Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
30/10/2023 23:10 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
Mình sẽ nói rằng: "Chỉ có hai giới tính thôi!"


"Các bạn thuộc giới gì các bạn biết không?"
"Sao mà các bạn biết được? Chẳng ai biết được mình như thế nào cả!"
Câu nói nghe có vẻ đánh đồng này được một diễn giả do một chương trình trong trường mình mới đến diễn thuyết và nói chuyện talkshow tại trường đại học y mình đã và đang theo học ở TP.HCM.
Ngoài các câu nói của diễn giả trên. Từ khi bước chân vào ngưỡng cửa Đại học, mình đã nghe được nhiều câu đùa mà từ bé đến lớn mình chưa bao giờ nghe về giới tính kiểu: "Sao mày chắc chắn mày không cong? Không thằng con trai nào biết được nó giới tính gì cho đến khi nó tìm được người đàn ông của đời mình."
Mình nghe xong lúc đầu thấy cũng vui vui, hài hài nhưng đến khi nó không vui nữa thì mình lại thấy khá khó hiểu với lối tư duy mới mẻ về giới tính này cũng như sự vô lí trong lí luận của nhiều người cả ủng hộ và cả phản đối cộng đồng LGBT.
Giới tính và giới tính tự nhiên
Khái niệm giới tính
Giới tính vốn là khái niệm được dùng vốn để phân biệt các cá thể dựa vào khả năng và vai trò trong sinh sản ở động vật và con người. Đa số các loài đều có hai giới đực và cái trừ một số loài nhất định mới có các ngoại lệ là vô tính, lưỡng tính và thậm chí đặc biệt còn có nhiều trường hợp ghi nhận sự chuyển giới một cách tự nhiên ở một số loài.
Ví dụ như kiến thợ chỉ mang một nửa bộ gen và được xem là vô tính hoặc ốc sên là loài lưỡng tính mang cả bộ phận sinh dục cả đực lẫn cái, khi hai con gặp nhau và tiến hành sinh sản thì chúng sẽ thụ tinh cho nhau.
Thế nào là giới tính tự nhiên?
Mỗi loài sinh vật kể cả con người đều được quy định các đặc điểm sinh học bởi bộ gen riêng của loài. Những gen này đều tồn tại theo cặp, gọi là các gen alen, bên trong mỗi tế bào tại các vị trí xác định trên nhiễm sắc và đều tham gia biểu hiện thành một hoặc nhiều tính trạng nhất định. Cứ mỗi lần xảy ra đột biến gen, loài đó sẽ có thể một gen mới dẫn tới sự hình thành một tính trạng đột biến. Nếu gen đó được duy trì trong loài thông qua di truyền và tăng dần số lượng, tính trạng được biểu hiện ra sẽ được xem là một tính trạng mới của loài thay vì là một đột biến.
Một tính trạng để được xem là tính trạng mới thay vì là một đột biến tồn tại riêng lẻ trong loài cũng phải đảm bảo được các yêu cầu nhất định. Tạm gọi tính trạng đang xem xét là Tính trạng a, các yêu cầu bao gồm:
Yêu cầu thứ nhất, tính trạng a phải được thể hiện trên mặt di truyền. Khi được thể hiện trên mặt di truyền, các cá thể mang gen biểu hiện thành kiểu hình tương ứng sẽ là một phần của loài và tính trạng đó có thể duy trì để làm nguồn nguyên liệu cho tiến hóa.
Yêu cầu thứ hai, tính trạng a phải tồn tại trong quần thể loài với số lượng đủ lớn để thể hiện rằng tính trạng thực sự trở thành một tính trạng phổ biến của loài thay vì chỉ là một đột biến đơn lẻ.
Yêu cầu thứ ba, tính trạng a phải là tính trạng khi biểu hiện đảm bảo cho cá thể mang tính trạng đó sống khỏe mạnh và phát triển bình thường. Nếu làm giảm sức sống rõ rệt và khiến cá thể có tính trạng đó giảm khả năng sống sót, tính trạng a thay vì được xem là một tính trạng sẽ được xem như một bệnh về di truyền. 
Yêu cầu thứ tư, tính trạng a khi được biểu hiện phải khác biệt so với các tính trạng khác được quy định bởi các gen alen cùng vị trí trên nhiễm sắc thể. Điều này để đảm bảo tính trạng đó có thể được di truyền thay vì trở thành một đột biến.
Giới tính của một loài cũng chính là một tính trạng của loài. Giới tính còn là một tính trạng đặc biệt khi số lượng gen quy định tính trạng này còn tập hợp hẳn lại tạo thành một cặp nhiễm sắc thể lớn trong bộ gen. 
Vì được quy định trong bộ gen nên giới tính của một cá thể chắc chắn được xác định thông qua các tính trạng sinh dục và sinh lí của cá thể đó. Trong quá trình sống, tùy theo loài mà đôi khi một cá thể có thể thay đổi giới tính nhưng đấy là loài nào ấy chứ con người thì không. 
Câu chuyện giới tính và chuyển giới ở người
Nếu xét theo khả năng sinh sản, những người chuyển giới hoàn toàn mất đi khả năng sinh sản của mình vì họ đã loại bỏ buồng trứng hoặc tinh hoàn để có những đặc điểm của cơ thể  mang giới tính họ mong muốn, Tuy nhiên, những thay đổi đó không hề tự nhiên khi đã có sự can thiệp nhân tạo.
Thậm chí khi bỏ qua sự không tự nhiên trên, nếu xét về giới tính và phân loại giới tính, những người chuyển giới đã không còn khả năng sinh sản nữa. Và nếu cần phân loại, mình sẽ gọi giới tính của họ là vô tính như những chú kiến thợ.
Vậy phần còn lại của LGBTQ+ thì sao? Họ vẫn còn khả năng sinh sản nên cần xét họ là giới gì? Đơn giản thôi: Đực và Cái hay Nam giới hoặc Nữ giới, như những gì cơ thể và bộ gen của họ thể hiện ra.
Các vấn đề nảy sinh
Thứ nhất, phân biệt đối xử đối với cộng đồng LGBTQ+
Việc mình hay rộng hơn là việc tồn tại ý kiến không xem LGBTQ+ là một hay những giới tính sẽ dẫn tới những hành động lẫn các phong trào bài trừ và phân biệt đối xử với cộng đồng LGBTQ+. Tuy nhiên, mình xem xét giới tính trên góc độ di truyền tức giới tính với mình được xem xét, đánh giá qua kiểu gen và kiểu hình của một người. Chứ mình không nêu ra ý kiến mình là không công nhận cộng đồng LGBTQ+.
Thứ hai, quan trọng hơn, việc xem LGBTQ+ là một "giới tính" về lâu dài sẽ làm rối loạn nhận thức chung.
Bạn nghĩ nên giải thích như thế nào về LGBTQ+ cho một đứa trẻ khi nó hỏi? "Họ không phải nam, không phải nữ" à? Vậy thì nên gọi họ là gì? Tại sao họ lại khác cả nam lẫn nữ? Bạn càng trả lời, câu hỏi tại sao càng nhiều và đến lúc không hiểu được thì sẽ "Ồn ào quá!" hay "Lắm chuyện!" và cuộc trò chuyện với một tờ giấy trắng chấm hết. Nhưng suy nghĩ của chúng thì không, kể cả bạn và mình cũng có những câu hỏi tại sao từ nhỏ đến giờ vẫn chưa được giải đáp thấu đáo mà đến giờ lâu lâu vẫn tự hỏi thì ở cái tuổi nhỏ đó con nít chúng còn thắc mắc thường xuyên hơn.
Thực ra việc giải thích về LGBTQ+ với trẻ em rất giống với việc giải thích cho đứa trẻ đó về quan hệ tình dục vậy.
Bỏ qua vấn đề tuổi nhỏ khó tiếp cận hoặc không nên tiếp cận với các khái niệm quá "người lớn". Nếu có một từ có quá nhiều nghĩa, biểu thị cho nhiều khái niệm, những khái niệm đó còn rất tương đồng với nhau thì rất khó để đa phần trong số người trưởng thành có thể hiểu được chứ đừng nói đến trẻ em. Không nói sẽ không biết, không biết sẽ không hiểu, mà đã không hiểu thì sẽ dễ làm sai lệch tư tưởng.
Vậy do đâu mà có vấn đề này? Chính từ lối nghĩ LGBTQ+ là một giới tính.
Giới tính qua hàng ngàn năm lịch sử nhân loại
Giới tính với vai trò xã hội
Khác với các nghiên cứu sinh học phục vụ mục đích thuần khoa học. Trong xã hội, cách phân biệt nam và nữ ngày xưa hay nam, nữ và LGBTQ+ ngày nay không dùng để phân biệt khả năng sinh sản của một người.
Ngày xưa, khi nói đến nam/nữ, đàn ông/đàn bà là phân biệt một phần về khả năng sinh sản. Nhưng cũng là để phân biệt trật tự xã hội cũng như định hướng lối sống của một con người.
Ở Phương Đông, đại diện là Nho Giáo. Khổng Tử đề cao đàn ông là những bậc nam nhi đầu đội trời, chân đạp đất. Còn đàn bà là những nữ nhi yếu đuối, là ngọn nguồn của mọi vấn đề trong thiên hạ. Ở đây, giới tính dùng để phân biệt rạch ròi ra hai giới với các vai trò xã hội khác nhau.
Với triết học phương Tây, ta có Aristoteles cho rằng phụ nữ thuộc gia đình còn đàn ông thì có vai trò lớn hơn và đàn ông mới được tính là công dân của quốc gia với nhiều nghĩa vụ và quyền lợi hơn, sát nghĩa là công dân của Polis (thành phố). Tuy không rạch ròi như Nho Giáo phương Đông khi Aristoteles vẫn cho rằng đàn ông và đàn bà là bình đẳng nhưng ta vẫn nhận thấy được sự phân chia thứ bậc xã hội giữa hai giới tính.
Không chỉ triết học, ta còn có tôn giáo. Với Thiên Chúa Giáo, tôn giáo đông tín đồ nhất, vai trò của phụ nữ nhìn chung tuy thấp hơn so với đàn ông và không quá khác biệt nhưng vẫn có sự khác nhau. Còn với "người anh em" chung tổ phụ Abraham là Hồi Giáo thì lại rất khắt khe với phụ nữ và có hơi hướng giống với Khổng Tử khi hạ hẳn phụ nữ xuống một bậc.
Giới tính với tình dục và tình yêu
Ngoài các vai trò xã hội khó nhận ra, ta còn có thể thấy được các nhận định về tình yêu và tình dục được gán vào giới tính rất nhiều. Ở đâu cũng vậy, con trai phải thích con gái. Đàn ông thì phải yêu, phải cưới đàn bà. 
Ở phương Tây, nơi văn hoá dính chặt với tôn giáo, tình yêu đồng giới các thời đại trước đơn giản được cho là trái với ý muốn của Chúa. Thậm chí đôi nơi còn đem hẳn vào luật pháp luật cấm quan hệ đồng giới. Ở Florence thời xưa, có tồn tại việc đem xử phạt người quan hệ đồng tính mà thậm chí theo tin vịt thì trong số người bị phạt còn có cả Leonardo da Vinci nữa cơ.
Nửa sau câu vừa rồi là tin vịt cơ mà việc xét xử người đồng tính có thể thấy mối quan hệ đồng giới không được chấp nhận đến cỡ nào tại nửa bên kia bán cầu.
Vậy phía chúng ta, vùng đất phương Đông thì như thế nào? Chúng ta không có Chúa cơ mà lí lẽ của các cụ thì nghe âu nó cũng hợp lí... Để đẻ. Dài dòng ra là nối dõi tông đường. Mà để nối dõi tống đường bằng máu mủ của mình thì chỉ có hôn nhân khác giới mới làm được mà thôi.
Về quan hệ đồng giới, hầu như chỉ phê bình giữa nam và nam, vì nam nhi mà ẻo lả như nữ tử để quyến rũ, rù quến nam nhân khác thì được coi là kì lạ, tệ hơn là kinh tởm. Còn đối với quan hệ nữ-nữ, các cụ nom yên ắng hơn hẳn, có lẽ là do trọng nam khinh nữ nên không để ý mấy.
Tóm lại, dù ở đâu hay dựa trên góc nhìn nào, ta cũng thấy được các chức năng khác ngoài xác định vai trò trong sinh sản được gán vào giới tính là rất nhiều và qua cả ngàn năm nay "hệ tưởng hai giới tính" này vẫn không lay chuyển, vẫn luôn bất biến.
Tất nhiên là cho đến khi nó không còn bất biến nữa.
Sự xuất hiện và nổi lên của "Giới tính thứ ba"
Vấn đề chỉ thực sự xảy ra khi lối tư duy "giới tính thứ ba" ra đời. Nó làm rối loạn hệ thống tư duy "hai giới" trước đó khi xen giữa vào hai "giới tính gốc". Đồng thời với sự xuất hiện của vấn đề mới này cùng nảy sinh ra các tranh luận về nó, các vấn đề của hệ thống tư duy "hai giới tính" cũ cũng bắt đầu xuất hiện.
Qua một thời gian quá dài, con người đã gắn chặt lên giới tính các vai trò xã hội khác nhau, làm mất đi vai trò vốn có của giới tính. Đó là biểu thị khả năng sinh sản.
Vì vậy khi phong trào LGBT bùng lên mạnh mẽ để chống lại những bất công, định kiến đàn áp, chì chiết lên cộng đồng LGBT, những quan niệm cũ bắt đầu lung lay dữ dội. Trong khi tìm cách dung hoà hai bên bảo vệ và phản đối LGBT, nảy sinh những tranh luận qua để chỉ trích lẫn nhau. Hình thành nên sự đối lập tồn tại cho đến bây giờ.
Một bên đòi công nhận giới tính thứ ba, công nhận họ là những người cũng có giới tính và chấp nhận con người thật của họ. Bên kia phản đối nhưng lại gồm nhiều phe hơn. Phần vì đơn giản là không chấp nhận người đồng tính, phần thì không muốn nhìn nhận LGBT là một giới tính. Các bên gom góp lại thành phe phản đối.
Bỏ qua các thành phần racist của phe phản đối, thứ sẽ chẳng ai kham nổi dù trong bất kì cuộc tranh luận nào. Lí do khiến LGBTQ+ không nên được xem là một giới tính đơn giản là không phù hợp.
Như mình đã trình bày ở trên, giới tính cần phải được xác định dựa trên khả năng sinh sản sinh học của cơ thể người đó. Việc này nhằm phục vụ cho các nhu cầu liên quan đến sinh học. VD: cùng một tình trạng bệnh, bệnh nhân nam mang các đặc điểm khác với nữ và họ cần phải có chế độ điều trị riêng. Và LGBTQ+ chẳng giải quyết được vấn đề hay giúp ích gì cho việc chẩn đoán bệnh hay thể trạng của người đó.
Ngoài ra, để khái niệm "giới tính" chỉ mang một ý nghĩa duy nhất sẽ làm đơn giản hoá chính từ "giới tính". Khi đó, mỗi lần nhắc đến "giới tính", ta sẽ dễ dàng giải thích hơn. Nếu bạn đang hơi mù mờ về cái mình đang đề cập thì hay xem xét VD sau:
A thích B và là người đồng giới nam. C gọi người A là nam. A không đồng ý và cho rằng C đang xúc phạm A vì không công nhận A với giới tính thật. Khi được hỏi nên gọi như thế nào, A tự nhận mình là người đồng tính nam.
Tuy nhận bản thân là người đồng tính nam nhưng A lại không chấp nhận mình là nam. Nếu không phải là nam thì A là người đồng tính gì? Để có được phần đầu đồng tính phải có được phần đuôi nam. Nếu đã không có phần nghĩa nhằm xác định giới tính sinh học trước, dựa vào đâu để gọi một người là đồng hay dị tính? Vì vậy, việc xác định giới tính của ai đó chỉ nên dừng ở việc cơ quan sinh dục của người đó là gì và gen của họ quy định gì mà thôi.
Tóm lại, chẳng tồn tại cái giới tính được xem là giới tính thứ ba.
Vậy nên định nghĩa LGBTQ+ là gì? 
Là những xu hướng tính dục.
Câu trả lời này mình chắc chắn người đọc bài viết này thừa hiểu biết để hiểu.
Vấn đề nằm trong tư duy của nhiều người, trong đó có một bộ phận cộng đồng LGBTQ+, đó chính là thực sự xem "giới tính thứ ba" là một giới tính. Và nhờ truyền thông và các phong trào bình đẳng đang lan rộng, "giới tính thứ ba" dần trở thành một "giới tính" mới trong tiềm thức của nhiều người.
Vì sự nhập nhằng cũng như rắc rối khi chưa có định nghĩa chính xác chỉ những xu hướng tính dục mới này mà cụm từ "giới tính thứ ba" dần in sâu vào tiềm thức của nhiều người. Về sau khi xuất hiện khái niệm Xu hướng tính dục, giới tính gốc tức giới tính sinh học ban đầu đã được tách ra khỏi việc xác định một người nào đó yêu ai thích ai hay muốn có nhu cầu quan hệ tình dục hay đi đến hôn nhân với ai. Mọi chuyện đã rẽ sang một hướng khác.
Thực ra là sang ra vấn đề khác.
Cái hại của "giới tính" mới
Ngoài hỗ trợ chẩn đoán bệnh hay kiểm tra sức khoẻ, giới tính sinh học theo gen còn giúp xác định nhiều thứ trong cuộc sống, ví dụ như xác định tỉ lệ nam nữ ở một quốc gia, làm giấy khai sinh v.v...
Tuy nhiên, một số mặt khác, cái cần xác định theo mình thấy thì giống như xác định xu hướng tính dục hơn là giới tính. Ví dụ chơi tinder thì bạn muốn tìm người cùng xu hướng tính dục chứ không tìm người đồng hay khác giới hoặc các giấy tờ có thể lựa chọn Khác ở mục Giới tính, mình không chắc cái cần được biết lại là giới tính sinh học.
Việc tách riêng khái niệm Giới tính và Xu hướng tính dục có thể giúp giảm bớt các phiền phức về giấy tờ cũng như sự ngượng ngùng khi các bạn LGBTQ+ xử lí, cung cấp thông tin các thời điểm cần thiết. Hoặc chúng ta nên sử dụng hai khái niệm riêng cho  là Giới tính và Xu hướng tính dục. Hoặc là sử dụng các định nghĩa giới tính, xu hướng tính dục khác VD như: Giới tính sinh học và Giới tính xã hội.
Tóm cái váy
Tách biệt hai khái niệm Giới tính và Xu hướng tính dục giúp xác định rõ thông tin lúc cần thiết. Giúp cộng đồng LGBTQ+ có cái dựa vào để phân biệt họ với phần còn lại. Giúp phần còn lại hiểu nhiều hơn và không nhầm lẫn khi nói về, nghĩ về cộng đồng LGBTQ+.
Bài viết mang nặng quan điểm cá nhân và lí luận của bản thân mình. Tuy nhiên, mình chịu trách nhiệm cho những gì mình nói và sẵn sàng tham khảo ý kiến của mọi người dù đồng tình hay phản đối.

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024