Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
16/07/2017 21:07 # 1
ngochai20101998
Cấp độ: 11 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 48/110 (44%)
Kĩ năng: 8/20 (40%)
Ngày gia nhập: 27/12/2016
Bài gởi: 598
Được cảm ơn: 18
Hành trình Không Thủ


Ngày 26/6 tổ chúng tôi gồm 6 võ sinh, anh Thành và chị Trân đến nhà thầy lúc 18h, ba lô, gậy tre…đều đủ cả. Ba lô đứa nào cũng nặng trịch, nhưng lòng thì phơi phơi, nhẹ nhàng, mong sao đến sáng sớm mai để được đặt chân lên Bạch Mã. Sau khi được thầy căn dặn, kiểm tra hành lý, chúng tôi rủ nhau đi lòng vòng hóng mát, từ lúc ấy cảm giác như cả 8 người đều chung một gia đình, kể từ hôm nay sẽ cùng ăn, cùng ngủ, cùng chia sẻ khó khăn cho nhau. Đúng 20h50, tất cả mọi người tập trung lại chuẩn bị đi ngủ, con gái nằm tầng 1, con trai nằm tầng 2. 21h, thầy tắt đèn thổi còi đi ngủ, như lời thầy đã dặn, không ai được hé miệng nửa lời, không phát ra tiếng động gì dù là nhỏ nhất. Thầy cũng đã nói, nếu như thanh niên như vậy mà làm được điều thầy nói, 9h tối đã đi ngủ mà không hề gây ra một tiếng động thì quả đáng tự hào, dù là việc hết sức nhỏ nhặt nhưng lại rất đáng khen ngợi. Chúng tôi đều thực hiện y như lời thầy dặn, riêng tôi vì ngủ sớm quá nên không tài nào ngủ được, chỉ lật qua lật lại. 3h sáng mọi người đều rục rịch dậy hết rồi, chắc có lẽ ai cũng háo hức để lên đường nên không ai ngủ được, 3h30 lên xe bắt đầu chuyến hành trình. Lúc này thành phố đang say giấc, Huế khi đêm về yên tĩnh đằm thắm, trong khi đó 83 con người đã bắt đầu cho chuyến đi đầy hứa hẹn. 

Lên tới cổng chào của vườn quốc gia, chúng tôi tạm nghỉ ngơi ăn sáng khoảng 30 phút, sau đó xếp hàng nghe thầy dặn dò. Đúng 5h chúng tôi xách ba lô lên đường, tổ chúng tôi đi đầu đoàn, rất khí thế và nhanh nhẹn, trời lúc này cũng dần dần sáng. Đúng là buổi sớm trên núi, được đi bộ giữa thiên nhiên, hít thơ bầu không khí không có chút bụi bẩn, hai lá phổi căng tràn oxy, cảm giác thất khoan khoái, có lẽ vì thế mà chúng tôi đi rất hăng hái, về với thiên nhiên như về với lòng mẹ vậy. Đi được 2 km, đoàn trước dừng lại nghỉ ngơi đợi đoàn sau bắt kịp lên, do chỉ mới đi bộ nên ai nấy sức lực còn tràn trề khỏe mạnh lắm. Đi tiếp đến km số 4, có một con suối nhỏ nằm bên khúc ôm cua, cả đoàn dừng lại nghỉ ngơi, thầy và mọi người tranh thủ rửa mặt, lấy nước, ăn sáng, lúc này ai cũng đã dần thấm mệt rồi. Đó là lần đầu tiên tôi được uống nước suối thật 100%, ngọt mát lạ lùng, dù nhìn vào chai nước thấy đủ thứ trong đó nhưng mà mệt quá rồi nên không nghĩ ngợi gì nữa uống liền một mạch. Đúng thật những lát chanh bây giờ còn quý hơn vàng, cắt một lát chanh ngậm vào nghiệm cảm giác sảng khoái chạy rân ran khắp cả người. Xong xuôi chúng tôi lại tiếp tục lên đường, trời đã sáng dần, nhiều khách du lịch đã bắt đầu chạy xe lên, cứ mỗi lần như vậy, người cuối đoàn lại hét lên một tiếng rõ to vang vọng cả một góc núi XE, như thế người phía trước cũng hét to báo hiệu cho người trước nữa biết, những tiếng HÚ nối tiếp nhau để chắc chắn rằng mọi người đều an toàn, dù chỉ là những cử chỉ đơn giản nhưng lại chất đầy sự yêu thương quan tâm lẫn nhau. Chúng tôi thật sự là một đoàn quân, sát cánh bên nhau, quan tâm sẻ chia với nhau. Tổ chúng tôi vẫn bắt kịp thầy và dẫn đầu cho đến km số 7. Tới đây chúng tôi đã đi được gần nửa chặng đường, thật sự phải thấy tự hào về chính bản thân, nhưng chúng tôi là thanh niên thì có xá gì, phải kể đến thầy, dù đã 74 tuổi nhưng sức khỏe và tinh thần của thầy thật đáng khâm phục. Thầy đã lớn tuổi mà vẫn một gậy đi bộ 15 km, không lẽ thanh niên chúng tôi lại không làm được hay sao. Tại km số 7, cả đoàn lại nghỉ ngơi lấy nước suối, đứa nào đứa nấy cũng thở hẳn ra cả tai cả miệng, riêng thầy tôi để ý rất điềm tĩnh. thầy cẩn thận ngồi xuống nghỉ ngơi, nhắm mắt hít thở sâu. Đúng là thầy, luôn hơn hẳn những đứa võ sinh ngô nghê chúng tôi, chỉ biết thở hổn hển, chạy đi chạy lại lấy nước.

Đoàn quân tiếp tục chặng nửa đường còn lại, nắng đã bắt đầu lên, trời nóng hơn, mọi người bắt đầu mệt lả. Tổ chúng tôi đã chuyển sang đi giữa đoàn, những đoạn dốc cao và khó đi hơn. Trong tổ chúng tôi có anh Trọng, người anh nhỏ nhắn nhưng đồ gì nặng cũng dành về mình, không cho con gái mang vác gì nặng cả, và anh cũng là người luôn đi cuối cùng tổ. Như lời thầy nói khi cơn mệt mỏi chiếm lấy cả tinh thần lẫn thể xác, con người ta sẽ bộc lộ bản chất của mình và tôi thấy ở anh là một con người thực sự đáng quý. Cứ tới mỗi cột mốc, số km rút ngắn dần lại, anh em lại giục nhau cố gắng, còn 8km, 7 km, 6 km nữa thôi. Càng dần lên cao, cơn mệt mỏi ngày càng thấy rõ, đến khoảng km số 10, cứ đi được 500, 600 mét, mọi người lại nghỉ lại một lần. Đến những phút giây này thì từng lát chanh là thứ quý giá nhất. Đến km số 11, ai nấy đều đói lả, còn một cặp bánh chưng duy nhất, 8 anh em ăn chung, ngồi một hàng, tôi chạy đi đút cho mỗi người một miếng, cảm giác như chúng tôi là một gia đình thực sự, không ai nói gì nhưng tình cảm lúc ấy rất dạt dào. Còn đói, tôi lấy tiếp hai gói mỳ tôm để sẵn, chia cho mọi người ăn. Anh Thành nói lên tới đây mới thấy cặp bánh, gói mỳ tôm còn quý hơn vàng. Chúng tôi lại tiếp tục chuyến đi, giữa km số 12, trời nắng chang chang, bóng cây không ngả về phía đường, mệt mỏi và khát nước, bây giờ thì cứ 100 mét lại nghỉ một lần. Rồi chúng tôi đã thấy được khu nhà nghỉ Đỗ Quyên, khách du lịch thấy chúng tôi rất hào hứng và động viên rất nhiệt tình, thấy vậy chúng tôi cũng cảm thấy khoan khoái và tự hào rất nhiều. Lên tới đây, cây cối dày đặc hơn, bóng mát tỏa ra khắp nơi, không khí trong lành và đầy ắp lồng ngực, chúng tôi bỗng cảm thấy hao hứng hơn bao giờ hết, chỉ còn 3 km nữa thôi.

Những khoảnh khắc ghi dấu trên đỉnh Bạch Mã

Cứ thế chúng tôi đi một mạch lên km số 0 và nghỉ có hai lần. Lên tới đây, cảm xúc như vỡ òa khi từ trên cao nhìn xuống là một miền đất với núi, đầm phá, những đường vòng ôm quanh eo núi, đẹp lắm, đẹp đến mê hồn. Công sức gần 7h đồng hồ của chúng tôi đã được đền đáp bằng cái cảnh đẹp đến lộng lẫy này. Chúng tôi đùa với nhau rằng, đi 15. 16 km đồi dốc thế này thì trên đời này chả sợ cái gì nữa. Có mấy chú đi du lịch gặp tụi tôi còn đùa thế này thì ra hẳn Hoàng Sa rồi. Đúng là ý chí của con người vượt lên trên mọi giới hạn, không có gì là không thể vượt qua. Lên tới đây chúng tôi mới hiểu ra rằng, ngày xưa ông cha đã vất vả hành quân như thế nào, cho hôm nay có những con đường bê tông rộng rãi ôm lấy eo núi, cho chúng tôi có được cái không khí yên bình tươi đẹp để từ trên đỉnh núi ngắm nhìn một phần non sông.
 

 
"Mai sau em đi lấy chồng. Còn nhớ không buổi chiều trên đồi Bạch Mã"


Bữa trưa đầu tiên trên km số 0, chị Trân là người phụ trách bếp núc, nấu 5 lon gạo mà chắc cháy cũng gần hết lon. Chuẩn bị sẵn thịt kho và cá cơm khô ở nhà, tổ tôi chỉ còn nấu cơm và luộc rau nữa thôi. Bữa cơm đạm bạc diễn ra nhanh chống, đầu tiên là mời cơm thầy, thầy rất thích món cá cơm do tôi kho, thấy thầy khen ngon, tụi tôi cũng vui theo. Ăn bữa cơm đạm bạc, tay chân nhọ nồi loang lổ vẫn bốc miếng cơm cháy ăn ngon lành. Đây chính là bữa cơm ngon nhất từ trước đến nay, ngon hơn cả những nhà hàng ở dưới phố. Trên núi cao thế này, được ăn cơm cháy, cá khô, thịt trứng, rau luộc thì còn hơn cả sươn hào hải vị ấy chứ. 8 người ăn một lượt hết sạch không còn gì. Như thế này mới thấy được ngồi bên nhau ăn bữa cơm đạm bạc thật đáng quý biết bao. Chúng tôi giờ đây đã thực sự là một gia đình rồi. Ăn uống dọn dẹp xong chúng tôi tìm chỗ nghỉ ngơi, vữa đặt lưng xuống ai nấy đều ngủ ngon lành, quên cả cơn mưa rừng đang gào rú phía ngoài, mồ hôi lạnh thấm hết cả vào người. Khỏang 4h30 chiều tất cả mọi người thay võ phục lên đỉnh Bạch Mã chụp hình và thăm thú. Lên tới mái nhà của miền Trung, mọi thứ thu hết gọn vào tầm mắt. Những đám mây như những cục bông gòn lau chùi cho nền trời xanh mướt, những ngọn núi như e thẹn lấp ló nhau trước tầm mắt của tôi. Phía xa, cánh đồng lúa tựa ô vuông bàn cờ, vùng đầm phá có những vệt trắng như tấm gương bị ai vẽ ngoạch ngoạc. Tới đây mới thấy rằng non sông ta bao la tươi đẹp quá, không lên tới đây, không phóng tầm nhìn ra xa thì không thể có những xúc cảm như bây giờ. Ánh hoàng hôn dần dần đổ xuống sau bóng núi đẹp lung linh, mờ ảo. Chúng tôi tranh thủ chụp hình, lấy những cảnh đẹp nhất, giữ lại những khoảnh khắc thật đẹp bên nhau. Sau khi thầy chụp hình xong cho cả lớp, chúng tôi quay lại ngôi nhà cũ và chuẩn bị bữa tối. Vì đã nghỉ ngơi nên mọi người đều vui vẻ hơn, ăn tối nhanh chóng và đốt lửa trại.

Đêm lửa trại diễn ra ấm cúm, anh Hùng tổ chức hát tập thể, thầy cũng góp vui bằng những bài hát thầy dạy cho chúng tôi. Đến giờ tôi mới biết thầy hát hay dã man, đặc biệt là mấy bài dân ca. Thầy dạy chúng tôi bài tạm biệt của Do Thái, thầy còn sáng tác thêm một lời dành riêng cho Bạch Mã sơn: “Bạch Mã sơn thân yêu ơi, Bạch Mã sơn thân yêu ơi, Bạch Mã sơn thân yêu ơi. Còn đâu những ngày hạnh phúc ta sum vầy, từ nay cách xa…”

Nghe được những lời ca như vậy, trong lòng tôi lại thấy nao nao và lo sợ, sợ ba ngày trôi qua quá nhanh, và khi kết thúc những ngày tháng này, chúng tôi sẽ phải thực sự cách xa. Rồi có một ca khúc mang tên Đồng Đội, thầy đã trích ra một câu hát thật sự ý nghĩa: “Còn tôi mong sao bao ngày tôi đang sống, sẽ không bao giờ mờ nhạt mai sau”. Và tôi thực sự mong sao những ngày tháng bên anh em bên thầy như thế này sẽ không bao giờ phai nhạt trong ký ức tôi. Để sau này, khi là mẹ, là bà tôi sẽ kể cho con cháu tôi nghe một thời thanh niên đáng tự hào của tôi, đã đi bộ gần 20 km, đã ở lại 3 ngày trên đỉnh núi Bạch Mã hùng vĩ, đã làm được những việc mà nhiều người chưa bao giờ tưởng tượng rằng mình sẽ làm được. Ánh lửa rực hồng soi rõ từng gương mặt người ngồi chung quanh, mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi cuộc đời, nhưng khi ngồi đây, 83 người lại cùng chung một sức nóng, một con tim nơi ngọn lửa hồng kia, và khi cùng hát chung những câu hát ấy, lòng người sẽ sát lại gần nhau, hòa làm một. Chúng tôi như đoàn quân nghỉ ngơi sau ngày hành quân mệt nhoài. Kết thúc lửa trại bằng những bài ca tạm biệt, cảm xúc như dâng trào trong mỗi người, cái lạnh nay đã bị tiếng hát lấn át, bị tình anh em huynh đệ sưởi ấm lên cả một mảnh rừng. Nồi chè nóng hổi còn đang đợi chúng tôi, không chén bát, chỉ có hai cái muôi, cùng ăn chung, ngọt lành và ấm áp quá.

22h, thầy thổi còi đi ngủ, nằm giữa những hơi ấm của chị em, cái lạnh không còn nữa, chỉ còn hơi ấm đồng đội, hơi ấm của tình huynh đệ dạt dào. Sáng 5h mọi người thức dậy vệ sinh ăn sáng, chuẩn bị lên lại đỉnh Bạch Mã để làm lễ phong đai. Đáng tiếc là trời dày mây quá, không thể nhìn thấy bình minh, coi như chuyến hành trình đã mất đi một nửa rồi. Giá như mà được ngắm bình minh thì không còn gì phải hối tiếc. Gạt những suy nghĩ qua một bên, anh em di chuyển lên đỉnh Bạch Mã giữa cơn mưa rừng lác đác.

Giây phút trọng đại trong cuộc đời tôi

Có thể nói trong cuộc đời tôi cho tới nay có ba khoảnh khắc làm tôi cảm thấy tự hào và hạnh phúc nhất: một là việc đậu vào Quốc Học, hai là nhận giấy báo nhập học Đại học, và thứ ba là giây phút này, được tự mình đứng trên đỉnh Bạch Mã và chính tay thầy thắt chiếc đai đen quý giá. Thầy ví rằng đai đen như chiếc nhẫn đính hôn mà thầy trao cho các võ sinh, anh Túy ví những đêm Bạch Mã là đêm tân hôn sau lễ cưới, còn tôi xin được phép ví rằng đỉnh Bạch Mã chính là lễ đường diễn ra lễ cưới trọng đại này, và thầy chính là người chủ hôn cho chúng tôi. Cái phút giây được thầy khoác lên chiếc đai đen, xúc động và hạnh phúc biết nhường nào. Từ nay tôi đã kết duyên với anh – Karate-Do, tôi sẽ là một môn đồ thực sự của Karate-Do. Đây là khoảnh khắc đánh dấu bước trưởng thành trong đam mê Karate-Do của tôi. Không phải là thấy oai khi được mang đai đen nhưng thấy tự hào khi quá trình nổ lực của mình đã được đền đáp. Thầy cẩn thận thắt đai và gắn đẳng cho cả 79 môn đồ mới thấy được tình yêu thầy dành cho chúng tôi nhiều đến nhường nào. Trong khoảnh khắc ấy, ai ai cũng nín lặng chờ đợi đến giây phút của riêng mình. Thầy cũng không quên cảm ơn nỗ lực của chúng tôi cũng như gia đình đã tin tưởng để chúng tôi hành quân cùng thầy. Sau khi phong đai xong thầy căn dặn môn đồ Karate-Do phải sống cho đúng với chiếc đai đen thắt lên mình, phải để mọi người thấy được một Karateka là những con người có ích cho xã hội; dù mai này có thể không còn ra san tập luyện nữa nhưng phải mang theo tinh thần của Karate-Do đi vào đời: bao dung, lương thiện, dũng cảm, vị tha, điềm tĩnh, yêu thương đồng bào, giúp đỡ những người chung quanh. Tôi và tất cả mọi người sẽ luôn ghi nhớ lời thầy dặn, sẽ mang tinh thần Karate-Do làm đẹp cho cuộc sống.
 

 
Hãy mang theo tinh thần Võ đạo đi suốt cuộc đời


Hành trình vượt Ngũ Hồ và được đứng trên đỉnh thác Đỗ Quyên

Sau lễ phong đai, anh em vác ba lô lên vượt Ngũ Hồ và tiến tới thác Đỗ Quyên. Hành trình vượt Ngũ Hồ gian lao vất vả không kém. Có những vách núi tuy không cao nhưng cực kỳ nguy hiểm, chỉ cần sơ sẩy một chút là có thể trượt chân bất cứ lúc nào. Đúng như lời thầy nói, không sai một lời nào, bước chân không làm đúng như người trước thì không thể nào đi qua nổi. Mỗi bước chân đều rất cẩn trọng, nhưng sợ nhất là vắt, cho nên dù dừng lại nhưng chân tôi vẫn dẫm đều. Tay cầm gậy tay níu dây cáp xoay ba lô đu qua những đoạn vách dựng hết sức nguy hiểm. Mọi người có vẻ khá căng thẳng khi đi qua đoạn ấy. Tạm dừng lại nghỉ ngơi sau đoạn nguy hiểm, mọi người lại tranh thủ chụp hình và lấy thêm nước. Lúc trước do quá căng thẳng nên tôi chưa chú ý mấy cái vẻ đẹp hoang sơ, thâm u nơi rừng sâu. Đứng trên tảng đá to, trước mắt là mặt hồ xanh biếc, xung quanh là rừng sâu, vách đá, cảnh đẹp như ai tạc lên giữa không gian. Non sông, núi rừng hùng vĩ, tươi đẹp và hoang sơ, bởi thế các bậc tiền sư lại chọn nơi rừng sâu, núi cao để làm nơi tĩnh tâm. 

Sau khi nghỉ ngơi, thầy hỏi môn sinh rằng muốn ở lại nấu ăn hay đi thêm 1 giờ rưỡi đồng hồ nữa để tới thác Đỗ Quyên, tất nhiên ai nấy đều muốn đi tiếp.
Đi thêm một đoạn đường rừng nữa, không mấy khó khăn, mảnh rừng mở ra trước mắt, ánh sáng ngập tràn, tiếng nước gầm rú xa xa, thác Đỗ Quyên cất lên bài ca thiên nhiên chào đón thầy trò chúng tôi. Anh Thành nhanh chóng tìm một tảng đá lớn để anh em giỡ đồ và chuẩn bị nấu nướng. Những hỏm đá là nơi nấu nướng lý tưởng, những mảnh củi khô không hề khó kiếm chút nào, dễ dàng đun lửa và thổi cơm, nước suối thì có sẵn một bên. Đúng là thiên nhiên, luôn chiêu đãi tất cả một cách thuần khiết nhất. Trong khi chị em nấu ăn, anh Thành tìm chỗ mắc võng, anh rất tâm đắc với vị trí anh tìm được vì cả 8 cái võng đều gần sát nhau. Rồi bữa cơm trưa diễn ra nhanh chóng sau đoạn đường mệt nhoài. Trời dần tối, cơn mưa rừng ập xuống. Được nằm giữa cơn mưa rừng cảm giác rất khác lạ và thú vị, mấy ai được tận hưởng cơn mưa rừng này, tôi chắc rằng nhiều người cả đời chưa bao giờ biết mưa rừng thú vị thế nào. Nhưng tưởng chừng mưa rồi sẽ ngớt như cơn mưa trên đỉnh chiều qua, ai ngờ mưa mãi, mưa mãi không ngừng, võng đã thấm ướt, cái lạnh của nước mưa làm chúng tôi không thể ngủ được. Nước dần lên cao, đồ đạc để giữa đá gần trôi, may thay anh Thành đã nhanh trí bộc lại đồ từ trước. Mấy anh bên Gia Lai thấy vậy cũng chạy tới giúp tổ chúng tôi bốc đồ lên cao. Con nước gầm rú càng lúc càng lớn, vì chưa có kinh nghiệm gì nên tụi con gái chúng tôi chẳng biết xoay sở thế nào, chỉ biết nghe gì làm nấy, tôi cũng chạy đi kiếm củi hơ khô để đốt lửa cho ấm. Riêng anh Thành, anh chạy khắp nơi dựng lại lều cho chúng tôi trú mưa, vất vả cả tiếng đồng hồ mới xong mấy cái võng, đốt lửa, hơ khô áo quần cho từng đứa. Thấy anh Thành vất vả làm việc mà không giúp được gì, tôi thấy rất áy náy, chỉ biết cố gắng làm mấy việc vặt giúp đỡ cho anh. Anh như người anh cả chăm lo cho đàn em, lo lắng cho từng chỗ ngủ của mỗi đứa, xong xuôi chỗ ngủ lại thúc giục nấu cơm tối. Nấu xong anh không ăn ngay mà lại đi sửa sang từng chỗ cho chắc chắn, đi chặt thêm gậy để neo võng cho thật chắc. Chỗ chúng tôi hẹp hơn những chỗ khác nên rất khó khăn để reo võng. Thường ngày tôi cứ tưởng anh Thành là người vô tư vô lo, nhưng giờ thì suy nghĩ đó không còn nữa, anh đúng là một người anh cả của chúng tôi. 

Bóng đêm sập xuống, mưa vẫn không ngớt, dù không còn nhìn thấy phía trước nhưng tiếng nước gầm rú phía trước cũng đủ thấy rằng mưa rất to. Nước hét ầm như ai cứa vao những mỏm đá, nước cuồn cuộn chảy như ai trên nguồn đổ xuống, đổ mãi không ngừng. Nằm trên chiếc võng chanh vanh, phía trên là vách đất , phía dưới chân là con nước lớn, cảm giác như đang chơi trò mạo hiểm với thiên nhiên, chỉ cần sút mất một cây gậy thì cả 8 người có thể sẽ bổ nhào xuống dòng nước chảy xiết. Nhưng mà đã vật lộn với trận mưa cả buổi chiều nên lạnh mấy, ướt mấy cũng cố gắng ngủ, hơi ấm từ 8 thân nhiệt làm cho cái lạnh vơi đi một nửa. Tôi chỉ mong trời mau sáng, mưa mau ngớt thôi. Thế rồi cơn giận dữ của con nước lớn cũng qua đi, trời sáng dần lên, ấm áp hẳn. Vì chiều hôm qua mưa luôn cả một buổi đêm nên hầu như không làm gì được, hôm nay đã là buổi sáng cuối cùng trên thác Đỗ Quyên rồi. 

Sau khi ăn sáng, thầy tập trung mọi người lại dặn dò chuẩn bị hành quân xuống chân thác. Chúng tôi leo hết 689 bậc thang và gặp lại Đỗ Quyên phía dưới chân thác, cảnh tượng hùng vĩ mở ra trước mắt. Trời xanh, mây trắng, chim hót ca vang, cây cối xanh tươi tắm mát sau một ngày mưa ngút ngàn. Từ dưới chân thác nhìn lên cao, vách đá dựng đứng, tưởng tượng nếu thả một hòn đá từ trên cao xuống sẽ không nghe được tiếng kêu. Và nếu được nhảy dù từ trên cao ấy sẽ rất thú vị lắm đây. Ngắm nhìn cảnh tượng hùng vĩ trước mắt, tôi càng hiểu ra tại sao thầy lại lựa chọn ngọn núi này làm biểu tượng cho phân đường Nghĩa Dũng. Ngọn núi có lúc hùng tráng vĩ đại như người võ sĩ đạo dũng mãnh kiên cương, có lúc lại dịu dàng, đằm thắm ôm trọn non nước như sự điềm tĩnh, vị tha, thủy chung son sắt của tâm hồn người võ sĩ. Không ngoa khi nói rằng Bạch Mã mang đậm nét Karate-Do và đậm nét Nghĩa Dũng đường. Trở lại với đỉnh thác Đỗ Quyên, xuống thì rất dễ nhưng khi lên mới thật sự rất khó khăn, các bậc thang như cao lên cả mét, vừa trèo vừa thở, thấy được ánh nắng phía trước mắt mà vui mừng không nói nên lời. Vừa trở lại, các tổ lại chuẩn bị nấu ăn trưa và cũng là lúc sắp phải lên đường rời xa Bạch Mã.

Trên đường về…

Trước khi ra về, chúng tôi dọn dẹp vệ sinh, đoàn quân xếp hàng chụp hình và vẫy tay chào tạm biệt Đỗ Quyên, tạm biệt người đồng đội thiên nhiên đã cho chúng tôi những giây phút đầy thú vị. Con đường về dễ dàng và thuận lợi hơn rất nhiều, vượt qua đoạn đường rừng, tới một ngôi nhà nằm bên con đường bê tông, tôi vô tình đọc được những dòng thơ trên tấm bảng LỜI CẦU NGUYỆN CỦA RỪNG  có hai câu thơ cuối mà tôi thấy hay nhất như sau:…Hỡi Tổ quốc ngự giữa rừng sâu thẳm
Rừng suy tàn là Tổ quốc suy vong. Đúng như lời thơ và bài học mà thầy dạy chúng tôi, giữ gìn vệ sinh cho khu rừng, lỡ xả rác thì nhặt rác lên là một hành động góp tay vào việc bảo vệ mẹ thiên nhiên. Nếu rừng suy tàn thì Tổ quốc sẽ không còn được rừng che chở bao bọc nữa, nhìn từ đây, thực sự tổ quốc được bao bọc bởi cánh rừng già xanh thẳm, không bảo vệ rừng cũng chính là đang tự giết chết bản thân mình. Từ việc nhặt rác nhỏ nhoi suy ra được những việc lớn hơn, những bài học lớn hơn trong cuộc sống. Quả thật chuyến đi đã dạy chúng tôi rất nhiều điều mà từ trước tới nay chúng tôi không hề để ý.

Trên những khúc cua ôm quanh eo núi, giờ đây tôi mới thấy được vẻ đẹp non sông bao la hùng vĩ. Nhìn những bóng dáng bé nhỏ phía trước, tôi chợt nhận ra rằng, con người quá nhỏ bé trước thiên nhiên to lớn, chúng ta chỉ là hạt cát bé nhỏ giữa sa mạc rộng lớn bao la. Nhưng nếu mỗi hạt cát không chung tay góp sức thì sẽ không bao giờ tạo nên một sa mạc lớn, cũng như vậy, chỉ cần mỗi người có ý thức thì rừng sẽ mãi xanh tươi như vậy.

Trở về Huế với xúc cảm vui buồn lẫn lộn, vui vì mọi người đã hoàn thành chuyến đi an toàn, buồn vì sẽ sắp phải xa nhau. 3 ngày, 2 đêm, tuy ngắn ngủi nhưng kỷ niệm mà mỗi người ghi nhớ sẽ luôn hằn sâu vào tâm trí, sẽ là một ký ức đẹp cho tuổi thanh xuân đầy thú vị này. Cùng hát vang bài ca tạm biệt, không ai khóc nhưng trong lòng mỗi người đều đang âm ỉ chung một nỗi niềm sâu thẳm. Tôi hy vọng rằng những gương mặt này sẽ mãi ghi nhớ nhau, sẽ có một ngày không xa cùng nhau xách ba lô lần nữa chinh phục đỉnh Bạch Mã. Tôi hy vọng những ngày tháng này sẽ không phai nhạt mai sau…

Cảm ơn tất cả, cảm ơn thầy, cảm ơn Bạch Mã thân yêu, cảm ơn anh em tôi, cảm ơn tuổi trẻ tôi đã có cơ hội đặt chân lên chốn thần tiên này và được bén duyên với Karate-Do!

Bạch Mã sơn thân yêu ơi, từ nay cách xa…




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024