Chatbox

Các bạn vui lòng dùng từ ngữ lịch sự và có văn hóa,sử dụng Tiếng Việt có dấu chuẩn. Chúc các bạn vui vẻ!
06/03/2024 22:03 # 1
phanvanvy
Cấp độ: 24 - Kỹ năng: 2

Kinh nghiệm: 66/240 (28%)
Kĩ năng: 6/20 (30%)
Ngày gia nhập: 07/02/2020
Bài gởi: 2826
Được cảm ơn: 16
Mùi nến thơm có thể gây bệnh


Sử dụng nến thơm để khử mùi phòng có thể gây khó thở, ngạt thở, tiếp xúc lâu dài trong môi trường kín làm tăng nguy cơ mắc ung thư.

Nến thơm được nhiều người sử dụng để thư giãn tinh thần, khử mùi hôi trong nhà. Bác sĩ Mai Mạnh Tam, khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết mùi hương nồng đậm của nến thơm có thể gây kích thích ở người nhạy cảm với mùi hương; làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), viêm mũi dị ứng, hen suyễn...

Thành phần cơ bản của nến thơm bao gồm sáp, sợi bấc và hợp chất tạo mùi. Đối với sáp nến, paraffin được sử dụng phổ biến nhất, thường có trong loại nến giá rẻ. Hợp chất này có nguồn gốc từ dầu hỏa, khi đốt tạo ra các chất hóa học như formaldehyde và benzen. Hai chất này đều được xếp vào danh mục chất gây ung thư, có thể tiếp xúc qua đường hô hấp, đường miệng và da.

Hương liệu tạo mùi thơm của các loại nến có thể là tinh dầu hoặc hương liệu nhân tạo chứa phthalate. Khi nến cháy, phthalate được phát tán vào không khí, có thể bị hít hoặc hấp thụ qua da làm trầm trọng thêm các triệu chứng dị ứng, hen suyễn và thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể.

Nguyên liệu dùng làm bấc nến từ magie, chì, sợi cotton, gỗ... Trong đó, bấc nến có chì khi cháy phát tán muội than và các hạt vật chất kích thước nhỏ (PM), gây ô nhiễm không khí trong nhà. Nếu tiếp xúc với nồng độ cao, muội than và PM lắng đọng trong phế nang, gây ra nhiều vấn đề hô hấp.

Các sản phẩm có mùi thơm như nến thơm, sản phẩm tẩy rửa, chất khử mùi... có liên quan đến chứng nhức đầu, ho, khó thở, đau nửa đầu, lên cơn hen suyễn, viêm da hoặc viêm mũi dị ứng. Hít phải các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi là nguyên nhân gây kích ứng ở mắt, mũi và cổ họng, gắng sức khi thở và buồn nôn, tổn thương hệ thần kinh trung ương và các cơ quan khác.

Nến thơm có thành phần không an toàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe. Ảnh: Hà Phượng

Nến thơm có thành phần không an toàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe. Ảnh: Hà Phượng

Nến thơm có nhiều nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe nếu sản xuất từ các nguyên liệu không an toàn. Tuy nhiên sản phẩm này cũng có nhiều công dụng. Bác sĩ Tam lưu ý cách sử dụng dưới đây để đảm bảo phát huy công năng của nến thơm.

Gia đình nên đốt ở những nơi thoáng đãng và rộng rãi, không nên đốt tập trung nhiều cây nến ở cùng một chỗ. Tuyệt đối không thắp nến trong phòng khi đang mở máy lạnh bởi hơi lạnh khiến formaldehyde khó tan. Nhiều người có thói quen đốt nến trong phòng kín để mùi hương nồng hơn, tránh gió làm tắt nến, ví dụ như khi đang tắm. Khi đốt nến, nồng độ oxy giảm và tăng lượng khí CO2, khiến cơ thể choáng ngất vì thiếu oxy.

Nếu bạn hoặc người thân trong gia đình mắc một số bệnh về đường hô hấp, dị ứng với một số hương liệu nào đó thì không nên dùng nến thơm. Trường hợp dị ứng có thể gây đến các biến chứng rất nguy hiểm.

Ưu tiên chọn loại nến có thành phần an toàn, tự nhiên, sử dụng sáp cọ, đậu nành hay sáp ong. Mùi thơm của nến có thể sử dụng tinh dầu thiên nhiên. Bấc bông và bấc gỗ cứng là hai dạng bấc an toàn hơn so với bấc chì.

Đặt nến ở nơi an toàn, không nên bố trí ở nơi dễ bắt cháy như chăn mền, giấy, tránh xa tầm tay trẻ em. Chỉ đốt nến trong trường hợp có người trong phòng, tuyệt đối không sử dụng khi đang ngủ.

Khuê Lâm




 
Copyright© Đại học Duy Tân 2010 - 2024