Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
13/07/2023 21:07 # 1
vovanhoa1411
Cấp độ: 18 - Kỹ năng: 1

Kinh nghiệm: 84/180 (47%)
Kĩ năng: 1/10 (10%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1614
Được cảm ơn: 1
Hội chứng ống cổ tay là gì? Nguyên nhân gây bệnh, phương pháp điều trị và nguyên tắc phòng ngừa


Hội chứng ống cổ tay xảy ra do sự chèn ép dây thần kinh giữa khi nó đi qua ống cổ tay ở cổ tay. Các triệu chứng bao gồm đau và dị cảm ở vùng phân bố thần kinh giữa. Chẩn đoán dựa trên các triệu chứng, dấu hiệu và khẳng định bằng phương pháp đo vận tốc dẫn truyền thần kinh. Điều trị hội chứng ống cổ tay bao gồm thay đổi tư thế làm việc, dùng thuốc giảm đau, nẹp cổ tay và đôi khi tiêm corticosteroid hoặc phẫu thuật.

Tìm hiểu chung

Hội chứng ống cổ tay là gì? 

Ống cổ tay là một lối đi hẹp được bao quanh bởi xương và dây chằng ở lòng bàn tay. Hội chứng ống cổ tay xảy ra khi dây thần kinh giữa bị chèn ép dẫn đến giảm tưới máu màng ngoài của dây thần kinh và rối loạn dẫn truyền trên sợi trục. Lâu ngày, bệnh nhân sẽ xuất hiện của triệu chứng lâm sàng của tổn thương dây giữa.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của Hội chứng ống cổ tay

Các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay bao gồm đau bàn tay và cổ tay kèm theo ngứa ran và tê, phân bố dọc theo dây thần kinh giữa (ở lòng bàn tay của ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa và nửa hướng tâm của ngón đeo nhẫn) nhưng một số trường hợp có thể là toàn bộ bàn tay.

Đặc biệt, bệnh nhân thức dậy vào ban đêm với cảm giác đau rát, nhức nhối, tê, ngứa ran và cần phải lắc tay để giảm, phục hồi cảm giác. Các triệu chứng dạng ngón tay cái, teo và yếu cơ đối chiều có thể xuất hiện muộn.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến Hội chứng ống cổ tay

Có nhiều nguyên nhân gây hội chứng ống cổ tay. Trong đó nguyên nhân thường gặp như công việc đòi hỏi phải vận động cổ tay nhiều, chấn động rung do dụng cụ cầm tay, viêm và xơ hóa các dây chằng vùng cổ tay, thoát vị bao hoạt dịch khớp cổ tay… Các bệnh nhân mắc nhiễm độc rượu mạn tính, viêm đa dây thần kinh do đái tháo đường cũng thường gặp phải hội chứng này.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải Hội chứng ống cổ tay?

Mọi đối tượng đều có nguy cơ mắc hội chứng ống cổ tay. Bệnh đặc biệt phổ biến và thường gặp nhất là ở phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 50.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải Hội chứng ống cổ tay

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Hội chứng ống cổ tay, bao gồm:

  • Yếu tố giải phẫu: Gãy hoặc trật khớp cổ tay, viêm khớp làm biến dạng các xương nhỏ ở cổ tay, có thể làm thay đổi không gian bên trong ống cổ tay và gây áp lực lên dây thần kinh giữa. Những người có ống cổ tay nhỏ hơn có thể dễ bị hội chứng này hơn.

  • Giới tính: Hội chứng ống cổ tay thường phổ biến hơn ở phụ nữ, có thể là do ống cổ tay ở phụ nữ tương đối nhỏ hơn ở nam giới.

  • Tình trạng tổn thương thần kinh: Một số bệnh mãn tính, như bệnh đái tháo đường, làm tăng nguy cơ tổn thương dây thần kinh, bao gồm tổn thương dây thần kinh giữa.

  • Tình trạng viêm nhiễm: Viêm khớp dạng thấp và các bệnh lý khác có thành phần gây viêm ảnh hưởng đến lớp niêm mạc xung quanh gân ở cổ tay và gây áp lực lên dây thần kinh giữa.

  • Thuốc men: Một số nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa hội chứng ống cổ tay và việc sử dụng anastrozole - thuốc điều trị ung thư vú.

  • Béo phì: Béo phì là một yếu tố nguy cơ của hội chứng ống cổ tay.

  • Dịch cơ thể thay đổi: Giữ nước có thể làm tăng áp lực trong ống cổ tay, gây kích thích dây thần kinh giữa. Điều này là phổ biến trong thời kỳ mang thai và mãn kinh. Hội chứng ống cổ tay liên quan đến mang thai thường sẽ tự khỏi sau khi sinh.

  • Tình trạng sinh lý, bệnh lý khác: Một số tình trạng như mãn kinh, rối loạn tuyến giáp, suy thận và phù bạch huyết có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng ống cổ tay.

  • Các yếu tố về nơi làm việc: Làm việc với các công cụ gây rung chấn, trên dây chuyền lắp ráp cần phải gập cổ tay lâu hoặc lặp đi lặp lại có thể tạo ra áp lực xấu lên dây thần kinh giữa hoặc làm trầm trọng thêm tổn thương dây thần kinh hiện có, đặc biệt nếu làm việc trong môi trường lạnh.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán Hội chứng ống cổ tay

Lâm sàng

Chẩn đoán hội chứng ống cổ tay chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng bao gồm cơ năng và thực thể. 

Triệu chứng cơ năng: 

Dị cảm, đau hoặc tê bì các ngón do dây giữa chi phối (ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa, 1/2 ngón áp út) và gan bàn tay tương ứng với các ngón đó. Cơn đau tăng khi gấp duỗi cổ tay nhiều lần hoặc về đêm.

Triệu chứng thực thể:

  • Teo cơ mô cái.

  • Dấu hiệu Tinel dương tính: Cảm giác đau hay tê giật các ngón tay khi gõ trên ống cổ tay lúc cổ tay duỗi tối đa.

  • Dấu hiệu Phalen dương tính: Cảm giác tê tới các đầu ngón tay hi gấp cổ tay tối đa (đến 90º) trong ít nhất là 1 phút.

Cận lâm sàng

Để xác nhận chẩn đoán, giai đoạn bệnh, khả năng phục hồi sau điều trị và tiên lượng được tổn thương có thể xảy ra ở chi khác khi chưa có biểu hiện lâm sàng, thực hiện phương pháp đo điện thần kinh và siêu âm đầu dò phẳng tần số cao.

Đo điện thần kinh:

  • Thời gian tiềm dây giữa cảm giác > 3,2 ms và vận động > 4,2 ms.

  • Tốc độ đo dẫn truyền cảm giác và vận động của dây thần kinh giữa < 50m/s ở cổ tay.

Siêu âm đầu dò phẳng:

Siêu âm đầu dò phẳng tần số 12 HZ: CSA–I (Thiết diện cắt ngang đầu vào) > 9,5mm2 và CSA–O (Thiết diện cắt ngang đầu ra) > 9,2mm2.

Phương pháp điều trị Hội chứng ống cổ tay hiệu quả

Nẹp cổ tay

Thanh nẹp giữ cố định cổ tay khi ngủ có thể giúp giảm cảm giác dị cảm, đau, tê bì vào ban đêm và ngăn ngừa các triệu chứng ban ngày. Băng nẹp cũng phù hợp để chỉ định cho phụ nữ mang thai.

Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID)

Thuốc NSAID như ibuprofen, naproxen, diclofenac, indomethacin có thể giúp giảm đau và tình trạng viêm do hội chứng ống cổ tay trong thời gian ngắn (1 - 2 tuần).

Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy những loại thuốc này cải thiện hội chứng ống cổ tay.

Corticosteroid

Tiêm corticosteroid như cortisone vào ống cổ tay để giảm đau. 

Corticosteroid làm giảm viêm và sưng tấy, giảm áp lực lên dây thần kinh giữa. Corticosteroid đường uống không cho hiệu quả như tiêm corticosteroid để điều trị.

Nếu hội chứng ống cổ tay do viêm khớp dạng thấp hoặc một bệnh viêm khớp khác gây ra, thì điều trị viêm khớp có thể làm giảm các triệu chứng này. 

Phẫu thuật

Nếu các triệu chứng nghiêm trọng hoặc không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt dây chằng đè lên dây thần kinh giữa, giảm áp lực lên dây thần kinh ở ống cổ tay.

Hai kỹ thuật được thực hiện bao gồm:

  • Phẫu thuật nội soi.

  • Phẫu thuật mở. 

Phẫu thuật nội soi ít gây đau hơn so với phẫu thuật mở trong vài ngày hoặc vài tuần đầu sau phẫu thuật.

Rủi ro phẫu thuật bao gồm:

  • Giải phóng không hoàn toàn của dây chằng;

  • Nhiễm trùng vết thương;

  • Sự hình thành sẹo;

  • Tổn thương dây thần kinh hoặc mạch máu.

Trong quá trình hồi phục sau phẫu thuật, các mô dây chằng dần dần phát triển trở lại đồng thời tạo thêm chỗ cho dây thần kinh. Quá trình chữa lành bên trong này thường mất vài tháng, nhưng da sẽ lành sau vài tuần.

Sau khi phẫu thuật, cần tránh cử động tay quá mạnh. Nên tập sử dụng tay sau khi dây chằng đã lành để phục hồi chức năng tay như bình thường.

Có thể mất từ ​​vài tuần đến vài tháng để triệu chứng đau nhức hoặc yếu cơ biến mất hoàn toàn. Nếu tình trạng ban đầu rất nghiêm trọng, triệu chứng có thể không biến mất hoàn toàn sau khi phẫu thuật.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Hội chứng ống cổ tay

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Giữ ấm bàn tay và cổ tay.

  • Thường xuyên co duỗi tay để giảm chèn ép và tăng lưu thông máu.

  • Điều chỉnh tư thế làm việc, học tập phù hợp. Không giữ nguyên một tư thế quá lâu.

Chế độ dinh dưỡng:

Hạn chế sử dụng các thực phẩm như:

  • Tinh bột tinh chế có trong ngũ cốc đã loại bỏ chất xơ, nước ngọt, bánh kẹo...

  • Chất béo bão hoà và chất béo chuyển hóa (trong thịt chế biến sẵn, bơ thực vật, bánh ngọt...).

  • Rượu: Uống quá nhiều đồ uống có cồn gây tăng mức độ viêm trong cơ thể.

  • Đồ mặn: Muối gây giữ nước, làm trầm trọng thêm tình trạng sưng và áp lực lên dây thần kinh giữa.

  • Đồ chiên (khoai tây chiên, gà rán...): Thường chứa nhiều chất béo chuyển hóa và muối. 

Tăng cường các thực phẩm chứa các chất sau vào bữa ăn:

  • Omega-3 (dầu cá, cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá trích...): Có đặc tính chống viêm và bảo vệ thần kinh.

  • Chất chống oxy hoá: Có trong việt quất, dâu tây, chanh cam, ớt chuông, rau bina, các loại thảo mộc, quả óc chó... giúp giảm viêm và giảm triệu chứng của hội chứng.

  • Vitamin B6 (thịt heo, cá hồi, thịt gia cầm, chuối, đậu xanh) và vitamin B12 (sò, cá hồi, cá ngừ, trứng, gan...) giúp giảm đau và giảm tổn thương thần kinh.

  • Nghệ: Chứa curcumin chống oxy hóa, chống viêm và bảo vệ thần kinh ngoại vi.

Phương pháp phòng ngừa Hội chứng ống cổ tay hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Giảm lực và thả lỏng tay cầm: Nếu công việc cần sử dụng máy tính tiền hoặc bàn phím trong thời gian dài, hãy nhấn nhẹ các phím. Khi viết nhiều, nên sử dụng bút có độ lớn phù hợp với tay, tay cầm mềm và mực chảy đều.

  • Nghỉ giải lao giữa buổi làm việc. Nhẹ nhàng duỗi và gấp bàn tay, cổ tay định kỳ.

  • Tránh gập cổ tay quá mức trong thời gian dài. Để bàn phím cao bằng khuỷu tay hoặc thấp hơn một chút.

  • Cải thiện tư thế làm việc. Tư thế không đúng sẽ cuộn vai về phía trước, làm ngắn cơ cổ vai và chèn ép dây thần kinh ở cổ ảnh hưởng đến cổ tay, ngón tay, bàn tay, và có thể gây đau cổ.

  • Thay đổi chuột máy tính để đảm bảo sự thoải mái và không làm mỏi cổ tay.

  • Giữ ấm bàn tay vì có thể bị đau và cứng tay khi làm việc trong môi trường lạnh. Nếu không thể kiểm soát nhiệt độ tại nơi làm việc, hãy đeo găng tay để giữ ấm bàn tay và cổ tay.

 
Nguồn tham khảo
  1. https://www.msdmanuals.com/
  2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/carpal-tunnel-syndrome
  3. https://www.healthline.com/health/carpal-tunnel-foods-to-avoid
  4. http://benhvien108.vn/chan-doan-va-dieu-tri-hoi-chung-ong-co-tay.htm

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024