Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
27/01/2024 06:01 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
Câu chuyện kể về một người phụ nữ tên Nụ


Chị Nụ xuất thân trong một gia đình  khá giả, còn anh chồng tương lai của chị là một chàng thanh niên nghèo tỉnh lẻ, bám trụ lại đất Hà Nội nuôi mộng khởi nghiệp. Quyết định kết hôn với một người đàn ông chỉ có hai bàn tay trắng khiến bố mẹ chị phản đối kịch liệt. Nhưng vì yêu và tin tưởng vào tài năng, nghị lực của chồng, chị Nụ nhất quyết không buông tay. Đám cưới được tổ chức đơn sơ, giản dị trong không khí nặng nề vì nét mặt bố mẹ chị từ đầu đến cuối cứ như đâm lê, chẳng buồn nhìn mặt ông bà thông gia.
Chồng chị Nụ là một người đàn ông tài giỏi, bản lĩnh, sống có lý tưởng và giàu lòng tự trọng nên sau khi kết hôn, dù được bố mẹ vợ tặng một căn chung cư cao cấp, anh vẫn kiên quyết từ chối và đưa vợ ra thuê trọ ở một căn phòng nhỏ vỏn vẹn chỉ có 35 mét vuông gần nơi công ty anh công tác. Bởi anh hiểu sâu sắc rằng, chỉ cần anh nhận dù là một chút thôi của cải từ gia đình vợ, vị thế của anh sẽ khác, khó mà có thể tự quyết cuộc đời mình.
Chị Nụ dù không bằng lòng nhưng thuyền theo lái, gái theo chồng, lại hiểu tính chồng là một người rất nguyên tắc, không nói hai lời bao giờ nên chị chấp thuận dọn khỏi căn nhà 6 tầng khang trang của bố mẹ về ở căn phòng trọ có phần đơn sơ mà chồng chị đã thuê.
Chồng chị quả đúng là người có năng lực thực sự nên thăng tiến rất nhanh. Chỉ sau bốn năm ngắn ngủi kể từ khi kết hôn, từ nhân viên, anh đã lên vị trí phó phòng rồi trưởng phòng. Đúng vào thời điểm đó, họ quyết định có con. Sinh con xong, khi con được 6 tháng tuổi, dù được chồng động viên nên đi làm lại cho khuây khỏa đầu óc, chị Nụ vẫn quyết định nghỉ việc ở nhà 2 năm dồn toàn tâm sứcvừa nuôi con vừa chăm lo chuyện nhà cửa tươm tất cho chồng yên tâm công tác. Con đầy một tuổi cũng là lúc chồng chị nghỉ việc ở công ty dù họ đã ra sức níu kéo bằng mức lương hấp dẫn cùng với những cơ hội thăng tiến rộng mở hiếm ai có được. Anh muốn tự thành lập một công ty của riêng mình, muốn làm chủ chứ không muốn làm thuê nữa.
Ngày đó, chị Nụ đã vay bố mẹ đẻ mình hơn bốn tỷ đồng để chồng lấy vốn khởi nghiệp. Bốn tỷ lúc ấy là một số tiền rất lớn không phải ai muốn vay cũng có thể vay được. Hơn thế nữa lại còn không phải trả lãi, chị nghĩ rằng mình đã giúp chồng được một việc lớn trong đời. Hai năm đầu khởi nghiệp, khó khăn chồng chất khó khăn, chồng chị luôn về nhà lúc tối muộn trong trạng thái căng thẳng khiến không khí gia đình vô cùng bí bách. Thời gian đó, họ cãi vã to tiếng rất nhiều. Mỗi lần cãi nhau, chị lại mang chuyện mình đã hy sinh, khổ sở thế nào, giúp đỡ chồng ra sao, nếu không có chị thì chồng chị liệu sẽ thế nào để nhắc nhở chồng nên biết trân trọng vợ.
Sau rồi khó khăn cũng dần qua đi, chồng chị không hiểu có phải vì đã nhận ra giá trị của vợ hay không mà khi về nhà không còn thấy cau có hay càm ràm chuyện công ty nữa, cũng không tỏ thái độ mệt mỏi, gắt gỏng hay chán nản nữa…
Năm năm kể từ khi khởi nghiệp, chồng chị đã hoàn trả lại số tiền vay của bố mẹ chị và biếu thêm bố mẹ chị một khoản nho nhỏ. Đó cũng là thời điểm mà công việc làm ăn của anh ấy phất lên như diều gặp gió. Sự nghiệp đỉnh cao, thu nhập khủng, gia đình chị chuyển về một căn hộ ở nơi sang trọng bậc nhất Hà Nội. Nhìn chồng ở đỉnh cao phong độ, chị Nụ không khỏi tự hào vì nghĩ rằng tất cả những gì anh ấy có được ngày hôm nay là nhờ mình mà nên, của chồng công vợ, “đằng sau sự thành công của người đàn ông là bóng dáng của người phụ nữ” là câu nói mà chị thấy nó rất đúng với hoàn cảnh gia đình mình. Đi đâu gặp ai chị cũng khoe về kỳ tích của chồng do mình kiến tạo nên.
Lần nọ, gia đình chị tổ chức tiệc mừng thôi nôi con gái thứ hai. Rất nhiều bạn bè thân quen đã tới dự chung vui. Suốt cả bữa tiệc, họ chỉ nghe chị Nụ kể về hành trình làm vợ, làm mẹ đầy chông gai và chị đã giúp anh trong những ngày đầu khởi nghiệp ra sao. Thỉnh thoảng, xen kẽ trong những câu chuyện nửa đùa nửa thật, chị lại nhắc khéo anh cần chung thủy với chị cả đời, có như vậy mới không phụ sự hy sinh của chị. Còn chồng chị, có lẽ đã quá quen với điều này, nên suốt cả buổi, anh chỉ cười trừ, không nói gì nhiều, chốc chốc lại nâng ly, tìm những câu chuyện khác để đánh trống lảng. Vậy mà chị cũng chẳng tha, cứ liên tục hỏi anh có thấy chị nói đúng không. Đến khi mất kiên nhẫn, chồng chị mới lên tiếng nói rằng:
- Ở đây đều là người thân quen, ai mà không biết tầm quan trọng của em với gia đình này thế nào chứ. Thế nên em không cần kể nhiều đâu, chẳng mấy khi mọi người tới nhà chơi, hôm nay chúng ta không nói chuyện cũ nữa… để mọi người chia sẻ chút về dự định sắp tới nào…
Chỉ có vậy, chị Nụ bỗng thay đổi nét mặt, nổi giận đùng đùng:
- Sao em lại không được kể? Phải kể đi kể lại để mọi người còn biết. Đàn ông là cái giống vô ơn bạc nghĩa, không có em chăm nom cái nhà này thử hỏi nó có được như bây giờ không? Giờ em già xấu rồi, nhìn anh không muốn nhìn nghe anh cũng không muốn nghe đúng không? Không phải định giàu đổi bạn, sang đổi vợ đấy chứ? Em nói thật, đàn ông bản lĩnh người ta sẽ chung thủy đến cùng…
Chưa để vợ nói hết câu, chồng chị buông đũa đứng dậy mời mọi người di chuyển ra khu vực vườn cây cảnh trước nhà để thưởng trà. Mọi người dù chưa dùng bữa xong nhưng ai nấy đều đồng loạt rời khỏi bàn ăn để lại không gian riêng tư cho hai vợ chồng họ nói chuyện. Khi đó, họ chỉ còn kịp nghe thấy giọng anh chồng văng vẳng trước khi cánh cửa đóng sập lại…
- Em lại bắt đầu rồi đấy. Làm ơn để anh sống một ngày bình thường đi được không? Ngày nào em cũng tra tấn anh bằng ti tỉ thứ đạo lý như vậy, em không thấy mệt sao?
Xem ra tình trạng này đã kéo dài khá lâu rồi chứ không phải ngày một ngày hai. Khi mọi người ai nấy đều nhìn nhau tỏ vẻ ái ngại không biết có nên đi về hay không thì nghe thấy tiếng uỳnh uỳnh, chị Nụ từ trong phòng bếp bước ra vẻ mặt đầy bất mãn…
- Không có bố mẹ tôi giúp đỡ thì còn lâu anh mới được như bây giờ. Không lấy tôi giờ chắc anh cũng chỉ là thằng nhân viên quèn, tiền đâu ra mà khởi với chả nghiệp. Có khi còn phải đi vay nặng lãi, giờ không biết trốn chui trốn lủi ở đâu chẳng có tiền trả nợ. Gặt hái được tí thành tựu mà khinh nhà vợ ra mặt ngay được.
- Anh khinh nhà em khi nào?
Đến nước này thì mọi người đành ùa vào can ngăn, đàn ông thì lôi anh chồng ra uống trà, đàn bà thì đưa chị Nụ về phòng tâm sự cho hạ hỏa, hai cô con gái cũng được vú nuôi tới đưa đi. Buổi tiệc đang từ vui vẻ bỗng trở nên thật gượng gạo. Từ hôm đó, chẳng ai còn dám bén mảng tới nhà chị Nụ chơi nữa vì sợ phiền hà. 
Cũng từ hôm đó, ngày nào tới công ty, nét mặt chị cũng kém vui. Nhưng khổ nỗi chỉ vì sợ nếu hỏi chuyện chị e là sẽ gãi đúng chỗ ngứa, chị lại dành cả nửa buổi ngồi kể chuyện gia đình thì mất công mất việc, nên ai nấy đều cố gắng lánh đi cho khỏi rắc rối.
Họ đều cho rằng vấn đề chị Nụ đang gặp phải là do chị ấy quá đề cao mình nhưng tôi lại nghĩ khác. Tôi cho rằng, có vẻ vấn đề của chị không chỉ đơn giản là cảm giác tự đề cao, mà chính xác hơn là nỗi lo sợ bên trong chị ấy đang lớn dần. Chị Nụ vốn không phải một phụ nữ có sức mạnh nội lực. Sự tự tin của chị vốn được xây lên bằng vị thế gia đình, bằng sự giàu có về vật chất của cha mẹ. Vì lo sợ, vì cảm thấy mình đang mất dần tầm quan trọng trong mắt chồng, vì sự tự ti, mặc cảm thua kém về tài năng đang nhen nhóm trong chị, nên chị mới luôn miệng tự phóng đại mình. Không phải để chứng minh cho người khác thấy mà chỉ bởi chị ấy muốn xoa dịu sự bất an của chính mình mà thôi.  
Thực ra, khó có người phụ nữ nào lại không cảm thấy bất an khi chồng cứ ngày một thành đạt, giàu có, phong độ, tài giỏi hơn, trong khi tự nhìn lại bản thân mình thì lại thấy mỗi ngày trôi qua lại già nua, thụt lùi thêm, đầu bù tóc rối vì con cái. Tuy nhiên, chị Nụ lại không muốn hiểu rằng, già nua hay trẻ trung, thụt lùi hay phát triển, đầu bù tóc rối hay bình thản, ung dung vốn đều là do tự bản thân chị lựa chọn. Ở điều kiện kinh tế như gia đình chị, chị hoàn toàn có thể lựa chọn được cuộc sống như mình mong muốn. Nhưng, chị lại chọn hy sinh, lại muốn dùng sự hy sinh để trói buộc chồng. Nếu chị không sớm nhận ra và điều chỉnh thì những gì chị đang làm, mọi lời nói, hành động, thái độ của chị có thể sẽ càng lúc càng đẩy chồng chị ra xa. 
Không một người đàn ông nào muốn ở cạnh một người phụ nữ luôn mang áp lực tới cho mình. Áp lực đó là áp lực về sự chung thủy, về việc phải trả ơn, về trách nhiệm và nghĩa vụ. Cái nhìn dò xét của những người phụ nữ luôn miệng nói chuyện đạo lý quả thực làm cho người đàn ông cảm thấy bức bối vô cùng. Họ đã chịu đủ áp lực trên thương trường, nếu ngay cả đến lúc về nhà rồi vẫn phải nghĩ cách đối phó với vợ, làm thế nào để làm vui lòng vợ, làm sao để vợ không phật ý thì thực sự rất mệt mỏi. Mối quan hệ giữa vợ và chồng, đôi khi chẳng cần nói gì nhiều đã có thể thấu hiểu và đồng cảm, ấy mới là biểu hiện của một tình yêu thương bền chặt theo năm tháng.
Diễn biến tiếp theo của câu chuyện lại giống với rất nhiều những câu chuyện khác ta vẫn thường gặp trên mạng xã hội. Họ ly thân. Chồng chị dọn ra ở riêng tại một căn chung cư ngay phía trên trụ sở văn phòng của công ty. Chị Nụ đến lúc đó mới cuống cuồng nghĩ cách, tham khảo ý kiến của mọi người, thậm chí tìm gặp cả các chuyên gia tâm lý hàng đầu để xin tư vấn nhưng chồng chị vẫn trước sau như một, không quay về nhà cũ. Anh chỉ có mặt ở nhà vào cuối tuần để đón con đi chơi, cùng lắm là ăn chung một bữa cơm tối chứ chưa từng có ý định ngủ lại dù chị có bày trăm phương nghìn kế để quyến rũ lại người đàn ông đã từng thuộc về mình.
Khoảng cách giữa chị và anh cứ thế ngày một cách xa. Dù ở ngay trước mặt nhưng xa tận chân trời. Chị vẫn một lòng si tình, yêu chồng, chờ đợi và hy vọng đến mòn mỏi, anh vẫn giữ chừng mực, không tỏ ra thân thiết cũng không quá dửng dưng. Họ cứ sống như vậy suốt 3 năm cho đến khi anh chủ động đề xuất ly hôn. Đổi lại, anh sẵn sàng chia cho chị phần hơn số tài sản mà cả hai đang có, ngôi nhà chị đang ở cũng sang tên cho chị. Chẳng biết phải làm thế nào để giữ anh lại, chị chỉ còn biết cách làm um lên, một mực từ chối và bắt anh phải chuyển toàn bộ tài sản và cả công ty lại cho mẹ con chị, ra đi tay trắng coi như đền bù tuổi xuân thì chị mới để anh được toại nguyện.
Thực ra, chị thừa hiểu rằng, công ty đó là tâm huyết bao năm anh gây dựng, nó không chỉ đơn giản là tiền mà còn là mồ hôi, nước mắt, là tuổi trẻ, là lý tưởng sống của anh. Không đời nào anh lại chuyển giao nó hoàn toàn cho chị bởi vốn dĩ, chị cũng không hiểu gì nhiều về công việc mà anh đang làm. Thế mà, cách đó của chị Nụ hiệu quả thật. Chồng chị không đòi ly hôn nữa nhưng ít gặp chị hơn. Trước kia anh còn gọi điện cho chị để gặp con, giờ thì anh chỉ gọi qua bà vú nuôi, gạt hẳn chị ra khỏi tầm mắt. 
Từ chỗ bị động chờ đợi những cuộc gọi hỏi thăm của chồng chị chuyển sang thế chủ động. Mỗi ngày, chị gọi cho anh cả chục cuộc chỉ để hỏi anh về việc chuyển giao tài sản. Một mặt bởi vì, ngoài chủ đề đó ra chị cũng không biết nói gì khác. Một mặt, chị nghĩ rằng đó là cách hiệu quả nhất khiến anh nhận ra tầm quan trọng của chị. Rằng có chị là có tất cả, mà không có chị là không có gì. Vậy mà thay vì trực tiếp trao đổi với chị, anh lại ủy quyền cho luật sư. Thay vì lắng nghe, anh ta lại xem chị như một nỗi phiền toái.
Sự lạnh nhạt, thiếu tôn trọng của chồng càng khiến chị sôi máu. Nỗi nghi ngờ chồng có người mới ngày càng lớn dần trong chị khiến chị ngày ăn không ngon, đêm ngủ không yên. Cuối cùng, chị đã làm cái việc mà trước nay chưa bao giờ nghĩ tới, đó là thuê thám tử tư theo dõi nhất cử nhất động của chồng.
Chẳng ngờ, linh cảm của chị thế mà đúng thật. Anh thực sự đã có người mới. Một cô gái làm cùng công ty anh, trẻ hơn chị nhiều tuổi. Dáng người mảnh mai, gương mặt nhẹ nhõm, mỗi bước đi đều thanh thoát như lướt đi trên mây, nụ cười cũng đẹp tựa tranh vẽ. Cầm những bức ảnh chụp trộm của thám tử cung cấp trên tay mà lồng ngực chị thắt lại. Cảm giác cay đắng, tức tối cứ tắc nghẹn trong cổ họng. Chị liên tục đấm vào ngực mình nhưng lại chẳng thể khiến khiến hơi thở thôi ngắt quãng. Tất cả những gì chị muốn làm lúc đó chỉ vỏn vẹn hai từ trả thù. Chị phải khiến bọn chúng sống dở chết dở, phải để nước bọt của thiên hạ nhấn chìm hai kẻ tội đồ, phải giày vò, phải khiến chúng nhục nhã không ngóc đầu lên nổi, phải khiến đời chúng tan hoang chị mới hả dạ.
Chị bắt đầu lên kế hoạch tỉ mỉ cho mình. Mở màn bằng chiêu thuê người ghi hình lại những buổi hẹn hò riêng tư của họ rồi dựng thành phim. Sau đó, chị tung ảnh và video lên mạng xã hội, gửi nó cho cả bố mẹ, anh, chị, em họ hàng của chồng. Gửi đến cả công ty chồng để vạch trần bộ mặt thật của người đàn ông phản bội chị, cạn tàu ráo máng với chị. Chị tìm mọi cách để kéo tất cả về phe mình, cô lập người đàn ông đã đối xử tệ bạc với chị. Thậm chí, chị còn in tờ rơi rải khắp con đường ở quê chồng chị, dán lên khắp các cột điện, các gốc cây, các bức tường để họ hàng làng xóm cùng biết mặt hai kẻ thủ ác đã hại đời chị và mưu toan cướp miếng cơm manh áo của hai con chị. Chị hả hê với những việc mình làm.
Ban đầu đám đông có vẻ ủng hộ chị hoàn toàn. Họ lên án gay gắt gã đàn ông tệ bạc và ả tiểu tam tham vọng âm mưu cướp chồng, cướp cha của người khác. Họ cảm thương cho chị, xót xa cho chị, chia sẻ với chị, động viên chị vượt qua cú sốc tinh thần. Nhưng, thật kỳ lạ, càng về sau người ta càng cố gắng lảng tránh chị, có những người còn nhìn chị bằng ánh mắt khác hẳn - khinh bỉ, thương hại và dè chừng. Đâu đó trên mạng xã hội xuất hiện những bài viết bênh vực cho gã đàn ông bội bạc, thậm chí cô em chồng còn đăng đàn bóc phốt ngược chị dâu kênh kiệu, mắc bệnh ngôi sao, lười biếng và vô lễ với bố mẹ chồng. Làn sóng đấu đá trên mạng xã hội mỗi lúc một dâng cao. Chị từ vị thế của một người phụ nữ đáng thương được cộng đồng mạng ủng hộ thoáng chốc biến thành tấm bia đỡ đạn để dư luận mặc sức công kích.
- Bà này ghê gớm thế, bảo sao ông chồng chả chạy mất dép.
- Vợ thế này, có biếu không tôi cũng xin kiếu.
- Thôi, nhường các anh em đi trước, tôi cứ xin là lấy vợ chân quê, không dám lấy gái thành phố lại con nhà giàu đâu.
- Bố vợ giàu có và cái kết không thể nhọ hơn.
- Đúng là kẻ tám lạng, người nửa cân.
- Tôi thấy ông chồng bà này quá tử tế, sao ai cũng chửi vậy nhỉ?
- Bà này tham quá tham, chồng đã chia cho nửa gia sản, cho nhà, cho xe còn muốn ăn tất cơ. Khôn thế quê tôi đầy.
- Thôi, đừng vạch áo cho người xem lưng nữa chị gì ơi, càng nói càng bốc mùi!
Càng như vậy, cơn giận của chị càng bốc lên ngùn ngụt. Chị nghĩ rằng tất cả những lời bình luận khiếm nhã và tiêu cực đó là do ả tiểu tam thuê người tung tin hòng lật ngược thế cờ. Còn bản thân chị, rõ ràng đang đứng ở tư thế người chiến thắng, đại diện cho lẽ phải, chị mới là người bị hại, chẳng có ai đầu óc bình thường lại đi lên án chị cả. Càng nghĩ chị càng bực mình hơn. Chị thấy mình cần phải làm gì đó để càng nhiều người biết rõ bộ mặt thật của hai kẻ đạo đức giả càng tốt. Giữa trưa hè trời nắng chói chang, chị Nụ hùng hổ lao tới công ty chồng với ý nghĩ phải hai mặt một lời nói cho ra nhẽ, gửi ảnh, quay phim không đủ thì chị sẽ trực tiếp đến vạch mặt chồng trước bàn dân thiên hạ, phải cho chồng chị và cả con đàn bà rẻ tiền đó nhục nhã không còn cái lỗ nẻ nào mà chui xuống nữa mới thôi.
Vừa nhìn thấy bóng nhân tình của chồng, chị chẳng buồn suy nghĩ mà lao vào túm tóc, bạt tai, tát tới tấp, luôn miệng chửi cô ta đã cướp đồ của chị, chửi cả bố mẹ cô ta vì không biết dạy con. Nhưng rốt cuộc, chẳng ai bênh vực chị. Họ đều xúm vào giải cứu cho ả tiện nhân đó mà chẳng buồn để ý tới cảm giác của chị. Ngay cả chồng chị, cũng tỏ thái độ bênh cô ta ra mặt. Chị càng gào, càng lao vào cào cấu thì anh ta càng im bặt, vẻ chán ghét hiện rõ trong từng cái nhíu mày. Phải tới khi đám bảo vệ xông vào giữ chân giữ tay để chị ngừng động thủ, anh ta mới chỉnh trang lại quần áo, lặng lẽ nhìn chị hồi lâu rồi cất lời:
- Nụ à, em vẫn như vậy. Vẫn luôn đặt mình ở trên cao nhìn xuống. Mãi mãi anh không thoát khỏi cái mác của gã trai nghèo được em chiếu cố cứu vớt cuộc đời. Anh luôn là kẻ tệ bạc, luôn như con chó phản chủ, ăn cháo đá bát. Còn em luôn ở phe chính nghĩa, luôn là người hùng. Thoát vai người hùng rồi lại nhập vai nạn nhân. Thực ra, với em, anh chỉ là một vật sở hữu, không hơn không kém. Là thứ mà em chán có thể bỏ đi nhưng quyết không để người khác cướp. Chưa bao giờ anh nói với em điều này, nhưng thực sự, ở cạnh em, anh quá mệt mỏi. Cơ ngơi này, là do em nên mới có được sao? Tất cả mọi người ở đây đều hiểu, chỉ riêng em cố tình không hiểu. Anh đã chật vật thế nào, lên voi xuống chó như thế nào… Ơn huệ mà em và bố mẹ em ban cho anh, anh xin khắc cốt ghi tâm. Và anh cũng đã làm tất cả mọi thứ có thể để trả lại nó. Họ cho anh vay bốn tỷ, anh đã trả lại năm tỷ. Chẳng phải, em vẫn luôn nhắc đi nhắc lại với anh về số tiền đó hay sao? Anh, đã có lúc muốn trả lại cho em một trái tim nhưng em lại chỉ luôn mang chuyện ơn huệ ra gây sức ép. Rốt cuộc, với em, điều gì mới là quan trọng? Em nói em hi sinh vì gia đình. Anh chưa bao giờ cần em hi sinh, em hiểu chứ? Em chê nhà nhỏ, anh bỏ cả cơm tối, ngày đêm tăng ca không biết mệt mỏi, tiết kiệm từng đồng để mua cho em căn nhà rộng rãi hơn. Em chê bố mẹ anh nghèo, mỗi khi về quê em thấy bất tiện, anh đã xây hẳn một căn nhà khác ngay cạnh nhà bố mẹ để mỗi khi về quê, em thấy thoải mái. Em không muốn đi mãi chiếc xe cũ, anh mua cho em chiếc xe mới. Em bảo anh cần biết điều, mỗi lần đi làm về dù có mỏi mệt anh cũng cắn chặt răng chẳng ca thán nửa lời sợ ảnh hưởng đến em. Anh luôn nỗ lực đến như vậy, để em được sống cho chính bản thân em. Để em có thời gian đi hiện thực hóa những ước mơ, những lý tưởng của riêng em. Con có thể để vú nuôi chăm, em chỉ cần đi làm bất cứ điều gì khiến em vui vẻ. Nhưng em lại luôn xuất hiện ở nhà với bộ mặt cau có chào đón anh mỗi khi anh tan làm. Em luôn tìm ra những lý do để giày vò anh, kìm hãm anh. Chưa bao giờ em hỏi anh được một câu “Anh mệt à? Anh đau ốm ở đâu?”. Câu hỏi em luôn đặt ra cho anh là “Anh có biết nghĩ cho em không? Anh có biết điều không? Có biết em quan trọng thế nào với gia đình này không?”. Đúng rồi, em là quan trọng nhất, thế nên hãy cứ để cả thế giới quay xung quanh em đi. Để thằng tồi này thoát khỏi cuộc chơi của em được rồi. Cứ để em là nữ chính duy nhất trong bộ phim cuộc đời em đi. Nụ ạ.
Chẳng hiểu sao, vào chính lúc đó, toàn thân chị như chẳng còn chút sức lực nào. Chị ngồi thụp xuống, nước mắt cứ thế tuôn rơi. Cảm giác ê chề bủa vây. Chưa bao giờ chị thấy bản thân yếu đuối đến vậy, cô độc đến vậy. Ngọn lửa thù hận vừa bốc lên hừng hực cũng bỗng chốc hóa băng tuyết… Chị hiểu, mình đã thực sự tuyệt vọng rồi. Có lẽ nào chính chị chứ không ai khác đã sai hay sao? Đã yêu người đàn ông này sai cách. Chị ngước mắt nhìn chồng, người đã từng đầu ấp tay gối mà nay như hai kẻ xa lạ, muốn nói điều gì đó nhưng lại chẳng thể mở miệng. Dường như nhận ra tâm sự của chị, anh quỳ xuống cạnh chị, nói những lời cuối cùng…
- Anh đã định sẽ giữ im lặng đến cùng vì anh chẳng còn chút hi vọng nào vào mối quan hệ này. Anh không muốn làm em tổn thương thêm, cũng như không muốn cứu vãn cuộc hôn nhân này nữa. Nhưng nếu không nói ra, có lẽ cơn cuồng nộ của em sẽ chẳng thể kìm hãm lại được. Anh không biết em sẽ còn làm ra những trò kinh khủng thế nào nữa. Dừng lại đi, Nụ à. Em chỉ luôn muốn người khác phải hiểu mình nhưng bản thân lại chưa từng đặt câu hỏi, nếu em là anh em sẽ cảm thấy thế nào. Anh đã từng yêu em thật lòng. Và cho đến thời điểm này, anh vẫn rất biết ơn vì những gì em đã làm cho anh. Nhưng, từ bây giờ, mong em hãy sống vì chính bản thân em thôi. Anh không còn là người có thể mang tới hạnh phúc cho em nữa rồi. Việc nuôi con, em hãy toàn quyền quyết định vì anh tin, em sẽ làm tốt hơn anh. Chúng ta, hãy buông tha cho nhau đi.
Đó là cuộc nói chuyện tử tế cuối cùng mà họ dành cho nhau. Là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng chị thấy chồng nói nhiều đến vậy. Giá như những lời này anh đã nói sớm hơn. Giá như những gì chị vừa nghe được không phải vào hoàn cảnh này… có lẽ mọi chuyện đã có thể khác đi. Nhưng hôn nhân chính là như vậy, sự mỏi mệt và chán ghét đã khiến người đàn ông muốn buông xuôi mối quan hệ vốn mang cho họ quá nhiều sự giày vò. Đàn ông khác phụ nữ ở chỗ: họ luôn muốn được đứng ở vị thế trụ cột. Luôn muốn được là phái mạnh để che chở cho vợ con chứ không phải một kẻ hèn kém luôn dựa bóng gia đình vợ và nhận về những cái nhìn khinh bỉ.
CÂU CHUYỆN KỂ TRÊN KHÔNG PHẢI CỦA RIÊNG AI NHƯNG LẠI RẤT ĐIỂN HÌNH
Có những người phụ nữ bất lực trong cuộc hôn nhân của chính mình, họ chỉ đành vin vào tờ giấy kết hôn, vào cái gọi là đạo lý để buộc chặt người đàn ông bên cạnh họ, những mong anh ta vì sợ hãi bị mang tiếng là kẻ vô ơn bạc nghĩa mà không dám buông tay. Họ vốn không đủ tỉnh táo để nhìn thấy cốt lõi quan trọng nhất của hôn nhân không đến từ tờ giấy kết hôn mà tới từ sự tự nguyện gắn kết giữa hai trái tim, hai tâm hồn, hai cuộc đời. Là vì yêu thương mà nảy sinh tinh thần trách nhiệm chứ không phải là sự ép buộc phải thực hiện trách nhiệm vì tờ giấy đăng ký kết hôn vẫn còn hiệu lực.
Ước muốn khẳng định bản thân của đàn ông là rất lớn. Không phải người đàn ông nào cũng có đủ tài để ghi dấu ấn riêng của mình lên những trang tạp chí doanh nhân, nhưng bất cứ người đàn ông nào cũng muốn được thừa nhận, được tôn trọng, được là một cuốn tiểu thuyết hay dù chỉ có duy nhất một độc giả. Là vợ, nếu không thể dành tặng chồng những lời động viên và khen ngợi, thiết nghĩ cũng nên thể hiện sự tôn trọng và ghi nhận những nỗ lực và sự cố gắng mà anh ấy đã bỏ ra suốt bao năm.
Thực ra, đã là vợ chồng, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong sự nghiệp dường như là điều hiển nhiên. Chẳng có người vợ nào thấy chồng gặp khó khăn mà khoanh tay đứng nhìn không muốn giúp đỡ cả. Nhưng, điều đó không có nghĩa, thành tựu của anh ấy hoàn toàn được tạo nên bởi vợ. Vẫn là do chính anh ấy đã nỗ lực gặt lấy kết quả xứng đáng cho mình. Bởi nếu không phải do anh ấy là người có năng lực thì dù vợ có vung bao nhiêu tiền đi nữa, số tiền đó cũng theo gió mà bay xa thôi.
Đây chính là điểm khác biệt trong suy nghĩ của tôi. Tôi chưa bao giờ xem thành quả của chồng là do nhờ mình nên mới đạt được. Đó là kết quả xứng đáng với công sức anh ấy bỏ ra, tôi chỉ hỗ trợ phần nào trong khả năng của mình và không mong sẽ được ghi nhận. Nếu người phụ nữ nào cũng có suy nghĩ như vậy, tôi tin, họ sẽ càng nhận được sự ghi nhận và tôn trọng từ chồng. Ngược lại nếu càng kể công, càng tự mình đề cao, tất cả những gì phụ nữ nhận được, có lẽ cũng chỉ là một thái độ biết ơn gượng gạo. Muốn chồng đối tốt với ta, hãy đối đãi với anh ấy như đối với một bậc quân tử. Nhìn chồng bằng ánh mắt như đang nhìn kẻ tiểu nhân rồi lại muốn chồng đối xử tốt với mình là điều không tưởng.
Tôi từng bày tỏ quan điểm này lên facebook và bị khá nhiều người phản đối. Có người đã hỏi tôi rằng:
- Ủa, chị Ngân ơi, nếu không có vợ ở nhà chăm nom con cái thì chồng liệu có chuyên tâm mà phát triển sự nghiệp được không? Rõ ràng của chồng công vợ còn gì.
Tôi đã trả lời cô ấy:
- Con cái không phải của riêng anh ấy. Chị chưa bao giờ nghĩ rằng mình đang chăm con hộ chồng, mà chính xác là chị đang chăm con của chị. Dù anh ấy có quan tâm hay không, việc chị yêu thương, chăm sóc những đứa con do mình sinh ra cũng không bao giờ thay đổi. Chính vì nghĩ vậy, chị không thấy có gì cần phải kể công, cũng không cần ai phải ghi nhận. Việc chờ đợi sự ghi nhận của người khác, có thể mang lại cho ta cảm giác bị lệ thuộc cảm xúc. Thấy người ta ghi nhận thì vui mừng, thấy người ta vô tâm thì hằn học. Tốt nhất là, tự mình chủ động cuộc sống, không chờ đợi người khác mang hạnh phúc tới cho, giúp đỡ hết mình nhưng không mong cầu được nhận lại, chúng ta sẽ cảm thấy cuộc sống này đơn giản, dễ dàng hơn rất nhiều. Đàn ông rất nể những người phụ nữ chủ động, tự tin như vậy. Họ thay vì cảm thấy vợ phiền phức thì lại thấy vợ rất có uy. Cái uy của sự nữ tính, cái uy của một nhân cách đẹp, khí chất và có sức hấp dẫn.
Có những câu nói chỉ đúng với tùy đối tượng và cũng chỉ nên áp dụng với tùy người. Câu nói “đằng sau sự thành công của người đàn ông là bóng dáng của người phụ nữ” cũng vậy. Nếu tôi là đàn ông, tôi sẽ luôn tự nhắc nhở mình như thế để không quên ân tình của những người phụ nữ xung quanh tôi. Nhưng, khi tôi là phụ nữ, tôi lại thấy “đằng sau thành công của người phụ nữ là bóng dáng của người đàn ông” đó chứ. Để tôi có thể gặt hái được những thành tựu dù là nhỏ bé như hôm nay, đúng là nhờ không phải chỉ một mà còn rất nhiều người đàn ông nữa kia, đó là bố tôi, chồng tôi, bạn tôi, con trai tôi… Trong cuộc sống này, chúng ta đều tương trợ lẫn nhau, cùng nhau xây dựng tổ ấm cũng như cùng nhau xây đắp ước mơ của riêng mình. Sự tồn tại của chúng ta vốn là mũi tên tương tác qua lại nhiều chiều, chứ không phải chỉ có một chiều cho đi mà chẳng nhận lại gì. Ngay khi ta cho đi, nghĩa là ta đã nhận lại rồi đó. Tôi muốn sự giúp đỡ của tôi dù là cho bất cứ ai cũng xuất phát từ tấm lòng vô tư, không toan tính.
Quay trở lại câu chuyện tôi kể phía trên, có lẽ mỗi người khi đọc nó đều sẽ có những nhìn nhận, đánh giá của riêng mình, nhưng điểm chung mà ai có thể cũng nhận ra, đó là phụ nữ khi bị kích động thường khó kiểm soát cảm xúc. Cuối cùng, họ lại khiến sự việc thêm trầm trọng. Chuyện bé xé ra ro. Một vết rạn nứt đáng lẽ ra có thể sửa chữa được lại trở thành vô phương cứu chữa.
Vậy nên, đừng vội quyết định việc gì trong lúc đang giận dữ. Bởi vì, khi ta nhìn nhận, đánh giá ai đó trong lúc đang giận dữ thì họ xấu một mà thành xấu mười. Dù có đẹp như thiên nga cũng hóa gà hóa vịt. Dù có đôi phần tử tế cũng thành gã toàn phần sở khanh. Mà, sự thất vọng của ta, lại xuất phát từ kỳ vọng, sự hụt hẫng lại khởi nguồn từ mong cầu. Bởi vậy, càng là người mong cầu nhiều, tham vọng lắm, muốn kiểm soát tất cả thì khi không đạt được mong muốn, càng giận dữ, nổi nóng.
Ta muốn khi ta cho ai đó thứ gì, họ sẽ phải cho lại ta thứ khác, thế mới là có đi có lại?
Ta muốn người mà ta quan tâm cũng phải quan tâm lại ta, thế mới là có tình có nghĩa?
Ta muốn ta yêu ai, người ta cũng phải yêu thương và chung thủy với mình, thế mới là phù hợp với luân thường đạo lý?
...
Ta muốn nhiều lắm.
Ta cho rằng như ta mới là tốt.
Nhưng ta lại chẳng thể thay đổi cả thế giới theo ý mình.
Trồng cây xương rồng mà ngày nào cũng chăm chỉ tưới năm lần bảy lượt mong cây lớn nhanh. Cây chết là lỗi do cái cây không thấu hiểu tấm lòng thành?
Mang một con chim về nuôi trong lồng vàng, ngày nào cũng cho nó ăn dăm bảy bữa, khay uống nước của nó cũng bằng kim cương vậy mà nó lại chết. Là do con chim đã phụ lòng người chăm hay sao?
Mục đích thì ai cũng mong những điều tốt đẹp nhưng kết quả lại là thành phẩm của cách làm. Điều quan trọng không phải là ta bỏ nhiều công sức hay không, hy sinh nhiều không mà là ta đã làm đúng cách hay chưa, phù hợp hay chưa. Kẻ mang cây xương rồng về bỏ mặc cả tháng không tưới tắm gì cuối cùng nó lại mọc nhánh, đơm hoa. Thả con chim ta khỏi lồng không chăm nó nữa, nó lại làm tổ trên cây, sinh con đẻ cái. Người phụ nữ nào cũng muốn có được một gia đình hạnh phúc, sung túc, sum vầy. Nhưng không phải cứ tìm cách buộc chặt thì hạnh phúc sẽ ở lại trong lòng bàn tay. Đôi khi vô tâm lại là dụng tâm. Buông tay lại là nắm giữ. Nó phụ thuộc vào sự tinh tế của người phụ nữ khi đối diện với các vấn đề trong cuộc đời họ.
Kết quả của một sự lựa chọn sẽ đi theo chiều hướng tiêu cực hay tích cực là do bản thân ta điều chỉnh. Không phải cứ ly hôn là xấu. Cũng như cứ sống với nhau tới già chưa chắc là tốt. Tốt hay xấu chỉ  thâm tâm người trong cuộc mới thấu hiểu rõ nhất.
Thêm một điều này nữa thôi. Đừng đóng đinh hạnh phúc ở một nơi nào đó ngoài thân tâm của ta.
Đóng đinh niềm hạnh phúc ở con cái, con rời xa, ta đau khổ.
Đóng đinh hạnh phúc ở chồng, chồng phụ tình, ta tuyệt vọng.
Kiếm tìm sự an toàn trong gia sản bố mẹ để lại, bố mẹ không cho, ta hụt hẫng, sợ hãi, giận dữ.
Kiếm tìm sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè, bạn không thể giúp, ta ấm ức, than vãn...
Hạnh phúc cần nằm ngay trong chính trái tim ta, hiện hữu trong mỗi việc ta đang làm, chỉ cần như vậy thôi thì dù cuộc đời có trải qua vô vàn biến cố, ta vẫn nhẹ nhàng, bình thản đón nhận và bước qua. Hãy tu thân để thu hút những điều tốt đẹp đến với mình, đừng bắt cả thế giới thay đổi để đáp ứng những điều mà ta mong muốn.
Trong cuộc đời này, thứ ta có thể toàn quyền điều chỉnh chỉ là thái độ sống, góc nhìn, sự hiểu biết, tư duy, ngoại hình... của chính mình mà thôi.
(Trích sách "Đừng ôm tương tư một mối tình đã cũ" - Lê Thanh Ngân)



 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024