích ấy đã đạt được hay chưa. Cũng chính vì thế, người đọc có thể kiểm tra tiến độ của mục tiêu kể cả khi đang đọc, từ đó tập trung hơn vào cuốn sách, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức.

Rất đơn giản, hãy tự hỏi bản thân “Vì sao tôi lại đọc cuốn sách này?” Để tiêu khiển, giết thời gian? Và còn nhiều những mục đích rộng hơn: để hiểu về một nền văn hóa, để xây dựng một kế hoạch cá nhân, để đáp ứng yêu cầu của những buổi học, nâng cao nhận thức về chính trị, xã hội, v.v

Đôi khi ta cũng nhận tài liệu theo hướng thụ động ở trường học hay nơi công sở. Khi đó, hãy hỏi xem bạn sẽ học được hay giải quyết được vấn đề gì. Nếu không có câu trả lời, hãy dùng năng lực phán đoán để định hướng cho việc đọc của bạn.

 

2. Đọc Lướt Trước Khi Đọc Hết

Thực tế, nhiều nhiệm vụ liên quan đến đọc tài liệu có thể được giải quyết chỉ nhờ đọc lướt. Hãy chú ý kĩ đề mục, các hình minh họa, bảng biểu và một số đoạn văn chủ chốt (thường nằm ở đầu hoặc cuối). Tùy vào mục đích, hãy đọc chậm lại ở những đoạn có thể giúp ích cho bạn.

Kể cả là với những tài liệu cần nghiên cứu kĩ, việc đọc lướt cũng hữu ích. Đọc lướt giúp bồi đắp trí nhớ để người đọc ghi nhớ nội dung hơn khi đọc kĩ ở lần thứ hai; giúp định hướng suy nghĩ về những phần quan trọng; giúp đem lại một cái nhìn tổng quan về tài liệu.

Lướt web nhiều sẽ cho ta thói quen đọc lướt nhanh các văn bản, vì các dạng văn bản trên web thường được trình bày vắn tắt với  nhiều danh sách, bảng biểu hoặc các đoạn văn bản ngắn. Tuy nhiên, lướt web nhiều lại ảnh hưởng đến khả năng đọc sâu, khiến ta khó tập trung tìm hiểu kĩ tài liệu.

 

3. Đọc Đúng Phương Pháp

Khi đọc kĩ một văn bản, mắt ta sẽ chuyển động theo một khuôn mẫu cố định, đi từ khối chữ này tới khối chữ khác, từ đoạn này tới đoạn khác. Chính vì thế, ta cần phải tăng kích thước của các khối chữ mà mắt đọc được, không phải là một hai chữ mà nên là những cụm từ dài. Những người có kĩ năng đọc còn yếu, việc đi từ chữ này tới chữ khác sẽ khiến khả năng đọc hiểu yếu theo. 

Tôi đã không ít lần nghe các sinh viên kêu ca về việc đọc mãi một chương sách mà không hiểu, và không thể trả lời các câu hỏi đi sâu vào nội dung. Lí do rất đơn giản, vì họ quá chú tâm vào từng từ, cụm từ quá ngắn nên quá trình đối chiếu với kiến thức không thể bắt kịp, và từ đó cũng không nhớ được lâu.

Đọc thành tiếng cũng không phải một cách tồi, nhưng theo tôi, nó chỉ hữu ích khi mới làm quen với việc đọc. Người đọc sau đó nên tập thói quen nhận diện những cụm dài thay vì chỉ đọc và nhớ từng chữ.

 

4. Đánh Dấu Và Ghi Chú

 

 

Hãy dùng bút đánh dấu để làm nổi bật một số điểm quan trọng của văn bản, và ghi chú lại ở ngoài lề.

Một số người hay có thói quen đánh dấu lại tất cả mọi thứ, rồi sau đó không thể tập trung được vào nội dung chính của văn bản. Hãy chỉ đánh dấu một số từ khóa trên mỗi trang mà thôi, để khi đọc ta có thể tăng tốc hơn.

Mỗi đoạn đánh dấu cần được suy xét cẩn thận, người đánh dấu phải hiểu được ngữ cảnh, vì sao lại cần phải ghi nhớ và chúng liên kết thế nào với các nội dung khác. Ngoài ra, tạo một ghi chú liên quan đến những phần đã đánh dấu cũng sẽ giúp củng cố trí nhớ và giúp ích cho những lần đọc sau.

 

5. Tạo Lập Hình Ảnh

Một hình ảnh có thể không nói lên ngàn từ như người ta vẫn hay nói, nhưng chắc chắn là cũng được khá nhiều. Quan trọng nhất là hình ảnh thì dễ nhớ hơn chữ, và người đọc có thể lợi dụng điều này để ghi nhớ nội dung tốt hơn. Ngay cả những đoạn được đánh dấu bằng bút cũng đã tạo nên những hình ảnh trong nhận thức của chúng ta, vì vậy, hãy liên hệ các từ khóa đến những hình ảnh khác nhau.

 

6. Đọc Tới Đâu Tự Thuật Tới Đó

 

 

Hãy đọc từng đoạn ngắn, vừa đọc vừa ngẫm nghĩ về ý nghĩa mà văn bản truyền tải. Hãy để tâm trí bắt đầu tạo ra những hình ảnh, đánh dấu lại những từ khóa nếu cần.

Những nội dung bạn đang đọc giúp ích thế nào cho mục đích đọc, đặt ra những câu hỏi như: “Điều này tôi đã biết hay chưa? Vì sao tác giả lại viết như thế? Ta có thể áp dụng điều này vào thực tế không?” Cứ thế dần dần tạo ra các ý tưởng xoay quanh nội dung văn bản.

Cách làm này không chỉ giúp ghi nhớ nội dung mà còn đem lại những suy ngẫm sâu sắc hơn về chủ đề đang đọc - không chỉ đọc, mà còn là hiểu.

 

7. Đọc Với Sự Tập Trung

Tập trung là yếu tố quyết định giúp ghi nhớ, chính vì thế khi bạn đã không còn sức để tập trung thì việc đọc sẽ khá vô ích. Hãy chia ra những quãng nghỉ cho việc đọc, đặc biệt là với những người không thể tập trung lâu. Tuy nhiên, ta cũng cần luyện tập để tăng khả năng tập trung của bản thân.

 

8. Tự Thuật Ngay Sau Khi Đọc Xong

Ngay sau khi kết thúc quá trình đọc, hãy tự thuật lại một lần nữa. Lặp lại quá trình y như mẹo số 6 mà tôi đã trình bày. Hãy tự thuật ít nhất hai lần ngay trong ngày hôm đó, và thêm một lần nữa sau khi đọc xong từ 2-3 ngày.

 

----------
Tác giả: 

 

Link bài gốc: 8 Tips To Remember What You Read

Dịch giả: Đinh Hữu Thế Anh - ToMo - Learn Something New

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024