Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
26/07/2022 21:07 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
Đánh giá các công cụ ghi chép khi học đại học


Đại học là chương mới trên con đường học vấn, và chuyện bị “ngợp” bởi lượng thông tin cần tiếp thu trong một buổi học là một nét “văn hóa”. Việc chép lại kiến thức vào vở như cấp 3 thường tỏ ra kém hiệu quả. Vậy lên đại học ghi bài kiểu gì cho hiệu quả?

Trong bài viết này, mình sẽ liệt kê và đánh giá một số phương pháp ghi chép phổ thông mà mình và bạn bè đã áp dụng, cũng như tìm hiểu và quan sát được. Mỗi phương pháp sẽ đều có những ưu - nhược điểm khác nhau, và khả năng tiếp thu, cũng như cách học của mỗi người cũng khác. Vậy nên bạn cứ cân nhắc thử - lựa chọn cách phù hợp với bản thân nhất nhé.

I. Thiết bị điện tử

1. Laptop

- Chi phí: “tiền nào của nấy”, bạn càng chi nhiều thì máy sẽ càng tốt hơn. Mình đặt mốc giá sàn là khoảng 13 triệu. Bạn hoàn toàn có thể chi 30-40 triệu nếu có khả năng tài chính.

- Ưu điểm: + Ghi chép bài siêu nhanh và tiện. Bạn có thể ghi kiến thức trên Microsoft Word, Google Docs, hay Notion. Nhiều thầy cô còn cung cấp slide bài giảng cho sinh viên, nên bạn cũng có thể note trực tiếp vào file.

+ Một khoản đầu tư tốt: dùng được lâu dài, và nhỏ gọn, có thể mang đi bất cứ nơi đâu.

- Nhược điểm:

+ Không nhớ lâu bằng chép tay (điều này đã được khoa học chứng minh).

+ Dễ gây xao nhãng trong quá trình học (tiện tay mở một tab Facebook trong giờ để check tin nhắn, và… bạn đã du hành thời gian tới giờ tan học rồi đó).

+ Một số laptop có cấu hình khủng thường có kích cỡ và cân nặng lớn, gây vướng víu trong quá trình di chuyển.

+ Hết pin là hết… học. Tuổi thọ của pin cũng giảm dần theo thời gian, nếu bạn không sạc đúng cách.

+ Phải “nâng laptop như nâng trứng”. Kể cả có sử dụng balo chống sốc, thì việc laptop bị va đập mạnh cũng có thể làm tổn hại tới thiết bị, và chi phí sửa chữa, bảo dưỡng thường rất cao.

+ Thường phải chi thêm tiền để mua phụ kiện (chuột, tai nghe, bàn phím…)

2. Tablet

Với nhiều bạn nữ, việc mang một chiếc Laptop đi học khá phiền phức, mà Macbook thì lại quá đắt, nên nhiều bạn chọn sử dụng Tablet.

- Chi phí: tương tự chi phí cho Laptop.

- Ưu điểm:

+ Nhỏ gọn, tiện lợi, dễ mang đi khắp mọi nơi.

+ Thời lượng pin dùng được lâu (vì không tốn nhiều điện như laptop).

+ Nhiều ứng dụng hữu ích cho việc ghi chép, ghi note, nhắc nhở công việc.

+ Dễ dàng tùy biến để có một chiếc tablet lung linh (chọn theme, hình nền, màu chủ đạo…)

+ Không nhất thiết phải mua thêm phụ kiện cho máy.

- Nhược điểm: + Dùng Tablet cũng có một số điểm bất lợi giống Laptop, ngoài ra:

+ Ít chức năng, khả năng xử lý công việc hơn Laptop (những bạn thích thiết kế slide thuyết trình có lẽ nên lưu ý).

+ Các phụ kiện chính hãng có giá cao (bàn phím, bút cảm ứng, tai nghe, sạc nhanh.

2 loại sản phẩm này “kẻ tám lạng, người nửa cân”. Trong khi Tablet có lợi thế về kích cỡ và cân nặng, thì Laptop lại có thể xử lý được nhiều công việc phức tạp hơn hẳn. Chi phí đầu tư một chiếc Tablet tốt cũng có thể cao ngang bằng các dòng Laptop cao cấp, chưa kể các phụ kiện kèm theo như ốp lưng, bàn phím… Tuy nhiên, hầu hết các ngành học đều có thể sử dụng 2 sản phẩm này để ghi chép. Do đó, tùy vào khả năng tài chính, sở thích, mà bạn có thể lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất với bản thân.

II. Các loại sản phẩm sử dụng giấy

1. Vở - sổ lò xo

Đây là loại vở - sổ được cố định bằng một thanh lò xo dài, thay vì dùng đinh ghim như vở thông thường. Để ghi chép bài thì sinh viên thường mua loại sổ có lò xo dọc, với kích cỡ A4; còn với tác vụ cần ghi chú nhanh, thì sổ lò xo ngang với kích cỡ A5 (hoặc nhỏ hơn) sẽ tiện lợi hơn.

- Chi phí: trung bình, bởi loại vở này có chất lượng cao hơn vở bình thường (bìa cứng hơn, giấy dày hơn)

- Ưu điểm:

+ Cảm giác lật giấy mượt hơn nhiều so với vở bình thường, khi lật giấy nhiều thì không dễ rách.

+ Có nhiều kích cỡ khác nhau, phù hợp cho từng mục đích khác nhau.

+ Dễ xé giấy khi cần, gọn nhẹ, tiện dụng.

- Nhược điểm:

+ Hơi khó mua ở các cửa hàng văn phòng phẩm (thường họ bán nhiều vở đóng ghim)

+ Giấy bị xé sẽ có 1 cạnh trông… khá nham nhở, không phù hợp để viết đơn, làm giấy kiểm tra.

+ Khi viết hết vở - sổ thì không thể fill giấy.

2. Sổ còng

Vài năm trở lại đây, xu hướng dùng sổ còng đã tăng lên đáng kể, bởi tính tiện dụng cũng như thẩm mĩ của nó. Đây là loại sổ có bìa cứng, gáy sổ có một bộ khóa tròn có thể đóng mở (gọi là khoen) để thêm bớt giấy khi cần.

- Chi phí:

Trung bình cho tới cao. Bởi mọi bộ phẩn của sổ có thể mua riêng lẻ, nên tùy vào tài chính mà bạn có thể chọn cho mình các phụ kiện khác nhau.

+ Bìa: bìa nhựa trong suốt, bìa da, bìa cứng…

+ Giấy: giấy chấm bi, giấy kẻ ô vuông, giấy không dòng…

+ Phụ kiện kèm theo: băng dính có hình (washi tape), bìa nhựa in lịch, giấy note, bookmark…

Chi phí trung bình cho một cuốn sổ còng cơ bản là khoảng 150.000 VNĐ.

- Ưu điểm:

+ Độ bền cao, có thể dùng trong vài năm liền.

+ Có thể thêm bớt giấy khi cần, do đó một cuốn sổ có thể ghi chép được nhiều môn (cá nhân mình ghi 4 môn).

+ Khả năng trang trí, tùy chỉnh cực đỉnh, với nhiều phụ kiện đáng yêu mà giá thì rất rẻ.

+ Nhiều loại giấy khác nhau, phù hợp với từng môn khác nhau (giấy chấm bi hợp với những môn cần vẽ đồ thị, sơ đồ; giấy ô vuông phù hợp với các môn nhiều chữ)

- Nhược điểm:

+ So với các loại vở khác, chi phí ban đầu bỏ ra cao hơn hẳn.

+ Kích cỡ sổ có thể lớn và cồng kềnh hơn nhiều so với vở lò xo.

+ Dễ khiến bạn có xu hướng lười chép bài trực tiếp trên lớp, vì có thể chép bù rồi xếp giấy vào ngày học hôm đó (điều này xảy ra với mình).

3. Ghi trên tài liệu, quyển tập A4

Một số sinh viên sẽ ghi bài trực tiếp trên bản photo slide giáo trình, hoặc đóng 100-200 tờ A4 thành 1 tập dày để ghi.

- Chi phí: rất rẻ. Chi phí biến động dựa trên số lượng giấy sử dụng.

- Ưu điểm:

+ Phù hợp với các khối ngành kỹ thuật cần tính toán, vẽ đồ thị, sơ đồ nhiều. So với sử dụng thiết bị điện tử (laptop, tablet), thì với khối ngành này, viết tay vẫn nhanh hơn cả.

+ Dễ dàng vẽ mind map, ghi ý tưởng nhóm khi cần thuyết trình, mà không phải dùng quá nhiều tờ giấy.

+ Tạo thói quen ghi chép bài đầy đủ, highlight ý rõ ràng.

+ Có thể dùng để đóng góp cho các chương trình về môi trường.

- Nhược điểm:

+ Tốn giấy mực nhiều, và rất mỏi tay, nhất là các môn nhiều lý thuyết.

+ Khá nặng nếu một ngày học 3-4 môn.

+ Việc ghi chép không có sắp xếp, trình tự khoa học dễ dẫn tới rối mắt, mất thời gian hệ thống lại kiến thức.Khoảng trống trên giấy rất ít để note, nếu bạn in slide giáo trình.

4. Giáo trình

Ghi thẳng vào giáo trình cũng là một cách được nhiều bạn sinh viên sử dụng. Lượng kiến thức trong giáo trình rất đầy đủ, nên thường sinh viên chỉ cần highlight ý cần nhớ, hoặc note một ý nhỏ vào trong giáo trình luôn.

- Chi phí: khá cao. Một cuốn giáo trình chuẩn có giá không rẻ, nhất là khi mỗi năm, giáo trình của mỗi trường lại có một chút sửa đổi. Nhiều bạn sinh viên lựa chọn mua giáo trình lậu (được in ở các hàng photo gần trường) để giảm chi phí. Tuy nhiên, kích cỡ cũng như chất lượng in của những cuốn này không thể nào bằng giáo trình “xịn” được.

- Ưu điểm:

+ Kiến thức siêu đầy đủ (sách do các thầy cô soạn mà).

+ Sử dụng hiệu quả trong phòng thi (với những môn cho phép mang giáo trình vào trong phòng).

+ Có thể dễ dàng nắm trước các nội dung trong buổi học sắp tới.Dễ dàng highlight ý chính, khi ôn hoặc tra kiến thức rất tiện lợi.

- Nhược điểm:

+ Chỉ áp dụng được với một số môn nặng lý thuyết, với các môn tính toán thì không quá hiệu quả.

+ Chi phí mua giáo trình chuẩn cao.

+ Một cuốn giáo trình thường được dùng để học một vài môn liên quan, nên sách thường khá nặng, và chứa nhiều phần kiến thức không liên quan tới môn bạn học.

Tổng kết

Tùy vào tình hình tài chính và sở thích cá nhân, mỗi người hoàn toàn có thể lựa chọn các phương pháp ghi chép khác nhau. Những năm học đầu là khoảng thời gian tuyệt vời để thử nghiệm từng cách ghi bài khác nhau (lượng kiến thức chưa quá nhiều) để tìm ra lựa chọn phù hợp với bản thân.

Bạn hoàn toàn có thể kết hợp nhiều cách ghi chép khác nhau cho từng môn học khác nhau. Tuy nhiên, việc sở hữu một chiếc Laptop theo mình là cần thiết hơn cả (dù bạn có chọn cách nào), bởi sự tiện dụng, cũng như tính đa năng của nó. Thời điểm trước khi nhập học, các hãng công nghệ cũng có nhiều chương trình khuyến mãi cho sinh viên, nên hãy cố gắng sắm cho mình một chiếc máy có chất lượng tốt, tránh ham rẻ mà mua về sản phẩm có trải nghiệm sử dụng tệ. Bạn có thể tìm đọc - xem các bài review chi tiết trên Youtube, các diễn đàn công nghệ.

Với những bạn sử dụng các sản phẩm giấy, ngoài lựa chọn sản phẩm phù hợp, việc tìm hiểu và áp dụng một số phương pháp ghi chép hiệu quả cũng vô cùng quan trọng, nếu bạn không muốn ôn “tủ” vào cuối kỳ học, hoặc hoảng loạn tìm cách hệ thống kiến thức trước khi kiểm tra.




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024