Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
09/04/2016 20:04 # 1
vnrleo28
Cấp độ: 29 - Kỹ năng: 8

Kinh nghiệm: 34/290 (12%)
Kĩ năng: 40/80 (50%)
Ngày gia nhập: 17/09/2014
Bài gởi: 4094
Được cảm ơn: 320
Mình nhớ hồi người ta còn hay viết thư tay...


Tự dưng, mình muốn quay lại ngày xưa, muốn kiếm tìm lại những bức thư tay được gửi tới từ người bạn phương xa nào đó, mà cảm thấy khó quá. Bây giờ, người ta sống vội lắm, sống để còn theo kịp thời đại nữa. Còn ai mà chịu mất thời gian để chờ đợi nữa đâu. Cuộc sống xô bồ, đẩy con người ta lao nhanh đến những giá trị mang tính hiện thực hơn, còn mấy ai chịu sống mãi với hoài niệm nữa đâu.

 

Đã lâu lắm rồi mình không viết thư hay không nhận được những bức thư được viết bằng tay nào. Có lẽ, không cứ gì mình, mà hầu hết mọi người bây giờ, cũng chẳng mấy ai lại chịu bỏ thời gian ra mà viết, rồi lại chạy ra tận bưu điện, nhét lá thư đó vào hòm thư, và hồi hộp chờ đợi mấy ngày, xem nó đã đến tay người nhận chưa.

Thay vào đó, người ta chỉ cần nhắn cho nhau một cái tin nhắn, mất có 200 đồng, thì dù có cách xa nhau hàng nghìn mét, hay chỉ cần gần nhau 100 mét, thì cũng chỉ cần vài giây sau, là người bên kia có thể nhận được và phản hồi thông tin lại rồi. Hay là cầm lấy cái điện thoại, vào facebook, zalo, skype... và vô số các ứng dụng tiện lợi khác là mọi người có thể giao lưu, kết bạn, hỏi thăm sức khỏe, tán gẫu hàng giờ với nhau, dù khoảng cách có là xa bao nhiêu đi chăng nữa, có thể là hai đầu tổ quốc, từ nước này qua nước khác, châu lục này sang châu lục khác... cũng khiến mọi người có cảm giác là đang ở bên cạnh nhau, gần nhau trong gang tấc. Quá thuận lợi và tiện ích phải không?

Nhớ hồi mình mới lên cấp hai, học sinh lớp sáu và lớp tám phải học buổi sáng, lớp bảy và lớp chín thì học buổi chiều. Ngày đó, lũ học sinh chúng mình rộ lên trào lưu viết thư cho người ngồi cùng bàn với mình. Mình cũng ham hố, đua đòi với lũ bạn, xé tờ giấy ra làm tư, rồi nắn nót viết vài dòng chữ làm quen "Em chào anh/chị. Em tên là... Học lớp 6... Rất mong được làm quen với anh/chị ngồi cùng bàn với em.", rồi cần thận gấp nó lại, nhét nó ở khe bàn.

Cả buổi học hôm đó, cứ thấp thỏm không yên. Chỉ mong hết giờ, để người ngồi cùng bàn với mình, chiều nay sẽ nhận được là thư đó và mau chóng hồi âm lại. Đến lúc tan học, vẫn còn lo sợ anh/chị kia sẽ không biết là có người gửi thư, nên còn cẩn thận, cầm cây bút, viết luôn lên mặt bàn dòng chữ "trong ngăn bàn có thư" cho người ta biết, rồi mới yên tâm mà cắp cặp ra về.

Đến ngày hôm sau, chẳng kịp ăn sáng mà đi đến trường thật sớm. Việc đầu tiên là lao đến chỗ mình ngồi, cho tay vào ngăn bàn khoắng loạn hết cả lên, và rồi cũng tìm được một tờ giấy, được gấp cẩn thận, đặt ở góc phía trong cùng. Cầm nó lên tay mà nâng niu một hồi lâu rồi mới dám mở ra đọc. "Chị tên là... rất vui được làm quen với em." Nội dung chẳng có gì, nhưng không hiểu sao, tâm trạng lúc đó lại vui thế?

Đọc xong, vội lấy quyển vở vừa mới mua ra, xé ngay trang giữa, rồi lại hý hoáy viết thư trả lời. Cứ thế, thư qua, thư lại với chị lớp chín đó được cũng được gần một năm. Nhớ có lần, bị cô giáo đổi chỗ, phản đối cũng không được, nên mỗi lần viết thư cho chị ấy, là phải đợi cái đứa nó ngồi vào chỗ mình về trước, rồi mới lén lút qua đó mà đặt thư vào.

 

Sáng hôm sau, lại mò đến sớm, chỉ sợ đứa kia nó đọc trộm mất. Mà kể cũng lạ, nội dung thư chỉ xoay quanh vài câu hỏi, cứ lặp đi lặp lại, "Hôm nay, chị/em học những môn gì? Ai dạy? Chị/em có tiết kiểm tra không? Chị/em có bị gọi lên bảng không? Hay có làm được bài kiểm tra không? Được bao nhiêu điểm?".... thế mà ngày nào cũng háo hức, chờ đợi thư của nhau. Đúng là trẻ con.

Sang đến năm lớp bảy, chị ấy lên cấp ba, không học cùng trường với mình nữa, thế là lại chuyển sang viết thư cho người ngồi cùng bàn, nhưng học lớp tám. Lần này thì mình nhận được thư làm quen trước. Ngay lá thư đầu tiên, mình đã bị shock, bởi cái cách làm quen rất chi là "sửu nhi", "Chào em. Anh biết rõ em là ai, nhưng em thì không biết anh đâu. Chúng mình làm quen nhé, bởi vì anh rất thích em."

 

Mình ghét kiểu "lấc cấc" như thế, nên không thèm viết thư trả lời. Cứ tưởng sẽ được bình yên, ai ngờ ngày hôm sau đến lớp, thấy mặt bàn chỗ mình ngồi được khắc dòng chữ "This is Yết Kiêu" to đùng. Chạm đến lòng tự ái là tức rồi, thế là liền xé giấy, viết thư trả lời. "Em quen với người biết rồi, chứ không làm quen với người chưa biết." Vậy mà vẫn tiếp tục nhận được phúc đáp của ông anh lớp trên vào những ngày tiếp theo đó.

Lạ một cái, là người học trên mình một lớp đó, quả là hiểu rất rõ về mình, nên càng ngày, càng cảm thấy thân thiết, gần gũi, khiến cho mình suýt nữa thì sống trong ảo tưởng, mơ đến một tương lai xa hơn. Cho đến một ngày, mình vô tình phát hiện, kẻ đang thường xuyên viết thư tâm sự với mình kia, lại chính là lão hàng xóm đáng ghét, sát vách nhà mình. Ngày xưa bé, suốt ngày bị lão bắt nạt, ăn dỗ kẹo bánh của mình. Tức điên người. Kể từ đó, chẳng còn ham hố viết thư làm quen qua ngăn bàn nữa.

Cho đến tận bây giờ, dù cho "giờ anh đã là chồng người ta", là bố của hai đứa con rồi, thì thi thoảng lão vẫn nhắc lại chuyện đó để trêu mình. Hận, mà chẳng làm gì được. Mấy lần định kể cho vợ lão, mà chỉ sợ, chị ấy lại chuyển sang ghét mình, nên đành giữ im lặng. Nên quyết định bỏ qua trong ấm ức.

Lên cấp ba, mỗi khi cầm cuốn Hoa học trò trên tay, là giở luôn đến trang có đăng chuyên mục kết bạn, rồi lưu lại danh tính, địa chỉ của những người mà nhìn qua cái profile của người ta mình cảm thấy ấn tượng, như là gương mặt dễ nhìn này, thành tích nổi bật, hay có một vài sở thích giống mính, và đặc biệt là khoảng cách địa lý càng xa so với mình thì càng tốt.

weloveword

 

Tối hôm đấy, sẽ dẹp hết cả bài vở sang một bên, tiếp tục vắt óc ra mà suy nghĩ xem phải viết thư làm quen thế nào. Bởi thư này đâu có giống thư ngăn bàn, phải viết cho ra viết chứ, ít nhất cũng phải viết đầy đủ cả "mở bài", "thân bài", "kết luận", mới không bị người ta cười. Viết được hai trang giấy, đọc đi đọc lại đến chục lần xem có sai lỗi chính tả, câu cú cẩn thận chưa rồi mới gấp lại, cho vào phong bì, và dán tem cẩn thận. Ngày hôm sau, đi học về, còn rẽ ngược lên bưu điện, cách trường 2 km để gửi thư nữa. Mà hồi đó ngây thơ, cứ nghĩ dán nhiều tem thì thư mau đến được tay người nhận. Thế là mua một lúc ba cái tem thư rồi dán vào. Giờ nghĩ lại, tiếc đứt ruột.

Ngày nào đến trường, cũng đều lên gặp cô trông giữ thư viện đầu tiên, để hỏi xem thư đã về chưa. Nếu chưa về, là mặt dài như cái bơm suốt cả buổi. Còn hôm nào mà được thông báo, lên thư viện nhận thư, là mừng như được điểm cao môn mình học yếu nhất. Cầm thư về đến lớp, cẩn thận gỡ từng nếp gấp ra, vì sợ nó rách, đọc xong thư rồi, còn đưa tiếp cho vài đứa bạn thân khác đọc, mắt thì mơ mơ màng màng, nghĩ tới một ngày nào đó sẽ được gặp mặt cái bạn ở nơi phương xa kia.

Còn cái vụ chụp ảnh kiểu Hàn Quốc nữa chứ. Cứ chạy ra quán, rồi chui vào cái "hộp", vài phút sau là ra mấy cái ảnh, nhìn cũng ảo diệu và lung linh lắm, camera 360 bây giờ chắc cũng phải chào thua. Rồi cắt lấy ảnh đó, gửi kèm thư cho những bạn có nhu cầu biết mặt. Kể lại cũng thấy buồn cười.

Hồi đó, cũng liều, có lần còn tự đăng thông tin cá nhân của mình lên báo, không ngờ sau đó cũng có khá nhiều người viết thư lại. Sướng không chịu nổi.

Đến khi mình vào Đại học, bắt đầu dùng điện thoại, máy tính, thì những bức thư viết tay cũng không còn được sử dụng nữa. Ngày đó, cứ 3000đ là được 100 tin nhắn trong một ngày, có nhắn mỏi tay cũng chẳng hết. Rồi dùng Yahoo messenger... và sau này là Facebook, ta có thể thỏa sức kết bạn với mọi người, ở mọi nơi khác nhau, không cần phân biệt quốc gia, ngôn ngữ. Bạn bè của mình, bỗng nhiên lại xuất hiện ở khắp mọi nơi, ngày càng đông.

theodysseyonline.com

Nhưng cũng chính vì thế, mà mình cũng không còn cái cảm giác hồi hộp, háo hức, mỗi khi nhận được sự hồi âm từ người khác nữa. Mình cũng bắt đầu có nhiều bạn hơn, có những người bạn, mình còn không biết tên thật, cũng chưa từng một lần gặp, đến thông tin cá nhân cơ bản của người ta, mình cũng không thể biết. Rồi chợt nhận ra, bây giờ kết bạn dễ thật.

Chỉ cần một cái click chuột, là hiện lên một dòng thông báo "Đã trở thành bạn bè". Chẳng giống ngày xưa, khi mình muốn kết bạn với ai đó, ít nhất mình cũng phải biết được tên thật của người ta, địa chỉ nhà riêng, hoặc trường học, thì mới có thể gửi thư được tới nơi. Và mình cảm nhận được, tình cảm đó mới thật sự là chân thành, những lời hỏi thăm, động viên nhau được viết ra trên những trang giấy, nó như chứa đựng một phần tình cảm của người viết.

Chứ không như bây giờ. Khi bạn chỉ cần đăng một dòng trạng thái, là có thể có hàng trăm lượt "like", "comment" của vô số bạn bè, nhưng thử hỏi, trong số đó, có khoảng mấy người là đồng cảm thực sự với bạn? Đời thuở nhà ai, người ta kêu buồn cũng "thích", người ta than đau, cũng "thích", hay người ta thấy chán nản cũng "thích" luôn...

Tự dưng, mình muốn quay lại ngày xưa, muốn kiếm tìm lại những bức thư tay được gửi tới từ người bạn phương xa nào đó, mà cảm thấy khó quá. Bây giờ, người ta sống vội lắm, sống để còn theo kịp thời đại nữa. Còn ai mà chịu mất thời gian để chờ đợi nữa đâu. Cuộc sống xô bồ, đẩy con người ta lao nhanh đến những giá trị mang tính hiện thực hơn, còn mấy ai chịu sống mãi với hoài niệm nữa đâu.

Chợt nghĩ tới câu nói của một bác gái trên sóng truyền hình "Không sao đâu, cứ bình tĩnh mà sống", mà cảm phục. Bác ấy, dù lớn tuổi, nhưng lại rất bền bỉ, để sống cùng với cuộc sống của nhân loại. Nghĩ lại mình, cũng đâu phải có quá nhiều kinh nghiệm sống, sao cứ phải bon chen, chạy đua với đời làm gì? Như thế có phải là mệt lắm không? Sao không thử sống chậm lại, mà hưởng thụ, mà chiêm nghiệm về những điều tốt đẹp xung quanh mình. Cuộc đời tuy dài đấy, nhìn về phía trước tưởng là xa xôi, vời vợi, nhưng ngoảnh mặt lại, cũng chỉ như cái chớp mắt, khi ta tránh cơn gió bụi mà thôi. Vậy hà cớ gì mà phải sống vội vã? Thôi thì, "cứ bình tĩnh mà sống."

Quyết định đóng Facebook cá nhân vài ngày, xem có ai gửi thư tới cho mình không. Ngờ đâu có thật. Là thư báo của Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam, thông báo đến ngày đóng phí điện thoại và internet.

Hải Jolie - Guu.vn



Xem thêm: Mình nhớ hồi người ta còn hay viết thư tay... | Guu.VN http://guu.vn/permalink/17rZ3kSVEVAWJ.html#ixzz45KxfXl3q 
Follow us: guu.vn on Facebook



Gmail: vnrleo28@gmail.com

Con người có thể mất đi nam tính, có thể mất đi nữ tính, nhưng đừng đánh mất nhân tính
Lớp : K20YDH1


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024