Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
18/09/2014 20:09 # 1
nguyencuunhi
Cấp độ: 6 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 26/60 (43%)
Kĩ năng: 10/20 (50%)
Ngày gia nhập: 01/09/2012
Bài gởi: 176
Được cảm ơn: 20
Công nghệ xây dựng cầu dây văng.


1. TỔNG QUAN CÁC GIẢI PHÁP CÔNG NGHỆ ÁP DỤNG TRONG THI CÔNG CẦU DÂY VĂNG

            Cầu dây Văng (CDV) là kết cấu siêu tỉnh nhiều bậc, rất nhạy cảm trước ảnh hưởng của nhiều yếu tố như: Sơ đồ kết cấu cầu, kết cấu mặt cắt tiết diện, phương pháp thi công và một số yếu tố ngoại lai khác như: Tác dụng của gió bão, động đất, nhiệt độ...vv. Những yếu tố này sẽ gây tác động làm thay đổi sơ đồ phân bố nội lực và chuyển vị của kết cấu. Cùng một chủng loại kết cấu như nhau nhưng nếu áp dụng phương pháp thi công khác nhau thì sơ đồ nội lực và chuyển vị xuất hiện trong quá trình thi công sẽ có sự khác biệt. Vì vậy, khi thiết kế kết cấu, sự cần thiết phải xác định trước phương pháp thi công cụ thể và ngược lại phương pháp thi công sẽ quyết định cấu tạo và tính toán của loại hình kết cấu CDV. Có nhiều giải pháp công nghệ được áp dụng trong thi công CDV và phần lớn các phương pháp thi công CDV được áp dụng từ các phương pháp được sử dụng để thi công các loại dầm cầu khác. Có thể nêu lên một số phương pháp để minh họa.

1.1. Thi công lắp đặt dầm chủ trên trụ tạm

1.1.1. Công nghệ lao kéo dầm

Trong trường hợp kết cấu dầm chủ CDV sử dụng vật liệu thép, công nghệ thi công dầm chủ có thể vận dụng phương pháp lao kéo dọc trên các trụ tạm. Để giảm trọng lượng dầm ở thời điểm làm việc theo sơ đồ “cong son”, dầm chủ được gắn thêm mũi dẫn, quá trình lao kéo dọc trên trụ tạm được thực hiện giống như lao kéo dọc cầu dầm thép thông thường . 

Sau khi tháp cầu được xây dựng và dầm chủ được lắp đặt sẽ tiến hành lắp dây Văng (DV) và căng kéo điều chỉnh phù hợp với yêu cầu thiết kế. DV được neo trực tiếp lên bệ neo của tháp cầu và dầm neo đặt tại dầm chủ. Tuỳ theo cấu tạo của DV và hệ neo, các dây có thể lắp đặt trên hệ dàn giáo nhẹ theo tuyến dẫn hoặc căng kéo từng tao không cần dàn giáo. Phương pháp thi công với việc sử dụng trụ tạm để lao kéo dầm chủ nhìn chung đơn giản và rất phù hợp với loại CDV có khẩu độ nhịp chính không lớn và kết cấu dầm  chủ nhẹ như kết cấu thép vì trụ tạm không mang ý nghĩa chịu lực lớn, có thể sử dụng thép hình đóng xuống dòng sông hoặc dàn thép nằm trên hệ nổi (Có sự điều chỉnh cao độ phù hợp mức nước sông). Tuy nhiên ở những khu vực lòng sông có dòng chảy phức tạp không thể xây dựng được trụ tạm thì phương pháp sử dụng trụ tạm tỏ ra kém hiệu quả.

1.1.2. Công nghệ đẩy

            Trường hợp dầm chủ bằng BTCT, trong quá trình thi công có thể liên kết với trụ tạm để tạo nên một hệ dàn giáo cố định hoặc di động để thi công dầm BTCT. Trên hệ thống kết cấu dàn giáo tiến hành đổ bê tông toàn khối dầm chủ hoặc lắp liên kết các khối dầm lắp ghép (đã được đúc sẵn trước trong công xưởng và vận chuyển tới công trường). Công tác đổ bê tông hoặc lắp ghép được thực hiện cho từng khoang dầm để tạo điều kiện thuận lợi cho việc cấu tạo neo dây và lắp DV vào dầm neo của khoang dầm được chế tạo. 

            Sau khi lắp xong DV tiến hành hạ cao độ dàn giáo và đẩy dàn giáo lên phía trước (vị trí mới) để đúc (hoặc lắp) khoang tiếp theo.

Nhìn chung việc áp dụng công nghệ đẩy để thi công dầm chủ CDV có sử dụng trụ tạm vẫn tồn tại những hạn chế như phương pháp lao kéo dầm. Việc xây dựng các trụ tạm trên dòng sông sẽ ảnh hưởng đến giao thông của các phương tiện tàu thuyền. Đối với dầm BTCT, quy mô xây dựng trụ tạm sẽ gặp khó khăn nhiều hơn, phức tạp hơn thậm chí không đáp ứng các yêu cầu khả thi về kỹ thuật và kinh tế.

1.2. Thi công dầm chủ bằng hệ dây thiên tuyến

            Đối với những CDV được thiết kế thi công ở  vùng núi có nhịp nhỏ và vừa phải  (từ 80 ¸ 150m), để vượt qua thung lũng, vực sâu hoặc sông suối chảy xiết và ở đó việc sử dụng phương pháp thi công bằng trụ tạm và hệ nổi không thể thực hiện được do điều kiện địa chất thuỷ văn phức tạp gây tốn kém thì phương pháp sử dụng hệ dây thiên tuyến tỏ ra có hiệu quả. ở nước ta phương pháp này đã được áp dụng trong thi công cầu Dakrong (cũ) có chiều dài nhịp chính 130m. Kết cấu dầm chủ bằng thép hình được chia làm 2 phần và tuần tự lắp dựng từ 2 đầu nhờ dây thiên tuyến căng trên 2 đầu tháp và neo vào 2 hố neo tạm làm đường trượt qua sông          

Sau khi thi công lao xong dầm chủ từ 2 phía, tiếp tục điều chỉnh cao độ và từng bước thực hiện các liên kết hợp long của 2 phần kết cấu. DV được lắp vào trụ tháp và neo ở dầm chủ để tiến hành căng kéo điều chỉnh nội lực và biến dạng chung của toàn hệ. Việc xây dựng hệ dây thiên tuyến để nâng và lao kéo dầm đã tạo ra lợi thế cơ bản. Do không sử dụng trụ tạm nên không làm cản trở giao thông trên vùng sông nước và trên thực tế làm giảm đáng kể chi phí phát sinh do khối lượng công việc của việc xây dựng trụ  tạm trong quá trình thi công.

1.3. Thi công dầm chủ bằng phương pháp hẫng

            Ý tưởng ứng dụng phương pháp hẫng trong thi công dầm cầu BTCTDUL truyền thống theo nguyên lý đối xứng cân bằng qua tim trụ cầu để thi công CDV bắt đầu từ những năm giữa thập kỷ 60. Điển hình là cầu Maracaibo với sơ đồ nhịp: 160 + 5 x 235 + 160 m thi công vào năm 1962. Cầu được thiết kế với trụ tháp dạng hình chữ A. Đuôi mút thừa của dầm liên kết với thanh treo xiên (dây Văng dạng thanh treo). Thi công dầm chủ bằng phương pháp hẫng bao gồm: lắp hẫng và đúc hẫng.

1.3.1. Phương pháp lắp hẫng

Ý tưởng của phương pháp lắp hẫng được vận dụng để thi công CDV nói chung rất phù hợp đối với CDV theo đó hệ dây chịu lực kéo chủ yếu và lực kéo này được truyền lên dầm BTCT để dầm chịu nén. Trị số lực nén rất lớn vì vậy đốt dầm có thể được chế tạo có kích thước bằng nhau và chiều cao thấp hơn so với các kết cấu thông thường khác cũng có sự giống nhau về quy mô chiều dài nhịp. Phương pháp thi công CDV bằng công nghệ lắp hẫng bao gồm các nội dung kỹ thuật như sau:

-      Xây dựng mố trụ và tháp cầu

-      Xây dựng các trụ tạm, dàn giáo hoặc mở rộng trụ để thi công các đốt (các khoang đầu tiên)

-      Chuyên chở đốt dầm (khoang) ra vị trí bằng hệ nổi (Xà lan, phao...). Dùng cầu nổi lắp đặt các khoang đầu tiên trên dàn giáo, trụ tạm hoặc trụ mở rộng.

-      Lắp DV các khoang đầu tiên và điều chỉnh lực căng theo yêu cầu thiết kế

-      Lắp cần cẩu chân cứng trên đoạn dầm đã lắp

-      Tiếp tục lắp hẫng các khoang dầm

-      Lắp DV và căng điều chỉnh dây ngay sau khi lắp xong dầm cứng

Hiện nay ở nước ta một số Dự án lớn CDV như cầu Kiền, Bãi Cháy đã và sẽ áp dụng phương pháp lắp hẫng để thi công. Ưu điểm của giải pháp công nghệ là thi công nhanh tạo được khả năng hợp lý hoá và công nghiệp hoá cao trong các quá trình triển khai công nghệ. Xét về hiệu quả kinh tế của việc áp dụng phương pháp lắp hẫng một số công trình nghiên cứu của E. Dubrova vào những năm đầu thập kỷ 70 đã cho thấy: Giá thành thi công lắp hẫng chỉ chiếm 30% so với giá thành lắp trên hệ nổi (phao) và chỉ chiếm 15 -  20% giá thành công trình, trong khi lắp trên hệ nổi chiếm 50 ¸ 60%  

Mặc dầu vậy, giải pháp lắp hẫng không phải lúc nào cũng được xem xét để áp dụng vì trên thực tế giá thành công trình thường đắt hơn so với công nghệ đúc hẫng. Đối với công nghệ lắp hẫng khối lượng phát sinh thêm do phải tiến hành tổ chức xây dựng công xưởng chế tạo đốt dầm, vận chuyển đốt dầm đến công trường…vv. Ngoài ra, nếu trong quá trình thi công lắp ghép các đốt không bảo đảm  yêu cầu liên kết kín khít giữa các đốt sẽ tạo điều kiện cho môi trường nhiệt  ẩm xấu từ bên ngoài xâm nhập làm rỉ bó cáp gây nguy hiểm tiềm tàng cho công trình. Ở nước ta vấn đề đặt ra như trên càng cần đặc biệt chú ý vì khí hậu nhiệt đới mưa nhiều, độ ẩm cao rất dễ tạo nên nguy cơ thẩm thấu. Sự cố cầu Rào xảy ra năm 1987 cũng xuất phát từ nguyên nhân bó cáp bị rỉ do ảnh hưởng trực tiếp của nước thẩm thấu qua bê tông và khe nối. Kinh nghiệm của các nước hiện nay sử dụng giải pháp kỹ thuật đúc “In oản” để chế tạo đốt dầm trong công xưởng (hoặc có thể ở ngay công trường nếu có đủ mặt bằng thi công”. Đặc điểm KHCN của giải pháp đúc “In oản” thể hiện ở việc cấu tạo và sử dụng hệ ván khuôn đúc bê tông để tạo được sự kín khít của 2 bề mặt tiếp xúc thông qua các loại mộng (Shear Keys) và kỹ thuật đúc. Có hai giải pháp công nghệ đúc: Giải pháp đúc liền các đốt trên một nhịp dài (long line casting) và giải pháp đúc 2 đốt một lần (Short line casting)

Sau khi đốt dầm được chế tạo xong và đạt yêu cầu về độ bền sẽ cho phép vận chuyển đến công trường. Những đốt dầm  trước khi đưa lên vị trí lắp ghép sẽ được vận chuyển đến bờ sông (chỗ áp xà lan chuyên chở) bằng cẩu trục hoặc cẩu long môn. Trong trường hợp dòng sông chịu ảnh hưởng trực tiếp của thuỷ triều, sự cần thiết phải lập kế hoạch, tiến độ thi công, theo đó mực nước được xác định cụ thể cho từng thời gian để không gây sự cố xà lan mắc cạn hoặc xê dịch lớn do tốc độ dòng nước. Xà lan chở đốt dầm được tàu kéo đưa ra tới vị trí lắp ghép ngay dưới mũi lắp (xe lắp). ở đó đốt dầm  được xe lắp hẫng nâng lên bằng hệ tời (ảnh). Việc gắn kết các đốt đúc lại với nhau chủ yếu thông qua lực nén bề mặt của các khối đúc (Do dây Văng truyền từ lực kéo). Trước khi gắn kết các khối đúc, bề mặt tiếp xúc được quét lớp nhựa keo Epoxi. Lớp keo này làm nhiệm vụ dính kết đảm bảo sự kín khít giữa hai bề mặt tiếp xúc.

1.3.2. Phương pháp đúc hẫng

a) Phân tích cơ sở khoa học công nghệ và đặc điểm kỹ thuật của việc áp dụng công nghệ đúc hẫng

 Đối với phương pháp đúc hẫng, dầm BTCT chủ thể được chế tạo từ việc đúc hẫng dầm theo nguyên tắc cân bằng (đối xứng qua trụ tháp). Thông thường trong thi công cầu BTCT DUL áp dụng công nghệ đúc hẫng truyền thống (không có dây Văng) độ cứng của dầm (cánh khung T) được tạo nên do chiều cao thay đổi, giảm dần từ trụ ra giữa nhịp, ý tưởng của phương pháp đúc hẫng được vận dụng để thi công CDV nói chung rất phù hợp. Thay vì lực nén tác động lên dầm do bó cáp DUL thì ở CDV lực nén được tạo ra từ lực kéo của DV. Trị số lực nén rất lớn có thể bảo đảm cho dầm cứng BTCT ổn định trong quá trình thi công và khai thác. Do cơ chế làm việc của kết cấu dây và dầm như vậy nên tiết diện mặt cắt dầm chủ thể được chế tạo như nhau (chiều cao cố định), điều đó sẽ tạo nên nhiều yếu tố thuận lợi trong các quá trình vận hành công nghệ từ giai đoạn lắp đặt ván khuôn đúc đốt dầm, tháo lắp và vận chuyển xe đúc đốt dầm...vv

b) Các đặc điểm mang tính lợi thế của công nghệ đúc hẫng áp dụng trong thi công CDV

Hiện nay với các CDV có dầm chủ bằng BTCT phần lớn trong thi công áp dụng công nghệ đúc hẫng. Ở nước ta đã có ít nhất 3 CDV đã đang và sẽ thi công bằng công nghệ đúc hẫng (Các cầu: Mỹ Thuận, Rạch  Miễu và Cần Thơ). Cơ sở để chọn lựa công nghệ đúc hẫng để thi công CDV xuất phát từ nhiều yếu tố:

-      Với việc áp dụng công nghệ đúc hẫng sẽ tạo khả năng nâng cao hiệu quả kỹ thuật và kinh tế. Trên thực tế khi so sánh với phương pháp lắp hẫng đã cho thấy quy mô các hạng mục công nghệ giảm đáng kế vì bỏ qua được một khối lượng lớn công việc về xây dựng cơ bản như: Bệ đúc dầm trong công xưởng (hoặc trên công trường) chế tạo hệ thống thiết bị đúc đốt dầm (ván khuôn, sàn đỡ, thiết bị vận hành) vận chuyển đốt dầm đến công trường và hệ nổi, chuyên chở dầm đến vị trí dưới mũi lắp (xe lắp đốt dầm) để thực hiện công tác chuẩn bị kéo nâng đốt dầm lên đúng vị trí liên kết. Chỉ tính riêng phần thi công dầm chủ CDV việc áp dụng công nghệ đúc hẫng đã giảm được giá thành khoảng 20%.

-      Trong quá trình thi công CDV bằng công nghệ đúc hẫng không cần thiết phải sử dụng nhiều chủng loại thiết bị máy móc như lắp hẫng. Thiết bị chủ yếu là trạm trộn bê tông, xe vận chuyển và lắp đốt dầm bê tông ở công trường. Hiện nay ở Việt Nam, trình độ và năng lực của các nhà thầu nói chung còn hạn chế. Vì vậy đặc điểm này mang tính lợi thế rõ rệt. Ngoài ra từ những năm 1990 trở lại đây công nghệ đúc hẫng truyền thống đã được áp dụng để thi công >50 cầu BTCT DUL và trên thực tế kinh nghiệm thi công của nhà thầu đã được nâng cao theo thời gian. Vào thời điểm hiện nay tốc độ thi công một khối đúc (có chiều dài từ 3,0 ¸ 4,5 m) chỉ mất » 7 ¸ 8 ngày, vì vậy khi áp dụng công nghệ đúc hẫng trong thi công CDV chắc chắn các nhà thầu Việt Nam sẽ phát huy tốt kinh nghiếm sắn có của mình để thực hiện các bước công nghệ với nhịp độ nhanh và chất lượng đảm bảo.

-      Tính toàn khối của dầm chủ BTCT trên cơ sở áp dụng công nghệ đúc hẫng đảm bảo tốt hơn so với công nghệ lắp hẫng và là yếu tố trực tiếp nâng cao chất lượng bảo vệ chống xâm thực của môi trường đối với các bộ phận kết cấu CDV.

-      Công tác điều chỉnh nội lực ở CDV thi công bằng công nghệ đúc hẫng thuận lợi hơn vì đốt đúc có chiều dài tương đương với khoang (vị trí đặt dầm neo). Trong khi đó ở công nghệ lắp hẫng các đốt đúc có chiều dài nhỏ, thậm chí trong một khoang có nhiều loại đốt khác nhau, như đốt biên được đặt dầm neo trong khi đó các đốt giữa không có dầm neo vì vậy dẫn đến sơ đồ điều chỉnh nội lực phức tạp.

c) Một số vấn đề kỹ thuật công nghệ cần chú ý

Mặc dầu những đặc điểm kỹ thuật của công nghệ đúc hẫng trong thi công CDV chứa đựng nhiều lợi thế, rất thích ứng trong điều kiện hiện nay và trên thực tế rất được các nhà thầu xây dựng chấp nhận nhưng cũng cần chú ý nghiên cứu xem xét một số vấn đề thuộc lĩnh vực kỹ thuật công nghệ mới khi những công trình, Dự án xây dựng CDV ở nước ta đang trong giai đoạn đầu vừa thi công, vừa thử nghiệm để từng bước nắm bắt chắc chắn các nội dung cơ bản KHCN về tính toán thiết kế, dây chuyền công nghệ qua đó tiến tới hoàn thiện các cơ sở hành lang pháp lý về văn bản, quy trình, quy phạm về thiết kế và thi công CDV nói chung và CDV thi công bằng công nghệ đúc hẫng nói riêng. Có thể nêu lên một số vấn đề sau đây.

-      Việc xác định chiều dài đốt dầm (tương đương chiều dài khoang) không được chọn tùy ý mà lấy bằng chiều dài khoang. Cơ sở lý thuyết để chọn chiều dài khoang dựa trên sơ đồ cấu tạo kết cấu và sơ đồ phân bố nội lực và chuyển vị cũng như các điều kiện cấu tạo kết cấu (Dầm chủ, neo, dây Văng) phù hợp với điều kiện năng lực thi công trong nước.

-      DV cần lắp ngay vào khoang (dầm neo) sau khi đã hoàn thiện xong công việc đổ bê tông đốt dầm và tiếp tục căng đợt 1 (sơ căng) trước. Khi di chuyển xe đúc (đà giáo di động) đến vị trí của đốt đổ bê tông mới.

-      Cơ quan TVTK (Có thể nhà thầu) cần tính toán thiết kế công nghệ, cụ thể:  sơ đồ phân bố nội lực và chuyển vị của các đốt trước và sau khi đổ bê tông. Các số liệu nêu trên rất cần thiết vì có ảnh hưởng đến việc căng điều chỉnh nội lực dưới tác dụng của tải trọng để nhằm đạt tối đa yêu cầu an toàn công trình.

-      Trong trường hợp các đốt có chiều dài lớn (khoang lớn), sự cần thiết phải tăng chiều dài xe đúc (đà giáo đỡ ván khuôn đúc bê tông). Để hạn chế sự phát sinh khối lượng công việc này trong thi công có thể sử dụng DV phụ và khi đúc có thể vẫn sử dụng xe đúc và trang thiết bị như đã sử dụng để thi công các đốt ngắn.

-      Thông thường trong thi công CDV bằng công nghệ đúc hẫng cần thực hiện theo nguyên tắc đúc đối xứng qua trụ tháp để không gây nên hiện tượng trụ tháp và móng chịu lệch tâm lớn. Nếu áp dụng nguyên tắc đúc hẫng không đối xứng (chỉ thi công hẫng từ tháp ra giữa sông) thì phải sử dụng các dây neo trên các trụ neo phụ để hạn chế tháp làm việc chịu uốn lớn.

-      Đối với các CDV có  khẩu độ nhịp chính lớn, trong quá trình thi công hẫng cần có biện pháp đảm bảo ổn định ngang chống gió bằng cách neo dầm theo chiều ngang vào các trụ neo bố trí trên bờ hoặc trên sông ở cả hai phía thượng và hạ lưu

-      Công việc căng điều chỉnh lực trong DV cụối cùng được thực hiện sau khi thi công đốt hợp long ngay tại thời điểm bê tông đông cứng đạt yêu cầu thiết kế. Giai đoạn căng điều chỉnh này rất quan trọng vì trạng thái nội lực trước khi đưa cầu vào khai thác phải đạt được sơ đồ ứng suất biến dạng tối ưu nhất.

 

2. THIẾT KẾ CÔNG NGHỆ

2.1 Chu trình công nghệ thi công dầm chủ

Thi công CDV bằng phương pháp đúc hẫng được thực hiện tuần tự theo các bước công nghệ như sau: (hình 1.5)

 

Bước 1. Di chuyển xe đúc hẫng đến vị trí.

B­ước 2. Lắp khối neo, thanh chống tạm          

B­ước 3. Lắp dây văng, căng sơ bộ dây n. 

 B­ước 4. Đổ bê tông đốt dầm, dầm ngang, dựng cốt thép.

 B­ước 5. Căng dây văng đợt 2 và xử lý  mối nối.

B­uớc 6. Chuyển tác dụng tải trọng từ xe đúc sang dây văng  chịu (tháo liên kết giữa khối neo và ván khuôn).

 

B­ước 7. Tiếp tục căng điều chỉnh nội lực lần cuối theo yêu cầu khai thác.         

B­uớc 8. Di chuyển xe đúc dầm hẫng đến vị trí mới và lặp lại chu kỳ như­ cũ

Thiết bị chủ yếu sử dụng trong thi công đúc hẫng là xe đúc hẫng. Xe đúc hẫng trên thực tế giống “xe đúc hẫng” như đã sử dụng cho các cầu BTCTDƯL truyền thống về cả nguyên lý cấu tạo và vận hành. Tuy nhiên có sự khác nhau về khả năng điều chỉnh kích thước chiều cao (Đối với CDV chiều cao cố định) và chiều dài xe. Thông thường trong CDV chiều dài xe phải phù hợp với chiều dài khoang đúc. Hiện nay ở Trung Quốc sử dụng loại khoang 6m, Châu Âu 12m. Ở nước ta đã sử dụng loại khoang từ  9 ¸ 10,4m (Cầu Mỹ Thuận: 10,4m và Rạch Miễu 9m). Khi thi công đốt K0 trên dầm ngang trụ tháp sử dụng đà giáo đặt trực tiếp lên dầm ngang và chống đỡ bằng các thanh xiên nhờ khả năng chịu lực của thân trụ tháp và độ cứng của dầm ngang, có thể thi công một vài đốt trên đà giáo nếu có phụ thêm dây Văng tăng cường.

Đối với đoạn gần mố (khu vực nhịp phụ) không thi công được bằng đúc hẫng, có thể sử dụng đà giáo chống lên nền đất hoặc đáy sông để dựng ván khuôn đúc phần dầm từ mố. Quá trình hợp long diễn ra ở nhịp phụ trước, sau đó tiến hành hợp long nhịp chính.

2.2. Các giải pháp công nghệ thi công trụ tháp 

Thông thường trong xây dựng CDV, có hai loại hình kết cấu trụ tháp được sử dụng: Trụ tháp bằng thép và trụ tháp bằng BTCT. Tuy nhiên đối với CDV khẩu độ nhịp lớn > 200m và trụ tháp cao > 100m thường hay áp dụng loại trụ tháp BTCT. Hiện nay thế giới sử dụng 2 giải pháp công nghệ chủ yếu để thi công trụ tháp BTCT.

a) Giải pháp ván khuôn trượt (VKT)

Nội dung KHCN  của giải pháp VKT có thể trình bày tóm tắt như sau:

-      Mỗi nhánh trụ tháp sử dụng một bộ VKT.

-      Kết cấu VKT bao gồm 1 khung chịu lực bằng vật liệu thép ôm quanh thân trụ tháp. Bản thép làm VK liên kết với khung cứng bằng hàn chịu lực. Để tăng cường độ cứng cho bộ VKT trên thực tế có hàn thêm các sườn tăng cường.

-      Quy mô của VKT thường không lớn, thông thường mỗi lần đổ bê tông đạt được độ dài từ 1 ¸ 1,5m.

-      Để vận hành bộ VKT trong cấu tạo chung có bố trí kích nâng (kích răng hoặc kích dầu) và các điểm tỳ kích bằng các thanh thép đặt trước.

-      Công tác đổ bê tông được tiến hành từng đoạn bằng cần cẩu tháp.

b) Ván khuôn leo ( VKL)

            Về nguyên tắc, cấu tạo của bộ VKL không giống như VKT. Sự khác nhau thể hiện ở chỗ: Đối với bộ VKL các tấm VK trước khi nâng lên vị trí mới được tháo ra khỏi cột tháp. Vì vậy, bộ VKL không vận hành theo nguyên lý trượt. Do đó trên thực tế đã loại bỏ được lực ma sát giữa VK và thành bê tông mà ở bộ VKT không thể khắc phục được.

            Cấu tạo bộ VKL có 3 phần chính: Giá đỡ và di chuyển, các tấm VK lắp ghép và hệ nâng. Chu trình công nghệ vận hành có thể tóm tắt như sau:

·     Giai đoạn 1: Giá đỡ được lắp và cố định bằng bu lông ở đoạn bê tông đã đông cứng ở chân cột.

·     Giai đoạn 2: Khi bê tông mới đủ đông cứng, các VK thành được tháo ra

·     Giai đoạn 3: Đặt ván khuôn để đổ lớp bê tông trên cùng.

Khi lớp bê tông trên cùng đổ xong đã đủ đông cứng mới lợi dụng các bu lông liên kết ở đoạn  3 để nâng giá đỡ lên cố định vào đoạn 2, sau đó nới lỏng VK đưa lên đốt trên và chu trình lặp lại như cũ.

Vật liệu VK của bộ VKL thường được làm bằng gỗ ép (chiều dày » 2¸ 3cm) nhằm giảm trọng lượng. Để chống thấm nước, bên ngoài gỗ ép được dán Phoc mi ca . áp dụng giải pháp công nghệ VKL phần nào đó mang lại hiệu quả kỹ thuật kinh tế tốt hơn do rút ngắn thời gian thi công (chiều dài mỗi đốt » 4 ¸ 5m) và phù hợp với trình độ và điều kiện trang thiết bị công nghệ của các nhà thầu nước ta hiện nay. Trên thực tế ở một số Dự án lớn như:  Cầu Bính (Hải Phòng), cầu Mỹ Thuận, Bãi Cháy... đều sử dụng công nghệ VKL hoặc VKL và VKT kết hợp.

 

 




 
18/01/2015 11:01 # 2
liangluc
Cấp độ: 12 - Kỹ năng: 3

Kinh nghiệm: 105/120 (88%)
Kĩ năng: 14/30 (47%)
Ngày gia nhập: 17/12/2012
Bài gởi: 765
Được cảm ơn: 44
Phản hồi: Công nghệ xây dựng cầu dây văng.


Hiện nay, tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng phần lớn các cây cầu mới đều được thiết kế và xây dựng theo công nghệ cầu dây văng, thầy Nhị có thể cho các bạn sinh viên biết ưu điểm lớn của cầu dây văng so với cầu dây võng và các dạng cầu khác về kết cấu, mức độ an toàn, khả năng chịu tải trọng, kiến trúc,...?



Hãy làm việc hết mình thay vì lo lắng hết mình!


 
Các thành viên đã Thank liangluc vì Bài viết có ích:
27/01/2015 15:01 # 3
hoangts2003
Cấp độ: 13 - Kỹ năng: 3

Kinh nghiệm: 125/130 (96%)
Kĩ năng: 7/30 (23%)
Ngày gia nhập: 19/11/2012
Bài gởi: 905
Được cảm ơn: 37
Phản hồi: Công nghệ xây dựng cầu dây văng.


So sánh giữa kết cầu treo dây văng với cầu treo dây võng theo yêu cầu đặt ra:

Về phương diện chịu lực và độ ổn định. Kết cấu cầu treo dây văng kết hợp giữa dây, kết cấu nhịp và tháp cầu tạo thành miếng cứng tam giác, cầu treo dây võng không tạo tạo được miếng cứng như cầu treo dây văng. Vì thế về mặt chịu lực và ổn định kết cấu cầu treo dây văng có ưu thế hơn so với cầu treo dây võng.

Về mặt thẩm mỹ: Kết cấu cầu treo dây văng và kết cấu cầu treo dây võng về mức độ hiện đại và quy mô công trình cả hai hệ này có thể đáp ứng tương đương độ thẩm mỹ có thể nói ngang nhau. Thông thường kết cấu cầu treo vượt nhịp nhỏ hơn cầu treo dây võng nên quy mô có phần kém hơn. Thường đánh giá mức độ thẩm mỹ công trình cầu phải kết hợp với kiến trúc cảnh quan xung quanh.

Về mặt mức độ an toàn kết cấu: vấn đề này khi đã thiết kế, kiểm tra, kiểm soát trước khi đưa ra biện pháp thi công và giải pháp kết cấu phải đảm bảo tuyệt đối. Tuy nhiên trong thi công có thể có các sự cố xãy ra do công tác đảm bảo an toàn hiện trường chưa tốt do có quá nhiều yếu tố tác động không kiểm soát hết.




 
27/01/2015 15:01 # 4
hoangts2003
Cấp độ: 13 - Kỹ năng: 3

Kinh nghiệm: 125/130 (96%)
Kĩ năng: 7/30 (23%)
Ngày gia nhập: 19/11/2012
Bài gởi: 905
Được cảm ơn: 37
Phản hồi: Công nghệ xây dựng cầu dây văng.


Mong các bạn cho thêm nhiều ý kiến. Xin chân thành cảm ơn.




 
Các thành viên đã Thank hoangts2003 vì Bài viết có ích:
18/08/2016 10:08 # 5
hoangts2003
Cấp độ: 13 - Kỹ năng: 3

Kinh nghiệm: 125/130 (96%)
Kĩ năng: 7/30 (23%)
Ngày gia nhập: 19/11/2012
Bài gởi: 905
Được cảm ơn: 37
Phản hồi: Công nghệ xây dựng cầu dây văng.


Để làm chủ công nghệ thi công cầu treo dây văng đòi hỏi đội ngũ cán bộ năng động, chịu khó tìm hiểu và sáng tạo trong công việc. Bên cạnh đó lãnh đạo phải tạo điều kiện về tài chính và thời gian để đội ngũ sớm tiếp cấn.




 
18/08/2016 10:08 # 6
hoangts2003
Cấp độ: 13 - Kỹ năng: 3

Kinh nghiệm: 125/130 (96%)
Kĩ năng: 7/30 (23%)
Ngày gia nhập: 19/11/2012
Bài gởi: 905
Được cảm ơn: 37
Phản hồi: Công nghệ xây dựng cầu dây văng.


Hiện nạy một số công ty thi công cầu lớn Việt Nam gần như đã làm chủ được công nghệ này, nhưng trong thời kỳ khó khăn về kinh tế nên việc xây dựng các công trình chung gần như rất ít. Hi vọng sau thời gian khủng hoảng chúng ta lại xây dựng nhiều cây cầu tầm cỡ.




 
15/09/2016 09:09 # 7
hoangts2003
Cấp độ: 13 - Kỹ năng: 3

Kinh nghiệm: 125/130 (96%)
Kĩ năng: 7/30 (23%)
Ngày gia nhập: 19/11/2012
Bài gởi: 905
Được cảm ơn: 37
Phản hồi: Công nghệ xây dựng cầu dây văng.


Kết cấu cầu dây văng và kết cấu cầu dây võng là những kết cấu làm tính thẩm mỹ hiện đại cao giống như mode thời trang trong từng thời kỳ. Có thể một thời gian sau thì kết cấu này sẽ được thay thế bằng kết cấu khác đơn cử có thể dạng cầu vòm thường tạo độ mềm mại. Chiều cao công trình có phần thấp hơn so với 2 dạng kết cấu hệ dây trên.




 
18/03/2017 13:03 # 8
hoangts2003
Cấp độ: 13 - Kỹ năng: 3

Kinh nghiệm: 125/130 (96%)
Kĩ năng: 7/30 (23%)
Ngày gia nhập: 19/11/2012
Bài gởi: 905
Được cảm ơn: 37
Phản hồi: Công nghệ xây dựng cầu dây văng.


Công nghệ thi công cầu dây văng chủ yếu sử dụng công nghệ thi công đúc hẫng, lắp hẫng.




 
18/03/2017 13:03 # 9
hoangts2003
Cấp độ: 13 - Kỹ năng: 3

Kinh nghiệm: 125/130 (96%)
Kĩ năng: 7/30 (23%)
Ngày gia nhập: 19/11/2012
Bài gởi: 905
Được cảm ơn: 37
Phản hồi: Công nghệ xây dựng cầu dây văng.


Với công nghệ đúc hẫng thường sử dụng trong cầu dây văng dầm BTCT. Ưu điểm chính cho phép xây dựng được nhiều công trình cầu có chiều dài nhịp lớn. Thuận lợi trong xây dựng.




 
18/03/2017 13:03 # 10
hoangts2003
Cấp độ: 13 - Kỹ năng: 3

Kinh nghiệm: 125/130 (96%)
Kĩ năng: 7/30 (23%)
Ngày gia nhập: 19/11/2012
Bài gởi: 905
Được cảm ơn: 37
Phản hồi: Công nghệ xây dựng cầu dây văng.


Đối với công nghệ lắp hẫng thuận lợi hơn trong xây dựng cầu dây vằng dầm thép, đôi khi cả dầm BTCT.




 
18/03/2017 13:03 # 11
hoangts2003
Cấp độ: 13 - Kỹ năng: 3

Kinh nghiệm: 125/130 (96%)
Kĩ năng: 7/30 (23%)
Ngày gia nhập: 19/11/2012
Bài gởi: 905
Được cảm ơn: 37
Phản hồi: Công nghệ xây dựng cầu dây văng.


Với hai công nghệ này thông trường sử dụng hệ thống giàn giáo hẫng.




 
18/03/2017 13:03 # 12
hoangts2003
Cấp độ: 13 - Kỹ năng: 3

Kinh nghiệm: 125/130 (96%)
Kĩ năng: 7/30 (23%)
Ngày gia nhập: 19/11/2012
Bài gởi: 905
Được cảm ơn: 37
Phản hồi: Công nghệ xây dựng cầu dây văng.


ngay nay thi công cầu treo dây văng người ta còn có thể sử dụng hệ thống giàn giáo cố định trong việc đúc các đốt dầm.




 
17/04/2017 15:04 # 13
hoangts2003
Cấp độ: 13 - Kỹ năng: 3

Kinh nghiệm: 125/130 (96%)
Kĩ năng: 7/30 (23%)
Ngày gia nhập: 19/11/2012
Bài gởi: 905
Được cảm ơn: 37
Phản hồi: Công nghệ xây dựng cầu dây văng.


Bản chất của cầu dây văng là chúng ta đưa vật liệu có cường độ cao đó chính là cốt thép cường độ cao (các dây văng) ra rất xa so với trục trung hòa của tiết diện từ đó phát huy khả năng làm việc của vật liệu cường độ cao, tiết kiệm vật liệu giảm tĩnh tải kết cấu, làm cho kết cấu nhẹ hơn giảm nội lực do tĩnh tải gây ra làm cho tiết diện chịu lực được giảm kích thước.




 
17/04/2017 15:04 # 14
hoangts2003
Cấp độ: 13 - Kỹ năng: 3

Kinh nghiệm: 125/130 (96%)
Kĩ năng: 7/30 (23%)
Ngày gia nhập: 19/11/2012
Bài gởi: 905
Được cảm ơn: 37
Phản hồi: Công nghệ xây dựng cầu dây văng.


Từ việc giảm được kích thước các bộ phận trong kết cấu nhịp làm cơ sở cho việc giảm kích thước mố trụ cầu bên dưới và hệ thống móng công trình. Nhằm tăng hiệu quả kết cấu công trình.




 
17/04/2017 15:04 # 15
hoangts2003
Cấp độ: 13 - Kỹ năng: 3

Kinh nghiệm: 125/130 (96%)
Kĩ năng: 7/30 (23%)
Ngày gia nhập: 19/11/2012
Bài gởi: 905
Được cảm ơn: 37
Phản hồi: Công nghệ xây dựng cầu dây văng.


Đối với cầu dây văng thường trong thiết kế nội lực do tĩnh tải chiếm từ 60% đến 80% từ đó việc sử dụng vật liệu cường độ cao rất có ý nghĩa trong việc tiết kiệm vật liệu.




 
17/04/2017 15:04 # 16
hoangts2003
Cấp độ: 13 - Kỹ năng: 3

Kinh nghiệm: 125/130 (96%)
Kĩ năng: 7/30 (23%)
Ngày gia nhập: 19/11/2012
Bài gởi: 905
Được cảm ơn: 37
Phản hồi: Công nghệ xây dựng cầu dây văng.


Việc tiết kiệm vật liệu đi kèm với công nghệ thi công hợp lý giúp kết cấu tiết kiệm đáng kể và vật liệu bố trí trong công trình hợp lý hơn giúp giảm được nội lực trong kết cấu.




 
17/04/2017 15:04 # 17
hoangts2003
Cấp độ: 13 - Kỹ năng: 3

Kinh nghiệm: 125/130 (96%)
Kĩ năng: 7/30 (23%)
Ngày gia nhập: 19/11/2012
Bài gởi: 905
Được cảm ơn: 37
Phản hồi: Công nghệ xây dựng cầu dây văng.


Ngày nay với khoa học kỹ thuật phát triển, máy móc thi công hiện đại, trình độ quả lý thi công ngày càng tốt hơn nhờ vào công nghệ thông tin nên tốc độ thi công nhanh, thực hiện xây dựng được các kết cấu khó với độ an toàn cao là mấu chố mang lại hiệu quả trong các dự án xây dựng.




 
17/04/2017 15:04 # 18
hoangts2003
Cấp độ: 13 - Kỹ năng: 3

Kinh nghiệm: 125/130 (96%)
Kĩ năng: 7/30 (23%)
Ngày gia nhập: 19/11/2012
Bài gởi: 905
Được cảm ơn: 37
Phản hồi: Công nghệ xây dựng cầu dây văng.


Càng nghiên cứu nhiều càng thấy chúng ta nhỏ bé. Cần phải nghiên cứu nhiều hơn nửa. Chúc các bạn thành công




 
18/08/2017 19:08 # 19
hoangts2003
Cấp độ: 13 - Kỹ năng: 3

Kinh nghiệm: 125/130 (96%)
Kĩ năng: 7/30 (23%)
Ngày gia nhập: 19/11/2012
Bài gởi: 905
Được cảm ơn: 37
Phản hồi: Công nghệ xây dựng cầu dây văng.


Không thấy bạn nào hỏi han gì về chủ đề này cả.




 
18/08/2017 19:08 # 20
hoangts2003
Cấp độ: 13 - Kỹ năng: 3

Kinh nghiệm: 125/130 (96%)
Kĩ năng: 7/30 (23%)
Ngày gia nhập: 19/11/2012
Bài gởi: 905
Được cảm ơn: 37
Phản hồi: Công nghệ xây dựng cầu dây văng.


Hi vọng các bạn ủng hộ và cho các ý kiến để xây dựng ngày càng phát triển.




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024