Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
06/02/2022 21:02 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
“LÌ XÌ” CÓ CÒN LÀ “MỪNG TUỔI” ?


Từ lâu, lì xì đã luôn được xem là một nét đẹp trong văn hóa đón Tết Nguyên Đán của người Việt. Tục mừng tuổi thật ra có liên quan đến một sự tích trong muôn vàn tích truyện liên quan đến phong tục này. Tương truyền, có một con yêu quái luôn thích xoa đầu trẻ nhỏ vào dịp giao thừa, khiến chúng phải thét lên. Kết quả là sang ngày hôm sau, đứa trẻ bị sốt cao và khiến cha mẹ vô cùng lo lắng. Có cặp vợ chồng đón mãi mới có quý tử đầu lòng khi bước sang tuổi năm mươi. Dịp Tết năm ấy, có tám vị tiên đoán trước được con yêu quái sẽ ghé thăm đứa bé nên đã hóa thành tám đồng tiền để hai vợ chồng gói lại trong giấy đỏ và đặt lên gối con mình. Thế là đêm đó, con quỷ không thể xoa đầu đứa bé bởi đã có những vị tiên túc trực bên cạnh.

Từ đó về sau, cứ đầu năm người ta lại bỏ tiền vào những phong bao đỏ cho trẻ em, gọi là tục mừng tuổi. Dông dài như vậy để thấy ý nghĩa ban đầu của lì xì là chúc cho những đứa trẻ sẽ luôn mạnh khỏe, gặp được nhiều may mắn và phần nào đó là xua đuổi được bệnh tật. Thế nhưng, buồn thay, lì xì hay mừng tuổi giờ đây đã bị thực dụng hóa và mất đi phần nào giá trị nguyên bản của nó.

Giờ đây, lì xì như một cuộc chạy đua về kinh tế giữa những đứa trẻ vậy. Không thiếu những trường hợp những bạn nhỏ sẵn sàng bĩu môi khi trong phong bao mình nhận được là những tờ tiền mệnh giá 20 hay 50 ngàn đồng. Trong khi những đứa trẻ luôn đếm xem mình nhận được bao nhiêu tiền để so sánh với bạn bè hay những người xung quanh thì những phụ huynh, đặc biệt là những người lao động với điều kiện kinh tế không thuộc loại khá giả, cũng phải cân đo đong đếm, chi li từng tí để đưa ra những quyết định mừng tuổi hợp lí. Từ khi nào những bậc cha mẹ phải phiền não về chuyện lì xì khi tục mừng tuổi cốt là để chúc may mắn, an lành cho các bé thiếu nhi. Nhìn những hành động như xé toạc phong bao lì xì khi vừa được nhận của một số trẻ, mình cùng không khỏi buồn lòng. Thế nhưng, có nói đi thì cũng phải nói lại. Phong bao đỏ ấy nhuốm màu của sự thực dụng cũng vì tư duy của những người lớn về việc lì xì nay cũng đã khác. Nếu như nhiều người lao động phải đắn đo về những tờ giấy bạc chuẩn bị được đưa vào trong các phong bao thì một số lại xem đây là cách để phô trương sự giàu sang, đẳng cấp, sợ người khác đánh giá mình mừng tuổi quá ít sẽ trở thành ki bo, keo kiệt. Do đó, trẻ em cũng sẽ hiểu sai về ý nghĩa của tiền lì xì một khi tư duy về mừng tuổi của những bậc cha mẹ bị sai lệch.

Hãy để lì xì như một cách để lan tỏa sự an lành, may mắn đến cho mọi người. Những bậc cha mẹ nên dạy con cách quý trọng những phong bao như một nét đẹp ngày Tết chứ không phải là những tờ tiền ẩn sau những gói giấy đỏ. Vì suy cho cùng, màu đỏ là màu của may mắn, và giá trị của may mắn liệu có được quyết định bằng những con số, những sắc màu trên tờ giấy bạc kia ?

CHÚC MỌI NGƯỜI CÓ MỘT NĂM MỚI AN LÀNH VÀ YÊN VUI !

 

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024