Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
15/06/2023 21:06 # 1
vovanhoa1411
Cấp độ: 18 - Kỹ năng: 1

Kinh nghiệm: 84/180 (47%)
Kĩ năng: 1/10 (10%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1614
Được cảm ơn: 1
TRẺ UỐNG SỮA BỊ TIÊU CHẢY (ĐI NGOÀI) VÌ SAO?


Nguyên nhân trẻ uống sữa bị tiêu chảy

Sữa là nguồn dinh dưỡng quý giá, cung cấp hàm lượng lớn các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như vitamin, khoáng chất, protein,… Với trẻ nhỏ, sữa giúp tăng cường hệ miễn dịch, phát triển chiều cao tối ưu và tăng cường hệ miễn dịch. Mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, thế nhưng không ít trẻ uống sữa bị tiêu chảy do các nguyên nhân sau:

trẻ uống sữa bị tiêu chảy

Sữa có thể khiến trẻ bị tiêu chảy do nhiều nguyên nhân

Trẻ bất dung nạp đường lactose

Nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng tiêu chảy khi trẻ uống sữa chính là do bất dung nạp đường lactose. Lactose là một dạng đường có trong sữa và các chế phẩm từ sữa động vật có vú, là nguồn cung cấp đường glucose cho các hoạt động của não và cơ thể, làm phân mềm và tạo sự vượt trội của vi khuẩn có lợi giúp phát triển hệ miễn dịch và tiêu hóa trong cơ thể trẻ.

Bất dung nạp lactose là tình trạng trẻ không có khả năng tiêu hóa và hấp thu đường lactose. Lượng đường lactose dư thừa được chuyển hóa thành acid lactic, gây nên những triệu chứng như: tiêu chảy, đi phân chua, hăm đỏ da quanh hậu môn, trướng bụng, sôi bụng,… Triệu chứng nặng hay nhẹ tùy thuộc vào lượng lactose dung nạp nhiều hay ít.

Có ba nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất dung nạp đường lactose của trẻ là:

  • Do bẩm sinh: trong một số trường hợp hiếm gặp, trẻ bị rối loạn nhiễm sắc thể gây ngăn cản sản xuất men lactase, dẫn đến cơ thể không dung nạp được lactose.
  • Nguyên nhân nguyên phát: là nguyên nhân thường gặp nhất do trẻ thiếu các lactase tương đối.
  • Nguyên nhân thứ phát: do tổn thương ruột non sau viêm dạ dày ruột. Trong trường hợp này, trẻ bị bất dung nạp lactose nhưng thoáng qua và có thể hồi phục sau khi bệnh viêm dạ dày ruột được chữa khỏi.

Trẻ bị dị ứng sữa

Ngoài bất dung nạp lactose, dị ứng sữa cũng là một nguyên nhân gây nên tình trạng tiêu chảy khi uống sữa ở trẻ. Dưới 1 tuổi là lứa tuổi bị dị ứng sữa nhiều nhất. Dị ứng đạm sữa bò có tỷ lệ mắc phải cao nhất trong các loại dị ứng thức ăn mà trẻ nhỏ thường hay gặp, chúng xuất hiện ở khoảng 2-7,5% trẻ trong độ tuổi này. Trẻ bị dị ứng sữa bò có thể có phản ứng sớm chỉ sau 1-2 giờ uống sữa, với triệu chứng nổi mẩn đỏ. Ở một số trẻ, biểu hiện của dị ứng sữa bò xuất hiện trong khoảng 2 giờ sau uống sữa. Trẻ nôn và tiêu chảy dữ dội hoặc đi ngoài phân máu, nhầy ở trẻ khoảng 6 tháng.

Trẻ uống sữa bị tiêu chảy (đi ngoài) vì sao?

Trẻ bị dị ứng sữa có thể xuất hiện những nốt mẩn đỏ trên da và tiêu chảy dữ dội

Nguyên nhân gây ra tình trạng dị ứng sữa ở trẻ là do hệ miễn dịch lầm tưởng các protein trong sữa là các kháng thể lạ và gây hại cho cơ thể, từ đó cơ thể tự động sản xuất ra các IgE có tác dụng trung hòa các protein này. Có 2 loại protein chính trong sữa có thể gây nên tình trạng dị ứng là:

  • Casein: được tìm thấy trong phần rắn (sữa đông) của sữa đông vón lại;
  • Whey: được tìm thấy trong phần lỏng còn lại của sữa sau khi sữa đông vón lại.

Trẻ bị dị ứng đạm sữa bò thường có thể mắc một số bệnh lý khác như: dị ứng với các loại thực phẩm khác, viêm da cơ địa, hen và viêm mũi dị ứng. Ngoài ra, dị ứng đạm sữa bò có tính chất di truyền. Những trẻ có bố hoặc mẹ có tiền sử mắc các bệnh dị ứng với thức ăn, thuốc, hen, viêm mũi dị ứng,…, thường có nguy cơ cao dị ứng đạm sữa bò.

Chọn sữa không phù hợp với trẻ

Ở một số trẻ uống sữa bị tiêu chảy là do cơ địa không phù hợp với loại sữa đang dùng. Ngoài ra, nếu ba mẹ lựa chọn loại sữa không phù hợp với độ tuổi của con cũng dẫn đến tình trạng bé khó hấp thu, dẫn đến rối loạn tiêu hóa.

  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi: chỉ nên bú sữa mẹ, nếu phải bú sữa ngoài thì mẹ nên chọn cho bé sữa công thức 1, có thành phần dinh dưỡng gần giống với sữa mẹ nhằm cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết để trẻ phát triển.
  • Lưu ý trong độ tuổi này, trẻ không nên dùng sữa bò tươi, sữa đặc có đường, sữa bột nguyên kem hoặc các loại sữa bột công thức dành cho trẻ trên 6 tháng.
  • Trẻ bắt đầu tròn 6 tháng: mẹ có thể đổi sang sữa công thức 2 cùng thương hiệu với loại sữa trước đó. Với thành phần dinh dưỡng cao hơn sữa công thức 1 đặc biệt là chất đạm, sữa công thức 2 sẽ đảm bảo nguồn dinh dưỡng cần thiết cho trẻ trong độ tuổi này.
  • Trẻ trên 1 tuổi: có thể dùng nhiều loại sữa trong ngày, có thể dùng sữa tươi và nếu cần thiết mẹ cũng có thể thay đổi sữa theo khẩu vị, ý thích của trẻ, hoàn cảnh gia đình,…

Lưu ý, mẹ không nên đổi sữa thường xuyên vì cơ thể trẻ cần có thời gian thích ứng với một loại sữa nào đó, để có sự tiêu hóa và hấp thu tốt nhất. Bên cạnh đó, mỗi một loại sữa có thể tự tạo ra một môi trường vi sinh đường ruột khác nhau. Khi đổi sữa sẽ làm thay đổi môi trường vi sinh đường ruột, ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa hấp thu sữa và các loại thức ăn khác.

Bảo quản sữa và quá trình pha sữa không đảm bảo vệ sinh

Sữa được bảo quản không đúng cách, đặc biệt là sữa bột, có thể làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng sữa, từ đó khiến trẻ bị tiêu chảy sau khi uống. Đậy nắp hộp sữa không kín, bảo quản sữa nơi ẩm ướt sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc xâm nhập, đe dọa sức khỏe của trẻ. Ngoài ra, trong quá trình pha chế sữa cho con, mẹ cũng nên lưu ý đến vấn đề vệ sinh. Mẹ rửa tay thật kỹ bằng xà phòng trước khi pha sữa cho bé, tráng bình sữa bằng nước ấm trước khi pha. Sau khi trẻ uống sữa xong, mẹ cần rửa sạch bình, tiệt trùng bình sữa và để ráo nơi khô thoáng. Sữa sau khi đã pha xong, mẹ cần cho trẻ uống ngay, không để quá lâu sữa trên 1 giờ ở nhiệt độ môi trường. Không nên giữ lại sữa của cữ bú trước để cho trẻ bú tiếp cữ bú sau.

Trẻ uống sữa bị tiêu chảy (đi ngoài) vì sao?

Bảo quản sữa và quá trình pha sữa không đảm bảo vệ sinh
cũng là nguyên nhân khiến trẻ uống sữa bị tiêu chảy

Giải pháp khi trẻ uống sữa bị tiêu chảy

Trẻ uống sữa bị tiêu chảy, vậy có nên cho trẻ uống sữa tiếp hay không là thắc mắc khá phổ biến của nhiều bậc phụ huynh. Sau khi loại trừ các nguyên nhân trẻ bị tiêu chảy do virus hay vi khuẩn gây nhiễm trùng tiêu hoá thì phụ huynh có thể nghĩ đến nguyên nhân từ sữa đang uống của trẻ.

Đối với trẻ bú mẹ, dù trẻ bị tiêu chảy thì mẹ vẫn nên cho trẻ tiếp tục bú sữa, không cho trẻ kiêng ăn. Thói quen kiêng ăn, giảm ăn có thể làm gia tăng nguy cơ gây tiêu chảy kéo dài và suy dinh dưỡng ở trẻ. Các yếu tố miễn dịch phong phú có trong sữa mẹ giúp tăng cường sự bảo vệ cho hệ miễn dịch, bao gồm cả hệ miễn dịch niêm mạc ruột của trẻ. Nucleotides có trong sữa mẹ giúp tái tạo niêm mạc ruột bị tổn thương do nhiễm trùng. Trẻ bú mẹ khi bị tiêu chảy có số lần đi ngoài ít hơn so với trẻ tiếp tục bú sữa bò.

Đối với những trẻ bất dung nạp lactose, mẹ nên loại trừ tất cả các thực phẩm có chứa lactose trong thực đơn hàng ngày của trẻ. Song song đó, mẹ cho trẻ uống sữa đặc chế không có lactose cho đến khi trẻ ngừng tiêu chảy hẳn. Sữa không có lactose được xem là giải pháp dinh dưỡng giúp trẻ vượt qua giai đoạn tiêu chảy, nhưng vẫn đảm bảo cung cấp nguồn dinh dưỡng đầy đủ để trẻ phục hồi sức khỏe. Ngoài ra, mẹ nên lưu ý bổ sung thêm canxi cho bé trong khoảng thời gian này, vì chế độ ăn không lactose sẽ ngăn cản sự hấp thu canxi. Bên cạnh đó, mẹ có thể bổ sung thêm sữa chua để giúp hỗ trợ đường ruột của bé sản sinh thêm nhiều lactase. Sau khoảng 1-2 tuần, khi ruột hồi phục, men lactase được sản xuất đầy đủ thì có thể cho trẻ trở lại chế độ ăn trước đó.

Đối với trẻ bị dị ứng đạm sữa bò, trẻ cần có chế độ ăn kiêng sữa bò và các chế phẩm từ sữa bò. Ngoài ra, sữa cũng có thể có trong nhiều loại thực phẩm khác, nên mẹ cần kiểm tra nhãn các sản phẩm này thật kỹ xem có thành phần của sữa hay không. Ví dụ, đạm sữa dê có thành phần tương tự như đạm sữa bò, vì thế cũng có thể khiến trẻ bị dị ứng và tiêu chảy khi uống sữa.

Khi bắt đầu cho trẻ uống một loại sữa mới, ba mẹ nên chia nhỏ hàm lượng sữa để cơ thể của bé thích nghi dần. Lúc đầu, ba mẹ có thể cho bé uống khoảng 20ml sữa và theo dõi khả năng tiếp thu sữa của trẻ rồi tăng dần. Nếu nghi ngờ loại sữa trẻ uống không phù hợp với cơ địa của trẻ, bạn có thể đến gặp các bác sĩ dinh dưỡng tại các trung tâm dinh dưỡng uy tín để được tư vấn loại sữa và chế độ dinh dưỡng bổ sung phù hợp nhất với trẻ.

Nhìn con lớn lên an toàn và khỏe mạnh là mong muốn của tất cả các bậc làm cha, mẹ. Do đó, bên cạnh lựa chọn loại sữa phù hợp với thể trạng của con, ba mẹ nên đưa con đi tiêm phòng những loại vắc xin cần thiết để bảo vệ sức khỏe của trẻ một cách toàn diện nhất, như: vắc xin phòng lao, viêm gan B, bạch hầu – ho gà – uốn ván, sởi – quai bị – rubella, vắc xin phòng các bệnh do phế cầu khuẩn, vắc xin phòng tiêu chảy do Rotavirus,…

Mời bạn xem thêm bài viết:

>> Có bao nhiêu loại vắc xin dành cho Trẻ em và Người lớn?
>> 
Lịch tiêm chủng cho trẻ
>> Gói vắc xin cho trẻ em

Hiện nay tại Việt Nam đang lưu hành ba loại vắc xin phòng bệnh tiêu chảy do Rotavirus là: vắc xin Rotarix (Bỉ), Rotateq (Mỹ) và Rotavin (Việt Nam).

Vắc xin Rotarix (Bỉ) có phác đồ uống cụ thể như sau:

  • Liều đầu tiên: bắt đầu lúc 6 tuần tuổi.
  • Liều thứ hai: sau đó 4 tuần.

Lưu ý, lịch trình uống vắc xin của trẻ phải kết thúc 2 liều trước 24 tuần tuổi. Nếu liều đầu tiên đã uống Rotarix thì liều thứ hai nên uống Rotarix.

Vắc xin Rotateq (Mỹ) có phác đồ uống cụ thể như sau:

  • Liều đầu tiên: bắt đầu khi trẻ 7.5 tuần tuổi.
  • Liều thứ hai: sau liều 1 là 4 tuần.
  • Liều thứ 3: sau liều 2 là 4 tuần.

Lưu ý, lịch trình uống vắc xin của trẻ phải kết thúc trước 32 tuần tuổi.

Vắc xin Rotavin (Việt Nam) có phác đồ uống cụ thể như sau:

  • Liều thứ 1: Bắt đầu khi trẻ được 6 tuần tuổi.
  • Liều thứ 2: Sau liều đầu tiên từ 1-2 tháng.



 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024