Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
13/07/2023 21:07 # 1
vovanhoa1411
Cấp độ: 18 - Kỹ năng: 1

Kinh nghiệm: 84/180 (47%)
Kĩ năng: 1/10 (10%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1614
Được cảm ơn: 1
Hội chứng chân không nghỉ là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa


Hội chứng chân không nghỉ (Restless Legs Syndrome - RLS) là một rối loạn thần kinh đặc trưng bởi cơn đau nhói, co kéo, tê dần dần hoặc cảm giác khó chịu ở chân không thể kiểm soát được làm cho bệnh nhân khó chịu, buộc phải di chuyển chân liên tục. Dựa vào dấu hiệu và triệu chứng lâm sàng để chẩn đoán bệnh. Điều trị bằng thuốc có tác động lên hệ thần kinh trung ương.

Tìm hiểu chung

Hội chứng chân không nghỉ là gì? 

Hội chứng chân không nghỉ (RLS) còn được gọi là bệnh Willis-Ekbom, là một tình trạng gây ra cảm giác muốn di chuyển chân không kiểm soát được, là do cảm giác không thoải mái. Nó thường xảy ra vào buổi tối hoặc ban đêm khi đang ngồi hoặc nằm. Bệnh nhân phải rung lắc, di chuyển làm giảm bớt cảm giác khó chịu tạm thời.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của Hội chứng chân không nghỉ

Các triệu chứng chính là cơn đau nhói, căng cơ, tê dần dần, hoặc cảm giác khó chịu khiến bệnh nhân phải di chuyển chân để giảm bớt. Các đặc điểm đi kèm bao gồm:

  • Cảm giác bắt đầu khi nghỉ ngơi, sau khi nằm hoặc ngồi trong một thời gian dài.
  • Thuyên giảm bằng cách chuyển động, cảm giác của RLS giảm bớt khi cử động, như duỗi, lắc chân, đi nhanh hoặc đi bộ.
  • Các triệu chứng tồi tệ hơn vào buổi tối. 
  • Co giật chân về đêm, RLS có thể liên quan đến một tình trạng khác phổ biến hơn, được gọi là cử động chân tay theo chu kỳ khi ngủ, khiến chân co giật và đá, có thể xảy ra suốt đêm trong khi ngủ.
  • Triệu chứng thường xảy ra ở cả hai bên cơ thể. Các cảm giác ảnh hưởng đến cánh tay ít phổ biến hơn.
  • Đôi khi những cảm giác rất khó mô tả. 
  • Thông thường các triệu chứng dao động về mức độ nghiêm trọng. Đôi khi, triệu chứng biến mất trong một khoảng thời gian, sau đó quay trở lại.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh Hội chứng chân không nghỉ

Mặc dù RLS không dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng khác, nhưng các triệu chứng có thể gây khó chịu đến mất khả năng lao động. Nhiều người bị RLS cảm thấy khó đi vào giấc ngủ hoặc thức giấc giữa chừng.

RLS nghiêm trọng gây suy giảm chất lượng cuộc sống rõ rệt và dẫn đến trầm cảm. Mất ngủ ban đêm gây buồn ngủ quá mức vào ban ngày, nhưng RLS có thể ảnh hưởng cả giấc ngủ trưa.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến Hội chứng chân không nghỉ

Trong hầu hết trường hợp, nguyên nhân của RLS không rõ. Tuy nhiên, RLS có thể liên quan đến di truyền. Nhiều thành viên trong cùng một gia đình mắc RLS và khởi phát triệu chứng trước tuổi 40. Hiện nay đã xác định được 5 nhiễm sắc thể chứa gen liên quan đến RLS. 

Bên cạnh đó RLS có liên quan đến rối loạn dẫn truyền ở vòng nối các hạch nền trong não sử dụng dopamin làm chất dẫn truyền. Sự gián đoạn của những con đường này gây nên các vận động không tự chủ. Có bằng chứng cho rằng nồng độ sắt trong não thấp cũng có thể gây RLS. 

RLS cũng liên quan đến các yếu tố hoặc các điều kiện sau: 

  • Các bệnh mạn tính như suy thận, đái tháo đường và bệnh lý thần kinh ngoại vi. 

  • Một số thuốc như thuốc chống nôn, thuốc chống loạn thần... có thể làm nặng thêm các triệu chứng. 

  • Tình trạng mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng cuối. Hầu hết trường hợp, các triệu chứng biến mất trong vòng 4 tuần sau khi sinh. 

  • Uống rượu và thiếu ngủ cũng có thể làm nặng thêm hoặc gây ra triệu chứng ở một số cá nhân. 

Giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn các yếu tố này làm giảm triệu chứng RLS, tuy nhiên việc loại bỏ các yếu tố trên có giúp khỏi bệnh hẳn hay không thì vẫn chưa đủ bằng chứng.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải Hội chứng chân không nghỉ?

Mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc hội chứng chân không nghỉ, ngay cả đối tượng là trẻ em. Tình trạng này phổ biến hơn khi tuổi tác ngày càng cao và ở phụ nữ hơn nam giới.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải Hội chứng chân không nghỉ

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Hội chứng chân không nghỉ, bao gồm:

  • Bệnh lý thần kinh ngoại biên: Tổn thương các dây thần kinh ở bàn tay và bàn chân đôi khi do các bệnh mãn tính như đái tháo đường và nghiện rượu.
  • Thiếu sắt: Ngay cả khi không bị thiếu máu, thiếu sắt có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm RLS. Nếu bệnh nhân có tiền sử xuất huyết dạ dày hoặc ruột, kinh nguyệt ra nhiều hoặc hiến máu nhiều lần, có thể bị thiếu sắt.
  • Suy thận: Nếu bị suy thận, bệnh nhân cũng có thể bị thiếu sắt và thường thiếu máu. Khi thận hoạt động bất thường, lượng sắt dự trữ trong máu có thể giảm xuống. Điều này và những thay đổi khác trong cơ thể góp phần khởi phát hoặc làm trầm trọng thêm RLS .
  • Tình trạng tuỷ sống: Các tổn thương trên tủy sống do bệnh lý hoặc chấn thương có liên quan đến RLS . Tiền sư gây mê tủy sống cũng làm tăng nguy cơ RLS tiến triển.
  • Bệnh Parkinson: Những người bị bệnh Parkinson và dùng một số thuốc chủ vận dopaminergic có nguy cơ mắc RLS cao hơn.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán Hội chứng chân không nghỉ

Chẩn đoán RLS dựa trên các tiêu chí do Nhóm Nghiên cứu Hội chứng Chân không nghỉ Quốc tế (International Restless Legs Syndrome Study Group - IRLSSG) thiết lập như sau:

  • Cảm giác cần di chuyển, rung lắc chân mạnh, thường không cưỡng lại được và kèm theo cảm giác khó chịu.

  • Các triệu chứng bắt đầu hoặc trở nên tồi tệ hơn khi đang nghỉ ngơi, như ngồi hoặc nằm.

  • Các triệu chứng thuyên giảm một phần hoặc tạm thời nhờ vận động, như đi bộ hoặc kéo căng cơ.

  • Các triệu chứng tồi tệ hơn vào ban đêm.

  • Các triệu chứng không thể được giải thích chỉ bởi một tình trạng bệnh lý hoặc hành vi khác.

Bác sĩ tiến hành khám sức khỏe. 

Xét nghiệm máu, đặc biệt đối với tình trạng thiếu sắt, để loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây ra các triệu chứng.

Ngoài ra, cũng có thể chỉ định khám thần kinh để đánh giá chất lượng giấc ngủ.

Phương pháp điều trị Hội chứng chân không nghỉ hiệu quả

Nội khoa

Một số loại thuốc kê đơn, hầu hết đều để điều trị các bệnh khác được chỉ định để giảm tình trạng bồn chồn ở chân. Bao gồm:

  • Thuốc làm tăng dopamine trong não: Ảnh hưởng đến nồng độ dopamine - chất dẫn truyền hóa học trong não. Rotigotine và pramipexole đã được FDA phê duyệt để điều trị RLS từ trung bình đến nặng. Các tác dụng phụ ngắn hạn của những loại thuốc này thường nhẹ và bao gồm buồn nôn, choáng váng và mệt mỏi. Tuy nhiên, chúng cũng có thể gây ra các rối loạn kiểm soát xung động, như nghiện cờ bạc và buồn ngủ vào ban ngày.
  • Thuốc chống động kinh, tác động đến kênh calci như gabapentin, pregabalin và gabapentinosystemcarbil có tác dụng đối với một số người bị RLS.
  • Thuốc giãn cơ và thuốc ngủ: Giúp bệnh nhân ngủ ngon hơn vào ban đêm, nhưng không loại bỏ được cảm giác ở chân và  có thể gây buồn ngủ vào ban ngày. Chỉ được chỉ định loại thuốc này nếu không có phương pháp điều trị nào khác giúp giảm đau.
  • Thuốc gây nghiện: Được sử dụng chủ yếu để làm giảm các triệu chứng nghiêm trọng, nhưng có thể gây nghiện nếu sử dụng với liều lượng cao. Các thuốc này bao gồm tramadol, codeine, oxycodone và hydrocodone.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Hội chứng chân không nghỉ

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Nói với người khác về tình trạng bệnh: Chia sẻ thông tin về RLS sẽ giúp các thành viên trong gia đình, bạn bè và đồng nghiệp hiểu rõ hơn khi họ thấy bệnh nhân đi lại hoặc làm mát chân quá nhiều lần trong ngày.

  • Đừng cưỡng lại nhu cầu vận động: Nếu cố gắng kìm chế ý muốn di chuyển, triệu chứng có thể trở nên tồi tệ hơn.

  • Viết nhật ký giấc ngủ: Theo dõi các loại thuốc và tác nhân giúp ngủ ngon hoặc gây mất ngủ để có kế hoạch phòng tránh/ tăng cường phù hợp.

  • Kéo căng và xoa bóp: Bắt đầu và kết thúc một ngày bằng các bài tập kéo giãn cơ hoặc xoa bóp nhẹ nhàng.

  • Bỏ hút thuốc lá và uống rượu bia do gây nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và hệ thần kinh.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Kết hợp nhiều loại trái cây tươi và rau quả vào chế độ ăn uống với trọng tâm là các loại rau có lá màu xanh đậm.
  • Ăn nhiều loại thực phẩm giàu chất sắt như thịt nạc và vitamin D có trong rau bina và một số loại cá.
  • Kali có vai trò quan trọng trong chức năng cơ và thần kinh, giúp giảm triệu chứng của hội chứng chân không yên. Một số thực phẩm giàu kali như chuối, rau xanh...
  • Tránh thực phẩm chế biến sẵn, đường và thực phẩm chiên rán có thể khiến tăng cân. 

Phương pháp phòng ngừa Hội chứng chân không nghỉ hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Thử tắm và mát-xa: Ngâm mình trong bồn nước ấm và xoa bóp chân có thể làm thư giãn các cơ.
  • Chườm ấm hoặc chườm mát: Sử dụng nhiệt hoặc lạnh, hoặc xen kẽ cả hai có thể làm giảm cảm giác chân tay.
  • Thiết lập vệ sinh giấc ngủ tốt: Mệt mỏi có xu hướng làm trầm trọng thêm các triệu chứng của RLS, vì vậy điều quan trọng là phải giấc ngủ tốt. Tốt nhất là có môi trường ngủ thoáng mát, yên tĩnh, thoải mái; đi ngủ và dậy vào cùng một giờ hàng ngày; và ngủ ít nhất bảy giờ mỗi đêm.
  • Tập thể dục: Tập thể dục vừa phải, thường xuyên để làm giảm các triệu chứng của RLS , nhưng tập luyện quá sức hoặc tập thể dục quá muộn trong ngày có thể làm tăng các triệu chứng.
  • Tránh caffeine: Đôi khi cắt giảm lượng caffein giúp cải thiện triệu chứng. Cố gắng tránh các sản phẩm có chứa caffeine, bao gồm chocolate, cà phê, trà và nước ngọt, trong vài tuần để xem liệu điều này có hữu ích hay không.
  • Cân nhắc sử dụng túi quấn chân hoặc đệm rung: Băng quấn chân được thiết kế đặc biệt cho những người bị RLS tạo áp lực cho bàn chân và có thể giúp giảm các triệu chứng. Bệnh nhân cũng có thể cảm thấy cải thiện hơn khi sử dụng một miếng đệm rung ở mặt sau của chân.
 
Nguồn tham khảo
  1. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/restless-legs-syndrome
  2. https://www.webmd.com/brain/restless-legs-syndrome/what-to-know-diet-restless-leg-syndrome
  3. https://suckhoedoisong.vn/ban-biet-gi-ve-hoi-chung-chan-khong-nghi-16950642.htm

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024