Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
29/12/2021 23:12 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
12 tuổi và 21 tuổi


Tôi viết những dòng này sau khi hét lên với mẹ, đóng cửa phòng và ngồi một chỗ khóc. Ban đầu tôi định sau khi cãi mẹ, sẽ đi gội đầu, khoác chiếc áo trench coat – một trong những thứ tôi tôn thờ - rồi bước ra khỏi nhà để tìm một bầu không khí dễ thở hơn.

Vài hôm trước, trong một buổi nói chuyện với Đỗ Tùng, chúng tôi bàn luận vì sao trench coat lại là biểu tượng thời trang của nước Pháp. 2 đứa đều nhận ra, dù bên trong ăn mặc tồi như thế nào, chỉ cần khoác trench coat là mọi thứ đều được che khuất, và người mặc sẽ ngay lập tức trở nên thời thượng, thậm chí có phần quyền lực. Mấy cái áo dáng dài mà.

Tôi thích trench coat từ những ngày còn chưa biết về Parisian Chic, chưa được tiếp xúc với thời trang, chưa biết đến các thương hiệu với những phần draping chuẩn chỉnh. Tôi order một cái 240k trên taobao, đến giờ vẫn luôn là chiếc áo tôi yêu thích, cũng là chiếc áo tôi được hỏi nhiều nhất mua ở đâu, ngay cả khi tôi đã đủ tiền mặc những món đồ đắt hơn cả chục lần.

Và cũng có lẽ bởi vì, trench coat hợp với khuôn mặt không cảm xúc, đôi khi đáng sợ và u ám của tôi. Tôi luôn có cảm giác, nó sẽ che hết các phần không lành lặn, những nỗi buồn, sự thất vọng, và cả tổn thương. Khi được che đi rồi, người ta sẽ không hỏi về chúng, và thực ra cũng ít có cơ hội được biết.

Sau này, khi có đủ vốn, việc đầu tiên tôi làm có lẽ là mở một thương hiệu chỉ bán trench coat.                              

-------------------------------------------------------

Tôi nói với mẹ, là tôi thà chết, còn hơn phải xin tiền mẹ.

Mẹ tôi ngay lập tức bảo rằng: “Thế thì mày chết đi.”

Ở cái thời buổi này, mỗi lần nhắc đến cái chết, người ta sẽ có xu hướng nhún vai, cho rằng đấy là cái trò mèo của bọn trẻ con mới lớn. Có lẽ họ nghĩ mấy đứa muốn chết chỉ doạ. Họ nghĩ chúng tôi phóng đại, làm mình làm mẩy.

Tôi ghét kiểu suy nghĩ đấy.

Nếu chúng tôi chết thật, có lẽ họ sẽ khóc rất to. Mà chắc chắn là khóc, dù không biết to không, nhưng người sống bao giờ chả khóc cho người chết, cứ như một định lý. Chỉ khi sự đã rồi. Chỉ khi người ta đã mất khả năng biết được những người ở lại trên cõi trần thế tiếc thương họ thế nào.

Tôi ghét cả sự quan tâm hời hợt của các tổ chức trầm cảm, hay các trung tâm hỗ trợ người tự tử (?). “Nghĩ đến những người ở lại sẽ đau buồn như thế nào”. “Bạn đã ra đi, nhưng những người ở lại sẽ phải chịu nỗi đau khôn xiết”. Họ không nhắc đến việc những người tự tử đã đơn độc chịu đựng sự đau đớn, dù google thì không tính phí và chưa quá vài giây để biết: tự tử thật sự quá khủng khiếp về cả thể xác lẫn tinh thần. Họ không nhắc đến những tâm hồn đã vụn vỡ ngay cả khi cơ thể vật lý đang còn tràn trề nhựa sống, vụn vỡ đến mức phải đi ngược lại bản năng sinh tồn của loài người để tìm cho mình một cuộc đời khác, ở một chiều không gian và thời gian khác.

Ngày trước, tôi thông cảm cho điều ấy. Tôi nghĩ rằng việc người ta không hiểu là lẽ thường tình, vì họ chưa từng trải qua những cảm xúc như thế, họ không trầm cảm, không muốn chết. Sau 21 năm sống trên cái cuộc đời này thì tôi đã dẹp cái thông cảm ngu xuẩn của mình sang một bên. Tại sao phải thông cảm cho sự hời hợt và thiếu kiến thức nhưng luôn bao biện của tệp “những người còn sống”?

 

Năm lớp 7, tôi nổi tiếng cả trường. Lớp 6 thì có hơi nổi vì cũng khá xinh, thêm một chút đú đởn, toàn mặc quần bó đến trường, môi thì đỏ chót. Lớp 7 thì nổi do tôi tự tử, chắc bạn cũng đoán được khi tôi dùng từ “chúng tôi” ở đoạn văn trên. Thực ra, việc đọc những bài viết như thế này dễ hơn việc bản thân tôi kể về tự tử rất nhiều. Tôi thường né tránh nhắc về chuyện này, không phải vì ăn năn, hay cảm thấy bản thân mình trẻ trâu. Trái với mọi người thường nghĩ, quyết định đó của tôi tại thời điểm năm 12 tuổi không hề bồng bột.

Tôi né tránh đơn giản vì kể lại quá đau đớn, và tôi sẽ hay khóc. Thật vui nếu người đối diện đồng cảm được với những giọt nước mắt này. Nhưng cũng thật tệ nếu người ta chỉ coi đó là một drama, và phán xét. Tôi thì sợ bị tổn thương, nên tôi né.

Đến giờ thì tôi mạnh mẽ hơn nhiều rồi, không sợ bị ai phán xét nữa. Nghĩ thế nào thì tuỳ thôi.

Từ bé tôi đã rất cá tính, chắc do được chiều và tiếp xúc với nghệ thuật từ sớm. Khi tuổi thơ của mấy đứa trong ngõ là chơi nhảy dây, nghịch cát, chọc con chó vàng đằng sau dãy nhà, thì tuổi thơ của tôi là những chồng sách văn học của mẹ, Nam Cao, Nguyễn Minh Châu và Xuân Quỳnh. Mẹ cũng cho tôi đi học đàn, học vẽ, và học tiếng Anh nữa. Mẹ cho tôi đi học một trường trên phố, với các bạn tạm gọi là thượng lưu hơn, học giỏi hơn thay vì trường làng. Mỗi lần kể về điều này, bây giờ nè, tôi khóc gớt nước mắt. Vì tôi nhớ mẹ tôi của những năm đó, một người phụ nữ tôi yêu thương hết mực, một người với trái tim nhân hậu nhất mà tôi từng biết. Tôi học cách yêu động vật, cách quan tâm đến người già và trẻ nhỏ từ mẹ. Tôi học được cả cách yêu thương người khác, cách thu vén cho gia đình, học nấu ăn, vì mẹ nấu ăn ngon lắm. Tôi yêu mẹ, và ngưỡng mộ mẹ nhất khi có một lần cả nhà đang ăn cơm thì có bác ăn xin đến xin tiền. Bác trông rất bẩn chứ không khổ lắm, thay vì đi bán đồng nát, nhặt ve chai, bác ăn xin chắc để cho nhàn. Từ bé tôi đã phán xét thế đấy, còn mẹ thì không. Hôm đấy bố tôi đi vắng, mẹ, tôi, em trai và bác ăn xin ngồi ăn cơm với nhau. Tôi chỉ nhớ là rất vui. Mẹ tôi hồn hậu đến mức hồn nhiên, chẳng làm hại ai bao giờ. Đến bây giờ khi đã học đại học năm tư, tôi vẫn ngỡ người phụ nữ năm đó mới là mẹ mình, chứ không phải người sống với tôi hằng ngày dưới cùng một mái nhà. Cũng vì quá yêu người mẹ của những năm bé tuổi, tôi sẵn sàng tha thứ cho tất cả những gì mẹ đã làm với tôi, đến mức tôi ghét cả bản thân mình vì điều đó.

Năm lớp 7, sự cá tính trở thành một trong số các lí do tôi quyết định kết thúc cuộc đời mình.

Cô chủ nhiệm gọi tôi đứng trước lớp 9A, lớp có các anh chị lớn. Vì tôi đã đi dép xỏ ngón đến trường, và còn sơn móng chân. Màu đen, nếu mọi người tò mò. Các anh chị cười tôi dữ lắm, không phải vì tôi trông hài, tôi tự tin là lúc đấy tôi trông rất thời trang. Mà là vì những lời mỉa mai của cô chủ nhiệm. Đi học như là đi làm cave.

Cô hiệu phó nêu tên tôi trước trường, rằng tôi không xứng đáng ngồi vào lớp chọn 1. Thực ra đến giờ này tôi vẫn tức vì tôi là đứa duy nhất đạt giải thành phố môn Văn của cái trường đấy. Lúc đấy thì tôi xấu hổ lắm.

Bố mẹ tôi được mời đến trường để bàn luận về những rắc rối mà tôi gây ra. Vốn là đứa có thành tích rất tốt trong quá khứ, bố mẹ tôi sốc. Tôi nhớ như in cái cảm giác mẹ tôi lên cơn đau tim, còn bố tôi thì đứng hình. Những năm 12 tuổi, tôi không hiểu việc có ý thức làm đẹp cho bản thân mình, và biết cách làm mình nổi bật có gì đáng lên án. Tôi tức tối, nhưng thương bố mẹ, nên rất thất vọng về bản thân mình. Đó là lần đầu tiên tôi có cảm giác, không chỉ thầy cô, các anh chị lớp 9A, mà những người tôi yêu quý nhất cũng chối bỏ tôi.

Tôi mua 1 vỉ 12 viên thuốc ngủ, và uống ngay sau đó. Tôi suýt ngất đi, nhưng vẫn đủ tỉnh để biết bố tôi đã chạy đến, đưa tôi đi viện, đằng sau là hơn 1000 học sinh dõi theo và bàn tán đủ điều.

Nếu tôi yêu mẹ tôi 1, thì tôi yêu bố tôi 10. Bố là người đàn ông tuyệt vời nhất mà tôi đã từng biết, và khác với mẹ, chưa bao giờ bố hết tuyệt vời với tôi. Sau này khi tôi mới đỗ Ngoại Thương, bố có đưa cho tôi một mảnh giấy, và bảo tôi giữ lấy. Đó là “thư tuyệt mệnh” tôi để lại trước khi uống thuốc ngủ. Bố chỉ rơi một giọt nước mắt, và khi cầm mảnh giấy trên tay mình, tôi biết 6 năm qua bố chưa từng quên chuyện. Còn giờ thì bố đã trao cho đứa trẻ 18 tuổi sự quyết định cuộc đời của chính mình.

Quay trở về nỗi đau của những người tự tử.

“Thế thì mày chết đi.”

Ngay lập tức, toàn bộ tế bào trong cơ thể tôi quay trở lại cái khoảnh khắc tôi nằm trong phòng cấp cứu của bệnh viện Bạch Mai.

Nếu như bố chưa từng quên chuyện, thì mẹ hẳn đã quên, dù vô tình hay hữu ý.

“Xinh xắn như này mà sao lại chọn tự tử hả con”.

Bác sĩ bảo với tôi thế, “bảo” chứ không phải “hỏi”.

Bố tôi vẫn ở bên cạnh tôi. Sau đó có bác Bình, cô Thu vợ bác Bình đến, 2 người họ là anh em xã hội của bố. Cô Thu làm nem rán, hồi bé tôi béo chỉ vì món này. Tôi thích ăn nem rán chết đi được.

Nhưng là nem mẹ làm, không phải của cô Thu.

Lần thứ 2 tôi mở mắt ra thì là mẹ.

“Tại sao mày lại làm thế? Mày định doạ ai? Hả đứa bất hiếu?”

Nếu có một điều ước, tôi sẽ ước được quay trở về những năm 6 7 tuổi. Những năm mà mỗi ngày mùng 9 tháng 11, mẹ sẽ mua bánh kem nhiều tầng, thắp nến, tổ chức cho tôi sinh nhật xịn nhất ngõ 259 Định Công. Mẹ còn thuê cả thợ ảnh kĩ thuật số. Tôi thật sự đã hạnh phúc vì mình được sinh ra đời.

Còn thời điểm mẹ tôi đứng trước những thanh sắt giường lạnh lẽo và hỏi tôi những câu hỏi đó, tôi thà rằng mẹ chưa bao giờ yêu tôi. Hoặc bố không đến kịp để đưa tôi đi rửa ruột cũng được. Có lẽ tôi còn quá yếu ớt để đối mặt với thất vọng.

9 năm sau, mẹ nói với tôi là tôi chết đi. Thực ra tôi muốn chết nhiều lần hơn mẹ tưởng. Không biết là do đã quen, đã chai sạn, hay tôi thật sự trở nên mạnh mẽ hơn năm 12 tuổi nhiều. Tôi thương mẹ hơn là giận. Mẹ hẳn đã rất bất lực. Và tổn thương. Ngoài lí do đó ra, có lẽ không còn lí do nào khác để một người phụ nữ thiện lương như mẹ trở nên cay nghiệt đến mức này.

-------------------------------------------------------

Tôi khoác trench coat và đi ra ngoài.

Ngày trước tôi bảo tôi cô đơn. Không ai tin. Vì lúc nào cũng thấy đi chơi, cũng thấy có bè bạn.

Tôi cố gắng để trở nên không cô đơn, để bù đắp các thiếu hụt đã bị gây ra bởi gia đình. Tôi chơi với nhiều bè bạn, cố gắng đi du lịch nhiều và tìm kiếm kết nối ở những mảnh đất khác. Tôi đọc đến mụ cả đầu các sách về tâm lý, vừa là để kiếm tìm sự đồng cảm, vừa là để chữa lành cho bản thân. Nhưng có lẽ, gia đình vẫn luôn có sức ảnh hưởng quá lớn.

Đến mức tôi định bụng nhấc máy gọi cho ai đó. Bạn bè tôi tốt lắm, tôi biết họ sẽ đến ở bên cạnh tôi, thậm chí bỏ cả công việc đang làm. Nhưng tôi cũng sợ họ rời xa tôi, khi tôi cởi hết lớp vỏ bọc và để lộ nguồn năng lượng tiêu cực.

Tôi không gọi cho ai cả.

Btw, nếu bạn muốn mua trench coat, có thể tham khảo Subtle Studios. Chỗ cũ tôi làm đó, tôi thích trench coat ở đấy lắm. Dù tôi không ủng hộ việc che dấu cảm xúc vì như thế cô đơn chết đi được, xong mặt bạn sẽ bị quạu như tôi nữa.

 

 

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024