Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
02/06/2016 23:06 # 1
chit1306
Cấp độ: 17 - Kỹ năng: 4

Kinh nghiệm: 134/170 (79%)
Kĩ năng: 9/40 (22%)
Ngày gia nhập: 28/09/2015
Bài gởi: 1494
Được cảm ơn: 69
Giá Mà Mẹ Hiểu Con, Dù Chỉ Một Chút Thôi...


GIÁ MÀ MẸ HIỂU CON, DÙ CHỈ MỘT CHÚT THÔI...

Nếu hiểu, mẹ sẽ không bao giờ quên cả ngày sinh nhật của con, đến khi về nhà, thấy bạn bè đến chúc mừng còn ngạc nhiên hỏi: "Hôm nay có liên hoan hay sao mà đông đủ thế này?"...

Đang xuống công trường trực tiếp chỉ huy để kịp tiến độ đổ móng khu nhà A1, chị Thủy chợt nhớ đến cô con gái rượu đang làm thủ tục nhập học Đại học. Những năm trước có chồng ở nhà, chị chưa bao giờ phải cùng con đi làm những việc giấy tờ này. Nhưng năm nay, anh đi công tác tận 3 tháng ở nước ngoài nên chị đành đảm nhiệm. Rút vội điện thoại cho con, chị hấp tấp hỏi thì con bé trả lời với giọng rất lạnh lùng: "Mẹ không cần đến đâu, con nhờ bác Ngọc đi rồi, thôi mẹ nhé", xong ngắt máy luôn. Vừa bực mình, vừa chưng hửng vì thái độ bất cần của con, chị ngồi thừ trên phiến bê tông giữa trời nắng, thở dài:

- Con với chả cái, nó có bao giờ coi mẹ ra gì đâu... 

Thiên Thanh - con gái chị Thủy - là một cô bé nhạy cảm. Dù mới 18 tuổi nhưng Thanh có cách suy nghĩ và hành động rất độc lập. Có lẽ vì thế mà suốt thời gian học tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông em luôn được thầy cô giáo và các bạn tín nhiệm bầu làm lớp trưởng. 

Giá mà mẹ hiểu con, dù chỉ một chút thôi...

Về nhà Thanh cũng là người chăm lo chính việc cơm nước, chợ búa. Dù sinh ra trong nhà khá giả, bố là chuyên gia kinh tế, điều hành một doanh nghiệp riêng phát đạt, mẹ là kĩ sư xây dựng, nhưng Thanh không bao giờ ỷ lại vào người giúp việc mà lơ là chuyện nữ công gia chánh.

Nhưng ít ai biết, ngoài việc chăm chỉ nội trợ do sở thích riêng, về cơ bản, cô bé làm vậy một phần cũng do hoàn cảnh. Bố hay đi công tác, mẹ thì suốt ngày lăn lộn giám sát hết công trường này đến công trường khác nên từ nhỏ em đã quen tự lập, không phải nhờ người lớn giúp đỡ những việc sinh hoạt cá nhân như chuẩn bị quần áo, sách vở, giờ giấc ăn uống, ngủ nghỉ hay là đi học.

Ngày mẹ sinh thêm em Sơn thì Thanh đã học lớp 3, vậy nên không những phải tự chăm sóc cho bản thân mình, cô chị gái đảm đang này còn kiêm luôn nhiệm vụ bà mẹ nhí của cậu em trai nghịch ngợm. Đến giờ, Sơn đã học lớp 5, nhiều khi để chiều con trai, bố mẹ vẫn phải mang điện thoại, máy tính bảng ra dỗ dành nhưng chỉ cần có chị Thanh ở nhà, nghiêm nghị nói: "Sơn, có nghe lời chị không?", là lập tức cậu út bỏ ngay đồ điện tử ra, nghiêm túc ngồi vào bàn học. Mỗi lần như thế, hai vợ chồng chị Thanh chỉ lén nhìn nhau cười. Chị Thanh hay nói với mọi người rằng mình "không sợ ai bằng sợ con gái" là vì thế.

Người gần gũi với Thanh nhất nhà có lẽ là bác Ngọc, chị ruột của mẹ em. Bác giống một người bạn mà Thanh thấy hoàn toàn thoải mái khi tâm sự chuyện riêng. Tuần nào cũng thế, nếu bác không đến nhà chơi vài bữa, thì Thanh cũng chủ động sang nhà bác hoặc gọi điện nói chuyện hàng tiếng đồng hồ. Cô bé có thể kể cho bác nghe từ những việc nhỏ như hôm nay ở lớp học gì, đi học về ăn chè ở hàng nào, đến những việc lớn hơn như cậu bạn cùng khóa viết thư tỏ tình ra sao, đứa bạn thân tự nhiên giận dỗi mình thế nào. Ngay đến chuyện quan trọng như nên thi vào ngành gì, kế hoạch đăng kí nguyện vọng sao cho hợp lí, em cũng chỉ hỏi ý kiến của bác. Tuy vẫn tôn trọng và yêu quý bố mẹ nhưng Thanh luôn nghĩ họ quá bận rộn, không có thời gian dành cho con cái.

Giá mà mẹ hiểu con, dù chỉ một chút thôi...

Nhớ lại ngày nhỏ, nhiều lần ốm mệt, muốn bố mẹ ở nhà cùng, bao giờ Thanh cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu hay tệ hơn là bố mẹ nhăn mặt kêu bận việc gấp. Lâu dần thành quen, cô bé không còn cần có bố mẹ trong những sự kiện trọng đại của bản thân nữa. Mới năm ngoái thôi, nhân dịp chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, nhà trường có tổ chức cuộc thi nữ sinh thanh lịch mà Thanh cũng được vào vòng chung kết. Thay vì nhờ mẹ đến trợ giúp việc sửa soạn trang phục hay trang điểm như các bạn gái khác, em lại chỉ muốn bác đi cùng. Khi mọi người hỏi: "Mẹ Thanh đấy à?", thì em nhìn bác cười, nháy mắt và gật đầu. Từ sâu thẳm, cô bé vẫn muốn mẹ sẽ hiểu mình được như bác Ngọc, em cứ nghĩ miên man:

- Nếu hiểu, mẹ sẽ không bao giờ đi dép tổ ong, đội nguyên mũ bảo hiểm và mặc cả áo chống nắng khi vào lớp nói chuyện với cô giáo, khiến cho lũ bạn cùng lớp mang con ra làm trò đùa. Có đứa ác ý nói: "Thế mà bảo mẹ làm kĩ sư xây dựng....".

- Nếu hiểu, mẹ sẽ không bao giờ quên cả ngày sinh nhật của con, đến khi về nhà, thấy bạn bè đến chúc mừng còn ngạc nhiên hỏi: "Hôm nay có liên hoan hay sao mà đông đủ thế này?"

- Nếu hiểu, mẹ sẽ không bao giờ ép con phải theo học ngành kinh tế, trong khi ước mơ của con là trở thành nhà ngoại giao, được đi thật nhiều nơi trên thế giới.

- Và nếu hiểu, mẹ sẽ cứ đến hôm nay mặc dù con đã bảo mẹ rằng: "Mẹ không cần phải đến"

Giá mà mẹ hiểu con, dù chỉ một chút thôi...

Bà mẹ bận rộn và suy nghĩ đơn giản như chị Thủy không thể hiểu nổi những tâm sự của cô con cái đang tiến đến tuổi thành niên. Chị cứ nghĩ chỉ cần không đánh mắng con, đi làm chăm chỉ, kiếm đủ tiền cho con ăn học "bằng chị, bằng em" là đủ. Thêm vào đó, vốn là phụ nữ theo ngành xây dựng, quen sớm tối ngoài công trường với anh em công nhân, chị Thủy khá xuề xòa trong cách ăn mặc và tác phong sinh hoạt. Ví dụ như khi đến trường gặp cô giáo của con, đáng nhẽ phải chuẩn bị đồ tươm tất thì chị cũng tặc lưỡi bỏ qua, cứ bê nguyên cái áo chống nắng và đôi dép tổ ong từ nhà vào lớp. Lúc ấy, chị không nhìn thấy gương mặt đỏ bừng cúi gằm xuống bàn, đôi mắt ươn ướt vì xấu hổ của cô con gái khi bị các bạn học nhìn chằm chặp rồi rỉ tai nhau chế giễu. Chị quên mất rằng con cái cũng có quyền được tự hào về cha mẹ....

Mải nghĩ đến con gái, chị Thủy cứ thẫn thờ ngồi giữa trời nắng mãi cho đến khi cậu em đồng nghiệp bên cạnh nhắc điện thoại trên tay chị đang đổ chuông. Hóa ra, chị Ngọc điện thoại nói có việc đột xuất phải đi, không thể chờ Thanh làm thủ tục xong xuôi được. Chị bảo: "Mẹ nó đến với con gái ngay lập tức, người ta ở cách Hà Nội mấy trăm cây số còn đưa đón con đi tận nơi nữa là mình ở ngay đây". Trước khi cúp máy, chị Ngọc còn cẩn thận dặn em gái về nhà thay đồ, ăn mặc lịch sự rồi mới được đến trường cùng con. Vẫn biết ăn mặc thoải mái giản dị là điều tốt, nhưng cũng phải tùy bối cảnh, tùy tình huống mà cư xử cho phù hợp.

Nhìn những ông bố, bà mẹ với vẻ mặt đầy lo lắng đang hỗ trợ con, chị Thủy lại thầm trách mình chưa làm hết trách nhiệm với con, khiến con không được vui và tự hào về mẹ...

Nguồn: bestie.vn




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024