Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
04/01/2024 22:01 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
HỌC HỎI CÁCH XÂY DỰNG THÓI QUEN HỌC TIẾNG TRUNG TỪ CUỐN ATOMIC HABIT (James Clear)


Là một người trưởng thành học ngoại ngữ, hẳn là sẽ rất khó để bạn ngồi học liên tục nhiều tiếng đồng hồ trong lớp. Vì vậy, thiết lập thói quen học hoặc sử dụng ngoại ngữ trong cuộc sống là điều cần thiết để tiết kiệm thời gian, năng lượng của bạn và gia tăng hiệu quả. Khi bắt đầu nghĩ đến thói quen học hay dùng một ngoại ngữ, bạn có thể sẽ đặt câu hỏi:
- Tại sao tôi không thể duy trì thói quen này trong thời gian dài, mặc dù tôi biết động lực của mình rất lớn?
- Tại sao mục tiêu của tôi và của một người khác có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Trung là như nhau, nhưng tôi lại không thể nói chuyện được như họ?
- Làm thế nào để duy trì một thói quen nào đó mãi mãi mà không cảm thấy nhàm chán?
Những câu hỏi trên đa số có nguyên nhân từ việc bạn quá tập trung vào mục tiêu. Mục tiêu giống như một chùm nho chín mọng treo trước mặt, còn bạn cố gắng hết sức nhảy lên nhưng mãi không hái được nho. Dần dần, bạn cảm thấy mình vô dụng, nản chí, bỏ học 2, 3 hôm rồi 1 tuần, 1 tháng trôi qua nhanh chóng. Và ước mơ giao tiếp lưu loát bằng tiếng Trung trở thành dĩ vãng. 
Giải pháp ở đây là thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu, chúng ta nhìn nhận các thói quen như một hệ thống. Khi bạn suy nghĩ về việc thiết kế thói quen như một hệ thống, bạn sẽ nhìn nhận mọi thứ một cách logic, khách quan hơn. Bạn có thể nhìn cách Facebook đã được thiết kế để lôi cuốn bạn hàng giờ đồng hồ mỗi ngày như thế nào: Khi bạn nhận được thông báo về bài post của mình, bạn sẽ ngay lập tức bấm vào xem, bạn đếm số like, đọc bình luận, trả lời comment của mọi người. Phần thưởng là bạn thỏa mãn vì cảm thấy mình được chú ý, quan tâm. Đó cũng nên là cách mà chúng ta xây dựng thói quen, bạn sẽ loại bỏ yếu tố đổ lỗi cho động lực, năng lực của mình. Thay vào đó, khi hệ thống bị lỗi, sai sót, nhầm lẫn, bạn hiểu đó là điều bình thường và liên tục soi lỗi để cải tiến. Mỗi ngày, bạn luôn hào hứng tìm cách để cải thiện hệ thống đó, dù chỉ là chi tiết rất nhỏ. Kết quả là quá trình học của bạn mượt mà hơn, hiệu quả hơn và bạn lại tiếp tục có động lực để lặp lại điều đó.
1. Chúng ta thường bỏ sót yếu tố này khi thay đổi thói quen
Thông thường, chúng ta chỉ thay đổi thói quen ở 2 mức độ: 
- Thay đổi kết quả: Bạn liên tục đặt các mục tiêu cho mình như “Trong 6 tháng đạt HSK3”, “Tôi muốn nói chuyện như người bản xứ sau 1 năm học”, “Tôi muốn đọc sách tiếng Trung”, “Tôi muốn xem show không cần sub”, “Tôi muốn lướt Douyin”, “Tôi muốn đu idol”...Có rất nhiều viễn cảnh bạn mong muốn và lấy đó làm động lực để học tiếng Trung.
- Thay đổi tiến trình: Bạn sẽ vạch ra những kế hoạch để đạt được mục tiêu ở trên như: Đăng ký 1 khóa học tại trung tâm, mỗi ngày học 10 từ mới, mở youtube, podcast luyện nghe mỗi ngày, tải wechat nói chuyện, học ngữ pháp, đọc 1 trang sách, đổi ngôn ngữ trên điện thoại/máy tính thành tiếng Trung...
- Thay đổi đặc tính: Tuy nhiên, phần quan trọng nhất cần thay đổi lại không nằm ở 02 biểu hiện bên ngoài trên. Nó nằm ở chính những đặc điểm tính cách bạn cần có để duy trì thói quen. Nói cách khác, trước khi bạn có thói quen đó, bạn phải “đóng giả” làm người mà bạn muốn trở thành. Đặt vào bối cảnh hệ thống, để mọi thứ vận hành hiệu quả, mỗi người đều làm tốt công việc của mình. Ví dụ trong phần thi đồng đội của show nấu ăn nổi tiếng US Masterchef, ông Gordon Ramsey là điều phối chính, đi vòng quanh bếp để giám sát chất lượng và tiến độ nấu ăn các đội thi. Mỗi đội sẽ phân công những ai là người chuẩn bị nguyên liệu, nấu nướng, nêm nếm và trang trí. Ông Joe Bastianich sẽ làm nhiệm vụ chạy vòng ngoài giao tiếp với khách hàng, hòa hoãn với họ khi lên món chậm, hỏi han cảm nhận của họ. Với mỗi vai trò, họ sẽ có những đặc điểm tính cách phù hợp để làm tốt công việc nhất có thể. Tương tự với việc xây dựng thói quen, chúng ta cần có niềm tin, cách cư xử, cách đánh giá bản thân sao cho khớp nhất với người mang thói quen mà bạn muốn có. 
=> Cả 3 lớp thay đổi này: Thay đổi kết quả, thay đổi tiến trình và thay đổi đặc tính đều mang lại lợi ích cho việc học của chúng ta. Tuy nhiên, để duy trì thói quen lâu dài thì chú ý đến câu hỏi “Bạn muốn trở thành người như thế nào?” là điều quan trọng nhất.
2. 4 quy luật xây dựng thói quen
Có 4 yếu tố tuần hoàn trong quá trình xây dựng thói quen:   
Dấu hiệu       
Sự khao khát 
Sự hưởng ứng
Phần thưởng
Để xây dựng và duy trì thói quen, việc của bạn là thêm vào các tính từ cho những yếu tố trên. Bốn quy luật xây dựng thói quen là: 
Quy luật số 1: Khiến việc đó trở nên hiển nhiên 
Quy luật số 2: Khiến việc đó trở nên hấp dẫn      
Quy luật số 3: Khiến việc đó trở nên dễ dàng
Quy luật số 4: Khiến việc đó mang lại cảm giác thỏa mãn
Ví dụ: Bạn đang xem show, bạn gặp 1 từ mới (dấu hiệu), bạn rất muốn biết nghĩa của từ này (sự khao khát), bạn dùng từ điển để tra (sự hưởng ứng) và bạn biết nghĩa của từ này (phần thưởng).
Dựa trên những quy luật này, bạn có thể giải thích lý do vì sao mình không thể duy trì liên tục một thói quen, đó là: Khiến việc đó không khả thi, kém hấp dẫn, khó khăn và không đem lại cảm giác thỏa mãn.
Để liên tục cải tiến hệ thống của mình, bạn sẽ liên tục đặt câu hỏi: “Làm cách nào để những việc học từ vựng trở nên hiển nhiên/hấp dẫn/dễ dàng/thỏa mãn?”, tương tự với việc học nghe, đọc, nói, viết. Mỗi ngày, khi tiếp xúc với tiếng Trung, chúng ta có rất nhiều việc phải làm và dường như không có điểm dừng. Mỗi khi bạn tìm được một cách nào đó, thay vì chán nản nghĩ rằng “Ồ, hình như trước kia mình đã sai, hèn gì học trước quên sau” thì bạn sẽ nghĩ “Wow, mình đã tìm ra được một cách khiến hệ thống tốt hơn rồi này”.
Và điều quan trọng không thể quên, đó là gắn thói quen đó với người bạn muốn trở thành và phù hợp với quan điểm, lối sống của bạn. Ví dụ, bạn muốn là người nói lưu loát tiếng Trung (người bạn muốn trở thành) đồng thời bạn vốn là người có trí tưởng tượng tốt, giỏi kể chuyện, phân biệt tốt giọng vùng miền, quan sát tốt khẩu hình, có khả năng đọc vị ngôn ngữ hình thể hoặc một giọng nói đặc trưng thu hút...Mỗi đặc điểm đó đều có thể hỗ trợ bạn rất lớn trong việc học từ vựng, luyện nghe, luyện nói, đoán người ta nói gì dựa trên bối cảnh, hành vi,...Như vậy, khi xây dựng những thói quen của một người nói lưu loát tiếng Trung với con người vốn có của bạn, bạn sẽ thấy sự hòa hợp, thấy rằng mình mỗi ngày đều trở nên tốt hơn không chỉ với tiếng Trung mà các kỹ năng khác cũng được mài giũa sắc bén hơn.
3. Cần bao lâu để hình thành một thói quen mới?
Chẳng có phép màu nào trong việc theo thời gian thói quen được hình thành. Chẳng có vấn đề gì khi mất 21 ngày hay 31 ngày hay 300 ngày. Điều đáng quan tâm ở đây là tỷ lệ bạn thực hiện thói quen. Bạn có thể làm việc đó 2 lần trong 30 ngày, hoặc 200 lần.
Nếu có những ngày bạn lười, bạn có thể chỉ dành 2 phút để làm những việc trên. Tuy rằng nó chỉ chiếm rất rất ít, nhưng nó chính là 1% duy trì mỗi ngày, để ngày hôm sau bạn có thể tiếp tục tiến về phía trước: “Nếu bạn có thể đạt được 1% tốt hơn vào mỗi ngày trong vòng một năm, bạn sẽ đạt được kết cuộc tốt hơn ba mươi bảy lần khi hoàn thành. Ngược lại, nếu mỗi ngày bạn tệ đi 1% thì trong vòng một năm bạn sẽ suy giảm xuống gần như bằng không” (James Clear).
4. Cách thức thực hiện
Có 2 cách để đưa một thói quen mới mẻ vào cuộc sống của bạn:
A, Phát biểu rõ ràng về hành vi, thời gian, nơi chốn thực hiện:
 “TÔI SẼ [HÀNH VI NÀO ĐÓ] vào lúc [THỜI GIAN] ở [NƠI CHỐN]”
Ví dụ: Tôi sẽ học 10 từ vựng về cảnh vật trên đường đi bộ từ nhà đến công viên lúc 5 giờ chiều.
B, Lồng thói quen mới vào thói quen cũ: 
“SAU [THÓI QUEN HIỆN TẠI], TÔI SẼ LÀM [THÓI QUEN MỚI]”
Ví dụ: Tôi sẽ đọc sách song ngữ Trung – Việt sau khi viết xong bài blog này.
Tôi sẽ tạo flashcard sau khi đọc sách.
Tôi sẽ nghe một bài nghe sau khi nghe một bài hát tiếng Trung
Những hành động phía trước sẽ dần trở thành gợi ý cho một thói quen tiếp theo, và cứ như vậy, tôi đã tạo ra được một chuỗi thói quen tốt để học ngoại ngữ một cách tự nhiên.
Khi đọc cuốn sách này, có một vài điểm mà tôi thấy rằng mình đã từng áp dụng, và tôi nghĩ đa số mọi người cũng như vậy. Tuy nhiên, chúng ta có thể đang làm chúng một cách rời rạc hoặc nghi ngờ về tính hiệu quả. Để có thể biết những phương pháp này có hiệu quả hay không, chỉ có một cách đó là chúng ta phải thử. Giới hạn của cuốn sách Atomic Habit này không chỉ dừng lại ở việc học ngoại ngữ, mà có thể mở rộng ở nhiều khía cạnh khác cho cuộc sống của bạn.

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024