Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
21/06/2023 12:06 # 1
vovanhoa1411
Cấp độ: 18 - Kỹ năng: 1

Kinh nghiệm: 84/180 (47%)
Kĩ năng: 1/10 (10%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1614
Được cảm ơn: 1
Vàng da là gì? Những nguyên nhân não dẫn đến vàng da và cách điều trị ra sao?


Vàng da không phải là một tình trạng bệnh lý cụ thể mà đó là chỉ dấu cho một tình trạng bệnh khác làm tăng bilirubin dẫn đến biểu hiện vàng da. Do đó, cần xác định sớm nguyên nhân gây vàng da và có hướng điều trị đúng đắn kịp thời để không dẫn đến các hậu quả và biến chứng nghiêm trọng ngoài ý muốn. Vậy thế nào được gọi là vàng da? Vàng da có thể do các nguyên nhân bệnh lý nào gây ra? Khi nào cần tìm đến sự hỗ trợ của bác sỹ để kịp thời điều trị bệnh lý căn nguyên?

Tìm hiểu chung

Vàng da là gì? 

Vàng da: Là bệnh biểu hiện bởi sự chuyển màu vàng ở da và niêm mạc do tăng bilirubin máu. Chứng vàng da nhìn thấy được khi nồng độ bilirubin là khoảng 2 - 3 mg/dl (34 - 51 μmol/l). 

Vàng da sơ sinh: Ở hầu hết trẻ sơ sinh, vàng da là hiện tượng sinh lý do tăng phá hủy hồng cầu phôi thai, sự giảm chức năng của các men chuyển hóa do tế bào gan sản xuất và tăng chu trình ruột gan. Tuy nhiên ở một số trường hợp, nếu lượng bilirubin gián tiếp trong máu tăng quá cao dẫn đến vàng da nhân sơ sinh, bệnh này khá nghiêm trọng, có thể làm tử vong hoặc gây ra biến chứng thần kinh suốt đời.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của vàng da

Tăng bilirubin máu có thể làm cho nước tiểu sẫm màu trước khi có biểu hiện vàng da.
Những triệu chứng quan trọng có liên quan bao gồm: Sốt, các tiền triệu chứng (như sốt, mệt mỏi, đau mỏi cơ) trước vàng da, thay đổi màu sắc phân, ngứa, phân mỡ, đau bụng. 

Đối với trường hợp vàng da nghiêm trọng, thường có các triệu chứng gợi ý như: Buồn nôn và nôn, giảm cân và các triệu chứng của rối loạn đông máu (như: Da hay có các vết bầm tím hoặc xuất huyết, đi tiêu phân đen hoặc phân máu).

Vàng da sơ sinh: Cần quan sát da trẻ hàng ngày, đặc biệt trong vòng hai tuần đầu sau sinh. Cần quan sát tình trạng vàng da dưới môi trường ánh sáng tự nhiên để phân biệt rõ tình trạng vàng da của trẻ. Khi dùng tay ấn nhẹ lên da từ 2 - 5 giây, tại vùng ngực, bụng, đùi, cẳng chân, bàn chân của trẻ, lúc thả tay ra thì vùng đó có màu vàng khả năng cao trẻ bị vàng da. 

Biến chứng có thể gặp khi mắc vàng da

Một số biến chứng nặng nếu vàng da sơ sinh không được phát hiện và chữa trị kịp thời:

Bệnh não cấp do tăng bilirubin

Giai đoạn sớm: Hiện tượng vàng da nhiều, trẻ hay ngủ gà, giảm trương lực cơ, bú kém.

Giai đoạn trung gian: Trẻ lờ đờ, dễ bị kích thích và tăng trương lực cơ, có thể sốt, khóc the thé và giảm trương lực cơ, có thể có cả tăng trương lực cơ biểu hiện bằng hành vi ưỡn cổ và thân. Việc thay máu trong giai đoạn này có thể cải thiện được các biểu hiện thần kinh ở một số trường hợp.

Giai đoạn nặng: Hệ thần kinh bị tổn thương nặng và không thể hồi phục được, biểu hiện bằng tư thế ưỡn cổ và thân, khóc the thé, không bú được, có cơn ngưng thở, dẫn đến hôn mê, và cuối cùng là co giật và tử vong ở một số trường hợp.

Bệnh não mạn do tăng bilirunin (vàng da nhân): Trẻ có biểu hiện của bại não thể múa vờn, rối loạn thính lực, loạn sản răng, hiếm gặp thiểu năng trí tuệ và các tàn tật khác.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi có những dấu hiệu cảnh báo sau đây cần đến gặp bác sỹ ngay lập tức:

  • Đau bụng rõ và ấn đau.
  • Thay đổi ý thức.
  • Xuất huyết tiêu hóa.
  • Xuất hiện các mảng xuất huyết, chấm xuất huyết, hoặc ban xuất huyết.

Những người không có dấu hiệu cảnh báo nêu trên, nên đến gặp bác sỹ trong vòng vài ngày sau khi khởi phát vàng da bất thường (không rõ nguyên nhân).

Vàng da sơ sinh: Khi có các dấu hiệu sau cần gặp bác sỹ thăm khám ngay:

  • Vàng da xuất hiện trong 3 ngày đầu sau sinh, đặc biệt trong vòng 24 giờ đầu.
  • Vàng da kéo dài trên 14 ngày đối với trẻ đủ tháng và kéo dài trên 21 ngày đối với trẻ sinh thiếu tháng.
  • Vàng da với biểu hiện lan nhanh đến đùi hoặc cẳng chân, bàn chân trong những ngày đầu sau khi sinh.
  • Da vàng nhiều hơn (màu vàng xạm, không tươi hoặc vàng chanh), hoặc xuất hiện màu vàng ở vùng kết mạc mắt.
  • Vàng da đi kèm với bỏ bú, bú kém hoặc nôn trớ.
  • Khó đánh thức trẻ khi ngủ, trẻ bứt rứt hoặc kích thích, biểu hiện gồng cứng hoặc co giật.
  • Nồng độ bilirubin trong máu tăng, cao hơn mức độ sinh lý bilirubin gián tiếp > 12 mg/dl (đối với trẻ đủ tháng) và > 15 mg/dl (đối với trẻ non tháng).
     

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến vàng da

Các nguyên nhân thông thường nhất gây ra vàng da gồm: Viêm gan (viêm gan virus, viêm gan tự miễn, tổn thương gan do độc), bệnh gan do rượu, tắc mật.

Ngoài ra, nhiều bệnh lý khác hoặc việc sử dụng 1 số loại thuốc và chất độc cũng có thể dẫn đến vàng da.

Cơ chế và một số nguyên nhân gây ra bệnh vàng da ở người lớn:

Tăng bilirubin không liên hợp trong máu:

  • Tăng sản xuất bilirubin:
    • Phổ biến: Tan máu;
    • Ít phổ biến hơn: Tái hấp thu khối máu tụ lớn, tạo hồng cầu không hiệu quả.
  • Giảm hấp thu bilirubin tại gan:
    • Phổ biến: Suy tim; 
    • Ít phổ biến hơn: Do thuốc, nhịn ăn, các shunt cửa chủ.
  • Giảm liên hợp bilirubin tại gan:
    • Phổ biến: Hội chứng Gilbert;
    • Ít phổ biến hơn: Ethinyl estradiol, hội chứng Crigler-Najjar, cường giáp.

Tăng bilirubin liên hợp máu:

  • Rối loạn chức năng tế bào gan:
    • Phổ biến: Thuốc, chất độc, virus viêm gan.
    • Ít phổ biến hơn: Bệnh gan do rượu, bệnh ứ sắt, ứ mật tiên phát, viêm gan mỡ,...
  • Ứ mật tại gan:
    • Phổ biến: Bệnh gan do rượu, thuốc, độc chất, viêm gan virus. 
    • Ít gặp hơn: Các bệnh lý thâm nhiễm (như bệnh amyloid, u lympho, bệnh sarcoid, lao), mang thai, viêm đường mật tiên phát, viêm gan mỡ.
  • Bệnh ứ mật ngoài gan:
    • Phổ biến: Sỏi ống mật chủ, ung thư tuyến tụy.
    • Ít gặp hơn: Viêm đường mật cấp, nang giả tụy, viêm xơ đường mật tiên phát, hẹp ống mật chủ do phẫu thuật trước đó, các khối u khác.

Các cơ chế khác, ít phổ biến hơn: Rối loạn di truyền (chủ yếu Hội chứng Dubin-Johnson và Hội chứng Rotor).

Một số thuốc và chất độc có thể gây vàng da thông qua các cơ chế dưới đây:

  • Tăng bilirubin sản xuất: Các thuốc gây giảm bạch cầu (thường gặp ở những bệnh nhân thiếu hụt G6PD), như thuốc sulfa và nitrofurantoin.
  • Giảm hấp thu bilirubin tại gan: Chloramphenicol, probenecid, rifampin.
  • Giảm liên hợp: Ethinyl estradiol.
  • Rối loạn chức năng tế bào gan: Acetaminophen (liều cao hoặc quá liều), amiodaron, isoniazid, NSAIDs, statin, nhiều thuốc khác, nhiều thuốc phối hợp, nấm Amanita phalloides, cacbon tetrachlorua, phốt pho.
  • Ứ mật trong gan: Amoxicillin/clavulanate, steroid đồng hoá, chlorpromazine, alkaloids pyrrolizidin (ví dụ như trong chế phẩm thảo dược), thuốc tránh thai đường uống, phenothiazines.
     

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ vàng da?

Đối tượng có tỉ lện nguy cơ cao mắc vàng da:

  • Nghiện rượu;
  • Ung thư đường tiêu hoá;
  • Tình trạng tăng đông;
  • Bệnh viêm đại tràng;
  • Mang thai;
  • Cắt túi mật trước đó;
  • Phẫu thuật gần đây.

Yếu tố làm tăng nguy cơ vàng da

Nghiện rượu, viêm gan,…

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán vàng da

Đánh giá tiền sử và bệnh sử

Đánh giá các hệ cơ quan cần thăm khám tìm triệu chứng của các nguyên nhân có thể gặp như sụt cân và đau bụng (ung thư); đau khớp và sưng (tự miễn hoặc viêm gan siêu vi, bệnh ứ sắt, viêm xơ đường mật tiên phát, bệnh sarcoid); và chậm kinh (mang thai).

Tiền sử bệnh lý xác định các bệnh lý nguyên nhân đã biết, ví dụ như bệnh gan mật (ví dụ, sỏi mật, viêm gan, xơ gan); bệnh lý có thể gây ra sự tan máu (ví dụ, bệnh lý hemoglobin, thiếu G6PD); và rối loạn liên quan đến bệnh lý gan hoặc bệnh đường mật, bao gồm bệnh viêm đại tràng, bệnh lý thâm nhiễm (ví dụ, bệnh amyloid, u lympho, bệnh sarcoid, lao), và nhiễm HIV hoặc AIDS.

Tiền sử dùng thuốc bao gồm việc sử dụng thuốc hoặc tiếp xúc với độc chất có ảnh hưởng đến gan và về việc tiêm phòng viêm gan.

Tiền sử ngoại khoa, bao gồm các phẫu thuật trước đây trên đường mật.

Tiền sử xã hội bao gồm các câu hỏi về các yếu tố nguy cơ viêm gan (như sống hoặc đi du lịch đến một khu vực có bệnh viêm gan phổ biến, đang chạy thận nhân tạo, dùng chung lưỡi dao cạo hoặc bàn chải đánh răng, xăm mình, làm việc trong cơ sở chăm sóc sức khỏe mà không được tiêm phòng viêm gan, quan hệ tình dục với người bị viêm gan,…) số lượng và thời gian sử dụng rượu, sử dụng thuốc tiêm, và tiền sử tình dục.

Tiền sử sử gia đình bao gồm các câu hỏi về bệnh vàng da mức độ nhẹ, tái phát ở các thành viên trong gia đình và các bệnh lý về gan di truyền đã được chẩn đoán. Tiền sử hút thuốc và uống rượu.

Khám lâm sàng

Kiểm tra dấu hiệu sinh tồn: Sốt và dấu hiệu nhiễm độc toàn thân (hạ huyết áp, tim đập nhanh).

Tình trạng toàn thân được ghi nhận, đặc biệt là suy kiệt và mệt mỏi.

Khám đầu và cổ: Kiểm tra niêm mạc và củng mạc phát hiện dấu hiệu vàng da và khám mắt phát hiện vòng Kayser-Fleischer. Quan sát củng mạc dưới ánh sáng tự nhiên để phát hiện vàng da thể nhẹ, biểu hiện khi nồng độ bilirubin huyết thanh từ 2 - 2,5 mg/dl (34 - 43 μmol/l). Kiểm tra mùi của hơi thở (hơi thở mùi gan).

Quan sát phần bụng tìm các dấu hiệu về tuần hoàn bàng hệ, cổ trướng, vết sẹo mổ cũ. Sờ gan kiểm tra dấu hiệu gan to, các khối, mật độ. Sờ lách phát hiện lách to. Kiểm tra phần bụng phát hiện thoát vị rốn, dấu hiệu sóng vỗ, các khối, đau khi ấn. Kiểm tra nếu có chảy máu trực tràng.

Đối với nam giới thì kiểm tra thêm tình trạng teo tinh hoàn và vú to.

Kiểm tra các chi trên phát hiện bệnh co thắt Dupuytren.

Khám thần kinh đánh giá tình trạng tâm thần và nghiệm pháp run vẫy cánh.

Khám da tìm vàng da, lòng bàn tay son, các vết kim đâm, sao mạch, vết trầy da, u vàng (phù hợp với viêm xơ đường mật tiên phát), thưa lông nách và lông mu, tăng sắc tố, bầm máu, đốm xuất huyết và ban xuất huyết.

Xét nghiệm cận lâm sàng

Tiến hành các xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm máu (bilirubin, aminotransferase AST và ALT, alkaline phosphatase ALP).
  • Thường có chẩn đoán hình ảnh.
  • Một số trường hợp bác sỹ sẽ chỉ định sinh thiết hoặc nội soi thăm dò.

Một số xét nghiệm khác được sử dụng như: Siêu âm ổ bụng; chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ; chụp cộng hưởng từ mật tụy (MRCP), siêu âm nội soi (EUS), hoặc ERCP; sinh thiết gan; nội soi chẩn đoán (nội soi ổ bụng),...

Phương pháp điều trị vàng da hiệu quả

Cần xác định nguyên nhân gây vàng da và điều trị triệt để.

Nếu vàng da do viêm gan siêu vi cấp tính, bệnh có thể biến mất dần dần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, viêm gan có thể trở thành bệnh mãn tính, ngay cả khi triệu chứng vàng da biến mất. Bản thân bệnh vàng da không cần điều trị ở người lớn.

Triệu chứng ngứa có thể được giảm bớt khi dùng cholestyramine 2 đến 8g uống 2 lần/ngày. Lưu ý cholestyramine không có hiệu quả trên những bệnh nhân tắc nghẽn mật hoàn toàn.

Đối với tình trạng tắc ống mật, có thể dùng thủ thuật để mở ống mật (nội soi mật tụy ngược dòng [ERCP]).

Các phương pháp được sử dụng điều trị vàng da sơ sinh:

  • Chiếu đèn: Đây là phương pháp điều trị được sử dụng rộng rãi, an toàn và hiệu quả nhất để làm giảm nồng độ bilirubin gián tiếp trong máu và cũng được sử dụng để phòng ngừa bệnh não cấp do tăng bilirubin ở trẻ sơ sinh trong những ngày đầu sau sinh.
  • Thay máu: Được chỉ định khi vàng da nặng đến lòng bàn tay, bàn chân (< 1 tuần) + bắt đầu có biểu hiện thần kinh, hoặc mức bilirubin máu tăng cao > 20 mg% + bắt đầu có biểu hiện thần kinh (li bì, bú kém).
     

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của vàng da

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình điều trị. 
  • Liên hệ ngay với bác sỹ khi cơ thể có những dấu hiệu bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Chế độ dinh dưỡng:

Uống nhiều nước để cơ thể dễ dàng thanh lọc độc tố.

Các loại trái cây, thực phẩm bổ sung enzym tiêu hóa giúp giảm bilirubin như: Cam, đu đủ, xoài, khóm (thơm), mật ong, bưởi, bơ, nho,…

Bổ sung chất xơ từ các loại rau họ cải như bông cải, cây họ đậu, các loại ngũ cốc,…

Phương pháp phòng ngừa vàng da hiệu quả

Phương pháp phòng vàng da do bệnh ở gan, mật gây ra, tránh mắc các bệnh về gan thì cần tiêm phòng vaccin viêm gan, ăn uống và sinh hoạt phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Không nên sử dụng các loại rượu kém chất lượng như rượu tự nấu và rượu tự pha chế. Nếu mắc các bệnh về đường mật (kể cả bệnh túi mật) cần tuẩn thủ điều trị để được điều trị dứt điểm. 

Những vùng đang có bệnh sốt rét lưu hành cần đề phòng muỗi đốt (có các biện pháp như ngủ mùng, sửa dụng thuốc diệt muỗi,…); tiêu diệt lăng quăng và muỗi trưởng thành để tránh mắc bệnh sốt rét vì hậu quả của bệnh này có thể dẫn đến xơ gan. 

Nên tẩy giun định kỳ nhằm tiêu diệt giun và trứng giun, đặc biệt là giun đũa để tránh hậu quả sỏi mật do giun chui ống mật.

Phụ nữ có thai nên được khám thai định kỳ để theo bác sỹ dõi tình trạng thai nhi và tư vấn dưỡng thai hiệu quả tránh sinh non, thiếu tháng.

 
Nguồn tham khảo
  1. Msdmanuals: https://www.msdmanuals.com/home/liver-and-gallbladder-disorders/manifestations-of-liver-disease/jaundice-in-adults 
  2. Hoàn mỹ sài gòn: Vàng da ở người trưởng thành, bệnh gì? https://www.hoanmysaigon.com/vang-da-o-nguoi-truong-thanh-benh-gi.html 
  3. https://suckhoedoisong.vn/canh-giac-voi-dau-hieu-vang-da-169146096.htm 
  4. Bệnh viện 108: Vàng da ở trẻ sơ sinh https://www.benhvien108.vn/vang-da-o-tre-so-sinh-nhung-dieu-bo-me-tre-can-luu-y.htm 
  5. https://www.healthline.com/health/food-nutrition/diet-for-jaundice

 




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024