Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
08/02/2024 22:02 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
Đàn ông nghĩ gì về phụ nữ thông minh/giỏi hơn họ?


Đa phần khi được hỏi về một người bạn đời lí tưởng, đa số đàn ông có xu hướng trả lời rằng họ muốn hẹn hò và kết đôi với một người nữ được giáo dục tốt hay trí thức hơn, thậm chí là có thu nhập cao hơn (MultiVu - PR Newswire, 2015). So với một người kém thông minh hơn, một người giỏi giang hơn là đối tượng mà đàn ông cho rằng họ ưu tiên quan tâm hơn (Furnham và McClelland, 2015).
Trong một thí nghiệm giả định xem xét đến khả năng hẹn hò với những người phụ nữ có mức độ thông minh khác nhau, những nam sinh tham gia vào thí nghiệm đã được chia thành 2 nhóm khác nhau và được yêu cầu rằng hãy tưởng tượng về một bạn nữ làm giỏi hơn hoặc kém hơn họ trong bài tập môn toán và anh văn. Ở thí nghiệm tiếp theo, nhà nghiên cứu thông báo cho người tham gia rằng có một bạn nữ đang ở phòng học gần đó, hai người sẽ gặp gỡ và trò chuyện với nhau sau khi cả hai cùng làm bài kiểm tra tương tự như thí nghiệm trên. Sau khi được thông báo về điểm số của bản thân và bạn nữ kia (điểm của bạn nữ sẽ luôn được mặc định là cao hơn hoặc thấp hơn điểm của người tham gia), các bạn nam sẽ trả lời câu hỏi về mức độ quan tâm một cách lãng mạn cũng như mong muốn được gặp gỡ đối phương.
Cả hai thí nghiệm này đều cho thấy, dù chỉ là trong tưởng tượng hay có một cuộc gặp gỡ được lên kế hoạch, người tham gia đều bày tỏ sự quan tâm và mong muốn kết nối nhiều hơn với người phụ nữ có điểm số cao hơn thay vì người có điểm số thấp hơn bản thân (Park và cộng sự, 2015).
Nhìn chung, trong khảo sát, khi được hỏi hay trong một tình huống giả định nào đó, nam giới hầu như sẽ tự nhận rằng mình muốn gần gũi hơn với người phụ nữ thông minh hơn thay vì chọn người thể hiện kém hơn mình.
Sự thực không phải vậy
Khi các câu hỏi này không còn là giả định hay trong tưởng tượng mà trở thành một buổi gặp mặt thật sự, những kết quả này trở nên không còn đúng nữa.
Mở rộng nghiên cứu nói trên của Park và cộng sự (2015), trong các thí nghiệm tiếp theo, người tham gia được đưa vào một phòng học, sau đó một bạn nữ thuộc nghiên cứu cũng vào phòng. Hai người được sắp xếp ngồi đối diện nhau để làm các bài kiểm tra toán và tiếng anh. Sau khi làm xong, họ được thông báo sẽ ngồi đợi để được chấm điểm, điểm của người tham gia sẽ luôn là 12/20, trong khi điểm của đối phương hoặc là vượt trội hơn (18/20) hoặc là thấp hơn (6/20).Bất ngờ là trong tình huống thực tế này, nam giới có xu hướng đánh giá đối tượng đạt được điểm số cao hơn là kém hấp dẫn hơn so với người có điểm số thấp hơn mình. Họ chấm điểm mức độ quan tâm, khả năng tiếp tục trao đổi thông tin liên lạc và lên kế hoạch hẹn hò cũng thấp hơn so với người được cho là ít thông minh hơn. Thậm chí, đến cả khoảng cách ghế mà nam sinh đặt lại sau khi biết điểm của cả hai, kết quả cũng cho thấy họ giữ khoảng cách ghế xa với người giỏi hơn mình hơn người làm kém hơn.
Trong một thí nghiệm khác của Fisman và cộng sự (2006), những nhà nghiên cứu đã sắp xếp một cuộc hẹn hò giấu mặt cho những người tham gia là nam giới. Bối cảnh của nghiên cứu này tương tự với chương trình “Bạn muốn hẹn hò” mà chúng ta thường xuyên xem, những người tham gia sẽ có một cuộc trò chuyện nhanh khoảng 4 phút với lần lượt các bạn nữ trong một quán bar hoặc nhà hàng nổi tiếng đã được sắp xếp. Sau khi trao đổi, họ sẽ đánh giá về (1) mức độ Hấp dẫn, Thông minh và Tham vọng cũng như (2) Có hay không mong muốn gặp lại đối phương mà mình đã nói chuyện. Các điểm số ở mục (1) sẽ được phân tích so sánh với điểm số mà người tham gia tự đánh giá bản thân trước nghiên cứu.
Kết quả cho thấy, nam giới bày tỏ sự hứng thú thấp hơn với những người phụ nữ mà họ đã đánh giá là có vẻ nhiều tham vọng hay thông minh hơn mình. Nói một cách khác, họ sẽ muốn gặp lại và trao đổi nhiều hơn với những người phụ nữ có hai chỉ số này thấp hơn mình.
Cả hai thí nghiệm này đều đi đến một kết luận chung rằng, trong một tình huống tương tác thực sự giữa một người đàn ông với phụ nữ, họ có xu hướng ít bị thu hút cũng như ít có mong muốn kết nối, tương tác sâu hơn, hay thậm chí là ít có xu hướng lên kế hoạch hẹn hò tiếp theo với người thông minh hơn họ.
Điều gì gây ra các kết quả khác biệt này?
Sự khác biệt giữa cách đàn ông suy nghĩ và cách đàn ông thực sự phản ứng về mối quan hệ giữa họ với một người thông minh hơn có thể được giải thích bởi một số góc nhìn dưới đây:
1. Lý thuyết cấp độ hiểu biết (Contrual-Level Theory)
Lý thuyết này chỉ ra rằng các khía cạnh khác nhau của khoảng cách tâm lý (thời gian, không gian, khoảng cách xã hội và giả thuyết) ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn nhận về một đối tượng và từ đó dẫn đến các dự đoán, đánh giá và hành vi khác nhau. Lý thuyết này giả định rằng về mặt tinh thần, khi ở khoảng cách xa, chúng ta hiểu các đối tượng hoặc sự kiện dựa trên các đặc điểm trừu tượng và bao quát. Khi khoảng cách này được giảm xuống, chúng ta hiểu biết và nhìn nhận những đối tượng này một cách chi tiết và mang tính cụ thể hơn (Trope và cộng sự, 2007).
Trong tình huống nói trên, khi được hỏi hay yêu cầu tưởng tượng, đàn ông chỉ thực sự đánh giá tình huống hẹn hò với phụ nữ thông minh hơn ở khoảng cách tâm lý xa (giả thuyết và khoảng cách không gian). Trong khi đó, đàn ông chỉ thực sự nhìn nhận một cách cụ thể và thực tế hơn trong các thực nghiệm có thật, tức là điều kiện khoảng cách tâm lý gần. Điều này làm thay đổi đáng kể những suy nghĩ hay cảm xúc của nam giới với “hình tượng” người phụ nữ thông minh hơn họ.
2. Lý thuyết tính nam bấp bênh (Precarious manhood theory)
Theo lý thuyết này, nam tính hay “sự đàn ông” không phải là tất yếu, liên tục hay vĩnh viễn. Đó là một giá trị mong manh, dễ mất và nếu muốn đạt được, nam giới phải chứng minh liên tục (Vandello và cộng sự, 2008). Trong khi đó, chuẩn mực nam giới truyền thống vẫn tồn tại ý niệm về việc nam giới luôn phải giữ vị trí thống trị và quyền lực.
Vậy nên, trong tình huống này, nam giới có thể cảm thấy căng thẳng hay cảm nhận việc tính nam của mình bị đe dọa khi phụ nữ giỏi hơn mình ở khoảng cách gần. Tương tự cách chúng ta thường phản ứng khi gặp căng thẳng, đàn ông có thể “chiến đấu hoặc bỏ chạy” (fight or flight) bằng cách (1) tránh xa hoặc tự tách mình khỏi mối quan hệ này (giảm hứng thú hoặc không mong muốn gặp lại) hoặc (2) tệ hơn, đàn ông có thể “chiến đấu” bằng cách trở nên hung hăng hơn và gây hấn với phụ nữ (hạ bệ hay không công nhận sự thành công của họ).
3. Nỗi lo sợ về sự từ chối hay rời bỏ
Nhìn rộng hơn, đàn ông có thể là người sợ bị từ chối trong các tình huống này.
Nghĩa là, không phải đàn ông cố tình từ chối phụ nữ thông minh, mà là họ hiểu phụ nữ thông minh có khả năng sáng suốt hơn trong việc lựa chọn bạn đời so với những người kém thông minh. Phụ nữ có năng lực và giá trị cao có thể có cơ hội dễ dàng gặp được những đối tượng có tiềm năng và tương xứng với họ về trí tuệ và khả năng. Ngoài ra, một người phụ nữ có năng lực và khả năng tự chủ cũng sẽ ít ràng buộc và phụ thuộc hơn vào người khác (Nock, 1995). Điều này cho họ đa dạng sự lựa chọn và cả quyền quyết định có ở lại hay rời xa một mối quan hệ.
Trong tình huống này, đàn ông có thể cảm thấy không an toàn và lo lắng khi đối phương có nhiều cơ hội lựa chọn hơn và các lựa chọn thay thế có tiềm năng hơn. Đặc biệt, nỗi sợ đó càng trở nên rõ ràng và khủng khiếp hơn với những người đàn ông có kiểu gắn bó không an toàn lo âu (Shorey, 2019).
Tóm lại là:
Tóm lại là, đàn ông có thể nói rằng họ mong muốn có một người bạn gái giỏi hơn mình, tuy nhiên, nếu khoảng cách giữa tưởng tượng/giả định trở thành thực tế ngay trước mắt, mong muốn này có thể thay đổi. Có nhiều cách lý giải cho hiện tượng này như sự thay đổi về “hình tượng” người phụ nữ thông minh, cảm giác căng thẳng khi tính nam bị đe dọa hay nỗi lo sợ về việc bị từ chối/rời bỏ.



 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024