Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
29/03/2015 10:03 # 1
vothivan
Cấp độ: 32 - Kỹ năng: 11

Kinh nghiệm: 4/320 (1%)
Kĩ năng: 75/110 (68%)
Ngày gia nhập: 22/03/2014
Bài gởi: 4964
Được cảm ơn: 625
Pi-a-mơ không chỉ nở trên triền núi


“Cuộc sống của tôi vốn dĩ đã vô vị khi đến nơi rừng rú càng nhạt nhẽo hơn. Tôi dành thời gian rảnh cho những việc ngu ngốc. Ví như ngồi thừ ở chõng tre giữa sân cả tiếng đồng hồ chỉ để dõi theo một chiếc lá vàng cho đến khi nó rơi, ngắm những con ong thợ vờn trên những nhành hoa lan hút mật,… Tôi như một gã mất trí chẳng thiết gì. Không ai dám làm phiền tôi. Bởi, tôi là con của Chỉ huy trưởng. Vậy mà, tôi lại bị điều lên đây. Nơi rừng thiêng nước độc, vùng đất từng gánh chịu hậu quả chất da cam nặng nề. Khốn thân tôi quá. Đố ai tin. Nhưng tôi thề, tất cả là sự thật.”

Dũng ngồi ở ghế salon hai tay thỏng, mặt cúi gầm và nước mắt lã chã rơi. Mẹ Dũng không ngớt lời van xin nhưng cha Dũng gạt đi: “Phải đi thực tế cho biết mùi cực khổ, sướng quá hư thân”. Mẹ Dũng than: “Nhưng mà ông ơi, cái mảnh đất đó…” Cha Dũng cắt ngang: “Con người ta sống được, con mình sống được. Cứ như bà, lấy ai lên vùng cao biên giới, lấy ai tới nơi đầu sóng ngọn gió”. Mẹ Dũng nén tiếng thở dài bất lực, quay lại nhìn cậu con trai hai mươi tuổi mặt búng ra sữa, nước mắt tuôn ròng. Bà đành ngậm ngùi an ủi Dũng: “Đi nghĩa vụ năm hai năm rồi về coi như tu nghiệp con à”. Không thể phản kháng, Dũng buộc phải nhận nhiệm vụ và lên đường. Từ nhỏ đến giờ vẫn thế, cuộc sống của Dũng luôn được người cha vẽ ra, sắp sẵn, không có quyền làm bất cứ điều gì mình thích. Dũng chẳng khác nào một con chim quý đắt tiền được cha anh nuôi trong chiếc lồng bằng vàng. Chỉ cần ra khỏi “lồng” là Dũng bay nhảy quên đường về. Dũng muốn trở thành họa sĩ, anh có thể vẽ bất cứ thứ gì. Khao khát được thi vào trường đúng năng khiếu nhưng cha buộc anh phải thi đại học quân sự. Nghĩ đến chiếc “lồng” được thắt chặt hơn với những phép tắc, “kỉ luật thép” của quân đội Dũng ớn như ăn chè nếp.

Nhận được kết quả thi đại học của Dũng, cha Dũng ngồi yên như tượng, mặt lạnh như tiền ở phòng khách. Mẹ Dũng kéo anh lại nói nhỏ: “Cha đã biết con cố ý làm bài thật tệ để không đủ điểm sàn vào Học viện Biên phòng”. Từ đó trong mắt ông, Dũng là cậu con trai vô kham bất trị. Mẹ Dũng hiểu, thương Dũng bà chỉ biết khóc. Như hôm nay, chiếc xe Uoát chở anh đi ra khỏi cổng từ lâu, mẹ anh vẫn đứng dõi theo, mắt nhòe lệ.

Ông tài xế mở lặp lại bài hát về Đồn Biên phòng trên suốt dọc đường đi. Dũng nghe đến thuộc: “Đồn Biên phòng ở lưng chừng dốc… hớ hớ…núi, nắng lên cao vẫn chưa tan màn sương chắn lối về bản…” Đồn Biên phòng ở sát biên giới là nơi Dũng phải đến thực hiện nhiệm vụ. Đi xe ô tô, từ nhà Dũng đến Đồn mất nửa ngày đường. Xe đang rẽ vào con đường ngoằn nghoèo lởm chởm đá, giữa hun hút núi rừng. Dũng chưa bao giờ say xe, không hiểu sao hôm nay thấy người mệt lả, buồn nôn. Dũng chỉ kịp hét lớn: “Dừng lại!”. Anh vội xuống xe chạy sang mép đường. Tất cả những thức ăn có sẵn trong bụng đều tuôn ra ngoài.

Bầu trời hôm nay ức muốn phát điên vì không mưa được. Cái nắng gắt gao cộng mùi cháy khét làm Dũng khó thở. Trước mặt Dũng không có lấy một lùm cây bụi cỏ xanh tươi. Lửa đang liếm những cọng lá héo quắt còn sót lại dưới chân anh. “Cái quái gì thế này? Trời đất ơi, tôi đang đứng ở cánh rừng chết!” – Dũng gào lên. Ông tài xế cầm chai nước lọc, khăn lạnh đến đưa cho Dũng và nói: “Bây giờ đang là mùa khô, đồng bào ở đây họ đoán thời tiết giỏi lắm, đốt rẫy thế này có nghĩa là trời sắp mưa. Nhìn vậy chứ mưa xuống cỏ bò ra choán cả lối đi cậu Dũng à”. Dũng leo lên xe ngồi, muốn khóc nhưng không khóc được, đồng tử giản ra hết cỡ, vằn lên những tia uất ức:

– Bác thấy cháu có giống cha cháu chút nào không?

– Sao cậu lại hỏi thế?

– Nếu cháu là con ruột của ông thì ông sẽ không hành hạ cháu như thế này.

– Không đâu cậu Dũng, Chỉ huy trưởng chỉ muốn tốt hơn cho cậu thôi. Mọi chuyện rồi sẽ ổn cả.

– Cháu thì chẳng thấy tốt, ổn chút nào. Chắc chắn có uẩn khúc gì đấy mà cháu không biết bác à.


Quang cảnh dọc đường đi khiến Dũng chán nản. Đến nơi, Dũng càng ngao ngán hơn. Ngoài cổng đi vào có một phòng nhỏ dùng làm phòng họp. Phía sau có ba dãy nhà xây, tường vàng sơn đã xỉn màu. Dãy đầu dành cho cán bộ, tiếp theo là chỗ ở của lính và cuối cùng là nơi nấu nướng, ăn uống. Tít đằng sau nữa là khoảng đất dùng để trồng trọt và chăn thả gia súc gia cầm. Nền nhà và sân được nện đầm bằng đất lẫn đá sỏi núi. Những bụi cây quanh đồn đắm mình đất đỏ. Ở đây không có điện, họ phải thắp đèn dầu, phải ăn cơm tối trước năm giờ. Không có nước máy chỉ có một cái giếng tròn to sâu mười mét và lấy nước sinh hoạt bằng cái gàu địu có buộc sợi dây thừng dài. Phương tiện đi lại là chiếc xe Uoát dựng ở mé sân. Phương tiện thông tin là một chiếc đài xài bằng pin con thỏ của Đồn trưởng Chiến. Ai tiến tới chiếc đài ông Chiến cũng dặn với: “Chỉ bấm và nghe thôi chơ không được sờ mó lung tung”. Tất cả nói lên sự thiếu thốn của một vùng đất nghèo khổ.

“Tôi căm thù cha tôi vô cùng, phải ghi lại tất cả tâm trạng tồi tệ của mình vào một cuốn nhật ký. Nếu tôi bỏ xác lại nơi này thật thì cha tôi là người phải hối hận và đau đớn nhất khi đọc nó. Màn đêm ở chốn hoang sơ này buông nhanh kinh khủng. Tôi không ngủ, nằm buồn xo trong căn phòng lạnh ngắt. Bên ngoài gió nổi lên, nghe rõ tiếng lá cây rừng cọ vào nhau xào xạc. Những rặng nứa, vầu sau đồn nép vào nhau lượn theo chiều gió kêu ẻo ẹt…Lâu lâu có tiếng chim lạ rừng bên vọng tới. Tiếng chim than nghe ai oán não nùng:“Con còn côi cột, con còn côi cột,…”. Tôi trùm chăn kín đầu nhưng âm thanh chết tiệt đó cứ len lỏi vào tai tôi, quấy giấc ngủ của tôi. Bóng đêm tối om dần trườn vào khoảng không mù mịt. Tiếng gà gáy le te, trời rạng dần. Đêm nay tôi thức trắng, lẽ nào những đêm tiếp theo cũng như vậy? Cổ họng bắt đầu khát khô, toàn thân ê ẩm, mồ hôi tứa ra thành dòng…”

Dũng ốm. Cả đơn vị phát hoảng nhưng thuốc trong tủ đã hết. Đồn trưởng Chiến nghĩ đến Pi-a-mơ. Ông muốn nhờ cô bé dùng thuốc nam chữa bệnh cho Dũng.

Sau khi uống thuốc, nhiệt độ cơ thể Dũng giảm dần, xuất hiện trước đôi mắt nửa tỉnh nửa mê của anh là gương mặt một cô gái xinh đẹp như thiên thần. Chắc chỉ là giấc mơ, Dũng nghĩ vậy và nhắm mắt thiếp đi.

Trời xế chiều, Đồn trưởng Chiến lay nhẹ vai Dũng bảo, dậy ăn cháo rồi uống thuốc. Dũng ngồi dậy cười mỉm. Ông Chiến đùa:

– Chú này lạ nhỉ, ốm mà cũng cười được.

Dũng cảm thấy lạ, ở giữa chốn “khỉ ho cò gáy” này mà anh lại mơ thấy tiên. Một nàng tiên có mái tóc đen dài, cái miệng cười lộ chiếc răng khểnh rất duyên. Nàng có làn da trắng, đôi mắt to, ánh nhìn trong veo. Trên người nàng phát ra mùi hương rất dễ chịu. Nó không nồng đậm như hoa dẻ, không thùy mị tinh khiết như hoa sen, không thơm ngát như hoa sứ,…mùi hương dị biệt. Dũng không biết nàng tiên đó chính là cô bé Pi-a-mơ đã đến thuốc thang cho Dũng từ sáng sớm vừa mới ra về. Còn mùi hương kia phát ra từ loài hoa Pi-a-mơ trên núi. Cho đến khi Dũng nghe Đồn trưởng kể… Dũng vội xuống giường:

– Cháu muốn đi gặp Pi-a-mơ.

– Cũng phải gặp để cảm ơn người ta nhưng chú đang bị ốm, ở nhà ăn cháo, nghỉ ngơi cho khỏe, sáng mai chỉ chỗ cho gặp nhé!

“Nàng bảo, tên của nàng gắn với một loài hoa. Vì sinh ra giữa mùa pi-a-mơ nở nên mẹ lấy tên hoa đặt cho nàng. Hoa pi-a-mơ tượng trưng cho sự chung thủy của người con gái, một khi đã yêu thì dù có chết cũng không thay lòng đổi dạ. Pi-a-mơ phát ra dị hương như dẫn dụ mê hoặc, có thể ru người mất ngủ kinh niên ngon giấc, làm cho người bất hạnh tìm thấy hạnh phúc và người hạnh phúc sẽ được viên mãn. Thân Pi-a-mơ dùng làm kèn Amam gọi bạn tình trong mùa đi sim. Ngày xưa chất độc da cam biến nơi đây thành vùng đất chết. Nhưng pi-a-mơ vẫn vươn lên giữa trời. Thách thức. Bởi vậy thân và rễ của Pi-a-mơ phơi khô nấu uống giúp cơ thể khỏe mạnh phòng chống bệnh tật. Cuộc sống ở đây thật không quá tồi tệ như tôi nghĩ. Ít nhất, tôi cũng đã có một câu chuyện tốt đẹp để kể cho mẹ nghe.”


Pi-a-mơ ngồi trên phiến đá nghiêng đầu xỏa mái tóc dài chấm thắt lưng sang một bên. Tóc như muốn trôi theo dòng suối. Đôi tay thoăn thoắt chắt nước đầy cái mo cau rồi thả những bông hoa pi-a-mơ vào. Pi-a-mơ ngước đôi mắt trong veo nhìn Dũng hỏi:

– Sao bộ đội Dũng biết em ở đây mà tìm?

– Sương giăng chắn lối, anh lần theo tiếng kèn Amam của em đấy. Bản nhạc hay lắm. Mà em đang làm gì vậy?

– Em ướp hương hoa Pi-a-mơ vào nước suối để gội đầu.

– Hay quá nhỉ! Thế hoa khô có giữ được hương không?

– Dạ có, phơi càng đượm nắng càng thơm.

– Mai mốt nghỉ phép anh sẽ mang về tặng mẹ anh loài hoa này, gần đây bà nhọc lòng về anh nhiều nên hay mất ngủ.

– Em sẽ giúp bộ đội Dũng làm quà tặng mẹ nhé?

– Cám ơn cô bé! Đêm qua anh không ngủ được, có con chim lạ đứng trên ngọn vầu réo rắt: “con còn côi cột…” nghe nẫu ruột, tóc gáy dựng cả lên Pi-a-mơ à.

– Đó là chim Pha-triêng, nó gắn liền với một câu chuyện gần như cổ tích.

Pi-a-mơ kể cho Dũng nghe về loài chim có tiếng hót lạ đó:

– Phụ nữ ở bản em đến mùa sinh nở, người chồng sẽ làm cho một ngôi nhà cạnh bờ suối bên trong nhà tết toàn hoa pi-a-mơ khô, rồi vào rừng đốn củi về chất đống cạnh ngôi nhà. Rễ pi-a-mơ cũng được đào lên phơi khô dành sẵn. Khi sinh em bé, người chồng sẽ nhóm lửa rực than hồng, người vợ đi quanh bếp lửa chín vòng rồi xuống suối ngâm mình ướt hết áo quần sau đó lên đi tiếp chín vòng. Làm ba lần như vậy trong một ngày rồi thay áo quần nghỉ ngơi. Ba ngày sau ôm con về bản.

– Thế không ăn uống à? – Dũng hỏi.

– Có chơ, người chồng sẽ lo cơm nước. Nhưng nước phải nấu bằng rễ cây pi-a-mơ. – Pi-a-mơ trả lời.

– Tết nhiều hoa pi-a-mơ trong nhà để làm gì vậy cô bé?

– Hương hoa pi-a-mơ sẽ tẩy đi những uế tạp, tanh tưởi.

Dũng gật gù, chợt nhận ra ở vùng đất hoang vu sơn cước này luôn sở hữu và ẩn chứa những điều thần bí đang dần cuốn hút anh. Pi-a-mơ kể tiếp:

– Duy có nàng Pha-triêng, vì hiếm muộn đường con cái, khi có chửa sợ thú dữ bắt mất con nên chồng nàng làm cho một ngôi nhà trên cây. Nàng sinh con sớm trước một tuần, lúc đó chồng nàng đang lên rẫy. Sau khi sinh con ra, nhìn thấy mặt con, Pha-triêng hét lên rồi tụt xuống cây đi thẳng vào rừng tìm chồng. Vừa đi nàng vừa gọi: “Con còn côi cột,…”. Mãi sau không thấy Pha-triêng về, chỉ thấy có con chim lạ về, đứng trên ngọn cây trước nhà Pha-triêng mà hót: “Con còn côi cột,…” Dân bản bảo vì Pha-triêng nhìn thấy đứa con dị thường nên sợ hãi bỏ đi và biến thành con chim về báo cho chồng biết đứa con của họ vẫn đang còn trên cây. Từ đó loài chim này mang tên Pha-triêng.

Dũng chợt ngây người ra giây lát. Ai chẳng biết vùng đất nở tràn hoa pi-a-mơ xinh đẹp từng chịu ảnh hưởng nặng nề của chất da cam. Cha Dũng. Ông thừa biết cái sự thật thẳng thừng tàn khốc đó. Còn mẹ Dũng. Bà biết tất. Nhưng bà chỉ có thể lặng lẽ giấu đi những giọt nước mắt bất ổn, suy tư.

– Bộ đội Dũng nói về anh cho em nghe đi?

Giọng Pi-a-mơ lảnh lót, làm Dũng giật mình.

– Tôi á, tôi chẳng có gì tốt đẹp để kể. Cuộc sống của tôi chán ngắt. Con chim phải sống trên trời, con cá sống ở dưới nước, nếu hoán đổi vị trí cho nhau sẽ không tồn tại được. Vậy mà cha tôi biến tôi thành con chim, con cá, thả đâu sống đấy không lấy một chút tự do.

– Cha em nói thích nghi thì tồn tại.

– Tồn tại như thế này chi bằng chết quách cho sướng thân. Chẳng hạn làm con chim rơi xuống dòng suối này hoặc làm con cá bay vút lên trên cây. Chết. Là hết. Và tự do.

– Nếu tìm đến cái chết mà chết ngay được đã là sướng nhưng nhỡ chết dở sống dở thì đau lắm.

– Ừ. Chắc đau.

Pi-a-mơ nhìn ngọn suối đang tuôn trào dữ dội, cô bé cười tít mắt:


– Sợ đau như thế sao lại đòi chết! Theo em nào, đi gặp những thiên thần của em, bộ đội Dũng sẽ thấy yêu cuộc sống của mình ngay ấy mà.

“Những đứa trẻ mà nàng gọi là thiên thần đang bị bệnh và ở ngôi nhà cạnh vách núi. Cha mẹ nàng chăm chúng. Những đứa trẻ là con cháu của đồng đội cha nàng và đơn vị tôi đang đỡ đầu cho các em ấy. Dân bản cũng thường xuyên ghé thăm, lúc thì nải chuối, vài quả trứng gà, lúc thì dăm quả bắp non, lon đậu xanh, củ khoai, củ sắn,…Ở dưới xuôi tôi cũng hay chở mẹ mang sữa, bánh kẹo, mì tôm,…cho các em có hoàn cảnh bất hạnh. Tôi tưởng tượng khuôn mặt, hình dáng của lũ trẻ bụ bẫm đáng yêu như nhưng cô bé, cậu bé mà tôi đã từng gặp ở trong các trại trẻ mồ côi ở thành phố. Bỗng thấy lòng rạo rực. Tôi cũng yêu trẻ con lắm, ước gì mình cũng có vài đứa em. Nhưng khổ nỗi khi còn trẻ cha mẹ xa nhau biền biệt đến lúc gần nhau thì mẹ đã qua cái tuổi sinh nở. Tôi nóng lòng, giờ thì đã thấy yêu vùng đất nghèo khó này rồi. Nàng bảo, hái một ít hoa pi-a-mơ xuống làm quà cho bọn trẻ. Những bông hoa pi-a-mơ màu trắng có đốm tím li ti tết lại thành chùm rung rinh reo vui trên tay tôi. Bước vội theo Pi-a-mơ lòng tôi đầy hào hứng. Pi-a-mơ đặt những bông hoa trên những mô đất nhô cao. Như thấu được những điều khó hiểu qua ánh mắt của tôi, nàng nói: “Đây là nhà của những đứa trẻ không chiến thắng nổi bệnh tật.” Khuôn mặt nàng lúc đó như trời không có nắng. Tôi không hỏi gì thêm, theo nàng đến một ngôi nhà nhỏ đìu hiu nép mình dưới chân núi. Ngôi nhà lợp mái tranh bốn vách che bằng ván. Mẹ nàng ra mở cửa. Chợt tôi khựng lại khi nhìn những đứa trẻ bên trong ngôi nhà. Khiếp đảm. Nụ cười tươi như hoa bỗng héo hắt. Bó hoa pi-a-mơ trên tay tôi rơi vô thức xuống đất vung vãi. Tôi thét lên thất thần:“Trời ơi, không phải là người!”. Tôi bỏ chạy như bị ma ám lên triền núi. Băng qua bãi đất trống lồi lõm, xuyên qua những ngôi mộ lúp xúp,…Tôi khụy xuống giữa rừng pi-a-mơ. Toàn bộ sức lực dồn vào những hơi thở dốc. Gần như kiệt sức không thể lê bước thêm nữa. Tôi gục xuống và nằm quằn quại trên mô đất in bóng núi rồi từ từ ngửa mình duỗi thẳng chân tay. Bầu trời hôm nay như được chống lên cao xanh vút, sao tôi thấy u ám kì dị. Hơi nóng hầm hập trong người bốc lên ngùn ngụt, tôi run bần bật. Hình ảnh những đứa trẻ nằm ngồi co quắp, da nhăn nheo như bà già chín mươi tuổi, những cái đầu to hơn thân hình, những bàn tay tròn lẵn không có ngón, những bàn chân thừa ngón phủ đầy lông, con mắt lồi ra choán hết cả mặt, cái miệng không cười cũng như cười, toác ra kiểu hàm ếch, thân hình như bộ xương phơi khô dưới nắng khát. Ủ dột. Thui chột. Tất cả đang bủa vây hiếp đáp giác quan tôi một cách trắng trợn. Sự sợ hãi đang len lỏi vào máu, rối rắm. Tôi với tay kéo hoa pi-a-mơ phủ lên mặt. Hương hoa ru tôi vào giấc ngủ. Chợp chờn. Ma mị.”

Lính đi tuần ca năm giờ chiều phát hiện Dũng đang nằm bất tĩnh nên đưa về đồn. Các giác quan ướp hương pi-a-mơ ngủ quên chợt bị đánh thức khiến toàn thân Dũng run cầm cập. Mặt tái mét. Mồ hôi tuôn ra đầm đìa và nói như mê sảng. Chẳng ai hiểu Dũng nói gì. Đồn trưởng hốt hoảng, đúng lúc đơn vị nhận được thuốc cấp. Nhưng uống thuốc hạ sốt mấy tiếng sau, nhiệt độ cơ thể Dũng chẳng giảm chút nào. Toàn thân anh tím dắt, co giật liên tục, tiếng rên hư hử kéo dài và không ngừng đổ mồ hôi hột. Ông Chiến đích thân đến nhà Pi-a-mơ tìm nhưng không có cô bé ở nhà, ông liền tìm đến ngôi nhà bên vách núi.

Ông Chiến, Pi-a-mơ cùng mẹ về đến đồn. Ông Chiến ra lệnh tất cả giữ bình tĩnh. Mẹ Pi-a-mơ bắt mạch cho Dũng rồi bảo, Dũng ốm nặng lắm phải dùng biệt dược trị liệu ngay, nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng loài thuốc này ở tận rừng sâu. Bà thở dài. Pi-a-mơ xin phép được đích thân vào rừng lấy thuốc. Ông Chiến nhét vội vào tay Pi-a-mơ chiếc đèn xài bằng pin con ó. Cả đội vệ binh hộ tống Pi-a-mơ vào rừng.


Đêm nay con chim Pha-triêng lại về đứng trên ngọn nứa ở sau hè réo lên liên hồi. Tiếng kêu man dại như gọi hồn ai. Liệu con ma rừng có bắt Dũng đi mất không? Mẹ Pi-a-mơ thở ra tê tái. Đến tận khuya Pi-a-mơ mới mang thuốc về. Mẹ Pi-a-mơ tự tay thái lá thuốc, nghiền nát, vắt nước vào chén rồi bón cho Dũng. Nhìn tư thế nằm èo uột, thở thoi thóp thiếu sức sống của Dũng, ai cũng lo lắng. Mẹ Pi-a-mơ chốt lại một câu: “Nếu sáng mai bộ đội Dũng không tĩnh lại thì đưa gấp về xuôi để cha mẹ cậu ấy gặp mặt con lần cuối.”

“Không hiểu sao tôi thích quấn quýt bên nàng. Có thể vì nàng đẹp hay nàng đã không quản nguy hiểm vào rừng sâu lấy thuốc cứu tôi thoát khỏi lưỡi hái tử thần? Tôi biết giữa tôi và nàng không thể tiến xa hơn. Chúng tôi không cùng chí hướng. Nàng yêu những đứa trẻ tật nguyền còn tôi nhìn chúng là sợ đến hồn xiêu phách lạc. Tôi thích sống ở chốn đô thành còn nàng thì bảo: “Pi-a-mơ chỉ có thể nở trên triền núi”. Đồn trưởng Chiến khuyên tôi, đừng đùa với tình yêu, đau đấy! Giá mà ai cũng biết trước “đau tình” như thế nào thì đã không tốn nước mắt cho chàng Romeo và nàng Julyet. Đúng không? Cũng như cái tên Pi-a-mơ khắc sâu vào tim, tan chảy trong huyết mạch của tôi lúc nào chẳng hay vậy. Hễ ai nhắc đến tên nàng là tôi lại kể về nàng với tất cả niềm say sưa không biết chán. Thú thực nàng rất đẹp, minh tinh màn bạc hay hoa hậu cũng chỉ có thể đẹp đến thế thôi. Biết tôi khoái Pi-a-mơ nên lúc tổ chức giao lưu văn nghệ giữa đơn vị và bản, anh em ghép tôi và nàng một cặp. Đan lấy tay nàng và nhảy sạp theo điệu nhạc truyền thống được xướng bằng miệng của những chàng trai cô gái: Son son son đô son, son son son đô rê,… Tôi thấy như có luồng điện chạy rần rần từ tay vào tim rồi phừng lên mặt nóng ran. Nàng cũng nhìn tôi mắt lúng liếng e thẹn. Cảm giác đó thật lạ, tôi không giải thích bằng lời hay tôi đã thích nàng mất rồi. Chẳng lẽ…? Ôi không! Điều đó là không thể xảy ra, nhất là với nàng. Tôi cố xua hình ảnh của nàng ra khỏi đầu bằng cách chạy ào ra sân và leo lên ngồi chễm chệ trên chõng tre giữa các đồng chí của mình. Các đồng chí thân yêu của tôi ấy, cứ thấy mặt là bắt tôi kể chuyện. Họ bảo tôi có khiếu nói chuyện trước công chúng. Chắc họ động viên thôi chứ tôi biết mình kể đâu có hay. Mà ở chốn rừng sâu này tìm ra được cái trò gì đó để tiêu khiển là tốt lắm rồi. Cứ khen nhau vài tiếng có mất gì đâu. Tôi vui mà họ cũng vui. Những câu chuyện tôi biết về nơi này, đều tìm hiểu từ nàng. Hôm nay tôi kể về tục đi sim: “Đó là một tập tục lâu đời của bản, diễn ra vào mùa trăng, nhất là những đêm trăng sáng, thời điểm lý tưởng cho những chàng trai cô gái trông ngóng đợi chờ để trao lời yêu thương. Chàng trai đứng ở sau hè và thổi chiếc kèn Amam nếu cô gái đồng ý sẽ ra khỏi nhà cùng chàng, họ sẽ hẹn hò bên cánh rừng, con suối… Và nếu phải lòng nhau họ có thể ngủ lại với nhau tại những ngôi nhà trên rẫy. Chàng trai sẽ trao cho cô gái mà mình yêu thương một chiếc vòng bạc để ngõ lời yêu. Đêm trăng chứng giám cho tình yêu bền vững, xanh mãi như ngọn núi cánh rừng, chảy mãi như con suối con sông.”

Bây giờ đang là mùa trăng, tiếng kèn Amam như thôi miên mênh mang trên núi. Anh em trong đơn vị rủ tôi trốn Đồn trưởng Chiến ra ngoài. Tôi chẳng biết thổi kèn, tôi gặp được nàng là nhờ các anh ấy sắp xếp cho. Tôi nghĩ, nằm chèo queo ở nhà một mình chỉ tổ cho buồn gặm nhấm, chi bằng đi gặp nàng vui vẻ và biết đâu lại cóp nhặt được mẩu chuyện gì đó hay hay.

Dưới trăng thanh gió mát, giữa rừng rú ngút ngàn, nàng thật rạng ngời trong trang phục áo váy truyền thống bằng thổ cẩm màu mận chín đính viền đăng-ten màu đen. Nàng tập cho tôi thổi kèn Amam. Rồi nàng hát: “Em ở chòi bên này chưa ngủ đợi anh/ Muốn thổi kèn Amam nhưng lại thiếu một người/ Kèn Amam không thổi một người/ Em biết thương ai bây giờ ngoài anh.” Tôi biết nàng cố ý bật đèn xanh. Phá tan không khí ngượng ngùng, tôi đánh trống lãng: “Sao kèn Amam lại làm bằng gỗ Pi-a-mơ mà không phải loại gỗ khác?” Mắt nàng cụp xuống nhưng vẫn ngoan ngoãn trả lời: “Gỗ gì mà chẳng được nhưng tiếng kèn từ thân cây Pi-a-mơ là hay nhất.” Thời gian trườn về đêm, thời khắc tuyệt vời cho những lời tâm tình của đôi lứa yêu nhau. Chúng tôi ngồi cạnh nhau lặng nghe gió vờn lá… Và nàng kể về những đứa trẻ, mỗi khi cảm nhận được cơn đau hành hạ thân xác chúng, nàng khóc, chúng cũng sụt sùi, đưa bàn tay tật nguyền lau nước mắt cho nàng. Nàng nói, nếu tôi đặt mình vào hoàn cảnh của các em một lần thôi, tôi sẽ đồng cảm với các em và thấy mình vô cùng may mắn. Nước mắt hoen mi nàng. Nàng đang khóc, khóc không thành tiếng, nhẹ nhàng giản đơn như giọt sương đêm neo trên triền lá. Khi ánh trăng chênh chếch sau ngọn núi, tôi đưa nàng về. Tôi nắm tay nàng trên dọc đường đi và hôn nhẹ má nàng khi về đến cổng.


Những lời nói của nàng làm tôi thao thức suốt đêm, tôi không dám tưởng tượng nếu một ngày mình mất đi đôi chân, tự mình làm mọi việc bằng cách lê lết trên sàn một cách khó khăn như các em ấy. Có lẽ vì suy nghĩ như vậy nên tôi muốn được cùng nàng hái hoa pi-a-mơ đến thăm các em. Cầm được những cành pi-a-mơ chúng vui ra mặt, gật gật cái đầu như muốn nói lời cảm ơn. Dần dà, những dị tật trên người các em không làm tôi sợ hãi nữa. Tôi đùa cùng chúng, cù léc cho chúng cười lăn nghiêng ngã trên sàn nhà. Chúng thiệt thòi so với những đứa trẻ dưới xuôi nhiều quá. Ngay đến đồ chơi cũng chỉ là những cành hoa pi-a-mơ. Trái tim tôi bỗng dưng trĩu nặng, lòng hoang lạnh và tôi hiểu vì sao nàng lại yêu các em ấy nhiều đến thế!

Đồn trưởng Chiến biết chuyện Dũng đi sim cùng Pi-a-mơ. Nhân chuyến về xuôi báo cáo tình hình của đơn vị, cha Dũng mời Đồn trưởng Chiến về nhà dùng cơm. Thái độ lưỡng lự hằn rõ lên khuôn mặt của Đồn trưởng Chiến khiến ánh mắt của cha mẹ Dũng thắc thỏm dõi theo. Thả cái hơi thở đang bị dồn nén, Đồn trưởng Chiến cất lên cái giọng trầm khàn và tâm sự về chuyện của Dũng.

Cha mẹ Dũng nghe xong điếng người, không dám tin vào tai mình. Tự nhiên họ có ác cảm với cô gái tên Pi-a-mơ và dị ứng với loài hoa phát ra mùi hương dị biệt Dũng mang về. Mùi hương mà ai đến nhà cũng thích ngửi, tò mò hỏi, rồi tấm tắc khen. Khuôn mặt cha mẹ Dũng chợt biến sắc, cảm giác hoang mang khủng khiếp.

Thấu được lo lắng của cha mẹ Dũng, sáng hôm sau, Đồn trưởng Chiến gọi Dũng lên phòng gặp riêng và bảo:

– Chú hãy chuẩn bị chuyển công tác về tỉnh, đã có quyết định của cấp trên.

– Cháu muốn ở lại đây thêm một thời gian nữa, bác nói với cha giúp cháu một tiếng.

– Chú Dũng, chắc chú đã hiểu lý do. Cái gì mới cũng dễ dứt!

– Pi-a-mơ là cô gái thuần khiết, cô ấy khiến cháu muốn sống bác à.

– Tôi hiểu nhưng Pi-a-mơ là người đồng bào còn chú là con của Chỉ huy trưởng, không khéo lại làm khổ người ta.

– Pi-a-mơ nói với cháu, cha cô bé người kinh là bác sĩ quân y, còn mẹ là thầy lang của bản. Bản thân cô bé cũng đã tốt nghiệp phổ thông ở thành phố.

– Có điều, cha Pi-a-mơ đến đây khi nơi này còn là vùng đất chết. Chú không thấy những cô gái ở bản mười lăm, mười sáu tuổi đã có con bồng con bế nhưng Pi-a-mơ vẫn là người lẻ bóng.

– Pi-a-mơ vừa tròn mười tám mà bác?

– Cô bé không có điểm nào đáng chê, chỉ sợ ảnh hưởng đường con cái.

– Cháu tin sự sống đã hồi sinh. Cháu cũng đã hỏi những người từng đến đây, lúc về họ vẫn lấy vợ sinh con, con cái họ khỏe mạnh chẳng sứt mẻ tí nào.

– Đôi khi hạnh phúc mỉm cười với người này nhưng lại rơi lệ với người kia. Thôi, không phải nói nhiều. Về đi chú Dũng! Thời gian như vậy là quá đủ, đủ cho chú và cho cả sự áy náy của cha chú với những người lính dưới trướng của ông. Cớ chi một đóa hoa rừng…

Dũng vẫn điềm tĩnh, cố dùng mọi lời lẽ để ông Chiến hiểu tâm trạng bất đắc dĩ của cậu và hy vọng có một tình huống bất ngờ trì hoãn việc chuyển công tác về xuôi. Ông Chiến lờ đi và ngồi yên vờ như đang ngập đầu trong công việc. Không muốn câu chuyện thêm dài dòng, ông dong bàn tay phải lên cao và nói, về đi!


Buổi chiều hôm đó, tiếng kèn Amam dập dờn da diết từ môi Pi-a-mơ như vấn vít đôi bàn chân khiến Dũng không đành lòng quay bước. Dũng chạy vội ôm chầm lấy Pi-a-mơ từ phía sau. Tiếng kèn ngưng bặt. Dũng thì thầm:

– Theo anh về xuôi được không Pi-a-mơ? Anh yêu em nhiều lắm Pi-a-mơ à.

– Em biết, nhưng… – Pi-a-mơ bỏ lửng câu nói, nước mắt lưng tròng.

Nắng quái chia nửa tấm lưng nhỏ nhắn của Pi-a-mơ đang rảo bước về phía núi. Nơi ngôi nhà nhỏ với những đứa trẻ mà Pi-a-mơ gọi là “thiên thần”.

“Cái giây phút lặng nhìn nàng từ phía sau trên đồi pi-a-mơ đến nay đã tròn một năm. Thời gian đó với tôi sao vươn ra miên man bất tận. Dù không ít lần đã cố quên nàng, vậy mà càng cố quên lại càng nhớ. Tôi muốn quay lại vùng cao tìm nàng nhưng cha kiểm soát gắt gao quá, không cho tôi lấy một cơ hội. Ngoài giờ đến đơn vị, tôi biết làm gì ngoài việc đóng kín cửa phòng của mình và chăm chút cho bức tranh vẽ về khoảnh khắc nàng đứng thổi kèn Amam giữa rừng pi-a-mơ đang độ tỏa sắc. Ngày nào, cha mẹ cũng nhồi nhét vào tai tôi những câu chuyện khủng khiếp do họ tưởng tượng, thêu dệt về kết quả tình yêu giữa tôi và nàng. Dù vậy, tôi vẫn không tài nào xóa tên nàng trong mớ ký ức trôi. Trời ơi! Nỗi nhớ lại dày vò tôi nữa rồi. Tôi nhớ nàng, nhớ bản, nhớ hương thơm và vẻ đẹp kỳ diệu của hoa pi-a-mơ, nhớ những lúc đau ốm Đồn trưởng Chiến và anh em đơn vị thương yêu chăm sóc, những bữa cơm chiều vội vàng sợ trời tối không nhìn thấy thức ăn để gắp, những nhiệm vụ hàng ngày phải hoàn thành để bảo vệ bình yên cho tổ quốc. Và những đứa trẻ, tôi thương chúng đến nát lòng. Các em ơi, hãy chờ anh nhé! Anh hứa sẽ trở lại, tìm mọi cách xây cho các em một ngôi nhà thật đẹp, đầy đủ đồ chơi,… các em sẽ được hưởng mọi thứ mà những đứa trẻ ở phố đang hưởng. Lạ kỳ chưa! Nước mắt? Tôi có nhờ đâu, tự nhiên vội vã tuôn tràn ướt gối. Tôi nhủ lòng, nín đi! Đàn ông khóc là hèn, là đồ bỏ đi. Đàn ông phải chứng minh bằng hành động. Tôi ngồi phắt dậy và mang sách vở ra ôn thi. Lần này tôi quyết tâm thi bằng được vào Học viện Biên phòng. Ngày tốt nghiệp tôi sẽ tình nguyện trở lại Đồn Cửa khẩu. Lúc đó, tất cả mọi người và nàng sẽ ngạc nhiên về tôi lắm. Tôi sẽ thoát khỏi hình hài của một cậu bé, chín chắn và bản lĩnh hơn rất nhiều. Nhất định thế! Tôi ơi cố lên! Cố lên!”

Tối nay, mẹ Dũng nấu toàn những món hợp khẩu vị của hai cha con. Món cá diêu hồng kho mẻ Dũng thích, món canh khổ qua nhồi thịt lợn băm cha Dũng thích và có thêm món rau muống xào tỏi, các loại quả cắt lát kẹp rau thơm chấm ruốc.

Trước khi cầm đũa cha Dũng bảo, sẽ làm thủ tục trong tháng này để đưa Dũng ra nước ngoài du học. Ông nói qua về ngôi trường nơi Dũng sẽ đến học tập. Mẹ Dũng chen vào: “Ở đó có những cô gái đẹp người đẹp nết, con nhà tử tế.” Ông tiếp lời: “Nhất định con trai mình sẽ tìm được một cô hợp với mình bà nhỉ?” Ông tung bà hứng có vẻ rất ăn ý nhau.

Có lẽ bị chất độc da cam trong quá khứ thao túng khiến mẹ Dũng không thích Pi-a-mơ và ủng hộ Dũng, bảo vệ ý kiến của Dũng như trước đây nhưng dù vậy Dũng nhất quyết không đi du học. Cha Dũng có nặng lời, Dũng vẫn khăng khăng dùng mọi lý lẽ để bảo vệ chính kiến của mình. Cha Dũng phát cáu:

– Anh hãy soi gương và ngắm kỹ lại mình đi. Nhìn con người ta thấy ham, con nhà này thân tàn ma dại. Tôi đã quyết, anh đừng mang lý lẽ cùn ra hòng thay đổi mọi thứ hay con bé Pi-a-mơ bỏ bùa mê thuốc lú, hút linh hồn lẫn xác thịt của anh mất rồi?

– Cha đừng nói Pi-a-mơ như thế, Pi-a-mơ cũng như loài hoa Pi-a-mơ vậy. Kiên cường, bất khuất nhưng rất đỗi dịu dàng. Và những con người ở trên đó, họ sống thật thà chân chất, không hề “diễn”.


– Ơ, cái thằng này! Chưa sống ra hồn được ngày nào, bày đặt lên giọng với đời! Phải rồi, anh muốn thành người rừng xa lánh cuộc sống văn minh chứ gì?

Dũng đang ngồi so vai bỗng kéo ghế đứng dậy. Cha Dũng quát: “Anh định đi đâu?” Dũng thưa: “Con lên phòng, con không thấy đói. Con xin cha từ bây giờ đừng áp đặt cuộc đời của con nữa!” Cha Dũng đôi mắt rực lửa, đập mạnh cái chén lên bàn, đôi đũa văng mỗi nơi một chiếc: “Anh ngồi xuống cho tôi! Tiếp tục bàn chuyện đi du học.” Dũng cố chấp cãi lại: “Con không thích sống ở trời tây, con muốn ở nhà ôn thi và hứa sẽ đậu vào Học viện Biên phòng như cha mong muốn.”

Dũng và cha Dũng tiếp tục cự nhau rất lâu. Mẹ Dũng lên tiếng: “Mẹ báo cho con biết, mẹ rất yêu con nhưng tuyệt đối không chấp nhận Pi-a-mơ là con dâu của mẹ. Giờ hai cha con thôi đi! Trời đánh tránh bữa ăn.” Không ai chịu nghe ai. Cha Dũng càng lúc càng nặng lời. Dũng vẫn cãi tay đôi với cha khiến ông giận run người. Không kiềm chế được, cha Dũng giáng cho anh một bạt tai choáng váng. Lấy lại bình tĩnh, Dũng lẳng lặng quay ngoắt người rảo bước thẳng lên phòng. Không gian trở nên bức bối, căng thẳng. Cuộc khẩu chiến vẫn chưa đến hồi thỏa hiệp.

Cha Dũng đay nghiến: “Cứ cãi nhem nhẻm chẳng coi cha mẹ ra gì. Tại bà chiều nó quá, đâm hư. Thêm vài tuổi nữa, nó coi trời bằng vung”. Mẹ Dũng bật khóc. Cha Dũng lặng đi một lúc rồi chuyển giọng, ngôn từ ấm áp hẳn: “Phải bằng mọi cách đưa thằng Dũng đi du học càng sớm càng tốt bà à. Ở nhà, thể nào nó cũng tìm đến con Pi-a-mơ, rồi thì đẻ ra một lũ nhóc…” Bỗng giọng ông nghẹn lại. Im bặt. Đầy âu lo. Thoắt cái, ông đã rời khỏi chỗ của mình đi ra phòng khách. Bà nhìn mâm cơm nguội lạnh ngao ngán buông đũa, nước mắt rơi xuống bàn nghe rõ từng giọt.

“Có ai ở Đồn Cửa khẩu về là tôi bám theo để hỏi tình hình của nàng. Những câu đáp trả không mảy may chút bất an với nàng. Tôi cay đắng nhận ra trong những câu trả lời đó có bàn tay đạo diễn của cha mình. Hôm nay có người ở đồn về. Anh ấy cũng có hoàn cảnh tương tự như tôi. Tôi cố thuyết phục, lúc đầu anh nói vòng vo nhưng nhìn khuôn mặt buồn rũ rượi đầy ắp tâm sự như thể nàng là tất cả cuộc đời của tôi, cuối cùng anh không đành lòng. Anh bảo, nàng buồn nhìn ghê lắm. Mọi người nói nàng bị ốm vì tương tư tôi. Rồi anh tả về nàng, người nàng gầy đi như que củi, má hóp, mắt thâm quầng, hai xương ức nhô cao… Nàng cứ lủi thủi, lãng tránh mọi người, không buồn ăn uống và chỉ khóc. Lạ lắm, dù đến mùa nhưng pi-a-mơ trên núi vẫn không chịu nở hoa. Dân bản bảo, hoa buồn theo người. Chao ôi! Trái tim đang rỉ máu của tôi như bị bóp muối. Tê dại. Chới với. Nếu mất nàng, mọi vinh quang sau khi du học về có là thá gì trong cuộc sống của tôi. Và những dự định trở lại vùng cao, sự quan tâm đến các em nhỏ mà tôi chưa thể thực hiện! Cảm giác có một sợi dây vô hình nào đó thắt chặt ở cuống phổi khiến tôi không tài nào thở được. Còn các giác quan? Trời ơi! Chúng như bị quấn chặt lấy nhau nằm bại liệt khiến mọi thứ xung quanh tôi bỗng trở nên thừa thải. Tôi rơi vào tuyệt vọng.”

Dũng bỏ nhà đi và để lại một lá thư.

Cha Dũng đọc xong lá thư, ông bàng hoàng đứng lặng. Nghĩ đến cảnh Dũng và Pi-a-mơ đang quấn lấy nhau và sinh ra những đứa trẻ ngoài mong muốn. Nước mắt ông chực ứa ra. Khuôn mặt bỗng tối sầm, nén tiếng thở dài nhưng không giấu được sự đau khổ đang nhói lên nơi tận cùng tâm can. Lặng ngắt. Không gian như bị nén chặt. Mẹ Dũng vội đón lá thư đang rơi tự do xuống sàn. Bất ngờ cha Dũng nắm chặt lấy tay mẹ Dũng, giọng trở nên rời rạc, run run: “Chất độc da cam trong quá khứ đã thực sự ngủ yên chưa hả bà?” Mẹ Dũng ngỡ ngàng, không thốt nên lời. Chỉ có ánh nhìn xuyên vào nhau nghi vấn.

nguồn: trasua.mobi



Cứ đi rồi sẽ đến! 

Facebook: facebook.com/vothivanqb94

Gmail: vothivanqb94@gmail.com


 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024