Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
19/01/2024 21:01 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
‘Lẽ sống’ - Chính thái độ nhìn cuộc sống sẽ quyết định cuộc đời bạn


Với độ dày chỉ 136 trang nhưng ‘Lẽ sống’ đã cô đọng toàn bộ tư tưởng của Viktor Frankl - bác sĩ, nhà trị liệu tâm lý và là cha đẻ của cuốn ‘Đi tìm lẽ sống’ trong hành trình đi tìm ý nghĩa của cuộc sống.
Làm thế nào để chúng ta tiếp tục hy vọng? Đây hẳn là câu hỏi mà bất kể ai cũng từng ít nhất một lần hỏi qua, nhất là vào những lúc đau khổ, khó khăn hay cùng cực. Viktor E. Frankl cũng nhiều lần tự hỏi điều này trong ba năm bị giam cầm, hành hạ tại các trại tập trung.
Frankl là một trong số hàng triệu người chịu ảnh hưởng từ tội ác của Đức Quốc xã, đồng thời, ông cũng là một trong số ít những người có thể sống sót từ trại tập trung. Quãng thời gian bị tù đày đã giúp ông nhận ra bản chất thật sự của việc sống và phát triển cho Liệu pháp ý nghĩa (logotherapy) mà ông nghiên cứu sau này.
Ba bài giảng cốt lõi của Viktor Frankl
Mười một tháng sau khi được giải phóng khỏi cảnh địa ngục trần gian của Đức Quốc xã, Viktor Frankl đã tổ chức một loạt buổi diễn thuyết trước công chúng ở Vienna về mục đích và sự thiêng liêng của cuộc sống. Ba bài giảng cốt lõi của ông trong chuỗi diễn thuyết được biên tập thành tập sách “Lẽ sống” (tựa gốc: Yes to Life: In Spite of Everything). Cuốn sách được xuất bản ở Đức vào năm 1946, sau khi ông hoàn thành cuốn “Đi tìm lẽ sống” kinh điển.
“Lẽ sống” - với độ dày chỉ 136 trang - nhưng lại chứa đựng những phần quan trọng và có giá trị phổ quát nhất trong chuỗi bài diễn thuyết của Frankl. Cuốn sách được chia thành ba phần chính với ba bài diễn thuyết xoay quanh việc phân tích ý nghĩa cuộc đời trong những hoàn cảnh khác nhau.
Mục đích của ba bài diễn thuyết này là để cho bạn đọc thấy rằng, con người - mặc cho những thử thách cam go, thậm chí là cái chết (bài diễn thuyết đầu tiên), mặc cho những đau khổ từ bệnh tật (bài diễn thuyết thứ hai), hoặc cả dưới tác động của số phận (bài diễn thuyết thứ ba) - vẫn có thể tin yêu vào cuộc sống này.
Những bài giảng của Frankl, vốn là nền tảng của cuốn sách, được viết ra khi ông bốn mươi mốt tuổi. Thời điểm đó, Frankl đã kinh qua những trải nghiệm tồi tệ nhất: mất vợ, mất con, mất gia đình, chịu cảnh tù đày khổ sai, bị hành hạ dã man… Nhưng cả trong những tình huống vô vọng nhất, Frankl không chỉ vượt qua mà còn giúp đỡ và chữa bệnh cho các tù nhân khác.
Trong những bài diễn thuyết, Frankl không ngừng động viên chúng ta nên quay về với chính bản thân mình. Bởi vì tất thảy những gì chúng ta có - tiền bạc, quyền lực, danh vọng - đều không có gì là vững chắc. Tất thảy đều có thể bị số phận tước đoạt. Khi đó, cái chân chính còn tồn tại chỉ là chúng ta, là con người, ngoài ra không còn gì khác. Do vậy, quay về với bản thân là bước đầu tiên trong hành trình tìm ra lẽ sống mà Frankl muốn đề cập.
Ông viết: “Theo nghĩa sinh học hay vật lý, tất nhiên cuộc đời của chúng ta chỉ có tính tạm thời trong tự nhiên. Không có gì thuộc về nó tồn tại lâu dài, hoặc nếu có thì cũng chẳng còn lại bao nhiêu! Cái còn lại của nó, cái còn lại của chúng ta, cái có thể tồn tại lâu hơn chúng ta, chính là những gì ta đã đạt được trong suốt quá trình tồn tại - chúng sẽ tiếp tục có sức ảnh hưởng vượt ngoài phạm vi của chúng ta.”
Cuốn sách “kinh điển” truyền cảm hứng cho hàng triệu người
“Lẽ sống” không tập trung vào cuộc sống của Frankl trong trại tập trung, thay vào đó, nó là phần cô đọng những gì mà Frankl đã đúc kết được trong quá trình đó. Thông qua ba bài giảng ngắn gọn, Frankl đã chỉ dẫn và khuyến khích mọi người tự tìm lối thoát khỏi những năm tháng khốn khổ đã qua.
Như Frankl đã viết: "Thời gian kéo dài không khiến cho cuộc đời tự động có ý nghĩa và sự ngắn ngủi lại giúp cho cuộc đời có ý nghĩa. Chúng ta cũng không đánh giá cuộc đời một con người qua số trang sách miêu tả về người đó mà qua mức độ phong phú trong nội dung bao hàm.”
Frankl đã cho chúng ta thấy rằng, con người - cho dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, bệnh tật, chết chóc, hay cả những trường hợp chịu tác động của số phận (như bị bắt vào trại tập trung) - vẫn có thể lạc quan và tin yêu vào cuộc sống. Theo Frankl, chính thái độ của chúng ta nhìn cuộc sống sẽ quyết định cuộc đời ta.
Trong “Lẽ sống”, ông tin rằng việc ý thức được ý nghĩa, mục đích hay mục tiêu trong cuộc sống sẽ thúc đẩy con người tiến lên, ngay cả khi chúng ta phải đối mặt với những điều đau khổ và tồi tệ nhất. Niềm tin này giống như chiếc la bàn giúp con người định hướng để tiến về phía trước.
Điều đáng kinh ngạc là tuy được viết gần một thế kỷ trước, nhưng những bài diễn thuyết và triết lý của Frankl vẫn còn nguyên vẹn giá trị và có ý nghĩa đến tận ngày nay. Nó không chỉ nhắc nhở chúng ta về quá khứ mà còn ứng dụng vào cuộc sống hiện tại với những hoàn cảnh mà chúng ta gặp phải sau này.
Thật không ngoa khi xếp “Lẽ sống” vào hàng ngũ những cuốn sách “kinh điển” của thời đại, bởi lẽ nó không chỉ tập hợp những gì tinh túy nhất trong học thuyết của Frankl mà còn giúp nâng đỡ tinh thần của con người, giúp chúng ta tìm ra mục đích tồn tại của mình, từ đó tìm kiếm thêm những lý do để tiếp tục sống.
Nói về quyển sách, Daniel Goleman, nhà tâm lý học và tác giả sách nổi tiếng - nhận xét: “Đó là một phép lạ nhỏ mà cuốn sách này tồn tại. Những bài giảng làm nền tảng cho nó được đưa ra vào năm 1946 bởi bác sĩ tâm thần Viktor Frankl, chỉ chín tháng sau khi ông được giải phóng khỏi một trại lao động, nơi mà trước đó không lâu ông đã ở bên bờ vực của cái chết”.
Còn tạp chí City Journal thì bình luận: “Trong khi hầu hết các tài liệu viết về Holocaust đều nhấn mạnh đến khía cạnh chính trị và chủng tộc rõ ràng của nó, Frankl luôn tìm kiếm phẩm chất độc đáo của con người trong mọi tình huống để rút ra một thông điệp phổ quát.”
Viktor E. Frankl (1905-1997) là Giáo sư Thần kinh học và Tâm thần học tại Đại học Vienna. Trong 25 năm, ông là người đứng đầu Phòng khám thần kinh Vienna. "Liệu pháp ngôn ngữ/Phân tích hiện sinh" của ông được biết đến với cái tên "Trường phái tâm lý trị liệu thứ ba ở Vienna". 40 cuốn sách của Frankl được dịch ra 54 thứ tiếng, trong đó cuốn sách "Đi tìm lẽ sống" của ông đã bán ra hàng triệu bản và được xếp vào danh sách "mười cuốn sách có ảnh hưởng nhất ở Mỹ".

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024