Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
06/01/2024 23:01 # 1
vutmaihoa
Cấp độ: 20 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 68/200 (34%)
Kĩ năng: 5/20 (25%)
Ngày gia nhập: 03/03/2021
Bài gởi: 1968
Được cảm ơn: 15
KINH NGHIỆM ÔN THI KHÔNG VƯỢT QUÁ 7.5 IELTS


Xin chào các bạn đang ôn thi IELTS
Thực ra tôi giật tít thế cho oách, chứ bất kì ai cũng có mong ước thi IELTS điểm càng cao càng tốt. Tôi thi hôm 1.2 tại IDP, được 7.5 Overall, nghe đọc trên 8 còn viết nói đều 6.5. Thực ra cũng chẳng có gì làm tự hào lắm để làm bài chia sẻ, nhưng tôi nghĩ rằng một số nhỏ nào đấy sẽ thấy bài viết của tôi là hữu ích. Mời các bạn đọc tiếp.
Nền tảng
Trước khi bắt đầu, chúng ta cũng cần nói rõ với nhau người chia sẻ đang ở level nào. Tôi thấy nhiều người chia sẻ hay giấu yếu tố này đi, kiểu như học vài tháng được 8.5 hay bí quyết học 1,2 tuần được 7.5. Điều này là đánh tráo khái niệm vì các bạn đã không chuẩn chỉ ngay từ nền tảng rồi thì khó mà tin bài chia sẻ đấy được. Chẳng hạn có bạn đi thi quốc gia tiếng Anh, có bạn đang sống ở Tây, có bạn là Việt kiều, thì cách các bạn học và ôn sẽ khác rất nhiều đại đa số những người bình thường khác.
Nền tảng tiếng Anh của tôi tương đối tốt, hoặc có thể nói là ổn hơn phần lớn các bạn đang đọc bài viết này.
-Tôi thi đại học tiếng Anh 9, tốt nghiệp 10
-Tôi thi TOEIC năm 2015 được 940/990 (làm 3 đề rồi thi luôn)
-Tôi thi IELTS được 7.5 Overall (đăng ký xong 2 hôm sau thi luôn)
-Tôi nền tảng là tiếng Tàu với 4 năm đại học chỉ cày tiếng Tàu, không luyện tiếng Anh quá nhiều, chỉ ở mức duy trì. Tiếng Tàu tôi nói trôi chảy, dịch viết nghe nói đều okei nên bất lợi lớn nhất với tôi chính là thứ tiếng tượng hình này. Nó cản trở khá nhiều tư duy ngôn ngữ tiếng Anh của tôi.
-Tôi là dân dịch bilingual, nghĩa là song ngữ Anh-Tàu. Tôi chủ yếu dịch nói tiếng Tàu và dịch viết-nói tiếng Anh. Level dịch của tôi khá ổn vì từng dịch sách, hợp đồng, các thể loại báo chí, thư từ, tình yêu, kỉ yếu, kỉ niệm trường Ams các kiểu… Do đó, tôi là dân tay ngang chuyển từ dịch sang đi thi cũng không sai. Tiếng Anh của tôi chủ yếu để kiếm tiền, không phải để đi thi thố nên có nhiều điểm khác biệt, tôi sẽ giải thích bên dưới.
Nói sơ qua về nền tảng tiếng Anh để các bạn thấy rằng, việc thi được 7.5 với tôi có thể coi là thấp. Tôi cũng không lấy gì làm vinh dự khi được con số này, vì mệnh phong thủy của tôi hợp với 8.5 hoặc 9 hơn. Dù sao thì cũng thi rồi nên nuốt nước mắt vào trong mà chia sẻ tiếp.
Ngữ pháp
Tôi đặc biệt nhấn mạnh phần này khi các bạn muốn bắt tay vào học ôn IELTS. Nhiều bạn nghĩ rằng cứ có nhiều tip tiếc các kiểu là thi điểm cao. Các bạn hơi nhầm. Một kim chỉ nam mà các bạn nên nhớ khi thi bất kì loại hình ngôn ngữ nào, đó là kiểm tra “năng lực ngôn ngữ” của bạn. Điều này có nghĩa là bạn phải hiểu được người ta nói gì, viết gì, nghe gì, thì mới có thể trả lời đúng được. Tip nó chỉ là chút gợi ý khi làm bài thôi, còn quan trọng nhất vẫn là nền tảng của bạn.
Nền tảng tiếng Anh dựa trên 2 thứ, ngữ pháp và từ vựng. Ngữ pháp là thứ rất quan trọng, tôi hay ví nó với bộ xương vì nếu không chắc ngữ pháp, các bạn đi thi vỡ mồm ngay. Thử nghĩ xem, các bạn viết câu đơn còn sai thì làm sao viết câu ghép, câu phức, mệnh đề quan hệ được. Đến cả nói một câu 10 từ các bạn còn phải nghĩ cách chia động từ, thì làm sao các bạn có thể tự tin mà thể hiện idiom, collocations với giám khảo được?
Do đó, lời khuyên trước tiên của tôi, là cày cho chắc ngữ pháp đã. Hãy ôn lại đủ 12 thì, các loại câu ghép, phức, câu điều kiện, câu gián tiếp trực tiếp, thậm chí là đảo ngữ nếu thích. Đây là nền tảng rất tốt để các bạn bắt tay vào ôn IELTS cho xứng đáng và không tốn thời gian vòng vo.
Đọc
Đây là cứu cánh cực kì quan trọng của bất kì bạn nào thi IELTS. Để được điểm cao phần đọc rất dễ, vì nó là phần duy nhất trong 4 kĩ năng mà người ta cho bạn sẵn mọi thứ, việc duy nhất của bạn là “tìm ra đáp án”.
Kĩ năng làm từng dạng bài, tôi sẽ chia sẻ sau, hoặc các bạn có thể tìm trên mạng, nhiều lắm. Nhưng quan điểm xuyên suốt khi làm bài đọc là phải hiểu mình đang đọc cái gì. Mấy cái tip kiểu đọc câu hỏi trước, gạch keyword, tìm paraphrase sẽ chỉ áp dụng được khi bạn đang thực sự hiểu. Nếu bạn không hiểu nội dung, có cho bạn 100 tip ngon, bạn cũng không biết áp dụng.
Lời khuyên của tôi, hãy luyện đọc thật nhiều để tăng khả năng hiểu bài khóa. Tôi là người đọc nhiều, thậm chí có thể coi là mọt sách. Trước khi thi, tôi không ôn phần đọc mà đã có hơn chục năm đọc sách tiếng Anh rồi. Tôi mới mua con Kindle nên cứ lúc rảnh là lôi ra quất. Kiếm chục quyển sách tiếng Anh các bạn thích về, vừa đọc vừa nhâm nhi ly trà, bên cạnh là quyển sổ, ghi lại cụm từ hay, thế là tự nhiên lên level một mớ.
Một cách hay khác mà tôi áp dụng thường ngày là đọc báo. Tôi rất thích đọc báo và cố gắng tìm những bài nhiều chữ và khó nhất có thể. Báo chí rất nhiều, nhưng các bạn nên đọc các báo của Tây viết, thay vì châu Á (kể cả Singapore).
Một số tờ báo tôi hay đọc gồm New York Times, New Yorker, Reader’s Digest, Washington Post, Boston Globe, The Atlantic…
Trong số hằng hà sa số các tờ báo này, tôi khuyến khích các bạn đọc New Yorker và New York Times. Hai tờ báo này thuộc dạng xã luận đình đám, viết rất khó nhưng từ vựng thì tuyệt hảo, hành văn đúng chất Tây xịn, đọc rất sướng. Các báo này tuần nào cũng ra, bạn đi in mấy bài hay về đọc, đảm bảo sau một vài tháng sẽ thấy khả năng lên khủng khiếp.
Quan trọng nhất với việc đọc, là phải duy trì hằng ngày và liên tục. Đừng hứng lên tìm chục bài báo, đọc xong hôm sau nghỉ 2 tháng để dưỡng thương. Như thế là lợi bất cấp hại. Học ít, mỗi ngày một chút, đều đặn, sẽ giúp bạn tiến xa.
Để biết level đọc của bạn thế nào là tốt, hãy đọc mấy tờ báo khó tôi nói ở trên. Khi bạn đọc tới mức mà không cần suy nghĩ về từ vựng hay cấu trúc ngữ pháp (dù đó là từ mới hay cấu trúc lạ), thì nghĩa là ngữ cảm của bạn đã rất tốt rồi.
Nghe
Tôi không thích xem phim nên không khuyến khích các bạn luyện nghe từ phim. Tôi thích nghe podcast hơn. Tôi nghe podcast siêu tạp, từ các thể loại show yêu đương, tâm lý như Dear Sugar tới chính trị, xã hội như CNN Podcast. Tôi down nhiều podcast và nghe mỗi ngày chừng 30-60 phút.
Nghe podcast có một cái hay là chủ đề đa dạng và bạn không bị mất tập trung. Xem phim chẳng may mà có cảnh nóng thì tôi nghĩ khó mà học tiếp được. Podcast thì chẳng có hình ảnh gì, bạn cứ nghe phăm phăm tới lúc ngủ thì thôi. Nhưng bù lại cho cái lợi không mất tập trung thì nghe podcast siêu nhàm chán. Nếu bạn có tính kỉ luật kém, tốt nhất nên ngừng nghe podcast.
Podcast các bạn có thể tìm theo chủ đề trên các trang hay apps như Stitcher, BBC, CNN. Mỗi ngày nghe một ít, cầm theo cái bút, đảm bảo có cái gì hay thì chộp luôn. Đừng nghe nhiều quá, tẩu hỏa nhập ma mà ngủ thì sâu.
Viết
Đây là kĩ năng tôi ít chuẩn bị nhất khi đi thi IELTS, do đó điểm không tốt. Tôi biết trước điều này nên cũng không phàn nàn gì. Để thi được điểm viết IELTS cao, trước hết hãy luyện ngữ pháp và collocations đã các bạn ạ. Hãy chắc chắn rằng các giới từ đi với nhau cho chuẩn, hãy chắc rằng bạn viết biết chia /s/ hay /es/ đúng chỗ, thế là tốt rồi.
Tôi hay luyện viết bằng hai cách, đó là chép bài mẫu (1) và tự đặt câu (2). Cách chép bài mẫu sẽ hiệu quả với những bạn mới học mà không biết bắt đầu từ đâu. Hãy tập chép các bài luận hay trong IELTS, chép khoảng vài lần là tự nhiên “ăn trộm” được một số cụm hay ho rồi. Picasso bảo rồi, nghệ sĩ non tay sao chép, nghệ sĩ lão luyện ăn cướp.
Sau phần “sao chép”, hãy chuyển qua phần “ăn cướp” như Picasso. Lúc này, hãy dùng những cụm từ, cấu trúc hay mà bạn ghi được, tự biến nó thành của mình. Hãy đặt những câu vô thưởng vô phạt và chép nó ra. Mỗi cụm hay, bạn hãy đặt vài ba câu cho chắc cú. Cách làm này rất tốt vì giúp bạn nhớ và hiểu hơn cách dùng.
Nói
Tôi là dân đi dịch nên lỗi lớn nhất với tôi khi nói trong IELTS chính là nói quá nhanh. Do “di chứng” từ đợt học tiếng Tàu khi phải đóng vai rapper liên tục nên tôi lúc nào cũng nói quá nhanh. Do đó, thay vì nghĩ rằng mình không bắn tiếng Anh như gió, nói phăm phăm, các bạn hãy nói chậm, đúng ngữ điệu, đừng thiếu ending sounds, bồi thêm tí ngữ pháp hay và chú ý nội dung, thế là okei.
Cách luyện nói của tôi rất đơn giản, đó là luyện với con gái mình. Con tôi mới đẻ, bé không biết nói nên tôi cứ luyện với bé mỗi ngày. Mỗi buổi nói của tôi thường kéo dài 30 phút lúc trông con cho tới khi bé ngủ. Cách tự nói này rất hay, nhất là nếu bạn ghi âm lại và nghe “tác phẩm” của mình. Luyện nói một mình chính là cách nhanh nhất để bạn cải thiện lỗi sai và phát âm khi nghe lại.
Lúc luyện nói, hãy tranh thủ sử dụng vốn từ vựng bạn có sẵn hoặc đã học để nhồi vào bài nói cho sinh động. Kĩ năng nói không có gì quá đặc biệt, đơn giản là bạn cứ nói nhiều thì não sẽ có phản xạ ngôn ngữ thôi.
Sau lần thi IELTS này, thực ra tôi thấy rất vui vì một trải nghiệm mất tiền mà hữu ích. Tôi chắc chắn sẽ thi lại cho tới khi được 8.5 thì thôi. Khi được điểm như ý rồi, tôi sẽ lại chia sẻ tiếp. Các bạn chịu khó chờ nhé hehe.
Tạm thế đã, sau này tôi sẽ cập nhật thêm các tip làm bài như đã hứa ở trên. Các bạn có thể theo dõi nếu thấy bổ ích. Chúc các bạn thi tốt và đạt được mọi ngưỡng đề ra.



 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024