Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
15/04/2018 00:04 # 1
nguyenthuongtra
Cấp độ: 28 - Kỹ năng: 7

Kinh nghiệm: 154/280 (55%)
Kĩ năng: 38/70 (54%)
Ngày gia nhập: 17/09/2015
Bài gởi: 3934
Được cảm ơn: 248
7 Cách Đơn Giản Để Rèn Luyện Kỹ Năng Viết


Muốn viết nhanh, viết hay để ai đọc cũng phải mê thì bạn phải rèn luyện từng ngày. Quy tắc này đúng cho mọi trường hợp, bất kể bạn muốn trở thành nhà văn, nhà thơ, copywriter, nhân viên viết nội dung, content marketing, biên tập viên hay làm công việc gì liên quan tới viết lách đi nữa.

Dưới đây là một vài cách đơn giản giúp bạn cải thiện kỹ năng viết của mình. Hãy cố gắng áp dụng chúng hàng ngày để phát huy hiệu quả nhé.

1. Nhờ người khác đọc và nhận xét

Cho dù rất hài lòng với tác phẩm của mình nhưng nếu đưa cho ít nhất một người khác đọc thì bài viết của bạn chắc chắn sẽ có những "vấn đề" nhất định. Không hẳn đó là lỗi về diễn đạt, cách dùng từ, ý tưởng, chính tả... mà đơn giản, dưới góc nhìn của họ, bạn sẽ có được những phản hồi tốt để kiểm tra lại bài viết của mình và biết đâu lại có thêm ý tưởng mới.

Dẫu biết rằng việc bị người khác đánh giá bài viết, đặc biệt là khi họ không thực sự hiểu rõ thông điệp của bạn là điều vô cùng nặng nề. Tuy nhiên, lắng nghe ý kiến của những người xung quanh luôn là cơ hội để mỗi người học hỏi cũng như điều chỉnh nội dung phù hợp.

2. Tích cực tập luyện và đừng bận tâm đến lý thuyết

Viết, viết và viết thật nhiều! Bạn đã biết bao nhiêu người nói họ muốn viết một cuốn tiểu thuyết và bao nhiêu trong số họ thực sự viết được một cuốn? Ai cũng có thể nói, nhưng bạn cần phải là người làm được!

Hãy ngồi xuống và viết bất cứ khi nào bạn có thể. Đừng nghĩ rằng bạn không có khả năng. Đừng nghĩ rằng viết hay cần có năng khiếu. Đừng lo lắng về ngữ pháp, câu cú. Đừng đếm từng câu trong đoạn văn hay phân vân lựa chọn quá nhiều câu chủ đề. Đơn giản là bắt đầu viết và đừng dừng lại cho đến khi viết xong.

Sau đó, bạn sẽ có thời gian để chỉnh sửa cũng như đọc lại cách viết và cấu trúc câu. Nếu bận tâm đến những điều này ngay từ đầu, bạn sẽ bị cản trở. Viết là việc đòi hỏi sự sáng tạo và bạn cần để cho tâm trí được thư giãn thì mới dồi dào ý tưởng.

3. Thử sức với nhiều thể loại, phong cách và cấu trúc khác nhau

Đừng giới hạn bản thân với chỉ một thể loại. Thay vào đó, hãy thử thách bản thân bằng các nội dung viễn tưởng, hiện thực, châm biếm, truyện ngắn, ký sự, tự truyện, nhật ký..... hoặc thử tạo ra sự ly kỳ, hồi hộp với phong cách kết thúc mở.

Ngoài ra, thay vì quá cứng nhắc với phong cách viết học thuật, hãy cởi mở với lối viết hài hước, đơn giản, sử dụng câu từ tự nhiên, đậm chất "teen" để mở rộng đối tượng người đọc, viết xen kẽ câu ngắn, dài hay thay đổi bố cục bài viết... Bạn nên tìm một khía cạnh mới để thử sức hoặc nếu không, ít nhất hãy mang sự vui vẻ vào trong các tác phẩm của mình.

4. Đọc nhiều thể loại khác nhau

Đọc cũng quan trọng như trải nghiệm. Càng đọc nhiều bao nhiêu thì bạn càng khám phá ra được bấy nhiêu, không chỉ là thể loại, nội dung mà còn là phong cách viết. Đừng sợ thử cái mới. Bạn nghĩ mình không thích thể loại viễn tưởng nhưng bạn đã thử bao giờ chưa? Bạn sẽ không bao giờ biết mình thích điều gì cũng như thứ gì có thể truyền cảm hứng cho bạn nếu không thử.

Thêm một cuốn truyện bạn đọc là thêm một lần trí tưởng tượng của bạn được bay xa và bạn càng có nhiều ý tưởng hơn cho câu chuyện của riêng mình.

5. Trải nghiệm nhiều nhất có thể

Đọc nhiều nhưng không phải chỉ nên ngồi một chỗ và đọc. Bạn cũng phải đi càng nhiều càng tốt để tăng lối sống và cảm hứng sáng tạo. Bạn có thể viết về cái gì nếu bạn chỉ suốt ngày nhốt mình trong thế giới riêng nhỏ bé, chật hẹp?

Hãy ra ngoài và khám phá thế giới xung quanh bởi mọi thứ đều có thể trở thành chất liệu cho một kiệt tác. Thậm chí một trải nghiệm tồi tệ cũng có thể giúp bạn có được những câu chuyện vô cùng tuyệt vời để dành tặng cho độc giả.

Hãy mở lòng với mọi thứ và bạn sẽ thấy kỹ năng viết của mình thay đổi đến đâu.

6. Quan sát thế giới xung quanh

Trong khi bạn ra ngoài và trải nghiệm cuộc sống, hãy để ý quan sát thế giới xung quanh mình hoặc đơn giản là dành thời gian rảnh rỗi vào công viên, ngồi xuống, ngắm nhìn cảnh vật và quan sát người qua đường. Họ mặc áo màu gì? Họ cười nói, vui vẻ hay buồn bã? Họ có trò chuyện với nhau hay đi một cách vội vàng?... Hãy góp nhặt những điều nhỏ nhoi ấy và biến chúng trở thành chất liệu cho bài viết của bạn nhé.

7. Tìm không gian riêng

Sẽ khó có thể viết nếu bạn không thể tập trung. Hãy tìm một địa điểm để viết và biến nó trở thành không gian riêng cho việc viết lách. Bất cứ khi nào bạn đến chỗ đó, bạn sẽ biết rằng giờ là lúc để viết. Đừng làm việc khác khi bạn ở đó, đừng đọc báo, tán gẫu hay bị phân tán bởi thông báo điện thoại.

Mặc định chỗ đó chỉ dành cho việc viết lách và đảm bảo rằng đó là nơi tốt nhất cho bạn. Bạn cần sự yên tĩnh phải không? Đóng cửa phòng, tìm cho mình một chỗ ngồi trong quán cafe hay thư viện? Bất cứ nơi đâu, miễn là bạn cảm thấy thoải mái.

Hãy áp dụng 7 cách này ngay từ bây giờ và đừng quên chia sẻ cho chúng tôi kinh nghiệm viết lách của riêng bạn.

Theo quantrimang.com

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024