Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
08/04/2022 07:04 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
KHI KHÔNG ĐƯỢC YÊU THƯỜNG THÌ NGƯỜI TA CŨNG KHÔNG QUEN YÊU THƯƠNG NGƯỜI KHÁC


Hôm nay mình sẽ review cuốn sách khiến mình trăn trở rất nhiều: "Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ" của tác giả Đặng Hoàng Giang

1. Về tác giả:

Đây là lần thứ hai mình đọc sách của chú Giang. Cuốn đầu tiên là “Thiện, ác và Smartphone”, nó đem đến một cái nhìn trần trụi về việc con người độc ác như thế nào khi họ không phải chịu trách nhiệm trước lời nói của mình. Cuốn sách này cũng vậy, một sự độc ác vô tri nhưng lại đáng thương vì ngay cả hung thủ còn không nhận thức được điều ác mình đang gây ra cho chính những người mà họ yêu thương chứ không phải là những người trên mạng như cuốn sách trước.

Những vấn đề mà tác giả đưa ra đều rất xã hội. Nó gần gũi, chân thật và rõ ràng là có một sự ảnh hưởng, tác động lớn ở xã hội Việt Nam đương thời. Mình thích cái cách mà tác giả dùng lời văn, con chữ của mình để lên án xã hội như cái cách mà người anh hùng dùng vũ khí để chống lại các thế lực xấu trong mấy phim Marvel. Đan xen với những sự chỉ trích nặng nề, đau đớn đó, ông vẫn đưa ra lối thoát, một giải pháp thực tiễn cho những vấn đề đó.

2. Về sách:

Sách được chia làm ba chương, mỗi chương là một dạng vết thương khác nhau nhưng nhìn chung, nó vẫn mang tính sát thương cao.

Với tên gọi “Thế giới vắng bóng người lớn”, phần đầu là nơi mà những người trẻ được tự do vẫy vùng câu chữ có phần nổi loạn của mình để thuật lại cuộc đời họ. Thoạt đầu mình thích lắm vì nó gần gũi, ít nhất là với cách nghĩ/tư duy của bản thân lúc này, khi ở cùng một độ tuổi, tụi mình đều có những phút bốc đồng, khao khát tự do, trải nghiệm thế giới. Các tình tiết trong sách sống động đến nỗi mình đã ước rằng mình là nhân vật đó, có thể được trải nghiệm cảm giác đó. Nhưng rồi, đằng sau những trải nghiệm bốc đồng đó là nỗi đau, nó tuôn ra qua từng con chữ khiến cổ họng mình nghẹn lại. Hoá ra giao tiếp bạo lực là có thật và nó vẫn ngày ngày ăn mòn nạn nhân, để lại một sự rỗng tuếch bên trong và họ phải tự dựng lên một vỏ bọc thô sơ, cứng cáp mà người ta vẫn hay gọi là quậy phá, hư hỏng.

Mình rất ấn tượng khi tác giả sắp xếp mục “Khi không được yêu thương thì người ta cũng không quen yêu thương người khác” trước mục “Chúng tôi đang đi với sự bất an vô bờ bến.” Nếu ở phần đầu quyển sách là những người trẻ luôn tiến về phía trước với sự rỗng tuếch bên trong thì phần hai hiện lên hình bóng của những người trẻ bước đi thật chậm vì phải mang trên vai trách nhiệm chăm lo cho cuộc sống của người khác. Họ là những đứa trẻ bị phụ huynh hoá, có sự yêu thương làm nền tảng nhưng lại khó có thể tiến xa vì phải đóng vai trò bạn đời thay thế cho ba hay mẹ mình. Khi không hiểu bản thân, con người ta khó mà có thể sống cho chính mình. Phải chăng đó chính là lý do khiến họ đã chênh vênh nay lại chênh vênh thêm trong những tháng ngày tuổi trẻ?

Ai đó đã từng nói: “Khi ta cho rằng ta đang hy sinh tất cả cuộc đời vì người khác, ta sẽ cảm thấy ta có đặc quyền khiến họ thực hiện những ý nguyện của ta trên danh nghĩa tình thương và sự ràng buộc”. Khi bạn là thế giới của ai đó, cuộc sống của bạn là của họ, những vui buồn trong cuộc sống của bạn đều ảnh hưởng trực tiếp đến họ. Những quyết định mà bạn đưa ra, những cơ hội mà bạn đạt được hay những thứ mà bạn mong muốn trải nghiệm đều cần phải được cân nhắc- thật kỹ lưỡng. Vì hệ quả mà nó đem lại không chỉ ảnh hưởng đến mỗi cá nhân bạn mà còn đến người mà bạn rất thương-ba mẹ bạn- người mà bạn không bao giờ muốn họ bị tổn thương. Do đó, bạn sẽ có một cuộc sống chật hẹp, tù túng không phải vì không gian sống mà là bởi mối lo lắng, tình yêu thương và sự quan tâm của họ.




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024