Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
16/06/2022 22:06 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
THỦ KHOA BÁCH KHOA HÀ NỘI 2022: "TẠI SAO MÌNH RA TRƯỜNG SỚM THẾ!"


Nguyễn Trung Nghĩa, sinh viên K62 lớp Toán – Tin 01, Viện Toán Ứng dụng và Tin học, là thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc với CPA 3.7 và 94 điểm rèn luyện. Hiện nay, Nghĩa là nghiên cứu viên khách mời tại Viện Toán học, Việt Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Phương pháp “học đúng” của thủ khoa

“Trước khi vào Bách khoa Hà Nội, tôi vẫn hay nghe những lời dọa dẫm về học nặng, tạch môn. Vì khá lo sợ nên năm I tôi không dám tham gia hoạt động Đoàn, Hội vì sợ không cân bằng được với việc học”, Nghĩa cười.

Tuy nhiên, qua một năm học với mức CPA ở mức “khá ổn”, cậu nhận thấy “chương trình học không quá nặng như mọi người vẫn hay đồn thổi”. Do đó, cậu lựa chọn tham gia Ban Chấp hành Liên chi Đoàn – Liên chi Hội Viện Toán ứng dụng và Tin học, trở thành một Liên chi Hội trưởng, Trưởng mảng Học tập và Nghiên cứu khoa học nhiệt tình, song song với việc cố gắng duy trì điểm học tập của mình.

Nghĩa tự tạo cho mình một phương pháp học tập đúng đắn: Đối với môn đại cương, cậu chú trọng tham gia các buổi học lý thuyết trên lớp. Nhiều sinh viên không đến buổi lý thuyết do không điểm danh, chỉ đi học các buổi bài tập.

“Tuy nhiên, nếu không hiểu sâu bản chất, chúng ta chỉ có thể giải bài tập theo kiểu dập khuôn bài mẫu. Bằng cách nắm vững lý thuyết, chăm chỉ áp dụng vào luyện các dạng bài tập, chúng ta sẽ có thể đạt kết quả cao trong các kỳ thi”, kỹ sư xuất sắc tâm niệm.

Bên cạnh đó, theo Trung Nghĩa, những tài liệu tham khảo chuyên ngành Toán – Tin viết bằng tiếng Việt tuy đã có nhiều song đôi khi vẫn là chưa đủ cho việc học tập và nghiên cứu. Vậy nên cậu đã mày mò, tìm thêm tài liệu tiếng Anh vì nguồn học liệu của nước ngoài rất đa dạng, cung cấp cho cậu thêm các góc nhìn khác, giúp cậu hiểu sâu bản chất và tìm được niềm cảm hứng với các môn học.

Khi đỗ vào Bách khoa Hà Nội, tiếng Anh không phải một lợi thế của Nghĩa. Tuy nhiên, với nhu cầu bức thiết về tra cứu tài liệu, cậu tự “ép” mình học để đọc được tài liệu tiếng Anh chuyên ngành.

Kiến thức khoa học là toàn cầu, đọc tài liệu nước ngoài thông qua tiếng Anh chuyên ngành là một phương pháp học hiệu quả đối với chàng tân kỹ sư. Tháng 10 năm ngoái, Trung Nghĩa đã lấy chứng chỉ IELTS 7.0.

Trong lớp, Nghĩa hay tranh thủ đến sớm, ngồi bàn đầu để có thêm nhiều cơ hội tương tác trực tiếp với thầy cô. Khi về nhà, thói quen của cậu là liên lạc với thầy cô qua email hay mạng xã hội để hỏi những bài học còn chưa hiểu.

“Các thầy cô Viện Toán Ứng dụng và Tin học rất nhiệt tình trong giải đáp thắc mắc của sinh viên. Tôi nghĩ chỉ cần sinh viên không ngần ngại liên hệ, chắc chắn thầy cô sẽ tận tình trả lời”, Nghĩa khẳng định.

Môn học duy nhất khiến cậu sinh viên xuất sắc chật vật để qua là Bơi lội. Theo Nghĩa, “các môn tại Viện Toán Ứng dụng và Tin học không khó nhằn”, chỉ cần có phương pháp học tập đúng đắn với sự hướng dẫn nhiệt tình của thầy cô, đạt điểm cao không hề khó.

“Thợ săn học bổng”

Khoảng năm thứ hai, thứ ba, Trung Nghĩa từng bị cuốn vào việc kiếm tiền làm ảnh hưởng tới kết quả học tập. Có những giai đoạn một tuần cậu đi dạy thêm đến 12 – 13 buổi nên khi về nhà, cậu cảm thấy rất mệt mỏi, không còn năng lượng cho việc học nữa.

“Giai đoạn ấy điểm của tôi tụt xuống còn khoảng 3.37, tôi thấy rõ sự xuống dốc, tự đặt câu hỏi cho bản thân: Chẳng nhẽ mình cứ mãi đi làm thêm mà không có sự phát triển nào hay sao?” Nghĩa tự vấn.

Nhận thấy sự bất lợi nếu như không có bằng cấp tốt sẽ gặp khó khăn trong vấn đề tuyển dụng sau này, Nghĩa quyết định giảm bớt thời lượng dạy thêm xuống mức vừa phải để đủ trang trải chi phí cá nhân, tập trung học tiếng Anh để mở ra cơ hội tương lai cho bản thân.

Nghĩa bắt đầu tham gia hoạt động Đoàn, Hội từ đầu năm học thứ hai. “Các công tác Đoàn – Hội chiếm rất nhiều thời gian và công sức của tôi nhưng không khi nào tôi cảm thấy chán nản, muốn bỏ cuộc. Tôi đã nhận được nhiều hơn là mất”, cậu tân kỹ sư chia sẻ.

Tham gia các hoạt động ngoại khóa tại Bách khoa Hà Nội, Nghĩa đã “tìm lại bản thân”, không còn là cậu bé ham đi làm thêm mà quên đi những mối quan hệ, tương tác với bạn bè.

Tại đây, cậu có những người bạn cùng khóa, những người anh chị em đồng hành cùng nhau trên các hành trình đáng nhớ. Đặc biệt, tham gia hoạt động ngoại khóa là bước ngoặt thay đổi cuộc đời của Trung Nghĩa.

Với vai trò là Trưởng mảng Học tập và Nghiên cứu khoa học, cậu đã có cơ hội tham gia Hội thảo Tối ưu và Tính toán khoa học lần thứ 18 được tổ chức bởi Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Tại Hội nghị, cậu đã được gặp rất nhiều nhà khoa học, GS, TS, nghiên cứu sinh trình bày các kết quả nghiên cứu. Nhận ra “đây chính là nơi mình thuộc về”, Nghĩa đã gặp PGS. Nguyễn Thị Thu Thủy, giảng viên Viện Toán Ứng dụng và Tin học, tại Hội thảo và đề xuất được làm nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của cô.

Sau một thời gian làm việc, nhận ra tiềm năng của cậu trò, PGS. Nguyễn Thị Thu Thủy đã khuyên Nghĩa nên đi du học để phát triển bản thân. Nghe cô góp ý, trong Nghĩa như có gì đó “bừng sáng lên”, cậu đã quyết tâm học IELTS và tích cực tham gia nghiên cứu khoa học.

Hiện tại, tân kỹ sư đã có 3 bài báo khoa học được đăng/chấp nhận đăng trên các tạp chí quốc tế và trong nước tập trung vào các thuật toán giải bài toán bất đẳng thức biến phân và các vấn đề liên quan, trong đó có một bài báo được xuất bản trên tạp chí SCIE-Q1, một bài trên tạp chí SCIE-Q2 và một bài trên tạp chí uy tín trong nước, cùng nhiều báo cáo khoa học tại các hội nghị uy tín trong lĩnh vực Tối ưu và Tính toán khoa học.

Kỳ nào Nghĩa cũng nhận được ít nhất một học bổng dành cho sinh viên có kết quả tốt. “Điều kiện nhận học bổng là CPA khoảng 3.2, nhưng hầu như các bạn nhận được học bổng đều có điểm cao hơn tương đối nhiều. Ngoài ra điểm rèn luyện của sinh viên cũng rất quan trọng. Chúng ta không thể tự tin bước ra đời mà không trang bị đủ kỹ năng mềm. Bên cạnh đó, thành tích nghiên cứu khoa học cũng là một điểm cộng để các bạn nhận được học bổng”, tân thủ khoa chia sẻ.

Ngoài ra, Nhà trường có các học bổng khuyến khích sinh viên học tập dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khó khăn, điển hình như học bổng Trần Đại Nghĩa. “Học bổng này thể hiện một khía cạnh rất nhân văn của Trường”, Nghĩa bày tỏ.

“Nhờ học bổng của Nhà trường, tôi có thể mạnh dạn giảm bớt việc dạy thêm để tập trung nhiều hơn vào việc học. Chính những học bổng đó đã giúp tôi có cơ hội được học thêm tiếng Anh, mua thêm tài liệu và thi IELTS. Một điều tôi khá tự hào là từ khi lên đại học đã có thể tự chủ tài chính và trang trải một phần chi phí sinh hoạt cho gia đình, giúp đỡ bố mẹ”, Trung Nghĩa vui vẻ nói.

Bách khoa Hà Nội mở ra nhiều cơ hội cho tương lai

Ngày học cấp 3, Nguyễn Trung Nghĩa là học sinh chuyên Lý trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, nhờ đó cậu đã được học các môn tự nhiên một cách rất bản chất. Nhận thấy trong nhiều vấn đề khoa học tự nhiên đều cần tới các công cụ của Toán học nên cậu đã quyết định đăng ký chuyên ngành Toán – Tin tại Bách khoa Hà Nội.

“Tôi nhìn thấy nhiều cơ hội trong ngành này. Khi nhìn sâu vào các vấn đề thực tế, tôi nhận thấy đâu đâu cũng có sự xuất hiện của các vấn đề Toán ứng dụng. Vì thế, tôi đã quyết định chọn học tại Viện Toán Ứng dụng và Tin học của Bách khoa Hà Nội”, Nghĩa chia sẻ.

Cử nhân và kỹ sư ngành Công nghệ Toán – Tin có rất nhiều cơ hội việc làm. Bạn bè của Nghĩa nhận được nhiều lời mời làm việc tại các tập đoàn công nghệ lớn như Viettel, EVN, ngân hàng, … và rất nhiều cơ hội đi du học.

Tốt nghiệp từ Viện Toán Ứng dụng và Tin học của Bách khoa Hà Nội, Nghĩa khẳng định mình có lợi thế cạnh tranh so với các sinh viên chuyên ngành Toán đến từ trường khác.

“Tôi có một cô bạn không thể hiện tốt lắm khi học ở Bách khoa Hà Nội, bạn ấy hơi lười hơn các bạn khác. Tuy nhiên, khi bước vào môi trường doanh nghiệp, bạn ấy trở thành một ngôi sao sáng, luôn được khen chăm chỉ và trong Top nhân viên xuất sắc! Chỉ sau 2 tháng thử việc, bạn ấy đã được lên nhân viên chính thức khi còn một kỳ nữa mới tốt nghiệp”, Nghĩa khẳng định các doanh nghiệp đánh giá cao người Bách khoa.

“Thu hoạch” của sinh viên Bách khoa Hà Nội không chỉ thể hiện trên bảng điểm mà còn là khả năng tự nghiên cứu, tự học. “Đối với bạn tôi, khi gặp bất cứ sự cố hay khó khăn gì trong công việc, cậu ấy hoàn toàn có thể tự nghiên cứu cách giải quyết vấn đề. Đây là một điểm rất mạnh của sinh viên Bách khoa Hà Nội so với sinh viên tốt nghiệp từ các trường khác mà các lãnh đạo của công ty lớn thừa nhận. Đó là lý do họ rất thích tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp từ Bách khoa Hà Nội”, theo Trung Nghĩa.

Dự định sắp tới của tân thủ khoa là du học bậc Tiến sĩ tại Mỹ với học bổng toàn phần cậu tự xin được bao gồm học phí, bảo hiểm y tế và lương dưới dạng trợ giảng, …

Trong thời gian chuẩn bị xin học bổng, Trung Nghĩa đã tự mày mò làm hồ sơ mà không thông qua những bên trung gian. Cậu đã tự mình làm tất cả để hy vọng sau này có kinh nghiệm có thể hướng dẫn các hậu bối, như chính cậu đã từng nhận được sự hỗ trợ từ thầy cô và các anh chị đi trước.

Du học nước ngoài là một trải nghiệm Trung Nghĩa muốn thử để “thoát ra khỏi vùng an toàn của bản thân, xem sức bật của mình đến đâu”. Không chỉ vậy, học tập tại môi trường đa văn hóa sẽ cho cậu nhiều kỹ năng, kiến thức để khi quay về cậu có thể mang tri thức mình học được đóng góp cho Việt Nam nói chung và Bách khoa Hà Nội nói riêng. “Trong tương lai, tôi rất muốn có thể làm gì đó cho đất nước của mình”, tân kỹ sư lớp Toán – Tin 01 khẳng định.

Tốt nghiệp sớm một kỳ, Nguyễn Trung Nghĩa cảm thấy thời gian trôi qua quá nhanh. Mỗi lần ngang qua trường, thấy các bạn sinh viên khoác cặp tíu tít đi cùng nhau, những kỷ niệm ùa về khiến cậu “chạnh lòng” vì “tại sao mình ra trường sớm thế!”.

“Tôi nhớ những buổi cùng bạn bè đi học từ sáng đến chiều, những ngày nắng hè đi bộ từ D3 sau 6 tiết học buổi sáng sang nhà TC để học tiếp buổi chiều mà không có đủ thời gian để ăn trưa. Ngày trước đi học chỉ mong ra trường, giờ thì tất cả chỉ còn là những kỷ niệm vô giá của tôi cùng tụi bạn. Tuy vẫn hàng ngày nói chuyện qua tin nhắn nhưng trong tôi vẫn âm ỉ một cảm giác tiếc nuối và nhớ nhung”, Nghĩa tâm sự.

Mục tiêu năm năm tới của Nguyễn Trung Nghĩa là trau dồi thêm tiếng Anh, hoàn thiện khối kiến thức chuyên ngành, làm giàu thêm các kiến thức xã hội và hoàn thành chương trình học Tiến sĩ tại Mỹ.

Tự nhận mình là người “tham công tiếc việc”, Nghĩa luôn tìm việc làm để bản thân không “rảnh” như đi dạy thêm các môn tự nhiên hay học ngoại ngữ. Tuy nhiên, đôi khi Nghĩa cảm thấy mình không có nhiều thời gian cho gia đình. Thời gian trước khi đi du học, Nghĩa muốn dành nhiều thời gian bên những người thân của mình hơn.

Nghĩa bộc bạch: “Bố mẹ tôi dạy con cũng như bao gia đình bình thường khác, luôn cho con được sống trong môi trường đong đầy tình cảm của bố mẹ. Tôi cảm thấy may mắn khi luôn nhận được sự quan tâm và tình yêu thương, chăm sóc mà bố mẹ dành cho mình. Với tôi, vậy là đủ”.

“Đối với tôi, gia đình rất quan trọng nên tôi muốn trở về để ở bên và chăm sóc bố mẹ. Mục đích tôi đi du học không phải để thoát ly khỏi quê hương mà là học được những kiến thức mới ở đất nước tiên tiến hơn để quay trở về đóng góp cho Việt Nam. Trở về Việt Nam là điều chắc chắn tôi sẽ thực hiện”, Nguyễn Trung Nghĩa khẳng định.

Theo: Hạ San




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024