Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
07/12/2023 22:12 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
Hormone của sự thỏa mãn


Bạn có từng thắc mắc điều gì khiến các bạn không thể dứt được ly trà sữa quen thuộc, hay những món ăn vặt yêu thích, dù biết nó không tốt cho sức khỏe?
Bạn có từng thắc mắc, điều gì liên tục thúc đẩy các bạn làm những việc mà mình yêu thích? Và cảm giác mãn nguyện sau khi làm xong những việc đó đến từ đâu?
Tìm hiểu về dopamine có thể sẽ cho bạn câu trả lời.
 
DOPAMINE LÀ GÌ?
Dopamine là chất dẫn truyền thần kinh thường được gắn liền với cảm giác mãn nguyện (pleasure), và cảm giác được tưởng thưởng (reward) (Pietrangelo, 2019), nhưng tất nhiên chức năng của nó không chỉ dừng lại ở đó. Dopamine là nguyên nhân chính khiến ta có động lực để hoàn thành mục tiêu và công việc của mình. Từ thời săn bắt hái lượm, dopamine đã được mẹ thiên nhiên lập trình trong con người để thúc đẩy ta làm những công việc cần thiết cho công cuộc sinh tồn như săn bắn, ăn uống, sinh sản.
DOPAMINE ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?
Những tế bào thần kinh trong vùng cuống não (base of the brain) sản xuất dopamine thông qua một quá trình gồm hai bước. Đầu tiên, tyrosine được chuyển hóa thành một loại axit amin khác là L-Dopa. Sau đó, L-Dopa được enzymes biến đổi thành dopamine (Watson, 2021).
Một điều thú vị về Dopamine là nó không chỉ được sản sinh khi bạn đang trải qua hành động mình yêu thích, mà nó còn cả khi bạn mường tượng về hành động đó (Pietrangelo, 2019).
Ví dụ, nếu đồ ăn khoái khẩu của bạn là gà rán. Thì não của bạn sẽ sản sinh Dopamine khi bạn ngửi được mùi gà rán thơm phức, hay chảy nước miếng khi nhìn thấy nó. Và khi bạn thưởng thức con gà rồi, dopamine sẽ cho bạn cảm giác thỏa mãn và kích thích bạn tiếp tục ‘’khao khát’’ nó trong tương lai.
VẬY CỤ THỂ, VAI TRÒ VÀ CHỨC NĂNG CỦA DOPAMINE LÀ GÌ?
Theo Pietrangelo (2019), Dopamine có khả năng tạo ra những cảm giác sau đây:
- Tỉnh táo (Alertness)
- Tập trung (Focus)
- Động lực (Motivation)
- Hạnh phúc (Happiness)
Và ngoài ra, dopamine còn có liên quan đến nhiều chức năng của cơ thể, như: dòng máu, tiêu hóa, trí nhớ và sự tập trung, cảm xúc,… (Pietrangelo, 2019).
Tầm quan trọng của dopamine đối với cơ thể là điều không thể chối cãi. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà dopamine mang lại, cũng có những rủi ro xuất hiện.
MẶT TRÁI CỦA DOPAMINE
Dopamine là một trong những yếu tố gây ra cảm giác ‘’nghiện’’ một thứ gì đó. Bởi dopamine thúc đẩy ta đi tìm những trải nghiệm khiến ta thỏa mãn, ta sẽ có xu hướng lặp đi lặp lại trải nghiệm đó, ngay cả khi nó không tốt cho sức khỏe của chúng ta. Nghiện game hay nghiện ma túy là một ví dụ điển hình.
Hơn nữa, dù thiếu hụt dopamine không trực tiếp gây ra trầm cảm, nhưng nó cũng góp phần tạo nên một số biểu hiện của căn bệnh này. Cụ thể, những người bị trầm cảm thường có cảm giác thiếu động lực và sự tập trung (Watson, 2021).
Ngoài ra, mức sàn của Dopamine (Dopamine baseline) không giữ nguyên sau mỗi trải nghiệm, mà nó sẽ giảm đi (Huberman, 2021). Điều này giải thích việc nếu chúng ta cứ lặp đi lặp lại một trải nghiệm, thì độ hứng thú của ta sẽ giảm dần, và ta sẽ cần phải nỗ lực nhiều hơn để đạt được cảm giác thỏa mãn lúc trước. Vô hình trung, nó tạo nên một vòng luẩn quẩn mà một khi đã dính vào thì ta khó mà dứt ra được.
TẬN DỤNG DOPAMINE NHƯ THẾ NÀO CHO HỢP LÝ?
Bởi dopamine có tác dụng tạo động lực, nhiều người đã lạm dụng nó để tạo dựng thói quen. Hẳn bạn cũng không còn xa lạ với việc nghe một bài nhạc hay để tập thể dục hứng khởi hơn, hay là ăn một thanh socola để có năng lượng học tập. Trong ngắn hạn, những việc này sẽ giúp ta tăng dopamine trong não bộ, từ đó có động lực để làm việc ta muốn. Tuy nhiên, về lâu dài, nó sẽ khiến bạn mất hứng thú với việc đó.
Trong một video về Dopamine (2021), Andrew Huberman – giáo sư của đại học Y Stanford – cũng đã nhấn mạnh rằng nếu ta muốn tận hưởng hoạt động nào lâu dài, ta không nên dùng bất kì tác động bên ngoài nào để tạo kích thích. Lý do là vì khi ta thêm một hành động trước hoặc sau khi ta làm việc ta muốn với mục đích tạo động lực, vô hình trung ta cũng thêm một ‘’điều kiện’’ để có thể làm việc đó. Và sau này, nếu thiếu đi hành động đó thì ta sẽ không thể nào tập trung để làm công việc của mình.
Hơn nữa, khi dopamine cứ liên tục ở trong trạng thái tăng cao, mức sàn của nó sẽ thấp dần, và đến một lúc bạn sẽ cảm thấy mình không thể tận hưởng hành động mình đang làm dù cho đã nạp cả đống đồ ăn hoặc nghe nát playlist spotify.
Vậy giải pháp là gì?
Huberman (2021) đã nhấn mạnh rằng để có thể tận hưởng niềm vui từ những hoạt động như học tập, thể thao và xây dựng các mối quan hệ một cách lâu dài, bạn cần đảm bảo rằng dopamine không liên tục tăng cao. Nói cách khác, sự nhàm chán khi làm việc đôi lúc là cần thiết để bạn có thể đi với nó lâu dài.
Mà thật ra, việc không sử dụng các kích thích để tạo động lực sẽ khiến bạn tập trung hơn vào chính hành động đó. Rồi dần dần bạn sẽ học được cách tận hưởng chính quá trình bạn làm hành động mình muốn, thay vì phải dựa dẫm vào yếu tố bên ngoài như trước.
KẾT
Qua bài viết này, mình hy vọng các bạn đã hiểu thêm về bản chất của dopamine, cũng như là của cảm giác được thúc đẩy mà ta vẫn thèm khát bấy lâu nay.

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024