Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
29/12/2023 13:12 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
GỢI Ý CÁCH ĐỌC 1 CUỐN SÁCH CHO NGƯỜI MỚI HỌC TIẾNG TRUNG


Đọc sách là một trong những lời khuyên mình được nghe nhiều nhất khi học ngoại ngữ. Sau khi đã có một số lượng từ vựng, mình bắt đầu muốn đọc những câu dài hơn, thậm chí là đọc sách. Tuy nhiên, không ít lần mình đã phải bỏ cuộc vì chọn sách không phù hợp, đọc không hiểu gì và phải tra từ điển quá nhiều. Sau vài lần vấp ngã, mình đã có 1 chút kinh nghiệm và đúc rút ra cách chọn sách và đọc như thế nào cho hiệu quả.
1. XÁC ĐỊNH MỤC ĐÍCH
Ở giai đoạn đầu với vốn từ vựng hạn chế, bạn sẽ tự làm khó bản thân nếu đặt mục tiêu là đọc để tìm kiếm thông tin, mở rộng kiến thức. Thay vì vậy, bạn có thể chuyển sang một mục đích dễ chịu hơn, đó là học từ vựng với nội dung mà bạn đã hiểu hết. Điều này giúp bạn dỡ bỏ rào cản cảm thấy nản chí vì đọc mãi không hiểu.
2. CHỌN SÁCH
Từ mục đích nói trên, bạn có thể chọn sách bạn đã đọc bằng tiếng Việt hoặc sách song ngữ với tiêu chí như:
- Độ dài vừa phải
- Nội dung dễ hiểu
- Từ ngữ được lặp đi lặp lại
- Tạo hứng thú cho bạn
- Có audio luyện nghe
Sau nhiều lần chọn lọc, mình thấy dòng sách self-help đáp ứng được các nhu cầu trên. Tuy mình không phải là fan dòng self-help nhưng mình thấy rằng những cuốn sách này khá có ích với một người mới học, vốn chưa có nhiều sự lựa chọn. Cuốn mình chọn là sách song ngữ “999 lá thư gửi cho chính mình” (Miêu công tử). Cuốn này cũng khá nổi tiếng vì những câu nói truyền động lực ngắn gọn, súc tích. Với những lá thư có độ dài khoảng 3-4 dòng, việc dùng từ lặp đi lặp lại rất có ích cho trí nhớ, đồng thời nội dung cũng đủ phong phú để tiếp tục đọc, mình thấy cuốn này rất phù hợp để bắt đầu.
3. PHƯƠNG PHÁP ĐỌC
Kết hợp mục đích đọc sách và cuốn sách đã chọn, mình muốn có 1 phương pháp mà có thể hạn chế tra từ điển và tăng khả năng đoán từ. Vì vậy, phương pháp đọc của mình áp dụng những nguyên tắc sau:
- Fake it until you make it: Khi bạn đã đọc bản dịch tiếng Việt, sau đó nhìn vào bản tiếng Trung, bạn có thể tự đánh lừa bộ não rằng “A cái này tao hiểu rồi đấy, không quá khó đâu. Việc của mày là đoán từ nào tiếng Việt có nghĩa gì trong tiếng Trung thôi”. Như vậy não của bạn không cảm thấy quá sức như khi phải đọc bản tiếng Trung, sau đó tra từ điển và tự kết nối ý nghĩa mà nhiều khi bạn có thể hiểu sai.
- Pareto 20/80: 80% nội dung được tạo nên từ 20% từ ngữ trong câu. Điều này giúp bạn hạn chế việc tra từ điển mà tập trung hơn vào việc hiểu ý nghĩa của câu. Bạn có thể hình dung là khi mới học, giống như bị cận thị vậy, bạn chỉ có thể nhìn mọi thứ một cách bao quát, mờ mờ vì lúc này vốn từ của bạn còn hạn chế. Nhưng khi ở trình độ cao hơn, bạn hiểu được nhiều hơn thì giống như bạn đeo kính vào, mọi thứ sẽ sắc sảo hơn. Ở giai đoạn này, không kì vọng quá nhiều vào việc phải hiểu rõ từng chi tiết, câu chữ giúp bạn duy trì động lực đọc mỗi ngày.
- Sử dụng flashcard là công cụ cuối cùng của tiến trình đọc. Khi bạn đã đọc đi đọc lại nhiều lần đoạn văn, có thể đoán được từ thì lúc đó bạn mới nên đưa nó vào flashcard để ôn tập. Làm cách này sẽ giúp bạn bớt ỷ y rằng chỉ cần lưu vào flashcard là đã coi như học từ rồi, và đôi khi cơn lười khiến bạn cho nó vào xó xỉnh nào đó không nhìn tới.
4. CÁC BƯỚC CỤ THỂ
B1: Đọc bản tiếng Việt, gạch chân những từ khóa quan trọng tạo nên ý nghĩa của câu. Ngay cả với những từ bạn đã biết nghĩa, bạn cũng nên gạch chân để củng cố trí nhớ, chứ không chỉ gạch chân những từ bạn chưa biết.
B2: Đọc bản tiếng Trung, cố gắng đoán những từ đã gạch chân ở bản tiếng Việt tương ứng với từ nào tiếng Trung. Việc đoán từ này không quá khó, do như mình đã nói, mỗi “lá thư” này chỉ có chừng 3-4 dòng và chỉ cần bạn biết một số từ vựng cơ bản là có thể đoán được rồi. Thường khả năng đoán trúng của mình là 80-85%.
B3: Tra từ điển để chắc chắn những từ bạn đoán là đúng.
B4: Tiếp tục đọc đến khoảng 5-6 lá thư liên tiếp. Bạn sẽ dần nhận ra nhiều từ được lặp lại ở những ngữ cảnh khác nhau. Điều này giúp não bộ hứng thú hơn là chỉ đọc 1 bài và sau đó học bằng flashcard.
B5: Quay lại đọc từ bức thư đầu tiên, lặp lại B2 để củng cố trí nhớ.
B6: Lưu từ vào flashcard và dùng mẹo để ghi nhớ.
Trên đây là cách đọc sách để học ngoại ngữ của mình, mình rất mong có thể sớm đọc được những tác phẩm ưa thích bằng tiếng Trung. Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân. Học ngoại ngữ là một hành trình dài, nếu có thể, bạn hãy tự tạo ra phương pháp của riêng mình để việc học vừa thú vị lại hiệu quả hơn nhé.



 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024