Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
29/12/2021 23:12 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
“Tự nhiên Tết” - Câu cảm thán của người trẻ về những áp lực đón năm mới


Là dịp lễ lớn mà mỗi năm chỉ có một lần và đáng để mong chờ, thế nhưng nhiều người dễ dàng buông câu cảm thán “đang yên đang lành, tự nhiên Tết” mà chẳng vui vẻ gì.


Sau một năm dài quần quật, chuyện công ty, gia đình, sự nghiệp và đủ những thứ tác động khác khiến chúng ta mang nhiều áp lực. Có lẽ, Tết là một dịp lý tưởng để mình tạm gác lại những phiền muộn. Qua đó, bản thân được thêm thời gian nghỉ ngơi, sum họp và chung vui cùng gia đình. Là dịp lễ lớn mà mỗi năm chỉ có một lần và đáng để mong chờ, thế nhưng nhiều người dễ dàng buông câu cảm thán “đang yên đang lành, tự nhiên Tết” mà chẳng vui vẻ gì.

Khi bây giờ, để có được những ngày vui rộn rã thì trước đó mọi người đã phải đối mặt với một “áp lực Tết” nặng nề. Việc năm cũ, chuyện năm mới và đầy nỗi lo toan khác khiến người ta phải thêm suy nghĩ. Vậy nên, dần dần cái cảm giác háo hức không còn nữa, mà thay vào đó, sự nhìn nhận về Tết đã trở thành nỗi sợ.

Chuyện năm cũ gần ngày “deadline” 

Tết gần đến nghĩa là thời gian cho những hoạt động trong năm cũ cũng dần kết thúc. Điều đó đã tạo ra một áp lực lớn đè nặng lên vai mọi người mang tên “deadline”. Không chỉ dành riêng cho công việc, nó còn là của những mục tiêu và dự định cá nhân đã đặt ra.

Cứ vào khoảng thời gian cuối năm, các công ty tất bật chạy đua nước rút để kịp tiến độ và đạt chỉ tiêu. Vì thế, chuyện công việc căng thẳng hơn bao giờ hết. Một tá nhiệm vụ cần hoàn thành, hàng loạt bảng cáo tổng kết để gửi sếp và lời giải trình thật thuyết phục khi chưa đủ KPI,... liên tục “đua deadline”. Mỗi ngày, người trẻ chúng ta phải dốc cạn lực, đẩy hiệu suất lên cao, tăng ca làm việc. Có khi, đã rời khỏi công ty mà trong đầu vẫn còn nhiều vướng bận. Năm nào cũng vậy, thì sẽ sớm thôi chẳng còn ai muốn nhanh đến Tết nữa.

Áp lực công việc đã đủ mệt mỏi, nhưng chưa dừng lại ở đó, chúng ta không thể bỏ qua những mục tiêu cá nhân được đặt ra ngay từ đầu năm. Nay, nó cũng sắp đến ngày tổng kết và đánh giá. Cố gắng thăng tiến trong sự nghiệp, để dành được một số tiền tiết kiệm, mua nhà, mua xe, sắm sửa cho gia đình nhiều hơn, đi du lịch nước ngoài,... có rất nhiều dự định, nhưng chỉ còn không bao lâu nữa đã hết năm, bản thân mình đã đạt được hay chưa? Sẽ phải thế nào với những điều còn đang dang dở? Cố gắng tìm cách hay đành dời lại để năm sau tiếp tục thực hiện? Chúng ta, ai cũng sẽ mong muốn một năm qua đi với thật nhiều thành công để lại. Cho nên, càng áp lực hơn nếu mình đã lỡ hoang phí một năm mà vẫn chưa có gì. Là vậy, trước khi đón một mùa xuân mới sang, câu chuyện về bao áp lực trong năm cũ khiến người ta thầm mong “thôi từ từ hãy Tết”.

Chuyện năm cũ có một áp lực mang tên năm mới 

Không chỉ có những áp lực của năm cũ, Tết chưa kịp đến chúng ta cũng đã cảm thấy lo toan cho bao vấn đề của ngày đầu năm mới.

#1 Nặng gánh tài chính khi có quá nhiều khoản chi.

Để có một cái Tết thật sung túc, đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều khoản tiền cần phải chi tiêu, sắm sửa. Trong khi, cả năm dành dụm chẳng được bao nhiêu làm mình thêm nặng gánh. Quà gửi cho bố mẹ, em út, vật dụng trang hoàng nhà cửa, các loại bánh mứt, hoa quả, vé xe về quê,… cũng được dịp mà tăng giá làm mình càng xót hơn. Đã vậy, khi mừng tuổi đang dần mất đi ý nghĩa trao may mắn và phúc lộc, mình lại phải suy nghĩ về chuyện cho bao nhiêu trong những phong bao lì xì là xứng đáng. Tết đến, bạn bè gặp gỡ, hội họp xung túc hơn, chi phí cho những cuộc vui chơi cũng không phải là nhỏ. Điều đó làm hầu bao chúng ta lại xẹp xuống. Rồi thì vẫn còn nhiều khoản linh tinh khác và một cái sẽ Tết chẳng mấy tươi sáng khi đang bị áp lực tài chính đè nặng.

#2 Vật vã chuẩn bị để có Tết sung túc.

Cả năm đã phải vất vả làm việc, kỳ nghỉ Tết vẫn không ngoại lệ khi nó dường như là một cuộc tổng vệ sinh nhà cửa. Với mong muốn để cái xuân mới sang được nhiều điều suôn sẻ và may mắn, tay chân phải miệt mài quét dọn bàn ghế, tủ, kệ, sân vườn thật tinh tươm, không được qua loa. Cứ thế, những tấm kính cần xóa đi vết mờ, đánh cho bóng loáng bộ lư đồng, cả những con rồng, con phượng hay bông hoa chạm khắc tinh xảo trên những món đồ gỗ phải rũ bỏ lớp bụi,... tất cả đã khiến người trẻ “ám ảnh” dịp cuối năm. 

Không dừng lại ở đó, mâm cỗ ngày Tết cũng phải đủ đầy, trước để dâng cúng ông bà tổ tiên, sau để mọi người quây quần. Thế nên, mình phải loay hoay trong bếp để chuẩn bị biết bao nhiêu là món và luôn tối mặt rửa đống chén dĩa. Tết vui đâu chưa thấy, nhưng mà mệt thì nhiều vô kể.

#3 Lời “thăm hỏi” của họ hàng, chòm xóm.

Lâu lâu mới có dịp để gặp nhau, vì muốn quan tâm con cháu có cuộc sống tốt không mà bậc cô, dì, chú, bác luôn gửi những lời thăm hỏi khiến lớp người trẻ chúng ta cảm thấy khó chịu. 

Toàn chuyện tế nhị chẳng muốn nhắc tới, tất cả không khác nào những “câu hỏi cung” khiến chúng ta ái ngại. Nhưng làm sao cho được khi phải thật lễ phép để đáp lại sự quan tâm của họ hàng. Rồi mỗi khi gặp người lớn, ta lại chỉ muốn nép vào đâu đó.
 

#4 Chiến lược để vượt mặt năm cũ.

Với một năm vừa qua, dù kết quả là thành công rực rỡ hay nhạt nhòa trôi đi cũng khiến mình luôn đau đáu suy nghĩ về một tương lai tốt hơn. Kế hoạch hành động đề ra làm sao để đạt được mục tiêu kỳ vọng? Cố gắng cách nào mà năm sau có thể vui vẻ đón Tết, bớt đi phần lo toan?... Khi năm cũ chưa qua, mình đã phải tính trước bước đi nhằm tạo động lực cho năm sau. Không biết hào hứng bao nhiêu, nhưng trước mắt là đầu óc đã phải mệt mỏi nhiều rồi.

Trước sau gì cũng Tết thì hãy để Tết vui

Tuy có quá nhiều điều gây áp lực trong dịp Tết, thế nhưng năm hết Tết đến là chuyện đương nhiên mà chúng ta không thể tránh khỏi. Thay vì phải gây thêm áp lực cho bản thân, hãy gác lại những lo âu, bỏ qua chuyện cũ để cùng chào đón một năm mới sum họp, hạnh phúc và đầm ấm bên gia đình. 

 

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024